Thời sự trong thơ Tú Kếu

Viên Linh

Khi nói đến thơ, người ta thường nghe nói đến thơ tình, hay thơ tình cảm, mà ít khi nghe nói đến một thể loại thơ khác hẳn thơ tình, khác hẳn thơ tình cảm, đó là thơ trào phúng: trong thể loại này, ngôn ngữ thơ khác hẳn: nếu không cười cợt, không chế nhạo, không chê bai thì còn hơn nữa, có thể nói là biếm nhẽ, nguyền rủa, rất cay độc và nhiều khi thô bạo, có khi rất tục. Hai tiếng trào phúng chỉ có nghĩa bao quát, sau này thơ trào phúng một khi từ báo tuần, từ đặc san lan tràn qua các nhật báo, nó trở thành thơ cay, thơ chua, thơ bới móc nhân thế và thời chính.

Khoảng sau 1954, loại thơ này bắt đầu phát triển với một nhan đề gọi là “Ðàn Ngang Cung,” trên nhật báo Tự Do, với một bút hiệu mới: Thần Ðăng. Thần Ðăng là bút hiệu thơ trào phúng của nhà thơ Ðinh Hùng, rồi tiếp theo là Ðông Phương Sóc, Hà Thượng Nhân. Cùng với thơ trào phúng, một mục tương tự phát triển trong ngành vẽ trên báo chí, là tranh biếm, hay biếm họa. Biếm họa vốn có từ chục năm trước, thời tiền chiến, trên các báo Ngày Nay chẳng hạn, song song với những bài thơ trào phúng của Tú Mỡ, một bút hiệu của nhà thơ Thế Lữ. Nếu cứ từ chữ Tú mà lần ngược lên, dư luận nói rằng Tú Mỡ phát sinh từ Tú Xương, bút hiệu dưới những bài thơ trào phúng của nhà thơ Trần Tế Xương. Thơ Tú Xương, Tú Mỡ khoảng những năm của nửa đầu thế kỷ hai mươi còn rất nhẹ nhàng so với lớp sau cùng tại Miền Nam, trong có Tú Kếu. Tới Tú Kếu, nhà thơ này đặt ra những mục riêng của mình: Thơ Ðen, và Thơ Chém Treo Ngành. Chữ “đen,” chữ “chém” trong đề mục đã lộ ra hàm ý sát phạt rồi. Trong khi chế độ đệ nhất cộng hòa còn đó, Tú Kếu đã làm những vần thơ sau đây:

Vịnh Tượng Bờ Sông
Cha thằng đẽo lố hóa hai bà
Giữa chốn phồn hoa đứng dạng ra!
Một thước gươm trường đeo lủng lẳng
Vài phân tóc cụt uốn xum xoa
Ngực căng núi của trông càng muốn
Ruột rỗng hang hầm thấy ngán đa!
Ví thử tay ta là thợ khéo
Ðúc thêm cái ấy đẹp như hoa!
(Thơ Ðen, Tú Kếu)

Sau đảo chính Tháng Mười Một 1963, báo chí trở thành chợ báo, nhật báo có trên 10 tờ một ngày, nhà thơ trào phúng không bỏ qua chuyện ấy:

Chợ Báo
Báo ơi là báo, báo nhiều ghê!
Chợ báo xem ra cũng ngứa nghề.
Ké bán lăng nhăng tìm mánh khóe
Người coi rối rít lựa tờ thuê.
Nghìn năm một thuở quyền ăn láo
Bốn bận ba phen thế ngủ nhè
Ký giả bây giờ đâm bảnh chọe
Viết nhăng viết cuội chẳng ai chê.
(Thơ Ðen, sau 1963)

Qua bài thơ này người đời sau được biết nhật báo ra nhiều đến nỗi độc giả phải “thuê” để đọc, vì không thể mua hết được cả chục tờ báo trong ngày. Sau 1975, Tú Kếu bị nhà cầm quyền mới đưa ra tòa, bị kết án 18 năm tù. Làm thơ bị tù như thế thật là không thể tưởng tượng. Người thi sĩ ấy đã có một bài thơ cực kỳ tuyệt bút:

Nhân Quyền
Việt Nam quyền con người
Người được quyền đi lại
Quanh quẩn trong vùng thôi
Ra ngoài bị tóm cổ

Việt Nam quyền con người
Người được quyền cư trú
Nơi chỉ định mà thôi
Ra ngoài cũng tóm cổ

Việt Nam quyền con người
Người được quyền phát biểu
Ca tụng đảng mà thôi
Ngoài ra phải tự kiểm

Việt Nam quyền con người
Người được quyền đau khổ
Ðược quyền khóc trước cười
Ðược quyền chui xuống mộ.
(Tú Kếu, sau 1975)

Trong bài bạt in trong tập Thơ Ðen của Tủ Kếu xuất bản năm 1965, tôi đã viết về người bạn mình như sau: “Tú Kếu có cái dáng nhởn nhơ, thơ thẩn, mà cũng có cái điệu sắc mắc, bận rộn. Tôi cho rằng tự trong thâm tâm y, y nghĩ mình là một gã ghê gớm ở đời, nhưng có lúc y thấy chẳng có gì hết, và y vui lâng lâng. Lúc vui y chửi loạn, y tin cuộc đời nhiều người giống mình, đồng tình với mình qua những câu thơ chua, thơ ngọt, thơ cay, thơ đắng, thơ phóng xạ, thơ trồng cây chuối. Nhưng những lúc trở về chính mình, mang mình ra làm người trước mắt, thì y hốt nhiên ỉm lặng, hốt nhiên ôm giấu lấy mối buồn tưởng đã vỡ theo từng câu thơ sáng láng gửi tới mọi người, mà thực sự đã rút về bản thân với mấy vần tâm sự riêng tây:

…Hắn im lặng bởi cho mình bất hạnh.
…Nói năng ngọng nghịu nhiều khi cũng buồn.

Trong những lúc khác, y hớn hở lắm, mà không rõ y hớn hở vì lý do gì. Trong cuộc đời này, của y và của chúng tôi, đương cuộc thì thật tình không có một cái gl đáng để hớn hở cả.”

Tôi quen Tú Kếu vào khoảng năm 1959, khi y còn làm thơ tình đều vận, và sáng sáng đi dạy học trong khu Hòa Hưng. Bấy giờ dường như Kếu còn dạy Anh văn nữa. Ðiều này khiến cho y, sau này làm thơ, mỗi khi nói đến những người bạn dân chủ, thường chêm tiếng Anh vào.

Trong căn phòng Kếu ở, có một cái tủ sách, trong có cuốn Tây Sương Ký, một thứ dâm thư hạng nặng, tôi mượn chậm trả, y đến tận nhà đòi lại, còn hăm dọa không cho mượn sách nào khác nữa. Y quí sách một cách lãng mạn và lý tưởng, giống như mấy anh khóa quí sách thánh-hiền.” (Viên Linh, bài bạt Thơ Ðen, 1965). Bài này để nhớ Tú Kếu mất vào 8 giờ 30 sáng ngày 25 Tháng Tư, 2002.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 22 tháng 3 năm 2017