Tuesday, April 23, 2024

Cá lại chết trắng một đoạn bờ biển tỉnh Thanh Hóa

THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Chính quyền tỉnh Thanh Hóa vừa gửi cho thủ tướng Việt Nam một công văn, báo cáo tình trạng cá chết trắng đoạn biển chạy dọc hai xã Tĩnh Hải và Nghi Sơn ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Theo công văn vừa kể thì trong bốn ngày, từ 5 đến 8 Tháng Chín, cả cá trong tự nhiên lẫn cá được nuôi trong lồng ở Tĩnh Hải và Nghi Sơn đột nhiên chết hàng loạt không rõ lý do.

Kết quả điều tra sơ bộ của chính quyền huyện Tĩnh Gia xác định, vào hai ngày 5 và 6 Tháng Chín, khi đánh bắt hải sản tại vùng biển nằm phía sau nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ở vùng biển cách bờ từ 300 mét đến 500 mét, ngư dân trong vùng phát hiện cá bơn, cá thèn, ghẹ… chết hàng loạt. Chính quyền xã Tĩnh Gia đã vớt khoảng 100 kg cá chết giạt vào bờ và đã tổ chức chôn lấp.

Đến hai ngày 7 và 8 Tháng Chín, cá nuôi trong các lồng đặt ven bờ biển bắt đầu có nhiều biểu hiện bất thường như quẫy rất mạnh rồi chết hàng loạt. Riêng tại xã Nghi Sơn, có khoảng 47.5 tấn cá mú, cá hồng, cá vược, cá hồng đỏ… chết.

Cũng thời điểm này, xác cá trong tự nhiên bắt đầu giạt vào bờ đoạn biển chảy ngang xã Hải Yến, chính quyền xã này đã tổ chức vớt và chôn lấp khoảng 200 kg cá chết. Trong ngày 9 Tháng Chín, một mảng nước biển có màu nâu đỏ giạt từ biển vào bờ.

Ngư dân và chính quyền hai xã Tĩnh Hải và Nghi Sơn cùng cho biết các loại cá trong tự nhiên bị chết thời gian vừa qua là cá sống ở tầng nước sát đáy biển. Còn các loại cá được nuôi lồng đã chết hàng loạt là những loại vốn có khả năng thích nghi rất cao với sự thay đổi của môi trường nước. Cá nuôi trong lồng đột nhiên chết hàng loạt không phải chuyện lạ nhưng chưa bao giờ cá nuôi trong lồng chết nhiều trên diện rộng, trong một thời gian ngắn như vừa kể.

Trong công văn gửi cho thủ tướng Việt Nam, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cho biết đã yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi Trường của tỉnh khảo sát vùng biển có hiện tượng cá chết trắng biển.

Mời độc giả xem thêm phóng sự: Sài Gòn có những quán cà phê như thế

Kết quả khảo sát cho thấy, trên mặt vùng biển từ xã Hải Bình (nơi có cảng cá Lạch Bạng) đến xã Nghi Sơn (nơi có nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) vẫn còn xác cá chết trôi nổi trên biển. Màu sắc nước biển vẫn như bình thường trừ khu vực gần nhà máy thì nước biển có màu nâu đỏ. Màu nước biển ở khu vực bờ biển thuộc xã Nghi Sơn, nơi cá nuôi trong lồng chết hàng loạt trong một thời gian ngắn, cũng là nâu đỏ nhưng đậm hơn về sắc độ và trong nước biển có nhiều cặn.

Kết quả phân tích các mẫu nước ở khu vực cá nuôi trong lồng chết hàng loạt cho thấy có sự hiện diện của tảo Hairo – Creratium furca, loại tảo khi nở hoa tạo ra thủy triều đỏ, với mật độ đạt khoảng 8 triệu tế bào/1 lít nước biển. Mẫu nước ở vùng biển gần nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng có sự hiện diện của tảo Hairo – Ceratium furca, nhưng mật độ thấp hơn, khoảng 500,000 tế bào/lít nước biển. Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Thanh Hóa tạm kết luận, hiện tượng cá chết trắng biển tại đoạn bờ biển chảy ngang huyện Tĩnh Gia là do tác động của tảo Hairo – Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng và nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng hát này là vì một lượng lớn chất hữu cơ từ đất liền đã theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT