Saturday, April 20, 2024

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Trần Thế Ðức

Thường thì những người có danh, có chức mới viết hồi ký khi về già. Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường, chẳng có gì to lớn cả, nên chẳng bao giờ nghĩ đến việc tự viết về mình. Tuy nhiên, qua bao năm sống còn, nghĩ lại mình cũng còn những điều đáng nhớ nên mạo muội ghi lại: Trong cuộc đời chúng ta, biết bao mốc thời gian, biết bao biến cố xảy ra, nhất là những ai đã sống trong những ngày tàn khốc nhất trên đất nước Việt Nam trong những năm khói lửa (1945-1975). Không nhắc tới những biến cố trên đất nước, trong cuộc đời mình, một mốc thời gian quan trọng là lúc quyết định chọn nghề sau khi rời mái trường trung học.

Thuở niên thiếu của tôi (cuối thập niên 1950 và đầu 1960), không có cố vấn học đường, cố vấn nghề nghiệp, và những tài liệu hướng dẫn về các ngành học ở đại học cũng như các trường chuyên nghiệp như ngày nay ở các nước tiên tiến. Tài liệu duy nhất mà chúng tôi biết là cuốn sách nhỏ “Ðây Ðại Học” do sinh viên Công Giáo soạn và tái bản nhiều lần. Ở trường, các thầy trẻ, mới ra trường, cũng là những người hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tâm. Khi tôi học lớp đệ nhị ở Trường Trung Học Chu Văn An Sài Gòn (1961-1962), thầy Phạm Xuân Lương, một thầy giáo trẻ, mới tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm, coi chúng tôi như những đứa em, và hướng dẫn chúng tôi rất nhiều.

Ðối với những kẻ con nhà nghèo như tôi, lời khuyên của thầy là nên học Ðại Học Sư Phạm, vì thời gian học chỉ có ba năm, lại có học bổng (1,500 đồng một tháng) có tí tiền tiêu xài, không cần xin cha mẹ. Vào thời đó, đây là một số tiền lớn vì lương công chức (thư ký phù động) khoảng trên 2,000 đồng, lương chuẩn úy 2,200 đồng ăn tô phở chỉ tốn 5 đồng, ly cà phê 2 đồng. Từ đó tôi thấy con đường đi trước mắt: Ðại Học Sư Phạm. Nhưng học môn gì? Tôi học ban A, khoa học thực nghiệm nên định học môn Vạn Vật, theo gót các thầy Nguyễn Văn Ðỉnh (vị thầy chuyên dạy ban A, với phương pháp thật dễ hiểu) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (người có hai bàn tay lả lướt vẽ thành những hình tuyệt đẹp như những bức tranh của họa sĩ, mà khi thầy xóa bảng, chúng tôi cứ tiếc). Ðôi khi thầy Quỳnh biểu diễn bằng cả hai bàn tay với đủ loại phấn màu… Ngoài ra, chúng tôi có thể hỏi các anh chị của bạn bè, những người đi trước. Một người bạn tôi có ông anh học rất giỏi, năm nào cũng lãnh phần thưởng là những chồng sách cao, khi còn học Chu Văn An. Sau khi đậu tú tài, anh thi đậu vào trường Cao Ðẳng Nông Lâm Súc. Tôi rất mê ngành nông nghiệp mà anh đang học. Anh phải đi thực tập hàng tháng trời, khi thì ở các đồn điền cao su Long Khánh-Bình Dương, khi thì ở các đồn điền trà Bảo Lộc-Lâm Ðồng. Ðọc cuốn luận văn sau khi thực tập của anh (ngành trồng trà ở Bảo Lộc-Lâm Ðồng), tôi rất thích. Nhưng tôi không thể mơ tới trường này được, vì trong kỳ thi tuyển có bài toán ban B, chỉ bài Vạn vật mới ở trình độ ban A. Tôi học ban A thì làm sao làm nổi bài toán ban B.

