Nhìn lại liên hệ Việt-Mỹ: Thập niên thứ nhì thế kỷ 21

Cổ-Lũy

“Tháng Tư Ðen” đã ra đi lần thứ 42; đây là dịp tiếp tục nhìn lại liên hệ Việt-Mỹ một cách đúng đắn để có khái niệm phần nào về tương lai. Như thường lệ, người viết dựa vào những học hỏi, nghiên cứu, và khám phá từ người đi trước và đương thời của những chuyên gia, giáo sư đại học – những vị này cũng đều dựa vào những khám phá, học hỏi và nghiên cứu của người đi trước và đương thời, theo đúng truyền thống học thuật.

Cột báo đã đi qua liên hệ Việt-Mỹ thời Tổng Thống Bill Clinton mang nhiều tính chất ngoại giao và lịch sử; thời Tổng Thống George W. Bush chú trọng vào ngoại thương. Không quên những gánh nặng tiêu cực trong lịch sử và ngoại giao Mỹ, Tổng Thống Barack Obama hướng liên hệ vào chiến lược lâu dài cho thế kỷ mới.

Giai đoạn thập niên thứ nhì này dựa nhiều vào tài liệu bộ Ngoại Giao Mỹ, các nghiên cứu của Giáo Sư Michael J. Boyle, chuyên gia về bang giao quốc tế, chính trị học và triết lý thuộc viện Ðại Học La Salle, Pennsylvania. Ông cũng từng học, giảng dạy và nghiên cứu tại các viện đại học khác như Harvard, Stanford ở Hoa Kỳ, Saint Andrew ở Scotland và Canberra ở Úc. Ông Jonathan Rauch, nhà phân tích chính trị nguyệt san The Atlantic và The Economist với uy tín lâu đời trong truyền thông thế giới cũng đưa ra nghiên cứu về Tổng Thống Barack Obama so với những tổng thống khác hơn nửa thế kỷ qua.

Bối cảnh ảnh hưởng tới liên hệ

Năm 2008, cuộc tranh cử và tuyển cử lịch sử đưa ứng viên Barack H. Obama, người da mầu đầu tiên vào tòa Bạch Ốc – cũng mãi cuối thập niên thứ nhất thế kỷ 21 mới xảy ra (xin xem Từ Nam California, hàng tuần, suốt thời gian 2008-2009, cùng người viết). Giữa những hào hứng lên cao về một trang sử mới với “Hy vọng và thay đổi” từ tổng thống Dân Chủ trẻ tuổi có lẫn lộn nhiều áng mây mù: ông Obama lên nhậm chức và thừa hưởng ngay di sản đổ nát từ hai nhiệm kỳ “Chiến Tranh Chống Khủng Bố Toàn Cầu/GWoT” lẫn kinh tế xuống dốc từ Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush (con).

Theo đúng “tín điều” đề ra bởi Tổng Thống Cộng Hòa Ronald Reagan (được xem là “Thánh Tổ/Patron Saint” bảo thủ cực đoan) thời 1980, khi nhậm chức đầu thế kỷ ông Bush chỉ có mỗi mục tiêu “giảm thuế cho nhà giầu.” Mục tiêu này (song song với những ủng hộ và dễ dãi triệt để cho “giới đại kỹ, thương và tài chính/Big Business”) đi đúng theo phát triển “Kinh tế kiểu Reagan/Reaganomics” (hay “Trickle down/Nhỏ giọt”) mà ứng viên George W.H. Bush (bố) gọi là “Voodoo Economics/Kinh Tế Phù Thủy” trong tranh cử tổng thống cuối thời 1970 với ông Reagan.

Theo khuôn mẫu “Reaganomics” các “đại gia” Big Business tha hồ làm ăn với ràng buộc luật pháp tối thiểu (bằng cách: “Deregulation/Bãi Bỏ Luật Lệ,” và “Hạn Chế Chính Quyền/Small Government” vào việc lo giữ “an ninh, trật tự/law and order” cho Big Business làm ăn, cộng với giảm thuế tối đa) sẽ “nhỏ giọt” phúc lợi xuống những giai cấp dưới. Một “tín điều” nữa là “State Rights/Dành Quyền Hành Cho Tiểu Bang” (tiểu bang có chính quyền Cộng Hòa thường bảo thủ gấp bội liên bang, và chống lại luật lệ liên bang như giảm thiểu kỳ thị người da mầu, phụ nữ, trợ giúp người lợi tức thấp, mở rộng “Obamacare” chẳng hạn).

Từ 1980, từng chu kỳ Cộng Hòa nắm quyền cho thấy: 1) không mấy “trickle down,” và đây tạo ra mức cách biệt giầu nghèo ghê gớm trong lịch sử; 2) vô số lem nhem giữa chính quyền và tư nhân (trao đổi quyền lấy tiền và tiền lấy quyền/influence peddling và corruption; sau này Tối Cao Pháp Viện với đa số Cộng Hòa hợp pháp hóa việc Big Business và cá nhân giầu có tha hồ bỏ tiền ảnh hưởng mọi bầu cử trong nước qua vụ kiện “United Citizens”); 3) thâm thủng ngân sách quốc gia (vì thiếu nguồn thuế từ Big Business) đưa đến vay mượn, nợ nần nước ngoài. Thêm vào đây là : 4) gia tăng ngân sách quốc phòng khủng khiếp từ liên hệ mật thiết giữa “Chính Quyền và Ðại Kỹ Thương/Military-Industrial Complex” làm giàu bằng chiến tranh (như tố cáo của Ðại Tướng và Tổng Thống Cộng Hòa Dwight Eisenhower cuối thời 1950); 5) mở màn hay mở rộng xung đột và chiến tranh đưa kinh tế tới mức bại hoại, và khốn đốn cho dân chúng.

Ðây đã xảy ra ở thời ông Reagan, gần bị bãi nhiệm vì liên hệ tới việc bán vũ khí lậu cho kẻ thù Iran lấy tiền thuê người “Contra” chống lại chính quyền tả phái ở Nicaragua (“Iran-Contra Scandal”). Sau này ông Bush, với Phó Tổng Thống Dick Cheney và Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld (từng giữ chức vụ cao cấp trong chính quyền Reagan), đưa ba lý do hoàn toàn bịa đặt đi vào Iraq, rồi “sa lầy,” và từ đây “khủng bố” lớn mạnh hơn.

Khác với hai tổng thống đi trước, ông Obama là giáo sư về Luật Hiến Pháp Mỹ. Ông cũng là người trí thức học hỏi sâu rộng, với gốc gác nhà nghèo da đen hẩm hiu nên dễ hiểu những điều trên. Phải đương đầu tức khắc với bại hoại kinh tế (hàng trăm nghìn người thất nghiệp một tháng) chính quyền đưa ra nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn băng hoại (số người thất nghiệp xuống dưới 5% nhiệm kỳ thứ nhì Obama). Nhưng ông Obama không quên thực hiện những thay đổi cần thiết trong bối cảnh kinh tế và chính trị khó khăn: làm luật cải tổ y tế đầu tiên, “Obamacare,” bảo vệ bệnh nhân và giảm thiểu số người Mỹ không có bảo hiểm xuống một nửa (từ 43 triệu cuối thời ông Bush). Và sau đó, với ý thức rõ rệt rằng trong xã hội với “Reaganomics” và “Small Government” cực bảo thủ, người dân dễ thành nạn nhân của Big Business, ông đưa ra luật “Cải Tổ Tài Chính/Financial Reform” sâu rộng đầu tiên nhằm bảo vệ quyền của người tiêu thụ chống lại các bóc lột, lừa đảo bởi các định chế “tư nhân/private sector” bán dịch vụ tài chính (ngân hàng, thị trường chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, y tế, địa ốc,…) ai cũng phải dùng. Hiến Pháp Mỹ, viết trong bối cảnh cuối thế kỷ 18 và nhằm bảo vệ quyền của người bị cai trị, đặt các định chế “công quyền/public sector” (như chính quyền mọi cấp, cảnh sát, quân đội, học khu,…) vào những ràng buộc luật pháp chặt chẽ; “private sector,” lúc đó chưa đáng kể, hầu như không bị ràng buộc mấy.

Những thay đổi chiến lược

Tuy không thực hiện được trong nhiệm kỳ đầu bận rộn với kinh tế và những cải tổ quan trọng, ông Obama mang tham vọng thay đổi chính sách ngoại giao căn bản đã đeo đẳng giới lãnh đạo Mỹ từ sau Thế Chiến II (1945). Ông thấm nhuần những giảng dạy của nhà thần học Mỹ gốc Ðức Reinhold Niebuhr về “Ðạo Chúa Hiện Thực/Christian Realism” với ảnh hưởng lớn trong giới trí thức hành động và chính trị thế giới (nổi tiếng với lời nguyện: “Lạy Cha cho con Can Ðảm để thay đổi cái phải thay đổi. Thản Nhiên để chấp nhận cái không thay đổi được. Và Trí Tuệ để phân biệt cái này với cái nọ”). Từng chống đối cuộc chiến Iraq thời là nghị sĩ tiểu bang Illinois và tuy bận rộn với những vấn đề trong nước, ông Obama quyết định ngay việc rút quân ra khỏi Iraq và giảm quân ở Afghanistan.

Năm 2011, ông làm “Chuyển Trục/Pivot” hay “Tái Quân Bằng/Rebalance” chiến lược về hướng Á Châu ở “Thế Kỷ Thái Bình Dương” mới mà hai ông Bush-Cheney đã bỏ quên trong khi Trung Quốc đóng vai trò chính. Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong chính quyền Obama giải thích, “Ở thập niên thứ nhì, chúng ta cần sáng suốt và có kỷ luật về đầu tư thời gian và nghị lực vào đâu, để ta có thể nắm vị trí lợi thế nhất nhằm duy trì vai trò lãnh đạo, bảo vệ quyền lợi, và xiển dương những giá trị [tự do, dân chủ] của chúng ta. Do đó, một trong những công việc quan trọng nhất… sẽ là nắm chặt lấy những đầu tư mỗi lúc một lớn hơn – về mặt ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và những khía cạnh khác – trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.” Bà cũng đưa ra sáu đường lối hành động: củng cố những liên minh an ninh song phương; mở rộng liên hệ với các nước đang lên, kể cả Trung Quốc; gắn bó với các định chế đa phương trong vùng; phát triển thương mại và đầu tư; tạo dựng một hiện diện quân sự rộng rãi; và gia tăng dân chủ và nhân quyền.

(Còn tiếp)

Mỹ – Việt muốn gì qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2/2)