Saturday, April 20, 2024

Về hưu!

Tạp ghi Huy Phương

Mấy tiếng “về hưu” hay là “về già” nghe như thanh âm của một đoạn cuối cuộc đời, và chúng ta tưởng tượng đến hình ảnh là những cụ già chống gậy ngồi trên ghế đá công viên hay dật dờ nhớ nhớ quên quên trong một nhà dưỡng lão. Vậy thì ai muốn về hưu?

Khi chúng ta suốt đời phải nhận một công việc quá nặng nề không xứng với đồng lương, với những khó khăn không mấy vừa ý với những ca đêm về sáng, thì ngày đáo hạn để có thể “phủi tay” giã từ công việc, là một ngày vui. Bằng chứng là trong những cái “Happy” như “Happy Birthday,” “Happy Anniversary,” “Happy Wedding Day” còn có “Happy Retirement” thì về hưu chẳng vui sao?

Hình ảnh tượng trưng cho chuyện về hưu là cái võng đu đưa được treo giữa hai thân dừa trên một bãi biển đầy nắng ấm nào đó, hay là một người ngủ trên bãi biển với cuốn sách đọc dở úp trên mặt. Không đồng hồ, không điện thoại, không email, không hội họp, không hẹn hò… Từ hôm nay quẳng cái đồng hồ báo thức vào thùng rác. “Có việc thì lo phay pháy (đi làm sợ trễ giờ) không việc thì ngáy pho pho!”

Thấy viết trên một tấm thiệp “Happy Retirement:”

Happy day are here at last
The days nine to five are past!”
(Cuối cùng thì ngày vui đã đến
Đã qua những ngày dài 8 tiếng!)

Những người không muốn về hưu là những người có được một công việc nhàn hạ, dễ chịu, thích hoạt động. Một số nhỏ nói họ nghỉ hưu trễ hơn dự định vì cần kiếm thêm tiền.

Theo dữ kiện mới nhất của Cơ Quan Thống Kê Bộ Lao Động Hoa Kỳ, 20% người Mỹ tuổi từ 65 trở lên hiện vẫn còn đi làm. Đây là con số cao nhất mà người cao niên chưa muốn nghỉ hưu tính từ đầu thập niên 1960, khi chính phủ Mỹ mới ban hành chương trình Medicare.

Nước Mỹ hiện có con số công nhân cao niên nhiều nhất từ xưa đến nay. Khi được hỏi về chuyện về hưu thì 27% người Mỹ muốn tiếp tục đi làm càng lâu càng hay, trong khi 12% người quả quyết không hề nghĩ đến chuyện về hưu.

Chúng ta thường gặp những tình nguyện viên rất già làm việc trong thư viện hay những ông bà cụ làm “cross guard” cho những học khu, vì “nằm nhà” là một cực hình!

Phân nửa nói vấn đề tài chánh là lý do chính khiến họ phải làm việc sau tuổi 65.

Ngày nay, 60% gia đình ở Mỹ khó khăn khi phải về hưu vì không có tiền quỹ hưu bổng 401(k). 36% người sau tuổi 65 còn muốn đi làm vì họ thích công việc hiện tại.

Giới chủ nhân có khuynh hướng khuyến khích công nhân cao niên tiếp tục làm việc cho họ, hơn là tuyển dụng công nhân mới.

Một phần là tuổi thọ trung bình ở Mỹ tăng, mọi người không quan tâm về chuyện hưu trễ sẽ rút ngắn thời gian hưởng già của họ lại.

Rất nhiều ông ở đất Bolsa này lại có lý do muốn đi làm là vì không muốn ở nhà, “cõng vợ đi ra, đụng phải cột nhà, cõng vợ đi vô.” Đó phải chăng là một trong những lý do nào khiến ngày càng có nhiều người không nghĩ đến chuyện về hưu, ở chỗ làm cũng là một thế giới riêng biệt của mỗi người?

Người ta hy vọng, và về hưu là để làm những việc mình thích. Có bao nhiêu điều mơ ước, bao nhiêu công việc ưa thích chưa thể thực hiện được vì những ngày bận rộn với sinh kế. Viết một cuốn sách, thực hiện một chuyến ra ngoại quốc hay về thăm cố hương, ai lại không có những dự định cho những ngày cuối đời.

Nhưng có những điều trông như trái ngược với những điều trước kia mình suy nghĩ. Ngày trước đi làm chỉ phải bận rộn mỗi ngày 8 tiếng, nhưng về hưu rồi, hầu như phải bận rộn suốt ngày. Đó là những hình ảnh của những ông bà nội ngoại Việt Nam trên đất Mỹ, với nền văn hóa gắn kết ông bà với gia đình con cháu, dù chúng đã có vợ có chồng.

Chúng ta thấy gia đình nào có em nói sõi tiếng Việt, đôi khi lại biết hát tiếng Việt hay thuộc một vài câu ca dao, thì y như trong gia đình đó có một bà ngoại hay một bà nội, gần gũi với con cháu.

Về hưu lại thấy bận bịu hơn, thương con, hết đón lại đưa cháu đến trường, về nhà. Chủ Nhật, Thứ Bảy thì đi học đàn, học võ. Có khi cuối tuần ông lại bận chuyện tiếp đón, gặp gỡ bạn bè ở xa về chơi, rồi có khi còn ra sinh hoạt với cộng đồng, làm bổn phận công dân hay những chuyện mà ông nghĩ có liên quan đến đất nước.

Bà thì suốt đời thương con, nên suốt ngày luẩn quẩn với cái bếp. Lớp ăn tại chỗ, lớp bới về nhà, lớp mang đến sở. Sang đây trễ tràng, không còn đi làm, quanh quẩn với con cháu, bà cũng chẳng cần đến cái xe, có gì thì nhờ vả đến đôi chân của ông, nào chợ búa, nào chùa chiền, lễ bái.

Thành ra cuối tuần, thời gian loài người tự sắp xếp để nghỉ ngơi, thì con người ta còn bận rộn hơn cả ngày thường, với những thứ tạp nhạp, giặt giạ, cắt cỏ, dọn dẹp bếp núc nhà cửa, chùa, nhà thờ, gặp gỡ thăm viếng, nào hôn lễ, nào tang sự. Những ngày cuối tuần cuối cùng lại bận rộn hơn cả ngày thường, và nghỉ hưu, sao lại chẳng thấy thảnh thơi hơn những lúc đi làm chút nào?

Nhưng nghĩ cho cùng, chúng ta không ai muốn từ sở làm, theo xe cấp cứu vào thẳng bệnh viện, rồi từ bệnh viện vào thẳng “rehab center,” “nursing home” hay thậm chí là “hospice hospital.” Mong rằng những ngày nghỉ hưu sẽ là những ngày hoạt động, vui tươi, hạnh phúc, làm, sống theo ý mình, tìm một nơi vắng vẻ, “một mai… một cuốc, một cần câu!”

Ở Việt Nam lại khác, trong chuyện về hưu lại có những tiếng “tổ hưu,” sổ hưu,” “lương hưu,” “câu lạc bộ hưu trí,” và về hưu có nghĩa là bị đưa ra khỏi bộ máy quyền lực, theo quan điểm của người trong nước, đó là một loại “chết lâm sàng:”

“…Vợ già cau có linh tinh
Thêm con bồ nhí bỏ mình theo trai.
Khi buồn nhớ nghé cơ quan
Để xem các chú ,các em thế nào
Chỉ chú bảo vệ ra chào:
-Nơi đây công sở bác vào tìm ai?”
(Nguồn Phạm Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT