Friday, April 19, 2024

Tiếng hát Tâm Vấn và Lộc Vàng đến Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Một buổi tối đầu Thu tươi mát, vài cơn gió nhẹ đã đưa dòng nhạc tiền chiến từ Hà Nội và Sài Gòn một thuở xa xưa trở về với Little Saigon trong khung nhạc thính phòng của Hội Quán Lạc Cầm, Westminster.

Những dòng nhạc vàng trữ tình ấy, những bài ca quê hương vượt thời gian ấy, mà các nữ danh ca tuổi nghề như Tâm Vấn, Kim Tước, và ông Lộc Vàng cùng một số tiếng hát yêu nhạc đã đưa tình người ly hương trở về với hương hoa âm nhạc. Một hương hoa không mùi vị, không sắc màu, nhưng thơm ngát tình người giữa khán giả và nghệ sĩ.

Một nữ danh ca đã nổi tiếng từ đầu nguồn tân nhạc Việt Nam, trong những năm cuối thập niên 40 ở Hà Nội, đầu thập niên 50 ở Sài Gòn, rồi trải dài đến đầu thập niên 70. Thời ấy, khán giả chẳng những ái mộ giọng hát, mà còn yêu thích vóc dáng xinh đẹp, khả ái của nữ danh ca Tâm Vấn.

“Hôm nay, lần đầu tiên được hát với tiếng đàn của cô em họ, là dương cầm thủ Minh Ngọc, và cũng lần đầu tiên, cô em đàn cho chị hát bài “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của Đoàn Chuẩn. Và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng là người bạn rất thân của Tâm Vấn. Năm 1988, Đoàn Chuẩn từ Hà Nội vào Sài Gòn, thì hồi đó ở Sài Gòn mới bắt đầu cho hát một số bài của các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Đoàn Chuẩn… Năm đó, Đoàn Chuẩn đàn Hạ Vy Cầm và chúng tôi đồng trình diễn ở rạp Thống Nhất,” Tâm Vấn chia sẻ.

Cũng là một trong những ca sĩ đầu nguồn của nền âm nhạc Việt Nam, thành công trong nghề ca nhạc và đàn dương cầm từ lúc 14 tuổi, rất nổi tiếng vào những năm 50 tại Hà Nội và Huế, cũng đã vang danh tại Sai Gòn vào đầu thập niên 60, tham gia đêm nhạc hôm nay, là nữ danh ca Kim Tước.

“Đã lâu lắm rồi, tôi không xuất hiện trên sân khấu. Hôm nay được đến chung vui với chị Tâm Vấn và tất cả các bạn hữu ở đây. Xin có một bản nhạc để tặng chị Tâm Vấn và chị Phương Lan. Đây là bài nhạc ‘Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn’ của Văn Phụng. Và tôi nghĩ rằng, những ngày còn lại thì cũng như là những ngày mình đi trong những buổi hoàng hôn rất đẹp.”

Nữ danh ca Kim Tước tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Nữ danh ca Kim Tước tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Kim Tước hát vẫn còn hay lắm, hát như lời chia sẻ tình người, nhất là trong những ai đang đi trong hoàng hôn của mùa Thu đầy lá vàng rơi rụng.

Trên sân khấu của Lạc Cầm, Hoàng Trọng Thụy giới thiệu một nhân chứng sống của lịch sử âm nhạc Việt Nam, đó là Lộc Vàng.

Lộc Vàng từ Hà Nội sang, trước tiên là đi dự đại hội Hội Thơ Tài Tử của nhà thơ Lê Quang Sinh và Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng tổ chức. Sau đó được bè bạn đưa đi thăm viếng chỗ này chỗ nọ ở Little Saigon và nhiều nơi khác. Nhân tiện ông gặp nữ danh ca Tâm Vấn, và bà “rủ” ông đến Hội Quán Lạc Cầm đêm nay để “cùng hát cho nhau nghe.”

Theo danh ca Tâm Vấn và Hoàng Trọng Thụy kể lại, Lộc Vàng là một người nghệ sĩ đã hy sinh cả đời trai trẻ của mình, một người mê nhạc vàng đến độ phải bị ở tù mười năm ở Hà Nội trước năm 1975, chỉ vì nỗi đam mê âm nhạc. Và ông mê nhạc từ lúc mà nhiều người khác chưa biết ‘nhạc vàng’ là gì. Và theo ông Lộc Vàng, ngày xưa, tại Hà Nội không có nhạc tiền chiến, mà chỉ có nhạc vàng mà thôi.

“Tại sao không gọi là nhạc tiền chiến mà gọi là nhạc vàng?”, Hoàng Trọng Thụy đặt câu hỏi.

“Theo tôi hiểu, trước năm 1954, những nhạc sĩ Việt Nam mới bắt đầu viết những bài tân nhạc vì được thừa hưởng nền âm nhạc của người Pháp dạy cho họ, mà chỉ có những người con của nhà giàu mới được học, và học những nốt nhạc như Đồ, Rê, Mi… Thời gian sau đó, các ông mới bắt đầu sáng tác những bài nhạc Việt Nam. Và những nhà nhạc sĩ đó mượn danh những nốt nhạc mà người ta quý như vàng, cho nên các ông đặt tên là dòng ‘nhạc vàng’, tại vì vàng là vật rất quý giá. Nhưng đến sau 1954, từ chính phủ này đổi sang chính phủ kia, thì các ông trong chính phủ miền Bắc định nghĩa vàng là vàng vọt, vàng là màu lá úa, vàng là ủy mị,” Lộc Vàng trả lời.

Ông cho biết thêm, “Ở miền Bắc, nhạc từ trước năm 1945 chỉ có vài bài thôi. Và sau năm 1945 đến năm 1954 thì có nhiều bài nhạc Việt ra đời. Cho nên nhiều người bảo rằng, nhạc tiền chiến có trước chiến tranh, là tại vì họ đã cộng những bài nhạc đó cho đến năm 1954, mà người ta vẫn gọi là nhạc tiền chiến. Ở một đất nước, người ta thích đặt tên nào thì mọi người nghe theo cái tên đó, nhưng theo tôi, đó là dòng nhạc trữ tình của Việt Nam, được quý như vàng, chớ không có nhạc tiền chiến hay hậu chiến gì cả.”

Tiếng hát của Lộc Vàng trong bài “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, một bài nhạc rất quen thuộc với những người thích dòng ‘nhạc vàng,’ lời bài nhạc được ông thả hồn theo tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Huy Cường. Lời nhạc trữ tình qua dòng nhạc êm dịu, gọi là dòng ‘nhạc vàng’ thật đúng theo ý nghĩa của nó.

“Lộc Vàng” tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Lộc Vàng” tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo lời yêu cầu của khán giả, Lộc Vàng hát thêm một bài nữa của Đoàn Chuẩn, là bài “Tâm Sự Người Yêu.” Theo Lộc Vàng, bài nhạc này gần như là tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ông sáng tác năm 1956, nhưng không xuất bản.

“Trước năm 1968, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã cho tôi bài này, tôi thấy bài này là đỉnh cao cuối cùng trong những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, vì nói lên tâm trạng của nhạc sĩ yêu bà Thanh Hằng, bà ngày xưa cùng hoạt động với Đoàn Chuẩn trong một đoàn ca nhạc ở Hà Nội. Ông rất yêu bà, nhưng vì nghe lời bà Thanh Hằng nên cuối cùng ông phải ở lại Hà Nội. Mãi đến năm 1956, thì ông sáng tác bài nhạc này để tặng riêng cho người mình yêu,” Lộc Vàng kể lại.

Lộc Vàng hát bài này rất hay, vì có lẽ ông hát thay nỗi đau quặn thắt của Đoàn Chuẩn, khi đã bắt đầu yêu Thanh Hằng.

“Khi mùa Thu đến nhanh
Hoa Phù Dung im cành
Từng đàn bướm trắng bay nhanh, mong manh
Tiếc nhớ thương vay giận hờn bướm trắng có hay
Yêu có khác gì lúc chàng say
Thuở ấy, tâm hồn chưa vướng lưới
Thời gian chưa đủ xóa niềm tin
Đôi môi chưa gợn men ân ái
Bướm lả lơi nhìn trong mắt xanh
Rồi có hôm nào không nhớ rõ
Hình em đến tận đáy lòng anh
Hoa kia không ngủ trăng thao thức
Bướm đã vướng mình, chim cứ bay…”

Rồi ông tiếp tục hát như lời tâm sự của một chuyện tình bị dở dang, đã khiến Đoàn Chuẩn ở lại trong khung trời Hà Nội để còn gặp người mình yêu.

“Em muốn nói gì lúc về Thu
Một phút yêu lầm Cô Tô mất
Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai
Nên anh ghê sợ cho đôi mắt
Giấc mộng đêm nào trong Liễu Trai.”

Đoàn Chuẩn vì yêu nên không thể rời xa Hà Nội, để rồi có một hôm nào không nhớ rõ, thuyền xưa đã rời bến mà đi… Lộc Vàng kết thúc đoạn cuối của một mối tình lãng mạn và đã tan vỡ của người nhạc sĩ tài hoa.

“Rồi có những chiều im tắt nắng
Người ta nhớ lại quãng ngày đi
Hoa xưa phong nhụy sen trong trắng
Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi?”

Lộc Vàng nói với Người Việt, ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc, lý do người ta gọi ông là “Lộc Vàng” là từ năm 1954, tại Hà Nội bị cấm hát nhạc vàng. Thời đó, ở miền Bắc chỉ có một dòng nhạc gọi là dòng nhạc cách mạng, và còn được dân gian gọi là “nhạc đỏ.”

“Nhưng mà chúng tôi gồm vài anh em bạn cứ tụ tập với nhau hát ở trong nhà và hát toàn những bài nhạc trước năm 1954. Đến tai nhà nước và họ bắt bọn tôi, vì họ bảo bọn tôi là tuyên truyền chủ nghĩa trụy lạc của đế quốc. Rồi sau đó tôi bị ở tù 10 năm vì tội hát nhạc vàng. Sau khi ở tù về còn phải chịu bốn năm mất quyền công dân nữa,” Lộc Vàng chia sẻ.

Cũng theo ông, đến năm 1987, thì nhà nước bắt đầu cho hát lại một số bài nhạc trước năm 1954, mà người ta còn gọi là nhạc tiền chiến, gồm những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý…

Lộc Vàng cho biết thêm, “tại Hà Nội, năm 1991, tôi mở một quán cà phê ca nhạc, bị cấm. Đến năm 1994 tôi mở thêm một quán nữa, cũng bị cấm. Đến 1997 mở một quán nữa thì cũng bị họ cấm. Tại vì tất cả quán cà phê phải có giấy phép của nhà nước, và họ không cấp giấy phép cho tôi mở quán là vì quán của tôi chỉ toàn hát nhạc vàng. Mãi đến năm 2008, thì tôi bắt đầu tiếp tục mở thêm một quán cà phê nữa ở Hồ Tây, và tôi lấy tên quán là quán cà phê Lộc Vàng, vì một số nhạc vàng đã được cho phép hát. Thế từ đó cho đến bây giờ, quán Lộc Vàng vẫn mở và mỗi tuần gồm ba buổi tối có ca nhạc cho mọi người nghe, mà chủ đề chỉ có hát nhạc vàng mà thôi.”

Theo ông Lộc Vàng, quán cà phê này do ông thuê chỗ. Từ ngày mở quán cho đến nay đã tám năm, ông bị lỗ sạch vốn, và phải bán nhà để bù đắp lại cho những chi phí của quán cà phê này. Lý do ông lỗ vốn là những ngày thường thì vắng khách, chỉ có khách vào những đêm ca nhạc, và chỉ lấy giá rất bình dân, vì lấy giá cao thì khách không đến.

Quán này là chỉ để có nơi cho ông được thỏa niềm đam mê âm nhạc, vì thế, ông không có ý kinh doanh vào tiếng hát của mình, mà chỉ muốn tạo một “sân chơi” cho những ai thích nghe những dòng nhạc trữ tình hay còn gọi là nhạc vàng hoặc nhạc tiền chiến.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT