Thursday, April 25, 2024

Chơn Pháp tìm hiểu tiên tri, chân lý

Viên Linh

Vào mỗi thời điểm sang mùa, nhất là vào thời điểm chấm dứt một năm, từ năm này qua năm khác, trong khi lễ lạc được sửa soạn, các nghi thức tôn giáo và cuộc sống dân gian đi vào vòng quay chót một năm, thì các vị đạo gia, các vị lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng, nhìn vào cuốn lịch, nhìn lại các biến cố đã qua, hầu tìm ra những giải thích hay dự đoán cho tương lai.

Trong sinh hoạt tinh thần của miền Nam trước 1975 và sau này tiếp nối ở hải ngoại, có một nhóm trẻ tiếp tục đọc sách, biên soạn về kinh điển Thiền tôn thuộc trường cao đẳng Phật Học, có một nhóm trẻ mới đầu ở cao đẳng Phật Học, tiền thân của nhóm đại học Vạn Hạnh, cùng một thế hệ và chỉ hơn kém nhau ba bốn tuổi là nhiều, gồm có Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Chơn Pháp và Trí Hải, dĩ nhiên còn nữa song người viết bài này chỉ xin sơ lược vào một bài ngắn, trước khi có thể tiếp tục nới rộng. Trí Hải và Phạm Công Thiện đã ra đi, mây ngàn nước biếc, Tuệ Sỹ còn ở lại quê hương, vẫn cần cù tạo tác những bộ sách ngàn trang, còn Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu chuyển qua học Tiền Kiếp Trị Liệu, tiếp xúc với nhiều đạo sĩ nước người, viết rải rác cho một số tạp chí văn học, trong có một bài nhỏ trích dẫn ở đây, nhan đề sự đồng thanh tương ứng giữa các đạo gia và các nhà khoa học. Cụ thể của bài viết có mấy mục tiêu là thẩm định hai lời tiên tri, hai nhận định và chứng minh tính phổ quát của chân lý tối thượng.

Trước hết là hai lời tiên tri một của Đức Phật, và một của Liên Hoa Sinh Padma Sambhava, vị thiền sư Ấn Độ thế kỷ thứ tám, người thành lập Phật Giáo Tây Tạng.

1-“Hai nghìn năm trăm năm sau khi ta nhập Niết Bàn, Diệu Pháp Tối Thắng sẽ lan tràn tới xử những người mặt đỏ.”

“Two thousand and five hundreds years after I have passed away into Nirvana, the Highest Doctrine will become spread in the country of the red-face people.”

Đức Phật nói với Thiên Nữ Vimala (Goddess Vimala).

2 –“Khi nào mà chim sắt bay trên trời và ngựa chạy trên bánh xe thì dân Tây Tạng sẽ bị tung đi khắp thế giới như kiến và Đạo Pháp sẽ tới xứ người mặt đỏ.” -”When the iron bird flies, and horse run on the wheels, the Tibetan people will be scattered like ants across the World and the Dharma will come to the land of the red-face people.”

Liên Hoa Sinh, đại đạo sư thế kỷ thứ tám và là tổ khai sáng Phật giáo Tây Tạng.

Chơn Pháp đọc và dịch ra Việt ngữ, kèm thêm phần Anh ngữ, mà không giải thích, có lẽ vì không cần giải thích. Chơn Pháp, nguyên trưởng ban tu thư Viện Đại Học Vạn Hạnh trước 1975, sinh năm 1944 tại Hà Nam, học Trần Lục và Chu Văn An, rồi Đại học Văn khoa Sài Gòn, học tiếng Anh, Đức ngữ và tiếng Phạn, tốt nghiệp cử nhân Triết. Đã có 15 dịch phẩm in thành sách trước 1975, trong có Bác Sĩ Jhivago của Boris Pasternak, gần 2000 trang, tái bản nhiều lần ở Việt Nam, tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật của Edward Conze, 370 trang, Con Người Chịu Chơi dịch Alexis Zorba của Nikos Kazantzaki, 530 trang, toàn tập 49 truyện ngắn của văn hào Ernest Hemingway, v.v…

Cũng trong chủ đề đồng thanh tương ứng, phần thứ hai Chơn Pháp trình bày nhận định của các danh nhân về các vấn đề như hai hạng người, hai cách sống, hai cách suy nghĩ, v.v… Trong những vấn đề này, người tóm tắt bài viết sẽ có thể không trích dẫn phần Anh ngữ, vì sẽ quá dài, sau đây là những danh ngôn đã được Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu dịch ra Việt ngữ.

Hai cách sống

Chỉ có hai cách sống đời. Một là như thế là không có gì là phép lạ cả. Hai là như thế tất cả đều là phép lạ. Tôi tin cách thứ hai.

Albert Einstein (1879-1955). Bác học người Đức năm 1905 phát kiến thuyết tương đối, được trao Nobel khoa học năm 1921cho công trình hiệu ứng điện tử trên âm điện tử (photoelectric effect).

Hai cách suy nghĩ

Cách theo thời gian và cách vĩnh cửu và phi thời gian, cả hai đều là một phần của nỗ lực của con người nhằm thấu hiểu cái thế giới mà trong đó hắn sống. Không có cách nào hiểu được cách kia, mà cũng chẳng thể giản lược được vào cách kia, mỗi cách bổ túc cho nhau và chẳng cách nào trong cả hai là nói lên được toàn thể câu chuyện cả.

J.Robert Oppenhelmer (1904-1967). Vật lý gia Hoa Kỳ, cha đẻ của bom nguyên tử. Kinh hoàng và hối hân, ông chống lại việc phát triển bom khinh khí nên bị kết tội thân Cộng.

Song hành nhưng nhất nguyên

Không có “đa” mà chỉ có “đơn.” Kẻ nào chỉ thấy phức tính mà không thấy nhất tính, kẻ ấy sẽ luân lạc từ cái chết này đến cái chết kia.”

Áo-Nghĩa-Thư, 700 năm trước công nguyên.

MỚI CẬP NHẬT