Wednesday, April 24, 2024

Ðiểm lật Minsky


Vụ Lehman Brothers sụp đổ mới chỉ là cuộc du ngoạn…

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Tuần qua, một biến cố khác tại New York bị lãng quên khi Hoa Kỳ tưởng niệm vụ khủng bố 9-11 và bốn ngày sau, thành phố New York lại giật mình về nạn khủng bố…

Vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín năm 2001 làm thay đổi bộ mặt thế giới, với chấn động vẫn kéo dài. Biến cố kia cũng gây ảnh hưởng tương tự nhưng lại có tầm chú ý thu hẹp hơn: ngày 15 Tháng Chín năm 2008, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers sụp đổ tại Hoa Kỳ giữa cao điểm của cuộc bầu cử tổng thống và kéo theo hàng loạt đại gia tài chánh rồi dẫn đến nạn Tổng Suy Trầm 2008-2009. Sau đó, kinh tế thế giới chưa hồi phục, khủng hoảng còn tiếp tục tại Âu Châu và ngày nay, ngần ấy đầu máy kinh tế của thế giới đều như sên leo dốc.

Riêng có kinh tế Trung Quốc thì có thể trôi vào khủng hoảng trong vòng ba năm tới!…

Nếu quý độc giả tò mò không hiểu vì sao có người ưa bộ môn kinh tế – loại “khoa học u ám” – mà lại còn viết về kinh tế lồng trong chính trị, xin nhớ đến “cái thú đau thương.” Nói chuyện đau thương sắp tới thì cũng thú vậy!

***

Trước vụ Lehman Bros. nhiều nhà kinh tế đã từng báo động, mà mấy ai nghe.

Mời độc giả xem thêm video: Cảnh sát bắt được nghi can vụ nổ bom ở New York

Trong số này có Hyman Minsky (1919-1996), nhân vật quái dị và xuất chúng với luận cứ đi trước thời đại có khi nửa thế kỷ, hai thế hệ. Sau vụ khủng hoảng, thiên hạ mới tìm hiểu Minsky thì ông đã đi rồi. Khi còn tại thế và dạy học, Minsky khơi khơi bảo rằng sự ổn định gieo mầm khủng hoảng và chỉ ra cái mầm là tâm lý đầu cơ trên thị trường tài chánh, nơi người ta vay tiền của hiện tại với hy vọng trả lại vào tương lai và ở giữa thì cứ thu lời bộn. Chuyện đời nào dễ như vậy nên khủng hoảng sẽ xảy ra. Ngày nay, nếu dùng cái thước Minsky mà kiểm thì vụ Lehman Bros. năm 2008 mới chỉ là rong chơi trong vườn Thu đỏ ối! Những ai muốn tự hành hạ thì nên tìm đọc cuốn “Why Minsky Matters” do một môn đệ của ông là Giáo Sư L. Randall Wray mới xuất bản. Cái thú đau thương là vậy.

Số là đúng ngày 15 vừa qua, khi người ta lãng quên Lehman Bros. (ngân hàng đầu tư hạng thứ tư của nước Mỹ), thống kê Âu Châu cho biết số xuất cảng của khối Euro tính đến Tháng Bảy đã sụt 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiết vẩn vơ ấy xuất hiện vài ngày sau khi có tin là xuất cảng của Ðức cũng giảm tương tự, 10%.

Có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ tư sau Mỹ, Tàu, Nhật, nước Ðức là cái neo cho khối Euro và cả Liên Âu. Nhưng với kinh tế lệ thuộc vào xuất cảng đến 46%, cái neo này mà chìm sâu hơn vì xuất cảng sa sút, cả khối sẽ bị họa lây với hậu quả còn kinh hoàng hơn vụ Lehman Bros.

Trong mọi chu kỳ thăng thầm kinh tế, sáu bảy năm xảy ra một lần, đỉnh cao thường xuất hiện với loại tài sản lên giá vùn vụt. Con người lạc quan vô hạn bèn kết luận rằng loại tài sản ấy không thể sụt giá được. Cơ chế tài chánh lại còn cho nhồi tiền mua thêm cho đến khi đụng tới “điểm lật của Minsky” mới sụp đổ trong sự bất ngờ!

Âu Châu đang có loại tài sản không thể sụt giá là kinh tế Ðức. Các nền kinh tế Âu Châu khác còn có thể bị khủng hoảng chứ một đại gia đứng hạng tư toàn cầu (như Lehman Bros. tại Mỹ) thì không thể lật. Nhưng, xuất cảng Ðức chiếm 46% tổng sản lượng, nếu giảm 10% thì Tổng Sản Lượng sẽ mất 5%: nước Ðức chưa ra khỏi hoạn nạn, đảng cầm quyền liên tục thất cử tại các địa phương và lặng lẽ từ bỏ chánh sách kinh tế khắc khổ cho toàn khối Euro. Khi Ðức suy sụp thì sẽ kéo theo Âu Châu, rồi thế giới. Một Lehman Bros. có kích thước lục địa.

Lý do đơn giản mà giới chính khách ít nói ra – phần vì không biết – là kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi, kể cả Hoa Kỳ là nơi ít tệ nhất.

Ngần ấy khối, từ Hoa Kỳ tới Âu Châu, Ðông Á, qua Nga, Trung Ðông hay Nam Mỹ, đều muốn giảm nhập cảng và tăng xuất cảng để kích thích kinh tế sau khi nhiều nước đã hạ lãi suất tới sàn và lại còn dìm dưới số âm mà chưa thể đẩy cho cỗ xe vượt dốc. Vì nhân loại không có khả năng xuất cảng lên Cung Quế, xứ nào càng lệ thuộc vào xuất cảng là càng bị rủi ro. Ðó là mối nguy kinh tế của Ðức, với hậu quả xã hội chính trị lan rộng qua khối Âu Châu èo ruột vốn đã ôm vào lòng vụ khủng hoảng di dân và sự phân hóa từ sau Brexit.

