Tháng Tư đã tới: Nhìn lại liên hệ Việt-Mỹ sau cuộc chiến

Cổ-Lũy

“Tháng Tư Đen” đã đến lần thứ 42; đây là dịp tiếp tục nhìn lại liên hệ Việt-Mỹ một cách đúng đắn để có khái niệm phần nào về tương lai. Như thường lệ, người viết dựa vào những nghiên cứu, học hỏi và khám phá từ người đi trước và đương thời của những giáo sư đại học, chuyên gia – những vị này cũng đều dựa vào những khám phá, học hỏi và nghiên cứu của người đi trước và đương thời, theo đúng truyền thống học thuật. Trong số những người trên đáng kể nhất là Giáo Sư George C. Herring (University of Kentucky); ông từng là giáo sư chủ đạo cho 35 ứng viên tiến sĩ và hơn 50 ứng viên cao học. Nay đã về hưu, ông vẫn nghiên cứu, diễn thuyết và viết sách.

Ông Herring chuyên nghiên cứu về chính sách, đường lối ngoại giao Mỹ, đặc biệt là Chiến Tranh Lạnh/Cold War (như Aid to Russia, 1941-1946, năm 1973), và chính sách đối với Việt Nam, như qua hai tác phẩm: America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975 (tái bản bốn lần), và From Colony to Superpower: U.S. Foreign Relations since 1776  (2008) được Hội Sử Gia Bang Giao Quốc Tế (SHAFR) xem là “công trình vĩ đại nhất” liên hệ đến ngoại giao Mỹ. Tập sách mới nhất của ông là The American Century and Beyond: U.S. Foreign Relations, 1893-2014 (2017).

Bài kỳ trước nói về “liên hệ” đầu tiên (1943-1947) giữa hai nước: ông Hồ Chí Minh cố liên hệ với OSS (tiền thân của CIA) để xin hai tổng thống Dân Chủ ngăn người Pháp trở lại Việt Nam sau khi Nhật rút lui về nước vì thua trận. Ông Franklin Roosevelt bận Thế Chiến 2 (1039-1945) và qua đời nửa chừng; ông Harry Truman bắt đầu Chiến Tranh Lạnh (Cold War) với Liên Xô, phải nâng đỡ đồng minh Pháp, và tảng lờ ông Hồ cộng sản. 

Vịnh Cam Ranh chiến lược               

Chiến Tranh Lạnh, đầy tai họa và đau thương cho những nước nhỏ bé chậm tiến (ở Á, Phi và Mỹ Châu), chính thức bắt đầu với “Chủ Thuyết Truman/Truman Doctrine.” Đây nhằm “ngăn chặn, be bờ/containment” làn sóng Cộng Sản Liên Xô – và hai bên thường dùng “proxy/người đánh hộ” để thủ lợi và tránh phải thiệt hại. Công bố bởi Tổng Thống Truman năm 1947, Chiến Tranh Lạnh tưởng như đã chấm dứt cuối thời 1980 với Hoa Kỳ là người thắng cuộc. Oái oăm thay, với ông Donald Trump (Cộng Hòa) tranh và đắc cử (đã rõ rệt là với ủng hộ triệt để và lộ liễu của Nga), nay nó vẫn tiếp tục – âm thầm nhưng không kém gay gắt, với Âu Châu và Hoa Kỳ là nạn nhân chính.

Dòng lịch sử tiếp tục với một ngày Tháng Sáu 2012. Lúc đó là thời Tổng Thống Barack Obama (Dân Chủ), Tổng Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đứng bên bờ vịnh Cam Ranh nước sâu có thể chứa tầu chiến hạng nặng ra vào Biển Đông. Có thể đoán ông suy nghĩ gì với mắt nhíu lại sau gọng kính trắng và bộ mặt sạm nâu: Cam Ranh, nơi hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ với hàng triệu tấn quân nhu, chiến cụ đã đổ lên bờ Nam Việt Nam, từng là căn cứ thủy và không quân loại lớn nhất chống lại mền Bắc Việt Nam. Ông Hồ từng và đã thất bại nhiều lần trong cố gắng liên hệ bằng thư từ với ông Truman để xin Hoa Kỳ đừng cho Pháp trở lại Việt Nam – với đề nghị cho Hoa Kỳ sử dụng Cam Ranh như một căn cứ hải quân vô cùng quan trọng. Nhưng ông Truman dĩ nhiên không mấy hồ hởi với người nổi tiếng xách động và tổ chức cho cộng sản. Sau thất bại đau đớn 1975, kẻ thù của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô, chiếm đóng căn cứ Mỹ cũ. Nay ông Panetta trở về, nối lại nhịp cầu hợp tác. 

Hợp tác vì cần lẫn nhau

Theo Giáo Sư Herring, con đường đi tới “Xích lại gần nhau/Rapprochement” kéo dài với đầy những cam go. Việc kết thúc “Vietnam War” năm 1975 không dẫn đến hòa hợp giữa đôi bên (danh từ Vietnam War là chung chung; giới học sử dùng tiếng chính xác: “American War in Vietnam” hay “Second Indochina War,” so với “First Indochina War” giữa Việt Nam và Pháp). “Đau đớn nhục nhã vì thua trận ở một nước nhỏ” siêu cường số một không mấy sẵn sàng hòa giải hay hóa giải. Washington đối xử với Việt Nam như “kẻ bại trận.” Washington cấm vận, không chịu “bồi thường chiến tranh/war reparations” (theo lời hứa “mơ hồ và có điều kiện” của Tổng Thống Cộng Hòa Richard Nixon trong điều đình ngưng chiến), đòi hỏi danh sách người Mỹ mất tích, và ngăn cản Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Hà Nội sai lầm, quên bài học “thắng không kiêu, bại không nản” khi đương đầu với kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp bội, lại không sẵn sàng vâng lời kẻ chiến bại.

Tổng Thống Dân Chủ Jimmy Carter (1976-1980) với đầu óc sáng suốt, lòng nhân từ và tham vọng xuống thang Chiến Tranh Lạnh, hy vọng nhân nhượng sẽ hóa giải được Hà Nội. Ông hứa hẹn để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc, ngưng hạn chế người Việt Nam du lịch, cho phép hội thiện gửi cứu trợ tới Việt Nam, và đòi hỏi nhẹ nhàng về người Mỹ mất tích (MIA). Hà Nội lại tưởng nhầm đây là yếu đuối, khăng khăng đòi tiếp “war reparations” mà ông Carter biết chắc Quốc Hội “cay cú” sẽ không chấp thuận được; ông tuyên bố Washington không nợ nần Việt Nam gì hết. Ông Herring khẳng định “Bình thường hóa/Normalisation” thành nạn nhân của Chiến Tranh Lạnh: Washington trở lại vị thế đối kháng Moscow và thân thiện với Bắc Kinh; Hà Nội làm ngược lại, ký hiệp ước với Moscow, và lại phạm lỗi lầm ghê gớm: tấn công Cambodia năm 1978. Chiến Tranh Lạnh đi lên và Nga xâm chiếm Afghanistan năm sau.

Đà Nẵng, bất lực nhìn người nhà chết ngạt trong đám cháy

Thời 1980 với Tổng Thống Cộng Hòa Ronald Reagan “diều hâu/hiếu chiến” và vô cùng thân thiện với giới kỹ thương (xin xem lại “Military/Industrial Complex” làm giầu bằng chiến tranh kỳ trước) leo thang Chiến Tranh Lạnh với ủng hộ của trường phái “Tân Bảo thủ/Néo-Conservative” xem Vietnam War là cuộc chiến “cao cả/noble.” Giới quân sự và kỹ thương lại lý luận Washington “có thể và đáng lẽ phải thắng trận qua việc cả quyết dùng vũ lực siêu đẳng” – một luận cứ nghe có vẻ hợp lý nhưng khá phiến diện và nông cạn, bỏ qua bài học của một đại danh tướng Âu, “Chiến tranh là cái vô cùng quan trọng, không thể để cả vào tay các tướng lãnh được” (Hoa Kỳ luôn dùng giới dân sự lãnh đạo bộ quốc phòng). Người ta quên mất ba điều: (1) vũ khí chỉ là một phần trong cuộc chiến nặng về “tâm lý và lòng dân/hearts and minds;” (2) thế lực phản đối “cuộc chiến thiếu hậu thuẫn/unpopular war” khắp nơi trên thế giới; (3) ngay tại Hoa Kỳ dân chúng đã quá mệt mỏi với cuộc chiến “dài nhất,” và tốn kém quá mức nhiều mặt mà “không thấy ánh sáng cuối đường hầm” (xin xem lại “Vietnam Syndrome” kỳ trước).

Chính quyền Reagan lại đòi hỏi kiểm kê toàn bộ người Mỹ còn trong tù và mất tích (POW/MIA), đưa điều kiện Hà Nội phải rút khỏi Cambodia. Chính quyền Cộng Hòa George H. W. Bush cuối thời 1980 đưa ra một lộ trình phức tạp, rối rắm Hà Nội phải theo để đi tới đối thoại về bình thường hóa. Ông Herring lưu ý: “Trong lịch sử thế giới khó thấy kẻ thua trận nào đặt ra những đòi hỏi gắt gao với người thắng cuộc như thế!” Tờ The Economist (Anh) nhận xét, “Một ngày đẹp trời nào đó Việt Nam có thể vượt qua những hậu quả của việc đánh bại người Mỹ trong cuộc chiến. Người Mỹ chỉ cố kéo dài thời gian tới ngày đẹp trời này càng lâu càng tốt.”