Trường Trung Học Chu Văn An của tôi gần như là trường ban B. Thế mà tôi lại chọn ban A. Lớp ban A của tôi tập trung những kẻ cùng thân phận như tôi (dốt hoặc sợ môn toán), nhưng lại là nơi khởi đầu của nhiều bạn học giỏi đã chọn con đường thật dài và sáng giá: y khoa đại học, để trở thành bác sĩ. Những người bạn thân của tôi từ thời đệ thất đều khuyên và rủ tôi cùng vào APM (Année Préparatoire de Medecine = dự bị y khoa) với họ. Nhưng hoàn cảnh của gia đình tôi quá eo hẹp, 7 năm học thật quá dài. Tôi đành chọn con đường ngắn hơn chút ít: nha khoa, chỉ học 5 năm. Chó ngáp phải ruồi, tôi đậu (họ tuyển 30 ngưởi trong số 800 thí sinh dự thi). Thế là tôi học dự bị nha khoa (APD = Année Prépatoire Dentaire) ở Ðại Học Khoa Học, kế bên Ðại Học Sư Phạm.

Hơn 10 mạng ban A chúng tôi thi vào Ban Vạn Vật, Ðại Học Sư Phạm, nhưng chỉ có một đứa duy nhất đậu. Học ban A thì phải “tụng” Vạn Vật cho kỹ. Tôi thuộc cả đến những chỗ xuống hàng và mọi hình vẽ trong cuốn sách dày cộm, thế mà vẫn ăn vỏ chuối. Ban Vạn Vật thực là khó: khoảng 1,000 thí sinh, trường Ðại Học Sư Phạm chỉ lấy có 15 người. Người bạn cùng lớp với tôi đậu được là do đâu? Có lẽ do tài khéo tay của anh ta (vẽ thật đẹp như họa sĩ), và cũng do bài Anh Văn nữa. Kỳ thi có một bài Vạn Vật và bài Anh Văn (dịch Anh-Việt).

Tôi học dự bị nha khoa, giờ rảnh thì cùng bạn bè lang thang khắp nơi: hầm MPC, Ðại Học Sư Phạm, chờ giờ học sắp tới. Bỗng tôi thấy bên Ðại Học Sư Phạm tấp nập với những tà áo thướt tha. Ðại Học Sư Phạm đang nhận đơn thi tuyển cho niên khóa sắp tới. Tôi gặp lại bạn bè Chu Văn An cũ, đang học ở những đại học không mấy chắc ăn (Khoa Học, Văn Khoa, Luật Khoa) cũng nộp đơn thi vào Sư Phạm cho yên.

Người ta nộp đơn thì tôi cũng lấy bằng tú tài ra và điền đơn, đâu có mất mát gì. Nhưng thi vào môn nào? Ban Vạn Vật thì tôi đã tiêu tùng từ năm trước, không dám đụng đến nữa. Anh Văn và Việt Văn thì làm sao địch nổi bọn ban C. Thôi thì nộp vào ban Sử Ðịa vậy, vô thưởng vô phạt, ai cũng như ai. Ðến ngày, tôi cũng đi thi. Thế mà chó ngáp phải ruồi, tôi đậu, thứ hạng cũng khá cao trong 40 thí sinh trúng tuyển, của khoảng 1,000 người dự thi. Bao nhiêu bạn bè của tôi đều không thấy tên. Năm trước, khi thi vào ban Vạn Vật, tôi còn mở sách ra dò lại bài. Chứ bây giờ, tôi thi chơi chứ có định học đâu mà ôn bài! Sau này, khi học Sử Ðịa ở Ðại Học Sư Phạm, tôi ngẫm nghĩ tại sao mình lại đậu? Tôi nhớ mang máng đề thi lúc đó là: “Tình hình thế giới giữa hai thế chiến.” Tôi đoán: khi làm bài thi, tôi đã làm đúng phương pháp sử mà sau này tôi được học: phân tích, tổng hợp, giải thích sự kiện. Ðó là những ý niệm tôi rút ra khi học sử ở trung học, khác với lối học thuộc lòng ngày, tháng, năm, tên vua này, vua nọ… chán ngấy. Hồi đó, tôi không hài lòng về cách dạy Sử-Ðịa của vài thầy khi còn học ở những lớp dưới. Tôi nghĩ: bài như thế thì phải dạy học sinh thế này, thế kia, chứ bắt học sinh học thuộc lòng thì còn gì hay nữa. Tôi đã nghĩ ra phương pháp phản hồi đối với bài dạy, mà sau này khi học sư phạm tôi mới được biết.

Sử Ðịa ở trung học, bị coi là môn phụ, môn ăn chơi. Nhưng tôi lại thấy học Sử như đọc truyện nên nắm bắt được những sự kiện chính, những mốc thời gian. Môn Sử khiến cho con người tôi lúc thì nóng bừng lên, lúc thì giận tím gan (phản hồi). Môn Sử tạo cho con người tinh thần yêu nước, yêu non sông, đất Việt. Còn Ðịa Lý, tôi có cảm tưởng như mình được đi du lịch khắp năm châu bốn biển, biết được nhiều nơi, nhiều dân tộc trên thế giới và rút ra những bài học cho đất nước mình. Có lẽ Sử-Ðịa đã thấm vào trong tim óc tôi từ lâu, nên tôi đã làm bài thi đúng phương pháp và may mắn thi đậu.

Trước ngày khai giảng ban Sử Ðịa, tôi coi thời khóa biểu niêm yết trước văn phòng hành chánh, thấy giờ học cũng nhàn nhã nên thử vào xem sao. Tôi cứ tưởng sẽ được gặp các vị nổi tiếng trong lãnh vực Sử Ðịa như ông bà Tăng Xuân An, Giáo Sư Phan Khoang, Sử Gia Phạm Văn Sơn,… Nhưng trên thời khóa biểu chỉ thấy tên các vị giáo sư mà trước kia tôi chưa hề nghe tiếng: Phạm Cao Dương, Phạm Ðình Tiếu, Lâm Thanh Liêm, Nguyễn Thế Anh,… cả mấy ông Tây nữa (Teulières, Flamand). Vị giáo sư đầu tiên mà tôi được gặp là Giáo Sư Phạm Cao Dương. Những giây phút đầu tiên chúng tôi học với thầy không phải là bài sử, mà là những lời hướng dẫn cho chúng tôi con đường chúng tôi nên theo, nên làm. Theo thầy, trong lãnh vực Sử-Ðịa và văn hóa của người Việt Nam, còn rất nhiều điều mà người Việt Nam chúng ta chưa nghiên cứu, chẳng hạn lịch sử mỹ thuật Việt Nam chưa có những công trình nghiên cứu sâu xa. Còn sử Việt Nam, từ trước tới nay, người viết sử chỉ nhìn dưới khía cạnh lịch sử chính trị mà không nhìn dưới khía cạnh lịch sử văn minh. Quả thực là thật mới mẻ đối với tôi. Thầy đã hé mở cho chúng tôi biết sử là gì. Thầy còn nhắc: mình không làm thì ai làm? Tôi nhớ lại, khi còn học ở trung học, các thầy tôi nhắc tới những công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam do người Pháp thực hiện. Có những ông tây da trắng, mũi lõ ngồi hút thuốc lào cùng với các bác nông dân trên bờ ruộng để tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Người Pháp làm được thì tại sao mình không làm được? Vả lại họ nghiên cứu cách nay mấy chục năm rồi, nước ta, dân ta đã có nhiều thay đổi. Những lời đầu tiên của Giáo Sư Phạm Cao Dương khiến tôi suy nghĩ và cảm thấy hứng khởi. Giáo Sư Phạm Cao Dương đã xoáy vào tim bọn sinh viên mới bước chân vào đại học. Tôi thấy cũng hay. Mình sống, làm được chút gì là vui. Dạy trung học chỉ có 16 giờ mỗi tuần, nghĩa là chỉ có bốn buổi, còn quá nhiều thời giờ rảnh rỗi, mình có thể làm việc khác, tìm hiểu về văn hóa, sử, địa của địa phương mình, và rộng ra của nước Việt Nam chúng ta. Tôi tìm thấy nguồn vui. Những lời nói đầu tiên của Giáo Sư Phạm Cao Dương khi tôi bước chân vào Ðại Học Sư Phạm đã tạo nên bước ngoặt có tính cách quyết định trong cuộc đời tôi.

Hôm sau, Giáo Sư Lâm Thanh Liêm cũng khuyến khích chúng tôi nên ghi danh học Sử Ðịa ở Ðại Học Văn Khoa và đi vào con đường nghiên cứu địa lý. Những lời tâm huyết của thầy là nguồn khích lệ lớn lao cho 40 lính mới chúng tôi: nửa lớp ghi danh học năm dự bị ở Ðại Học Văn Khoa. Một số bạn không ghi danh ở đó vì còn học tiếp bên Luật Khoa mà họ đã theo đuổi từ trước, hoặc bận bịu dạy thêm ở trường tư, kiếm cơm nuôi gia đình.

Ngoài Giáo Sư Phạm Cao Dương, chúng tôi học với Giáo Sư Phạm Ðình Tiếu. Thầy Phạm Ðình Tiếu lôi cuốn chúng tôi với tính tình cởi mở, gần gũi với học trò. Phong cách thân mật với học trò, làm việc hăng say hết mình của thầy đã thấm vào con người chúng tôi. Sau này, khi ra trường, những nhà giáo chuyên về Sử Ðịa của lớp chúng tôi thường lăn xả vào những sinh hoạt trong trường mà những người chuyên dạy tư thường tránh né: tổ chức những sinh hoạt xã hội, trại du khảo, trại công tác, đảm nhận chức vụ hiệu đoàn phó (hiệu trưởng là hiệu đoàn trưởng). Có những bạn phải nhận chức vụ hiệu trưởng, giám học ngay từ năm đầu tiên nhận nhiệm sở. Những sinh hoạt trong trường khiến đời sống trong trường học không chỉ là phấn trắng, bảng đen, sách vở. Chính những sinh hoạt này tạo nên sự khắng khít giữa thầy, trò, trường, lớp mà không sách vở nào tạo nên được. Ngoài Sử Ðịa và Việt Văn, có thầy cô dạy môn nào đào tạo học sinh trở thành những người có tâm hồn Việt Nam? Từ thế hệ chúng tôi, học sinh không còn nhìn ông thầy Sử Ðịa qua môn học hệ số 2, môn phụ. Sử Ðịa không còn là môn mà bất cứ ai cũng dạy được.

Trước kia, Sử Ðịa do những giáo chức không chuyên môn đảm nhận vì Ðại Học Sư Phạm chưa cung cấp đủ thầy cô giáo. Còn chúng tôi do Ðại Học Sư Phạm đào tạo vững vàng về kiến thức chuyên môn, tự tin về khả năng sư phạm, lấy lại uy tín cho bộ môn Sử Ðịa. Có những bạn cùng khóa chúng tôi đã “hớp hồn” học sinh: “Sau này em sẽ học Ðại Học Sư Phạm, môn Sử Ðịa, giống thầy.” Không biết các bạn tôi đúng hay sai? Khi “thôi miên”học sinh vào môn học mà nhiều người vẫn coi thường, khiến học sinh không chọn những con đường khác, nghề khác là điều thiệt thòi cho các em. Tương tự như thế, thầy giáo trẻ mới ra trường khiến cô nữ sinh nào đó bị say lòng, dù anh ta không làm điều gì trái với chức năng của nhà giáo, cũng là điều đáng tiếc, vì nếu không gặp ông thầy thần tượng của em, biết đâu em chẳng gặp được chàng trai nào đó có chức, có danh hơn ông thầy tỉnh lẻ. Tuy nhiên, ông thầy dạy Sử Ðịa tạo được ảnh hưởng đối với tương lai của học sinh đã chứng tỏ sự thành công của nhà giáo.

Khi học với Giáo Sư Lâm Thanh Liêm về những môn địa hình thái học (Géomorphologie) và bản đồ (Cartographie) tôi thấy hay: Khi học ở lớp đệ tam (1960-1961), tôi thật uể oải với môn địa chất học, phải chịu đựng nhiều giờ trong tuần, ban A mà. Nhưng nay, đất đá là những dạng cụ thể ở các địa hình, trên đất nước Việt Nam và trên thế giới, là thực tế bên ngoài nhà trường, tôi lại thấy gần gũi. Môn học này nhẹ nhàng đối với tôi. Giáo Sư Lâm Thanh Liêm mới từ Pháp về, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ đệ tam cấp ở Đại Học Sorbonne, Paris, một trường đại học nổi danh.

Một môn mới lạ đối với những người mới bước chân vào lãnh vực chuyên môn về Sử là môn Bình giảng sử liệu do Giáo Sư Nguyễn Thế Anh giảng dạy. Tôi thích thú với môn này, vì những dữ kiện của quá khứ nói lên rất nhiều điều sống động, mình khám phá ra biết bao điều đã chìm vào thời gian đã qua: xã hội, kinh tế, chính trị, giải thích những biến cố từ sâu trong quá khứ. Giáo Sư Nguyễn Thế Anh cũng mới từ Pháp về, với bằng thạc sĩ. Theo hệ thống giáo dục Pháp, người có văn bằng thạc sĩ là giáo sư đại học thực thụ, chứ không phải thạc sĩ là tên của văn bằng cao học sau cử nhân như hiện nay trong nước gọi. Những ngày đầu bước chân vào Ðại Học Sư Phạm, tôi thơ thới, hân hoan. Tôi cùng các bạn cùng lớp sang ghi danh ở Ðại Học Văn Khoa, nằm ở đường Nguyễn Trung Trực (sau này là trụ sở của thư viện quốc gia). Ðây là trung tâm thành phố Sài Gòn, sát bên đường Lê Thánh Tôn, đi bộ trăm mét là tới đại lộ Lê Lợi, nhà sách Khai Trí, kem Mai Hương, nước mía Viễn Ðông,… Sau giờ học, chúng tôi có thể bát phố, ngồi quán cà phê ngắm các bóng hồng thướt tha trên đường Lê Lợi, hoặc ghé vào rạp xi nê khi có phim hay. Tôi ghi danh với mục đích vui chơi nhiều hơn là học.

Trường Ðại Học Văn Khoa không có những đại giảng đường khang trang như những đại học khác. Phòng học ở đây nằm trong những căn nhà bệ rạc không thua gì khu “chuồng ngựa” trường Chu Văn An của tôi. Sinh viên dự bị nhiệm ý Sử Ðịa phải học chung nhiều môn với các sinh viên chọn nhiệm ý khác, nên lớp học nào cũng đông nghẹt. Các cô thường đi sớm dành chỗ cho nhau ở các hàng ghế đầu, giống như đi xem kịch vậy. Không thể tranh giành với các bóng hồng, lại lười đi sớm, tôi thường ngồi phía sau lưng các bóng hồng, hoặc đứng ngoài cửa sổ mà ngóng vào nghe giảng. Trường xập xệ như vậy nhưng thầy trò không màng những thứ vật chất tầm thường trên thế gian và hướng tới những cái hay, cái đẹp.

Tại Ðại Học Văn Khoa, tôi thấy những môn học thật nhẹ nhàng, bay bướm. Cũng may, thời khóa biểu ở Ðại Học Văn Khoa và Ðại Học Sư Phạm không trùng nhau nhiều nên tôi có thể đi học được mà không sợ bị mất bài. Nếu có trùng với Ðại Học Sư Phạm thì tôi mượn vở ghi “cua” của bạn. Tôi không chủ đích học văn chương, nhưng những giáo sư văn chương khiến tôi thấy học cũng thích thú: Nghe Giáo Sư Nguyễn Văn Trung nói chuyện về văn chương, về nhà văn (nhà văn, người là ai?) cũng hấp dẫn. Còn mỗi buổi học với Linh Mục Thanh Lãng là một bài nói chuyện lý thú về văn chương, không uổng công đứng mỏi chân ở ngoài cửa sổ ghi chép.

Văn chương ở đại học, dù chỉ ở cấp thấp nhất (năm dự bị) cũng khác với văn chương tôi học ở trung học. Tôi cũng phải học môn chữ Hán. Tưởng rằng thứ chữ này thật khó nuốt, nhưng giáo sư Lưu Khôn đã thay đổi cách suy nghĩ của tôi. Với cách dạy của thầy, tôi thấy học loại chữ này không khó, nhưng mình phải bỏ thời gian với nó. Qua những bài học đầu tiên, tôi nhận ra tính thâm thúy của người TrungHoa qua lối viết của họ. Sau này tôi sẽ bỏ thời giờ nhiều hơn để học thứ chữ này để có khả năng đọc được những bản văn cổ viết bằng chữ Hán.

Thế là ở Ðại Học Văn Khoa, tôi cũng thấy học mà vui.

Sau khi “ngao du” ở cả hai trường Sư Phạm và Văn Khoa, tôi quyết định “xin chọn nơi này làm quê hương.” Lý do là học ở những nơi này rất nhẹ nhàng, không mệt nhọc như học Anatomie, Physique, Chimie,… và đến trường lại thấy mướt mắt, cuộc đời cũng có niềm vui. Tìm hiểu sâu xa về văn hóa dân tộc, nghiên cứu về đất nước, lịch sử dân tộc mình cũng là nguồn vui. Sau này, khi học ở Ðại Học Văn Khoa, được dịp dự những buổi trình tiểu luận cao học (thời đó chưa có tiến sĩ) hoặc tìm hiểu những đề tài nghiên cứu ở bậc cao học, tôi nhận ra đó là những khám phá về đời sống của dân tộc mình.

Một lý do nữa khiến tôi chọn nghề dạy học là nhà giáo vẫn còn chút giá trị tinh thần trong xã hội. Vào thời tôi, nhà giáo vẫn được quý trọng. Bạn bè tôi có anh chị dạy học ở tỉnh cho biết thầy cô giáo phải ăn uống trong tiệm đàng hoàng, chứ không được ngồi ở các quán bên lề đường hay trong chợ. Nếu không phải là thầy cô giáo thì ăn uống ở đâu, chẳng ai để ý. Thầy giáo mà giao du với cô nào thì ngày hôm sau cả trường đều biết và sầm xì. Các anh sĩ quan cặp bồ với cô này, cô nọ lại là chuyện thường. Tôi không muốn nói là cần mọi người kính nể, hay sợ bị coi là tấm gương cho mọi người, mà chỉ muốn nói rằng nhà giáo vẫn còn được xã hội quý mến. 10 năm sau, xã hội thay đổi, danh dự của nhà giáo tuy có sứt mẻ, nhưng xã hội vẫn nể vì họ những bậc thay mặt cha mẹ dạy dỗ con cái của họ.

Còn về vật chất thì ngành giáo được chính phủ ưu đãi hơn các công chức hạng A khác: chỉ số lương của giáo sư trung học đệ nhị cấp mới vào nghề là 470, trong khi tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh hoặc Cao Ðẳng Nông Lâm Súc chỉ số lương là 430. Sinh viên Ðại Học Sư Phạm được học bổng 1,000 đồng mỗi tháng, trong khi sinh viên trường Cao Ðẳng Nông Lâm Súc phải xin học bổng, nếu được chấp thuận mới được 700 đồng mỗi tháng. Với tiền học bổng hàng tháng, tôi không cần phải xin cha mẹ hoặc đi dạy kèm nữa. Bạn tôi ở tỉnh về Sài Gòn học, với số tiền học bổng này, anh ta đủ trang trải tiền trọ và tiền ăn hàng tháng. Lương giáo sư trung học đệ nhị cấp mới ra trường thời đó khoảng 9,000 đồng mỗi tháng. Nếu dạy thêm một số giờ (vì thiếu người dạy), lương sẽ trên 10,000 đồng/tháng. Ðây là mức lương rất cao (gấp 5 lần lương của thư ký). Với mức lương này, tôi nghĩ cuộc sống sẽ đầy đủ. Không mong làm giàu, tôi chỉ mong cuộc sống yên ổn, an nhàn.

Nếu tôi học xong nha khoa, làm sao tôi có được vài trăm ngàn đồng để mua máy làm răng? Dược sĩ không có tiền mở nhà thuốc tây thì cho mướn bằng. Còn nha sĩ thì không thể cho mướn bằng được. Thời đó, người mình chưa có thói quen đi khám răng và điều trị ở nha sĩ. Khi đau răng hoặc làm răng giả, người ta thường đến thợ trồng răng.

Tôi đã quyết định bỏ Nha Khoa, theo học Sư Phạm song song với Văn Khoa. Thế là dạy học là nghề và nghiệp của tôi. Tôi vui với học trò, vui với việc nghiên cứu Sử Ðịa. Thế hệ chúng tôi chưa làm được việc gì to lớn cho đất nước, nhưng rất vui vì đã đem hết khả năng của mình đào tạo mầm non cho đất nước. Ðất nước Việt Nam còn đau thương, còn chiến tranh, nhưng chúng tôi rất tự tin vì đã được đào tạo thành những nhà giáo đầy đủ khả năng chuyên môn, đầy nhiệt huyết để đào tạo thế hệ mai sau thành những người có lòng và có khả năng xây dựng đất nước. Dù các môn Sử Ðịa đòi hỏi tinh thần khách quan và khoa học, nhưng qua những dữ kiện đó, lòng yêu nước vẫn nảy mầm trong học sinh và các em không hổ thẹn làm người Việt Nam. Song song với nghề nghiệp, một số chúng chúng tôi tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu sâu rộng hơn trong những lãnh vực sử và địa.

Khi chúng tôi tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm thì một bạn đã trình tiểu luận cao học Ðịa Lý và bốn người hoàn tất văn bằng cử nhân giáo khoa Sử Ðịa. Tới ngày 30 tháng 4, 1975 thì: Hai người hoàn tất văn bằng cử nhân giáo khoa Sử Ðịa. Hai anh này không học tiếp lên cao học vì một anh say mê với các môn kinh tế ở Ðại Học Luật Khoa. Còn anh kia thì bận bịu với việc dạy học ở tỉnh nhà. Một người hoàn tất cao học Sử, do Giáo Sư Nguyễn Thế Anh bảo trợ. Hai người đậu cao học Ðịa Lý, do giáo sư Lâm Thanh Liêm bảo trợ. Hai người này qua được năm thứ nhất chuyên khoa Ðịa Lý, chuẩn bị luận án tiến sĩ chuyên khoa Ðịa Lý.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là biến cố đau thương của toàn dân Việt Nam. Khi nón cối, dép râu, nón tai bèo giẫm nát Sài Gòn, vào chiếm trường học thì cuộc đời đã chấm dứt. Thân phận chúng tôi là những kẻ chiến bại, những kẻ được kẻ chiến thắng cho tạm dung. Chúng tôi bám lấy trường chỉ để bám lấy sự sống cho gia đình, để khỏi bị tống ra ngoài thành phố mà người ta gọi là đi kinh tế mới. Bọn con trai chúng tôi trong khóa 7 Ðại Học Sư Phạm may mắn không phải đi tù cải tạo, vì chúng tôi chỉ học quân sự 9 tuần, mang cấp bậc khóa sinh dự bị sĩ quan. Các bạn từ khóa 6 trở về trước và khóa 8 trở về sau đều phải nếm mùi tù cải tạo vì mang cấp bậc sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, biệt phái. Trong xã hội cộng sản, mình chỉ được nói những gì mà đảng cho nói, nói mà chẳng ai tin, ngay cả chính mình. Những nhà giáo tạm dung như chúng tôi muốn yên thân thì chấp nhận thân phận những con vẹt để sống cho qua ngày. Người bạn cùng lớp với tôi dạy ở trường trung học Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) vạ mồm vạ miệng nói trước lớp: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.” Thế là đám học trò đoàn, đảng báo cáo với ban giám hiệu và ngay hôm sau, anh bị đuổi khỏi trường. Khi mới tiếp xúc với cộng sản, anh ta chưa nhận ra được cách sống cho thích hợp.

Bản chất nhà giáo là sống chân thật nên khó xoay sở trong lúc tình thế nhiễu nhương. Một số rất ít người lanh lợi tháo vát thì kiếm sống thêm trên đường phố: buôn bán thuốc tây chui, quần áo cũ… Chúng tôi được đào tạo về cả Sử lẫn Ðịa, nhưng họ chỉ định dạy một môn Sử, hoặc Ðịa. Sử của Cộng Sản là sử đảng, sử bác. Khi Việt Cộng mới chiếm Sài Gòn, muốn biết xem lối viết Sử của họ ra sao, tôi tìm đọc cuốn Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam tập I. Ngay trang đầu là hình Hồ Chí Minh to tổ bố. Vậy là gì?Hồ Chí Minh được đặt trước các bậc tổ tiên của dân Việt, trước cả các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Huệ,… Sau đó là lời nhắn nhủ của thủ tướng Phạm Văn Ðồng:“… Các đồng chí phải chứng minh cho được thời kỳ chiếm hữu nô lệ…” Như thế: Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng là nhà hành chánh, nhà chính trị mà các người gọi là nhà viết sử của chế độ phải tuân lệnh thì loại văn mà họ viết ra chỉ để vừa lòng xếp, chứ không phải là kết quả của cuộc nghiên cứu khách quan.

Họ đặt cái cày đi trước con trâu, tìm con bò cho vừa cái chuồng. Chưa nghiên cứu mà phải tìm cho được thời kỳ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam. Cái gọi là “Sử” của Cộng Sản chỉ là một loại văn viết theo đơn đặt hàng của đảng. Sau này mới biết những nhân vật lịch sử mà học sinh bị nhồi sọ như Phan Ðình Giót, Lê Văn Tám chỉ là những sản phẩm bịp bợm. Những cuốn sách tái bản sau này của bộ Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam đã bỏ câu nói của Phạm Văn Ðồng, nhưng ảnh của Hồ Chí Minh thì vẫn vậy. Dẫn chứng như trên, tôi muốn nói: đối với cộng sản, không có môn Sử mà chỉ có những lời tuyên truyền theo họ muốn.

Còn về Ðịa Lý? Làm sao mà dẫn chứng chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết trong khi nền kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật vượt bậc của họ không thể bịp được đứa con nít? Làm sao mà chứng minh: “Ðồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”? và phản khoa học như: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”? Cái khổ của người trí thức không phải vì chầu chực để được nhận những hột bo bo, con cá ươn, mớ rau thối… mà là nỗi nhục cho thân phận của mình, và nỗi đau cho đất nước và dân tộc.

Người ta gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày đứt phim, ngày đổi đời, ngày mất nước, ngày quốc hận. Ðiều nào cũng đúng. Phận mình còn không biết có yên thân không thì còn nghĩ gì tới nghiên cứu. Nghiên cứu làm sao được khi tài liệu không có. Tin tức, số liệu được công bố thì toàn là những bịa đặt. Tất cả mọi thứ trong chế độ “ưu việt nhất của loài người” phải được đảng lãnh đạo. Ðảng có sai bảo thì mới được làm. Bọn nhà giáo gốc ngụy, lý lịch ba đời đầy rẫy những vết đen thì đảng cho yên thân là tốt lắm rồi, nói gì đến nghiêu cứu. Tinh thần đâu mà nghiên cứu khi hàng ngày gia đình nheo nhóc, dạ dày lép xẹp. Còn về mặt hành chánh, trường Ðại Học Tổng Hợp (thay cho Ðại Học Văn Khoa trước kia) chỉ công nhận văn bằng cử nhân, chứ không công nhận văn bằng cao học. Cuộc đời của nhiều người coi như đã chấm dứt từ cái ngày đen tối đó.

Vài lời ghi lại của một kẻ đã hết lòng với cả hai trường Ðại Học Sư Phạm và Văn Khoa Sài Gòn, nhân dịp Hội Ngộ 40 Năm Viễn Xứ (được tổ chức tại Nam Cali, USA) mà đường xa vạn dặm không thể tới dự được.

Úc Châu, 28 tháng 8, 2015

(Nguồn: [email protected])

MỚI CẬP NHẬT