Tình yêu nước

Bùi Bích Hà

Buổi sáng ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong, hai người bạn gặp nhau trong quán cà phê giữa phố. Anh kêu lên: “Trời ơi, bữa nay mặc áo quốc kỳ Mỹ hả? Ðếm coi có đủ 50 ngôi sao không bạn ta?”

Chị (bạn ta) cười sảng khoái, hãnh diện trả lời: “Tượng trưng thôi mà! Áo chứ đâu phải cờ? Một năm có hai ngày để diện áo này thôi, sao bỏ qua được nè? Bữa nay lễ Chiến Sĩ Trận Vong, được nghỉ làm đi rong, hỏi dzậy coi bộ lạc quẻ à nhe!”

“A! Ðiệu này muốn nói là mặc áo cờ hoa để bày tỏ tình yêu xứ này, phải không?”

Chị lườm, mắt có đuôi: “Dĩ nhiên rồi! Mình được đón nhận, được hưởng biết bao điều tốt đẹp, phải ghi nhớ và biết ơn chớ! Ngày Fourth of July, mừng nước Mỹ độc lập. Ngày Chiến Sĩ Trận Vong nhắc nhở bao thế hệ anh hùng đã nằm xuống để giờ đây chúng ta có cả một đất nước đẹp như gấm hoa, cả một nền văn hóa tôn trọng tự do của con người, một cuộc sống nằm mơ cũng không thấy ra, hỏi không yêu là sao chớ?”

“Ok! Ok! Biết rồi, khỏi giảng bài nữa!”

Tôi nghe câu chuyện giữa hai người vì họ nói hơi lớn tiếng, chắc đôi bạn hào hứng có thêm một buổi sáng đẹp trời được nghỉ ngơi để đi uống cà phê, gặp gỡ nhau, tha hồ “tám,” tha hồ nhâm nhi thưởng thức chút hạnh phúc hiếm hoi của một ngày nhàn rỗi mới bắt đầu, không có gì bó buộc.

Về phần anh, tôi không biết khi anh thốt lên hai tiếng “biết rồi” chắc nụi như vậy là anh biết những gì và biết tới đâu trong cái chủ đề chị nêu ra, nghe chừng cách nói có vẻ lên lớp của chị làm anh mất kiên nhẫn. Sau đó, nhóm của họ đông dần lên và không có ai khác đề cập đến cái áo cờ Mỹ của chị nên câu chuyện của họ rôm rả chuyển qua các nội dung khác.

Tôi hoàn toàn không dị ứng với những gì chị nói thao thao bất tuyệt khi trả lời anh, có lẽ cũng do cách hỏi của anh có chút gì không như chị mong đợi nên chị “xả láng” luôn. Tôi tin là sáng hôm nay, sau khi trang điểm xong, chị đến tủ áo chọn chiếc áo chị muốn mặc, có lẽ chị rất hồn nhiên, không hề tự mình ôn cho mình bài học công dân giáo dục về lòng yêu nước/lòng biết ơn mà khi gặp anh, chị như bất ngờ bị khích động nên tuôn ra ào ạt.

Trong mắt tôi, chiếc sơ mi lụa gợi ý lá quốc kỳ Mỹ chị mặc rất đẹp. Người thợ may cắt ghép rất nghệ thuật và thẩm mỹ nên mặc dù mang hình dáng lá cờ, chiếc áo trông vẫn thời trang với một phần chiếc khung màu xanh biển có những ngôi sao trắng kích thước cân đối vắt ngang vai trái của chị, xuống đến ngực, vạt bên phải với những sọc đỏ xen trắng khẽ lay động mềm mại khi chị cựa mình. Màu xanh rất xanh. Màu đỏ rất đỏ. Màu trắng rất trắng. Chiếc áo chị mặc làm nổi bật khuôn mặt chị và làm rỡ ràng cả cái góc quán chị ngồi trong một buổi sáng nắng lên muộn.

Tôi đến đây và ở lại đây hơn ba mươi năm, chưa bao giờ cảm nhận một ràng buộc thân thiết nào với người và cảnh ở nơi này. Con đường tôi đi mỗi ngày nhắc tôi con đường khổ nạn của cả dân nước tôi. Trong mơ hồ thời cuộc, tôi không chắc có một ngày về lại quê nhà nhưng tôi vẫn không thể nghĩ đây là quê hương mình. Ngày tuyên thệ lấy chứng chỉ nhập tịch, khi nhân viên sở di trú hỏi tôi có muốn đổi tên không, tôi ngậm ngùi lắc đầu, tự nhủ làm sao tôi có thể là Elizabeth Bùi ở tuổi 80? Tôi được đi tới nhiều tiểu bang ngoài California, được nhìn ngắm nhiều danh lam thắng cảnh mỹ miều của nước Mỹ nhưng lòng không một chút thiết tha, lưu luyến, chỉ như người đi xem triển lãm tranh mà túi rỗng, biết là mình sẽ không muốn, không thể và cũng không khao khát mua một bức nào làm tin ở quãng đời này.

Nhà bạn tôi cất dựa lưng một ngọn đồi thấp, nhìn xuống hồ nước lớn của thành phố. Cảnh đẹp như vẽ khi bình minh hừng hừng ở chân trời, khói nước mờ mờ hơi sương tỏa. Cảnh càng lộng lẫy những đêm trăng đầy đổ vàng xuống mặt hồ gợn sóng. Cả thiên nhiên thinh lặng. Cả cỏ cây ngây ngất làm thinh. Cả tôi bàng hoàng nín thở. Thế nhưng mỗi khi từ xa nhớ về nơi này, cái ngã ba hồ mênh mông trước nhà bạn, trong trí nhớ tôi, giống y cái vàm sông Ô Môn tôi từng bước thấp bước cao trong một ngày buồn và tang tóc, đi tìm đứa con không bao giờ còn gặp lại.

Gần hai năm nay, tôi dọn về ngôi nhà phía sau mé sông Santa Ana. Những tối đi làm về muộn, lái xe qua cầu, tôi nhìn sang khá xa phía tay phải, có một con đường chìm giữa những hàng cây tối đen, lác đác mấy ngọn cau cắt bóng lên nền trời cao, vài cột đèn đường màu vàng ủ dột gợi nhắc tôi con đường lù mù sáng bên kia bờ sông Gia Hội Huế. Cùng với con đường hiu hắt, ảm đạm ấy vẫn là hình ảnh những bà mẹ nghèo quê tôi, ban ngày lam lũ gánh hàng rong, ban đêm ngồi dưới chân cột điện quạt than nướng bắp bán cho người qua lại, chắt chiu, voi vét từng đồng nuôi những đứa con sinh năm một.

Tôi vẫn không hình dung ra những con người, những cảnh nhà hoàn toàn xa lạ với tôi, hiện sống trên con đường lờ mờ ánh đèn bên kia cầu sông Santa Ana.

Thế nhưng mới đây, sau cuộc bầu cử xé vụn nước Mỹ thành từng mảnh, giữa cuộc can qua vô lối bằng lời lẽ đau thương của các phe lâm chiến, tôi bỗng dưng cảm thấy lòng đau. Tôi bỗng dưng nhận ra tôi như hòn đất sét, thấm ngấm những điều tốt đẹp và cả những điều không tốt đẹp của nước Mỹ, từ bao giờ không hay, có lẽ từ khi tôi không còn hy vọng kịp về để chết trên mảnh đất tổ tiên tôi đã sinh ra, đã sống và đã chết ở đấy. Từ khi, trong vô thức, tôi đành chấp nhận nơi này là quê hương thứ hai.
Hơn 30 năm, tôi sống buồn vui tự do, không bị bắt buộc làm điều gì trái ý mình. Dù lựa chọn trong khả năng không nhiều nhưng cơ hội làm điều tử tế không ít. Tôi được hít thở trong một không gian sạch sẽ, được ăn thực phẩm lành mạnh, được uống nước lọc tinh khiết, được có quần áo tươm tất trong nhà/ngoài phố, được chứng kiến mẹ tôi qua đời với đầy đủ nhân phẩm trong một nhà thương thí, được thấy con cái học hành nên người, được cung cấp thông tin đủ chiều để sử dụng tri thức sàng lọc hầu định vị được chỗ đứng của mình…

Những cái “được” không từ trời rơi xuống ấy là đóng góp to lớn, là công trình vun xới của cả một cộng đồng nước Mỹ qua nhiều thế hệ, mải miết theo đuổi các giá trị nhân sinh cao quý khiến tôi yêu nước Mỹ, cách khác, so với nơi chôn nhau cắt rốn cho tôi vào đời ở xa tắp bên kia địa cầu, bên kia dòng lịch sử.

Vậy nên, tôi thật sự kinh hãi khi thấy nước Mỹ bỗng nhiên ở trên bờ vực vụn vỡ, rối loạn, mất trật tự trong cuộc chiến quyền lực hỗn loạn đáng sợ đang xảy ra hàng ngày trên các mạng truyền thông và báo chí. Các khối nhân sự trước đây từng bảo vệ tòa nhà Tự Do, Dân Chủ của nước Mỹ, kể cả những người theo các phe nhóm, nay hung hãn tấn công chính tòa nhà ấy mà chỉ nghĩ đơn giản là đuổi chuột.

Có bài bỉnh bút giá trị của một bình luận gia tên tuổi đã nhếch môi chua chát cho rằng chủ nhân điện Kremlin trong vị thế ngư ông hưởng lợi, đang được mẻ thắng lớn trên mặt trận chính sách. Dân Chủ/Tự Do nếu đồng nghĩa với cung cách ứng xử ai muốn làm gì thì làm dưới sự thúc đẩy mù quáng của tư kiến và tư lợi, liệu hơn gì độc tài chuyên chế khi điều hành việc nước?

Hơn bao giờ hết, trải qua kinh nghiệm học tập để thụ đắc và ứng dụng Tự Do/Dân Chủ tại nước Mỹ, tôi ý thức sâu xa về một yếu tố trên cả Tự Do/Dân Chủ, là sự trưởng thành trong bản thân mỗi công dân, là khả năng tự chế để bớt ngạo mạn, kiên nhẫn giành cơ hội đồng đều cho mọi người, chấp nhận cái riêng trong cái chung, cả cái khác biệt từng làm nên một nước Mỹ hùng cường và đa dạng.

Tôi cũng tự hỏi liệu những thành tựu phi thường trong lãnh vực tin học mở màn từ nước Mỹ, làm thay đổi hầu như toàn diện cuộc sống của nhân loại, có khi nào ở đỉnh cao của sự phát sinh thần kỳ ấy, nó sẽ trở thành một loại vũ khí sát thương trong tay những người dân non yếu, gây hệ lụy cho bản thân họ và làm tổn hại đến an nguy của cả nước Mỹ hay không?

Cuối thế kỷ 20, người Việt Nam di tản đi khắp thế giới mang hai quốc tịch như một định mệnh lạ thường. Cả hai thứ tình yêu nước đều khắc khoải những nỗi niềm trăn trở với lòng tin và lời nguyện cầu như nhau, xin cho Việt Nam sớm thay da đổi thịt; xin cho đất nước nơi dừng chân mãi mãi bình an và thịnh vượng. Xin rồi sẽ tự kiểm điểm mình đã làm gì để được ơn ngoài lời cầu nguyện?

Sáng sớm ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong trời nhiều mây mù. Bất chợt nhìn qua cửa sổ bàn viết, thấy lá quốc kỳ Mỹ lẻ loi mà đường hoàng bay phất phới ở mái hiên trước nhà hàng xóm, chủ nhà là di dân như tôi nhưng đến từ một xứ sở khác, có cuộc sống bình thường, giản dị, như phần đông người di dân, yêu hòa bình, yêu cái nơi cho mình cuộc sống an cư và tuyên dương sự chọn lựa ấy. Lá cờ như một lời cam kết nước Mỹ sẽ hiện diện bền vững vì nó bắt đầu bằng máu xương của những người khai sinh ra nó, trước hết và không vì điều gì khác, cho những công dân thiện hảo, đầy lòng biết ơn, niềm tin và tình yêu nước như người hàng xóm trẻ tuổi của tôi, một lúc nào đó, đã tự nguyện đi mua một lá cờ Mỹ và hân hoan treo nó lên trong ngày Chiến Sĩ Trận Vong.

Họa sĩ Ann Phong và lớp hội họa cùng bằng hữu