Thursday, March 28, 2024

Trịnh Mai và lớp dạy vẽ các vị cao niên gốc Việt



Thiên An/Người Việt


 


WESTMINSTER, California (NV) – Lấm lê đủ loại màu nước dính trên tay áo, cô Trịnh Mai tiến vào hội trường nơi cô dạy vẽ cho các vị cao niên mỗi Thứ Tư. Dù chưa từng sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam, Little Saigon đã giữ chân người nữ hoạ sĩ sau lần triễn lãm ở nơi này hơn hai năm trước.









Trịnh Mai tại một buổi hội thảo ở Đại Học Stanford. (Hình: Asian American Studies at Stanford University)


Sinh ra tại Pennsylvania, Trịnh Mai là chị, có một người em trai thua cô 13 tuổi. Anh này cũng là một nghệ sĩ đàn guitar. Cô Trịnh Mai mất nhiều năm, đi nhiều nơi, để tìm thấy một ngành học cho tâm hồn nghệ sĩ của mình. Một người thầy tên Robert Chiarito tại đại học San Jose State University đã dạy cô “tranh là tiếng nói để tìm nghe, hơn là một bức hình để ngắm.” Tại đây, cô Mai tốt nghiệp cử nhân ngành hội họa.

Chấp nhận theo đuổi hội họa chuyên nghiệp, người phụ nữ trẻ với nước da ngăm đen, luôn tươi cười này không ít lần “đói,” “khổ.” Cô kể về những lần không thể hoàn tất bức tranh vì cảm xúc đi lạc hướng, vì không thể chân thực đối diện với đề tài… Bên cạnh các tác phẩm được triển lãm hay giải thưởng ở Naples Museum hay ở San Francisco, là những lúc cô không bán được tranh trong nhiều tháng liền.

“Cũng nhiều lần ‘đói’ rồi,” cô cười lớn. “Nhưng chưa bao giờ đến mức trầm trọng. Với lại, mình tin tưởng vào hội họa. Khi khó khăn, mình cầu nguyện.”

Cô kể mẹ cô, hiện sống tại San Jose, hay đùa với hai chị em cô rằng: “Hay đó. Một nhạc sĩ và một họa sĩ. Tôi chắc sẽ nuôi hai chị em đến 40 tuổi.”

Cô nhắc nhiều đến mẹ và bà ngoại, người mà cô yêu mến. Bà ngoại cũng là người đầu tiên mà họa sĩ Trịnh Mai vẽ có liên quan đến văn hóa, con người Việt Nam.

Chính bức hình vẽ bà ngoại của họa sĩ Trịnh Mai ,tình cờ vào năm 2010, được một thành viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) phát hiện và mời tham dự triễn lãm tại Little Saigon.

Từ cơ duyên đó với Little Saigon, họa sĩ Trịnh Mai chuyển về đây sống và sáng tác, dù “trước đó chưa từng sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam.” Cũng qua lời giới thiệu của VAALA, Trịnh Mai được mời đến dạy cho chương trình học vẽ miễn phí của viện bảo tàng Bower dành cho cao niên Việt Nam từ Tháng Năm. Ngoài cô, cũng có một nữ hoạ sĩ trẻ khác, Anh Trần, phụ trách việc giảng dạy.









Lớp vẽ cho người cao niên do họa sĩ Trịnh Mai hướng dẫn, do viện bảo tàng Bowers và nhật báo Người Việt tổ chức. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Cô Trịnh Mai có gần 30 “học sinh” mỗi buổi học, da họ đã nhăn, nhiều người tóc đã bạc trắng, luôn gọi “cô giáo” với sự kính nể, dù tuối gấp hai gấp ba lần tuổi cô.

“Họ đến để học vẽ, còn mình đến để học đời từ họ,” cô giáo Trịnh Mai nói. Cô kể về cách nhìn nay đã khác về các bậc phụ huynh gốc Việt, về sự lạc quan và mạnh mẽ của người Việt tị nạn, về cả cây cọ vẽ của mình cũng nghiêng hẳn về văn hóa Việt.

“Lúc nào họ cũng khen ngợi tôi, nhưng họ nói nếu tôi là con họ, chắc họ không có khen đâu,” cô cười, liệt kê ra một trong nhiều điều cô “mới phát hiện” qua lớp vẽ.

Những cụ ông, cụ bà trong lớp vẽ, và cả cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon quanh thành phố Westminster nơi Trịnh Mai đang sống, đã tác động, chuyển hóa cây cọ của người nữ họa sĩ trẻ từ lúc nào. Trong hai buổi trình bày tác phẩm gần đây nhất, triển lãm “We Are Here” tại nhật báo Việt Báo, và đêm thi ca “Tám Nhà Thơ” của Thư Viện Fullerton, Trịnh Mai đều gửi gắm đến khán giả hình ảnh, tâm tình của thế hệ người Việt tị nạn đầu tiên đến Hoa Kỳ.

“Những năm gần đây, tôi nhận chìm mình vào cội rễ gia đình tôi, để hiểu về cái gốc của bản thân, của gia đình, của dân tộc. Những câu chuyện lịch sử mà tôi nghe được, thấy được tác động mạnh mẽ đến công việc hiện tại của tôi, từ vẽ màu, vẽ chì, nhiếp ảnh, đến thơ văn.”

Họa sĩ Trịnh Mai nói cám ơn đến những người xung quanh cô đã mang lại cho cô niềm vui sống và khả năng sáng tác, người bà, người mẹ, chồng cô, các “học sinh” cao niên trong lớp vẽ, và sự đón nhận từ cộng đồng gốc Việt tại Little Saigon.


“Nghệ thuật có thể làm êm dịu nỗi đau trong tâm hồn,” cô Trịnh Mai chia sẻ về bản thân vào những lúc đời sống gặp khó khăn, và về người cao niên trong lớp vẽ mỗi Thứ Tư nói với cô rằng “tôi đang được chữa lành.”

“Những gì hội họa đã làm cho tôi, tôi muốn trao lại cho những người khác,” người nữ hoạ sĩ trẻ nói.


Liên lạc tác giả: [email protected]


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT