Thursday, April 25, 2024

TBT đảng CSVN thăm Trung Quốc 12 – 15 Tháng Giêng

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, sẽ đi thăm Trung Quốc vào các ngày từ 12 đến 15 Tháng Giêng. Cả Thông Tấn Xã Việt Nam và Tân Hoa Xã đều loan báo tin này hôm Chủ Nhật, 8 Tháng Giêng.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Trọng sau đại hội 12 mà Thông Tấn Xã Việt Nam nhấn rằng “nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.”

Chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Trọng diễn ra vào lúc Việt Nam đang có nhiều bối rối về ngân sách và kinh tế trong khi đang còn ngỡ ngàng chưa rõ xoay trở ra sao khi ông Donald Trump, tổng thống đắc cử của Mỹ, đe dọa một trong những việc đầu tiên khi ông bước vào Tòa Bạch Ốc là sẽ dẹp bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một niềm hy vọng rất lớn của Hà Nội đang cần cái phao cứu sinh kinh tế.

Cùng một ngày loan báo tin ông Trọng đi Bắc Kinh, thông tấn xã của nhà nước Việt Nam đăng tải bài phỏng vấn của chính ông Trọng để tuyên truyền rằng “những kết quả đạt được trong năm qua thật đáng khích lệ, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, với những thời cơ, vận hội mới.”

Nhưng chỉ mới hai ngày trước đây, tức ngày 6 Tháng Giêng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thú nhận trong hội nghị tổng kết ngành tài chính vừa được tổ chức buổi chiều rằng “Nợ công nếu tính đủ đã vượt trần chứ không chỉ sát trần,” tức là nợ ngập đầu, thu ngân sách không đủ bù chi.

Việt Nam thường xuyên phải vay những món nợ mới nhiều hơn vừa trả nợ cũ vừa để nuôi chế độ, làm cho nợ ngày càng phình to hơn trước.

Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ hôm 7 Tháng Giêng, ông Phúc nhìn nhận sự thực đang xảy ra tại Việt Nam là “tỉ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình trong năm năm qua là 18.4%, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dư địa chính sách tài khóa còn rất hạn hẹp, cân đối ngân sách khó khăn, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Nên để có vốn đầu tư, vốn cho đầu tư phát triển, chính phủ buộc phải đi vay.”

Ngân sách thiếu hụt, chính phủ Việt Nam vừa ra một nghị quyết “huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân” nói nôm na là Ngân Hàng Nhà Nước nhận được chỉ thị “tìm giải pháp thực hiện” việc thu gom vàng và đô la mà người dân đang cất giấu ở nhà, ước lượng khoảng $20 tỷ. Nếu không khốn đốn lắm về tài chính, chính phủ có thể chưa phải nghĩ đến giải pháp này.

Ý tưởng này cũng từng được nêu ra từ hồi Tháng Bảy năm ngoái khi cả ông Phúc và Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ đều hô hoán “vàng trong dân còn nhiều lắm” mà một số chuyên gia kinh tế cho rằng bất khả thi. Người ta đã có nhiều kinh nghiệm đau đớn vì bị nhà nước lừa qua mấy vụ đổi tiền mà thực chất là cướp không tiền bạc tài sản của dân.

Bây giờ, đầu năm Dương Lịch và cũng chỉ còn khoảng hai tuần lễ nữa là Tết Âm Lịch Đinh Dậu, ông Trọng sang Bắc Kinh sẽ được ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, giúp đỡ gì? Ông Trọng sẽ phải đổi chác cái gì để chế độ hiện nay còn chỗ dựa mà tồn tại?

Tháng Mười, 2011, sau khi vừa được bầu làm tổng bí thư, ông Trọng đã sang thăm Trung Quốc, ký bản thông cáo chung chín điểm “thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển ổn định, lành mạnh vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.”

Dịp này, điểm số 5 của bản tuyên bố chung viết rằng hai bên “Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên Bố Ứng Xử Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Thực tế diễn ra cho đến nay hoàn toàn khác.

Trung Quốc biến các bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988 thành những đảo nhân tạo khổng lồ với các căn cứ quân sự quy mô gồm cả phi trường, hải cảng, đài radar vệ tinh, với mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.

Ngày 19 Tháng Mười, 2016, ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư Đảng CSVN, nói với ông Tập Cận bình rằng: “Việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của đảng CSVN.”

Ông Huynh được đồn đoán là người có thể thay ông Trọng ở một phiên họp giữa kỳ của đảng CSVN.

Ngày 12 Tháng Giêng, khi đến Bắc Kinh, ông Nguyễn Phú Trọng không thể nói khác. (TN)

MỚI CẬP NHẬT