Tuesday, April 23, 2024

Hà Huyền Chi, góc trời xa khuất

Viên Linh

I-Lùi sâu về quá khứ mịt mù, trước cả 1957 là năm vài người bạn cùng trại học sinh di cư Phú Thọ nhập ngũ, lớp trên có anh Vực, đồng lứa có các bạn Bùi Đức Lạc, Chân đen, Yên đi Hải quân, trong có Đặng Trí Hoàn, tên khai sinh của nhà thơ Hà Huyền Chi, vào Võ Bị. Bỗng có hôm thấy một khuôn mặt hiện ra, rồi vui vẻ biến đi, hôm khác là một hình bóng khác, lâu dần có khi không nhớ rõ ai còn ai mất, hiện ra rồi biến đi, sống cũng như chết, thấy vẫn cứ là bạn xưa. Riêng Hà Huyền Chi dứt khoát chọn binh nghiệp nên vào Trường Võ Bị Đà Lạt, cả 20 năm qua không thấy không nghe. Hỏi ra bạn vẫn ở Seattle, nơi từ thập niên bảy mươi qua thập niên 80 vẫn gửi thư cho tôi về Virginia.

Những năm Sài Gòn gặp nhau thường nhật là sau Tết Mậu Thân, đêm đêm vào canh gác nhiệm sở, hết giờ trực thì hàn huyên các thứ, có khi là lập một bàn phé còm, láng một hai trăm. Nhiều khi giữa bạn bè thân đánh chẳng buồn ăn, nên đánh lấy thua để dẹp sòng đi ngủ. Tôi có cuốn truyện dài nhan đề “Cuối cùng em đã đến,” mua suốt hay đợi chờ cây bài gì mà lên là Hà Huyền Chi cũng lật bài ra, la:

-“Cuối cùng em đã đến!”

Ván đó tôi thua là chàng ta thích lắm.

Ngoài thời gian đó ra, cùng phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, chúng tôi gặp nhau luôn. Người ta thường chỉ có một ngành chuyên môn, Hà Huyền Chi có đủ bốn môn võ nghệ: Thơ Văn Nhạc Kịch, điển hình có thể kể: Saut Đêm (Thơ, 1963) – Mưa Đêm Trong Chiến Hào (Tiểu thuyết, 1971) – Lệ Đá (lời nhạc cho Trần Trịnh, thập niên 60) – Dưới Bóng Cờ (giải nhất Giải Nghệ thuật toàn quốc, 1973 về bố cục phim).

II-Những năm đầu lưu vong, chúng tôi tâm sự qua thư từ, kẻ ở Fairfax Virginia, người nơi Lacey Seattle.

1-“Lacey 3 tháng 5, 1979

Bạn Viên Linh thân, -xin hoan nghênh bạn và Thời Tập một phát. Khen tài trình bày báo của bạn là dư. Chỉ có Đằng Giao mới có thẩm quyền phê phán… Bộ chữ của bạn quả là kỳ công, tuyệt kỹ. Đọc đã mắt quá chừng. Tôi chưa có dịp đọc Văn Học Nghệ Thuật và tờ Phụ Nữ của Nguyên Sa nên không có khả năng so sánh. (Vì rách đấy bạn ạ. Mua sách báo là nhăn phát nản). Chỉ còn biết giải trí lành mạnh bằng đi câu và làm vườn thôi. Cái bệnh rách vì phong lưu quá đáng vậy thôi… Bề ngoài ta vẫn phong lưu ra dáng, bề trong thì khốn đốn chẳng cùng. Amen!

Đời ta làm đến quan tư + điện ảnh văn chương đủ thứ sau 18 năm lính mà vẫn rách…”

2- “Viên Linh thân, -Hoan nghênh Thời Tập của mày. Sẽ là trùm. Tao đang bận với truyện dài bằng thơ, mới xong 1,688 câu, song vẫn ráng viết riêng cho Thời Tập một bài.

Thân, Hoàn.”

3- “Lacey ngày 3 tháng 10, 1980

Bạn Viên Linh thân, -Thời Tập của bạn chết thật lãng. (1) Có thể nói là không bao giờ còn tập san nào ngon hơn thế, để mình hãnh diện so với sách báo nước người. Đọc Người Việt thấy nói bạn là một trong những người thực hiện “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực.” Bạn có cách nào cho đọc với được không?… Bây giờ bạn làm gì hay thực đã rửa tay gói kiếm như đã phẫn tả với tôi một lần trước?…(2)

Chúc bạn và gia đình an mạnh. Hoàn.”

4- “Lacey, 24 tháng 2, 1981

Viên Linh thân, -Rất mừng vì Tiếng Vọng Từ Đáy Vực đã được phổ biến rộng rãi và đón nhận nồng nhiệt từ mọi nơi, mọi phía,…

Thân ái, Hà Huyền Chi.”

5- “Lacey, 23 tháng 10, 1982

Viên Linh thân, -Thủy Mộ Quan của mày tới đâu rồi. Nhớ gửi cho tao đọc với. Chỗ tao có 1 tiệm Việt Nam,… nếu muốn mày có thể gửi bán. Hoặc mày gửi đến tao để tao đem lại cũng được.

Chúc vui. Thân, HHC.”

Bản chụp vài lá thư và bút tự Hà Huyền Chi viết đầu thập niên 1980. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Bản chụp vài lá thư và bút tự Hà Huyền Chi viết đầu thập niên 1980. (Hình: Viên Linh cung cấp)

6- “Bạn Viên Linh, -Tôi mất hơn một tuần mới đọc xong Thủy Mộ Quan.

Phải công nhận là một tử công phu về cả hai phương diện ấn loát và nội dung…

Thăm và chúc gia đình bạn một giáng sinh ngon lành + thịnh vượng.

HHC 11-22-82.”

7- “ĂN NĂN

Viết tặng những người cỡi sóng vượt ngàn trùng.

Hà Huyền Chi

Lao thuyền vào giữa biển đầy
Mênh mông bủa kín chân ngày hư vô
Thân nhầu ngàn lớp sóng xô
Lênh đênh cơn tủi mịt mờ tương lai.
Sót quê lệ đắng tuôn dài
Xót thân thôi đã lạc loài trăm năm
Tự do réo mãi lời câm
Trái tim thượng đế ăn năn đã nhiều.
(bản thảo chép tay)

VL thân
Chúc bạn và gia đình một giáng sinh vui vẻ.”

III- Hỏi quanh bạn hữu sao lâu nay vắng bóng Hà Huyền Chi, có người cho biết nhà thơ “không gian vương dấu giầy” chừng như đã quên đã nhớ không biết là nhớ hay quên những gì. In tới 17 tập thơ mà lên báo mạng chỉ thấy Lệ Đá. Sự nghiệp Hà Huyền Chi không ở đó, cho dù đó là một từ khúc đầy văn chương; cũng không ở tiểu thuyết, với tôi lãnh vực thơ nhất là khía cạnh thơ biếm chính thời thế ký tên Mậu Binh của anh là tuyệt nhất.

Nước Cống
(biếm anh hòa giải)

Nếu ta khuấy bát bùn hôi
vào trong nồi cháo cả nồi sẽ hư.
Nếu ta khuấy chén bào ngư
vào nồi nước cống sẽ như thế nào?
Văn nô hòa giải ồn ào
như chén nước cống khuấy vào bùn tanh.
(Mậu Binh, Thời Tập số 10, tháng 3, 1991)


Chú thích
(1) và (2): Thời Tập số 1 hải ngoại ra vào 30 tháng 4, 1979, chỉ trong tháng 5 tôi vui mừng tin rằng mình có thể trở lại với ngòi bút, khi báo bán ra có $1.95 một số, mà vô trương mục được 1,800 mk chỉ trong một tháng. Tin loan ra, vài hôm sau trương mục hết sạch, không còn một đồng. Có người đã giả chữ ký của tôi rất tài, và nói không muốn tôi trở lại nghề báo. (2) Đó là ý nghĩa hai chữ “phẫn tả” Hà Huyền Chi dùng sau khi đọc thư tôi, rồi hỏi tôi “Bây giờ bạn làm gì hay thực đã rửa tay gói kiếm?”

MỚI CẬP NHẬT