Wednesday, April 24, 2024

Đứng Thẳng Làm Người (Kỳ 113)

Tạ Phong Tần

1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam

Việc ra tòa phúc thẩm không có đáng kể, nói chung trình tự, diễn biến cũng giống y như phiên xử sơ thẩm thôi. Nhưng khác ở chỗ xử phúc thẩm của tòa án tối cao không có hội thẩm nhân dân tham gia, mà Hội Đồng Xét Xử là ba thẩm phán của tòa án tối cao, và thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa là cán bộ của Viện Kiểm Sát tối cao chớ không phải người của cấp thành phố.

Lần này, chủ tọa điều khiển phiên tòa là thẩm phán Lê Thành Văn. Phiên tòa này có đổi mới ở chỗ Lê Thành Văn cho tôi đặt câu hỏi chất vấn người làm chứng, tức Ngô Thanh Tú (Thiên Sầu) và Nguyễn Tiến Trung, Phan Thanh Hải (Ba Sài Gòn), Kiểm Sát Viên. Thật ra đối với Nguyễn Tiến Trung, Ngô Thanh Tú hay Phan Thanh Hải không cần hỏi tôi cũng biết diễn biến câu chuyện và cả câu trả lời, nhưng vì trong bản kết luận điều tra của chúng nó có ghi rõ rằng ba người này khai buộc tội tôi và khẳng định là tôi vi phạm pháp luật nên tôi muốn nghe chính họ lặp lại câu nói đó trước mặt tôi, để tôi hiểu hơn về những con người đã từng tuyên bố hy sinh vì tự do, dân chủ thôi, nhằm mục đích sau này tôi sẽ có mức độ cư xử phù hợp.

Đúng như tôi nghĩ, cả ba người đều nói rằng họ không có quyền gì để buộc tội tôi, không hề khai với cơ quan điều tra thừa tôi (Tạ Phong Tần) vi phạm pháp luật, cái đó là do cơ quan điều tra tự ý ghi vô bản kết luận điều tra. Đối tượng quan trọng nhất tôi muốn đặt câu hỏi chất vấn là giám định viên thì lại không có mặt ở phiên tòa phúc thẩm. Tôi nghĩ bọn cộng sản này chúng nó quá hèn hạ, dám buộc tôi công dân rồi trốn biệt dạng, không dám chường mặt ra tranh luận dù cả hệ thống công cụ đàn áp là của chúng nó. Vì vậy, tôi oang oang tuyên bố luôn:

-Đúng ra tôi phải đặt câu hỏi chất vấn giám định viên, tôi đã đề nghị triệu tập giám định viên từ phiên tòa sơ thẩm nhưng đến phiên phúc thẩm này giám định viên vẫn không có mặt. Vì vậy, tôi sẽ đặt câu hỏi chất vấn đại diện Viện Kiểm Sát giữ quyền công tố và Hội Đồng Xét Xử.

Phiên tòa phúc thẩm có tiến bộ hơn là Lê Thành Văn ngồi im cho luật sư và tôi nói hết bài bào chữa mà không ngắt lời. Bài bào chữa này sau khi đến Hoa Kỳ mười ngày tôi đã viết lại hoàn chỉnh chi tiết và đăng lên trang blog cá nhân của tôi tại địa chỉ https://hr4vn.wordpress.com/2015/10/12/luancubaochua-taphongtan. Bổ sung thêm số liệu và ngày tháng năm, con số điều luật, còn nội dung thì không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, khi tôi đặt câu hỏi yêu cầu Kiểm Sát Viên chứng minh từng bài viết của tôi sai chỗ nào, cụ thể là câu nào, chữ nào thì Kiểm Sát Viên lại trả lời rằng “Có trong hồ sơ” và… không tranh luận. Hồ sơ thì bị cáo làm sao mà đọc được, vì chúng nó có cho đọc đâu. Đúng là “chuối cả vườn,” cả “buồng” là còn quá ít.

Khoản 3 Điều 222 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm Sát Viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.” Rõ ràng, chứng cứ buộc tội tôi không được đưa ra thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ điều luật này thì không thể buộc tội và phải tuyên hủy bỏ bản án sơ thẩm.

Luật Sư Đạt sau khi đặt câu hỏi tôi sơ sơ vài câu đã hỏi câu cuối cùng:

-Chị nghĩ thế nào về bản án mười năm tù đối với chị? Chị có cảm thấy hối hận hay vẫn bảo vệ quan điểm của mình?

Nghe câu hỏi, tôi lập tức hiểu ngay vấn đề. Là người trong nghề với nhau, đây không phải là câu hỏi của luật sư hỏi bị cáo, vì nó không ăn nhập vào đâu hết với việc bào chữa cho thân chủ. Đây là câu hỏi của báo chí, và tôi biết rõ ai đã nhờ Đạt đặt câu hỏi này, do báo chí tự do bên ngoài không thể tiếp cận tôi. Vì vậy, tôi dõng dạc nói to, ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa:

-Tôi không làm điều gì sai pháp luật, tôi không ân hận về những việc tôi đã làm. Để bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền con người của tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức án nào cho dù cái giá phải trả sẽ rất cao.

Tôi hiểu rằng không cần mất nhiều thời gian, lời tuyên ngôn của tôi cả thế giới văn minh sẽ biết.

Luật Sư Đạt quay sang Hội Đồng Xét Xử:

-Tôi không hỏi thêm câu nào nữa.

Lê Thành Văn vội vàng chuyển sang phần cho bị cáo nói lời sau cùng. Mặc kệ ai đem thành tích cũ, thân nhân “có công với cách mạng” ra kể lể xin giám án, đến phiên tôi, tôi nói:

-Tôi có hai người chú, một người bác là thương binh của chế độ này, nhưng trong lý lịch tôi không khai, hôm nay tôi nói ra đây để Hội Đồng Xét Xử biết mà hiểu rằng tôi không cần xin giảm án, tôi không phạm tội. Cái mà tôi muốn là sự công bằng và đúng pháp luật. Cám ơn Hội Đồng Xét Xử đã chú ý nghe tôi nói.

(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT