Liên hệ xuyên Thái Bình Dương sẽ đi đến đâu?

Cổ-Lũy

Bài này trình bày tiếp những ý chính của chuyên gia về Trung Quốc và Hoa Kỳ, ông Mark Beeson thuộc ngành chính trị học và bang giao quốc tế, University of Western Australia, Úc. Người viết cũng đưa thêm những giải thích cần thiết và ý kiến riêng. 

Tổn thương danh giá

Theo ông Beeson, hai điều cần lưu ý khi nhìn vào địa dư chính trị khu Á Châu-Thái Bình Dương. Thứ nhất, sau “Chuyển trục về Châu Á/Pivot” của ông Barack Obama, tổng thống kế tiếp sẽ làm thay đổi nào theo ý họ chăng? Bà Hillary Clinton là ngoại trưởng khi Pivot ra đời (2011) và chắc sẽ không làm khác mấy. Khi tranh cử ông Donald Trump xác định sẽ chọn đường khác hẳn ông Obama: bỏ truyền thống “interventionist/can thiệp vào khắp mọi nơi” từ giữa thế kỷ 20. Sau nhậm chức, ông Trump vẫn là một dấu hỏi lớn. Ông không biết hai đường lối căn bản trong chính sách ngoại giao Mỹ; lại khá mâu thuẫn với khẩu hiệu “America First/Hoa Kỳ trước hết” (mặc kệ thế giới, “cô lập/isolationist”) đồng thời hô hào “thắng khắp mọi nơi” về quân sự, chính trị, ngoại thương vô cùng “interventionist.” Cả hai đều nhằm sách động nhóm cử tri tuy nòng cốt nhưng nhỏ và thiếu hiểu biết; ông cũng dọa Nhật và Nam Hàn phải đóng góp nhiều vào phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Trước và sau khi nhậm chức, ông Trump đòi xóa bỏ Hiệp Ðịnh Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) và nêu danh Việt Nam “là nước hưởng lợi nhiều nhất.” Thật hư ra sao, cũng là nhắm vào cử tri trung thành với mình – tuy đây rõ rệt làm Hoa Kỳ mất tiếng “đồng minh chiến lược đáng tin cậy.” Một số nước Ðông Nam Á đã chán ngán với việc Washington lắm khi lợi dụng khủng hoảng kinh tế để ép buộc những cải tổ ở khu vực này, hay hành động đơn phương ở Trung Ðông gây ảnh hưởng xấu đến nước Hồi Giáo lớn và ôn hòa nhất, Indonesia.

Thứ hai, Washington từng hưởng lợi vì Bắc Kinh hung hăng ở Biển Ðông. Một số nước Ðông Nam Á quan trọng phải nhích lại gần Washington vì những đe dọa quân sự, và phát ngôn ngông nghênh của Ngoại Trưởng Vương Nghị “Trung Quốc lớn, những nước khác nhỏ, sự kiện là vậy” trước diễn đàn ASEAN 2010. Phát ngôn này không chỉ từ miệng ông “Trời Con,” ông Beeson nhận xét đây là suy nghĩ và thái độ chung của người Hoa. Họ xem láng giềng “như thiếu hiểu biết vị thế mình trong diện địa dư chính trị bây giờ”: Bắc Kinh trở lại vai trò kẻ cả, dân trong vùng Ðông Á phải chịu cho quen. Việt Nam phản ứng dễ dãi hơn cho Hải Quân Mỹ sử dụng vịnh Cam Ranh chiến lược; ông Obama viếng thăm Hà Nội mùa Hè 2016 và sau đó bỏ cấm vận quân sự cho Việt Nam. Philippines khuyến khích Washington trở lại vịnh Subic và căn cứ Không Quân Clark Fields sau khi đuổi Mỹ vì “tự ái dân tộc” thời 1991. 

Những định chế yếu kém

Bắc Kinh dùng khống chế kinh tế và “chia để trị” các nước Ðông Nam Á trong ASEAN để họ không thể có phản ứng chung và hữu hiệu. Bắc Kinh dồn đầu tư kinh tế vào Lào và Cambodia, và dĩ nhiên Vientiane và Phnom Penh phải ngoan ngoãn với “ông chủ.” Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN Tháng Bảy 2016, ở Vientiane cho thấy giới lãnh đạo và đoàn kết ở ASEAN đã lung lay nhiều; theo ông Beeson “kiểu ngoại giao ASEAN [đồng lòng, thỏa thuận nhưng không bắt buộc các hội viên tuân theo, và giữ sĩ diện] không mấy hiệu nghiệm về mặt kinh tế và không đưa đến thành quả chiến lược.” Dù ông Obama mang thực tâm, Washington cũng có vẻ nhạt nhẽo (vì bận tâm quá độ với “khủng bố”), và chậm chân hay ích kỷ trong liên hệ với các định chế vùng trong nỗ lực “tái quân bằng/Pivot.”

Sức mạnh lớn của Hội Nghị Thượng Ðỉnh Ðông Á/East Asia Summit cũng mang nhược điểm: EAS bao gồm hầu hết các nước trong vùng cộng thêm Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Ấn Ðộ, nhưng thiếu hợp tác và trước sau như một – và dĩ nhiên Bắc Kinh không mấy bằng lòng với vai trò của Washington. Diễn Ðàn Vùng ASEAN (ARF) quan trọng nhất và gồm cả Bắc Hàn cũng mang cùng vấn đề. Giống như nhiều định chế vùng, ARF không hoạt động hữu hiệu được vì quá dè dặt, e ngại làm mất “chủ quyền quốc gia” của hội viên. Dĩ nhiên Bắc Kinh rất hồ hởi “tham gia” vào các định chế vùng chẳng mấy thực lực này. Nếu không có những phản hồi đáng kể trong vùng, tranh chấp địa chính trị giữa hai người khổng lồ sẽ diễn ra với không mấy ảnh hưởng của các nước Ðông Á. 

Ðường dài trước mặt

Ai sẽ lạc quan hay bi quan về tương lai Ðông Á? Trong nhiều lần tiếp xúc, thăm viếng Trung Quốc trước đây và trong sáu biên khảo năm qua, ông Beeson phải nhận là hiếm lắm mới gặp người Hoa “không đồng ý với chủ quyền Hoa” trên các lãnh thổ họ đòi cho được. Họ xem đây hoàn toàn hợp lý và không chút quá quắt – và thời gian sẽ giúp họ thực hiện giấc mơ bá chủ nguyên vùng. Con đường “trường chinh” của Bắc Kinh đã hiển nhiên qua việc gia tăng hiện diện và vật liệu chiến lược: ngân sách quốc phòng thật sự (khác với ngân sách công bố), gây hấn, quân sự hóa các đảo Biển Ðông, áp lực kinh tế và chính trị trên láng giềng. Bắc Kinh còn nỗ lực xây dựng cơ cấu định chế mới (như Hợp Tác Toàn Diện Kinh Tế Vùng/RCEP thay TPP, và ngân hàng phát triển AIIB thay Asian Development Bank và IMF) nhằm xiển dương văn hóa và ảnh hưởng của mình trong vùng và xa hơn nữa – “trong tương lai gần.” Ông Beeson nhận xét vị thế Trung Quốc ở Ðông bán cầu chỉ đi lên, khác với Hoa Kỳ đi xuống. Nhưng ông cũng lạc quan dè dặt: kinh nghiệm lịch sử Châu Âu sau hai thế chiến cho thấy định chế hợp tác rất khả dĩ và tương tranh có thể tránh được – tuy nay nhiều người, như ông Trump, đã quên.

Ai sẽ bi quan cũng rõ ràng, dù ông Beeson không nhắc đến “Hội Chứng Việt Nam/Vietnam Syndrome”: hơn 40 năm sau thất bại đau đớn, người Mỹ trung bình và đa số người làm chính sách vẫn ngần ngại tham gia vào một “cuộc chiến dài, vì vấn đề giữa những người khác, và ở nơi xa vời” như đã từng làm ở Việt Nam. Câu hỏi tiếp: Với ưu thế quân sự, liệu Washington sẽ đương đầu với Bắc Kinh ở thời điểm nào đó, hay chịu chấp nhận điều không tránh khỏi và lần hồi rút về khu bán cầu của mình? Liệu người Việt có sẵn sàng với “cơn binh lửa” sắp tới?

Lãi suất Mỹ sắp tăng vì thêm nhiều việc làm