Ðấy là lúc ta nên nghe hồi chuông cảnh báo khác của một cơ chế có thẩm quyền, là BIS.

Thế giới có Ngân hàng Thanh toán Quốc tế gọi tắt là BIS (Bank of International Settlement), là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương,” do các ngân hàng trung ương Âu-Mỹ thành lập từ năm 1930 với chức năng yểm trợ luồng trao đổi tư bản cho thông thoáng và ổn định. Nhưng BIS còn có trách nhiệm quan trọng hơn nữa, là theo dõi tình hình tài chánh toàn cầu để gióng chuông cảnh báo. Ðấy là trưởng điếm của các điếm trưởng trong ngôi làng tài chánh toàn cầu, với các thống kê nhức đầu moi ra từ mọi ngõ ngách chuyên môn.

Hôm 16 vừa qua, phúc trình của BIS gióng chuông về một lệch lạc trong luồng giao dịch tài chánh toàn cầu giữa lãi suất và hối suất, đấy là chi tiết đáng ngại cho giới chuyên gia. Người phàm thì chỉ cần biết các ngân hàng đang lo sợ và rút vốn thủ thế, với hiệu ứng là càng tăng tốc và khuếch đại biến động tài chánh sắp tới, trong khi dấu hiệu suy trầm đã tái xuất hiện.

Nhưng cũng trong cái thú đau thương, một chi tiết lý thú từ phúc trình nhức đầu của BIS là lần này, tâm điểm của trận bão sẽ là Trung Quốc. Tức là khi theo dõi “hội chứng Minsky” hay tâm lý hồ hởi sảng của thị trường, người ta nên nhìn qua Trung Quốc.

***

Theo BIS, vì không điều tiết được hệ thống tín dụng, Trung Quốc đang đối diện với một vụ khủng hoảng ngân hàng có thể bùng nổ trong vòng ba năm tới.

So sánh lượng tín dụng với sản lượng kinh tế của quốc gia, BIS tính ra là một mức cách giáng gấp 10 thì đã chứa nguy cơ tiềm thế, có thể xảy ra, cho hệ thống ngân hàng. Theo số liệu năm ngoái của BIS, hệ số đó tại Trung Quốc đã lên tới 25.4. Năm nay, con số đáng sợ ấy là 30.1.

Viết ra bạch văn: tổng số dư nợ của Trung Quốc đã chạm ngưỡng khủng hoảng là gấp 30 lần sản lượng, mà hiện vẫn còn tăng. Mức rủi ro đã vượt các nước Ðông Á trong vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ ngày 2 Tháng Bảy năm 1997 và bỏ xa Hoa Kỳ trước vụ Lehman Bros.

Tổng dư nợ của Trung Quốc ở khoảng 28 ngàn tỷ đô la (28 trước 12 số không!), bằng tổng số tín dụng ngân hàng thương mại của Hoa Kỳ cộng với của Nhật Bản. Với Tổng Sản Lượng GDP có khoảng 11 ngàn tỷ thì số nợ 28 ngàn cao bằng 255%, là cái ngưỡng tiếp cận khủng hoảng. Riêng khoản nợ của doanh nghiệp thì bằng 170% GDP, và đấy cũng là mối lo cho nhà cầm quyền đang sắp cầm đồ bỏ chạy.

Tháng Sáu vừa qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế định chế IMF đã khuyến cáo Bắc Kinh là phải giải quyết chuyện này càng sớm càng hay. Nhưng mãi tới nay, chưa thấy ai nhúc nhích, dù là Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nắm toàn quyền, hay Thủ Tướng Lý Khắc Cường đang bị lấn sân. Họ Tập hay các tổ lãnh đạo kinh tế của ông biết là không thể tiếp tục bơm tín dụng để hồi sinh các doanh nghiệp đã thành quỷ nhập tràng. Nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, hệ thống lãnh đạo của ông khó chịu nổi tình trạng động loạn xã hội khi cả ngàn doanh nghiệp vỡ nợ sẽ đổ dàn.

Vì vậy, máy bơm vẫn dồn tiền vào thị trường gia cư với tinh thần đầu cơ mà Minsky đã báo động.

Từ cuối năm 2014, khi Hoa Kỳ báo trước việc vuốt nhọn chánh sách tiền tệ là hãm đà bơm tiền và có ngày tăng lãi suất, Trung Quốc đã tìm cách giảm số nợ bằng đô la để khỏi trả nợ cao hơn. Nhưng tín dụng nội địa mà họ gọi là “địa phương trái” thì vẫn chất như núi. Ðấy mới là rủi ro cho cả hệ thống vì cái vòng luẩn quẩn: tránh nạn tẩu tán tài sàn mà vực đồng Nguyên bằng cách bán dự trữ ngoại tệ thì phải xiết khối tiền tệ và gây ra suy trầm cùng thất nghiệp. Và lại càng làm tư bản thất thoát.

Khi kiểm lại tình hình kinh tế toàn cầu, từ Âu qua Á qua Mỹ Châu, người ta có thể chọn xem nơi nào sắp có một vụ Lehman Brothers nữa. Người viết này chọn Trung Quốc. Thú thật!

MỚI CẬP NHẬT