Friday, March 29, 2024

Bắc Kinh dọa đánh Nhật nếu xía vào tranh chấp Biển Đông

TOKYO (NV) – Trung Quốc đe dọa Nhật rằng nếu Tokyo tiếp tục lập trường như từng tuyên bố về tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh có thể có hành động quân sự.

Lời cảnh cáo này, theo một bản tin của Kyodo News thuật dựa trên một nguồn tin ngoại giao, được Đại Sứ Trình Vĩnh Hoa của Trung Quốc ở Tokyo chuyển đến một viên chức hàng đầu của chính phủ Nhật hồi Tháng Sáu vừa qua.

Ông Trình Vĩnh Hoa nói với phía Nhật rằng Trung Quốc sẽ có thể “vượt lằn ranh đỏ” nếu tàu của Nhật tham gia các hoạt động “tự do hải hành” do chính phủ Mỹ phát động trên Biển Đông.

Ông này còn cho biết Bắc Kinh sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng biện pháp quân sự.

Tuy chuyện này chỉ được tiết lộ vào ngày Chủ Nhật, 21 Tháng Tám, lời đe dọa đã xảy ra từ hồi Tháng Sáu.

Ông Trình Vĩnh Hoa được thuật lời nói với viên chức Nhật rằng Trung Quốc “không nhường nhịn trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và cũng không sợ các khiêu khích quân sự.”

Nhật không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp các vùng biển trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, nhưng vùng biển này là hải lộ quan trọng hàng đầu thế giới với số lượng hàng hóa thương mại vận chuyển lên trị giá tới $5,000 tỷ.

Từ Tháng Mười năm ngoái đến nay, Hoa Kỳ đã nhiều lần cho tàu chiến, máy bay tuần tiễu qua Biển Đông, có khi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Các chuyên viên phân tích thời sự nhiều lần cảnh báo rằng Bắc Kinh đang biến bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa thành bảy căn cứ khổng lồ cho cả không quân và hải quân để khống chế toàn bộ Biển Đông.

Ngày 8 Tháng Tám, nhật báo The New York Times viện dẫn những không ảnh mới nhất do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) thu thập được trong Tháng Sáu và Tháng Bảy vừa qua.

Theo đó, người ta thấy ít nhất có 20 nhà chứa máy bay xây dựng bằng xi măng cứng, thích hợp cho các loại máy bay từ chiến đấu cơ đến máy bay ném bom và cả máy bay tiếp dầu trên không tại các đảo nhân tạo Đá Thập, Su Bi, và Vành Khăn. Những tháng trước đó, Trung Quốc đã xây dựng các đường băng dài 3,000 mét trên các đảo nhân tạo này để các loại máy bay quân sự lớn của họ có thể lên xuống.

Khi Bắc Kinh hoàn tất các công trình xây dựng, cơi nói các đảo ở cả Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc coi như tiến dần đến mục tiêu kềm chế toàn bộ Biển Đông. (TN)

MỚI CẬP NHẬT