Thursday, May 9, 2024

Thím Bảy Giỏi, cuộc tìm kiếm hi hữu

Từ Nguyên

Cuối cùng thì gia đình tác giả cũng đã tìm được Thím Bảy Giỏi. “Năm năm sau, năm 2009, chúng tôi đã được… đoàn tụ với Thím Bảy Giỏi sau bao năm tìm kiếm,” lời của Đỗ Quỳnh Dao, con gái của Đỗ Bá Thế, nói với Từ Nguyên, tại Paris.

Thím Bảy Giỏi là nhân vật chính trong tác phẩm của Đỗ Bá Thế viết trên nhật báo Quyết Tiến xuất bản tại Sài Gòn cuối thập niên 1960. Gia đình của tác giả ra công tìm kiếm, sao lục báo từ các thư viện lớn ở hải ngoại, in lại thành tập truyện hơn 800 trang. Một công trình thật ý nghĩa và quý báu! 

Về cuốn sách

Sách khổ 16.5 x 24, 870 trang, bìa mỏng có bao ngoài. Do gia đình tác giả in tại Mỹ. Ấn bản đầu tiên, Tháng Chín, 2016. ISBN 978-0-9979967-0-8.

Bắt đầu sách, tác giả viết lời tựa như sau:

“Thím Bảy Giỏi là một sáng tác góp nhặt các việc xảy ra trong thời gian dân tộc Việt tranh thủ giành độc lập, đúc kết thành truyện. Tên họ nhân vật, địa điểm, đơn vị và hành động không hoàn toàn đúng sự thật.

Sở dĩ có tên các bậc anh hùng chí sĩ, chiến sĩ mà ngày nay đã thành người lịch sử và tên các chiến hữu còn sống hay chết trong tù ngục độc tài phát xít, hoặc đang tranh thủ để bảo vệ nền tự do dân chủ, là vì các bạn đã viết trang sử cách mạng Việt Nam hiện đại.

Tôi thành kính nghiêng mình trước anh linh các bậc đã bỏ mình vì nước.

Với các chiến hữu, các bạn xa gần, xin thông cảm nỗi lòng tác giả.”

Đỗ Bá Thế 

Về tác giả

Sách ghi về tác giả như sau:

“Tác giả sinh năm 1917 tại Long Xuyên và mất năm 1981 tại Sài Gòn. Từ lúc còn trẻ, ông tham gia Nhóm Đệ Tứ Tranh Đấu, tức là nhóm La Lutte của ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch… hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp.

Sau năm 1954, ông sống tại miền Nam, hoạt động điện ảnh, và đã thực hiện các phim Ánh Sáng Miền Nam, Đất Lành, cùng một số phim ngắn.

Từ năm 1960 đến năm 1975, ông bắt đầu viết tiểu thuyết và làm việc trong ngành báo chí. Ông cộng tác với các báo Tự Do, Chính Luận, Quyết Tiến, và Hoà Bình trong mục phiếm luận và tiểu thuyết.

Thím Bảy Giỏi là một trong những tác phẩm của ông được đăng trên báo Quyết Tiến trong thời gian này.” 

Hình bìa tác phẩm Thím Bảy Giỏi. (Hình: Từ Nguyên cung cấp)
Hình bìa tác phẩm Thím Bảy Giỏi. (Hình: Từ Nguyên cung cấp)

Phỏng vấn Đỗ Quỳnh Dao về cuộc tìm kiếm Thím Bảy Giỏi 

Từ Nguyên: Sáng kiến sưu tầm các bài viết của bác trên báo Sài Gòn, đặc biệt là tờ Quyết Tiến, do từ đâu mà ra, bắt đầu như thế nào?

Quỳnh Dao: Thưa anh, năm anh chị em chúng tôi luôn nhớ câu nói của ba chúng tôi, ông Đỗ Bá Thế: “Ba muốn viết để lại cho mỗi đứa con một tiểu thuyết và in các tiểu thuyết đó ra thành sách.”

Nhưng ba chúng tôi chỉ viết được ba tiểu thuyết đăng trên nhật báo rồi qua đời. Đó là Thằng Tư Rô, đăng trên nhật báo Tự Do; Thím Bảy Giỏi trên nhật báo Quyết Tiến; và Ngã Tư Quốc Tế, trên nhật báo Hòa Bình.

Ý muốn thực hiện ước nguyện của ba chúng tôi bắt đầu từ năm 2004 và chúng tôi đã gom được bản thảo Thằng Tư Rô và Ngã Tư Quốc Tế do chú Hồ Văn Đồng và gia đình bác Lê Thương gởi qua, duy chỉ có Thím Bảy Giỏi thì bị thất lạc.

Từ Nguyên: Vậy thì các anh chị đã làm sao?

Quỳnh Dao: Chúng tôi đã nhờ người nhà ở Việt Nam kiếm bản thảo gốc của Thím Bảy Giỏi nhưng vẫn không kết quả. Vì thế chúng tôi quyết định truy tìm báo Quyết Tiến tại các thư viện trên thế giới và nhất là tại Mỹ.

Trong thời gian đó, chúng tôi nhận được nhiều email cho biết tin về Thím Bảy Giỏi và trong số người sốt sắng giúp đỡ, xin được nhắc đến bác Trần Ngươn Phiêu và chị Trần Mỹ Châu.

Trần Mỹ Châu, con của Trần Văn Thạch (một trong ba nhân vật nòng cốt của Nhóm La Lutte Tranh Đấu, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch) gần đây đã xuất bản quyển “Trần Văn Thạch (1905-1945) một cây bút chống bạo quyền áp bức,” ghi lại tư tưởng và hoạt động của một trí thức Đệ Tứ tại Sài Gòn thời thuộc địa Pháp với những biến cố lịch sử được sưu tầm rất công phu.

Từ Nguyên: Đây là một việc thật là khó khăn, mất nhiều thì giờ… Xin cho biết những khó khăn đó trong thực tế như thế nào?

Quỳnh Dao: Tìm kiếm trong bốn năm, từ 2004 đến 2008, nhưng vẫn không một manh mối. Đã có lúc anh chị em chúng tôi rất chán nản nhưng rồi gặp được nhiều may mắn xảy đến liên tục. Xin dài dòng kể về chuỗi may mắn nối tiếp đến với chúng tôi.

Năm 2008, chị Trần Mỹ Châu tìm ra một link cho biết sách báo được lưu trữ tại các thư viện nào trên thế giới. Chị dặn dò đừng có nản lòng và cố vào link rà tìm báo Quyết Tiến.

Và đó là may mắn thứ nhất. Chúng tôi đã tìm được báo Quyết Tiến lưu trữ dưới dạng microfilm tại hai đại học Harvard và Cornell.

Tiếp đến là may mắn thứ hai. Con của hai anh chị bạn thân trong gia đình có liên lạc với Ðại Học Harvard, và cháu đã vui vẻ nhận lời vào thư viện tìm Thím Bảy Giỏi. Tiểu thuyết Thím Bảy Giỏi được đăng tất cả trong 323 số báo. Vấn đề là không biết Thím Bảy Giỏi được đăng vào lúc nào mà báo Quyết Tiến là một nhật báo phát hành từ Tháng Ba, 1964 đến Tháng Hai, 1970, tổng cộng khoảng hơn 1,800 số báo.

Lục lọi tìm kiếm và cuối cùng cháu tìm ra và đã scan gởi qua Internet cho chúng tôi. Nhưng chỉ được khoảng năm tháng báo và sau đó, việc scan các số báo phải tạm đình lại vì cháu bận việc. Tưởng phải đợi lâu không ngờ chúng tôi gặp được may mắn thứ ba.

Người quen của bác Trần Ngươn Phiêu, ông David MacKenzie (Institute for Social Research, Swinburne University of Technology, Australia), đang nghiên cứu về cuộc đấu tranh chống thực dân của Việt Nam và vai trò của nhóm Đệ Tứ trong cuộc đấu tranh này.

Ông MacKenzie muốn tìm Thím Bảy Giỏi để biết về chuyến đi ra Bắc của Tạ Thu Thâu và qua sự giới thiệu của bác Trần Ngươn Phiêu, đã liên lạc với chúng tôi. Ông MacKenzie mượn thẳng với Đại Học Harvard, rồi sau đó scan và gởi qua. Giữa đại học và đại học, việc mượn microfilm thật dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng microfilm của Đại Học Harvard lại không có đầy đủ các số báo Quyết Tiến!

Từ Nguyên: Tiếc quá nhỉ! Nhưng vẫn còn được may mắn?

Quỳnh Dao: Vâng, đây là may mắn thứ tư. Chị Trần Mỹ Châu khi về Việt Nam thăm mẹ đã giúp lục lọi các thư viện và cuối cùng tìm thấy một số báo thiếu trong Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp ở Sài Gòn. Đó là năm 2009, và như vậy, chúng tôi đã gom góp gần đầy đủ các số báo Quyết Tiến có đăng Thím Bảy Giỏi.

Trời Phật đã phù hộ chúng tôi, ba chúng tôi đã phù hộ các con, cho chúng tôi gặp được bao nhiêu người giúp đỡ đoàn tụ với Thím Bảy Giỏi sau bao năm tìm kiếm.

Từ Nguyên: Khi trình bày, các anh chị giữ nguyên bản hay có sửa chữa? Những đoạn bị kiểm duyệt nay cũng đành chịu thôi?

Quỳnh Dao: Thưa anh, chúng tôi làm việc lúc đầu qua email và về sau qua Skype, để dò lỗi chính tả, mò mẫm cố đoán các đoạn mờ khi chụp lại qua microfilm. Cố gắng giữ nguyên văn phong (ý và lời) của tác giả và hội ý với nhau khi cần sửa chữa vài sai biệt về tên gọi, địa danh, v.v…

Về những đoạn bị kiểm duyệt, về các số báo thiếu và về phần thứ bảy của cuốn tiểu thuyết không đăng trên báo, thì chúng tôi bó tay đành chịu vì bản thảo gốc đã bị thất lạc.

Xin nói thêm về phần thứ bảy không đăng trên báo. Chúng tôi nghĩ rằng tác giả Đỗ Bá Thế, vì biết chương này sẽ bị kiểm duyệt, nên đã viết tránh như sau:

“Chương này đáng lý chúng tôi đề cập đến các khía cạnh của ‘Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ’ trong giai đoạn đầu, nhưng vì một vài lẽ riêng cần gác lại, và sẽ được viết kỹ khi in thành sách với bổ túc và tham khảo tài liệu thêm. Tác giả xin đi qua chương này để chuyển sang chương kế tiếp.”

Từ Nguyên: Các anh chị đã lên trang và in ấn như thế nào để thành cuốn sách dày cộm thế này? 

Quỳnh Dao: Như đã nói, vì muốn hoàn thành ước nguyện của ba chúng tôi nên năm anh chị em đều góp sức cống hiến. Dĩ nhiên, theo khả năng của mình, chẳng hạn lên trang, trình bày,…thì do anh chúng tôi đảm nhận.

Từ Nguyên: Lần đầu in ra bao nhiêu cuốn và đã phát hành như thế nào?

Quỳnh Dao: Chúng tôi đã tự in 150 quyển, để biếu gia đình, bạn bè và thư viện.

Từ Nguyên: Độc giả đọc qua bài này muốn có Thím Bảy Giỏi phải làm sao?

Quỳnh Dao: Chúng tôi đang suy nghĩ về vấn đề này và nếu thuận tiện sẽ phổ biến Thím Bảy Giỏi dưới dạng sách giấy hay e-book.

Từ Nguyên: Xin cho biết dự tính của các anh chị trong tương lai?

Quỳnh Dao: Chúng tôi hy vọng sớm hoàn tất hai tác phẩm sau của ba chúng tôi, ông Đỗ Bá Thế.

Từ Nguyên: Xin cám ơn Quỳnh Dao và xin chúc các anh chị sớm thành công mỹ mãn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT