Friday, March 29, 2024

Từ bài thơ Mỹ rút quân

Viên Linh

Bài thơ của Song Hồ chỉ hiện lên trong tôi vào ngày hôm qua khi đang ngồi trong một tiệm ăn, lơ đãng đưa mắt trên tờ nhật báo, thấy cái tin viết về một phụ nữ Việt mới họp báo kêu gọi độc giả tham dự Tuần Lễ Kỷ niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam, 1966-2016: 1966 là năm người lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam. Một cách giản lược, người ta muốn nhắc nhở đến sự hy sinh của người bạn đồng minh trên đất nước mình. Điếu ấy rất nên thực hiện, rất nên nhắc nhở, và càng cần cho những người chưa từng biết rằng người Mỹ không xâm lăng Việt Nam, không chiếm đóng Việt Nam bao giờ. Báo chí thơ văn Việt ngữ một nửa đất nước có mặt người Mỹ không hề thấy một bài báo nào, một bài thơ nào nói đến người Mỹ như báo chí cuối thế kỷ XIX hay nửa đầu thế kỷ XX nói đến người Pháp đô hộ.

Có một số bài có nhân vật bán diện là người Mỹ, thường là những truyện ngắn hay bài báo, những phóng sự về đời sống xã hội trong thành phố hoặc ở giữa hay bên lề cuộc chiến, đêm hay ngày, và những ký sự trong chiến tranh, các nhân vật Mỹ chính là các quân nhân, các cố vấn lớn hay nhỏ bên vị sĩ quan chỉ huy người Việt. Đương thời loại bài đó đã không nhiều, 50 năm sau tìm lại phải nói là không dễ. Nhưng bài thơ của Song Hồ có  bóng dáng “Mỹ quân” là một bài thơ hiếm hoi tôi đã đọc và giữ lại.

Trên đồi Thanh Long

Giữa rừng núi chơ vơ doanh trại mọc
Ngọn đồi xanh trọc lóc đất hoe vàng
Giây điện cắt khung trời thành mảnh nhỏ
Hàng kẽm gai hoen rỉ dưới mưa sương.

Theo quân đến không gian còn đượm khói
Gió ngoài trời hun hút buốt xương da
Súng đã nổ rộn ràng trong đêm tối 
Tiếng hoẵng kêu hốt hoảng giữa rừng khuya.

Trên vọng gác nhìn xuống đường xe chạy
Đoàn Mỹ quân đang rút khỏi nơi này
Chiều buông xuống nghe chim gù chân núi
Tôi nhìn trời và mong ước gì đây.
(Song Hồ, Khởi Hành 1971)

Nhà thơ thản nhiên như không, và bấm đốt ngón tay áng chừng xem còn bao lâu ở lính. Không một chút ý thức hệ nào xen vào đôi bên. Bài thơ dưới đây thì khác. Tác giả thuật lại một trận đánh có địch, có ta và có đồng minh.

Về Ashau

Quân ta vượt Trường Sơn
Án ngữ đường địch lui về Bắc
Đồng minh đổ chụp vùng Nam
Phi pháo biên duyên chờ lửa bốc máy gầm
Và ẩn hiện xuyên sơn toán biên phòng lôi hổ
Tất cả lặng yên
Lồng ngực căn nín thở.

Bống rít gió đèo sương
Âm vang nghiêng ngửa
Khói thung lũng hoang
Trùng diệp đạn bom vụt xuống kinh hoàng
Cuồng bão lửa
Vùng biên thùy chuyển động
Đoàn xe xích vượt triền chênh hang rộng

Mở lối bộ binh
Tầu chiến khơi xa quẫy khúc nghê kình
Đạn mở đường vòng phi cơ vút núi
Hoa nở rợp không trung
Đoàn dũng sĩ áo hoa dù phấp phới

Một thung lũng Ashau
Mấy trời vang âm hưởng
Rừng U Minh, Tam Giác Sắt, Đỗ Xá, Vũng Rô
Cây đá hoang mang lau lách dựng mồ
Và lịch sử – Ta làm thơ ca tụng.
(Cao Hoành Nhân)

Nơi anh đồn trú

Anh đi giầy bố Mỹ hút Quân Tiếp Vụ
Anh đội nón Đại Hàn hát nhạc Trịnh Công Sơn
Anh rất thương lính hơn hồi chưa nhập cuộc…
(Huỳnh Hữu Võ)

Những bài thơ trên mỗi bài một hai nét khác biệt, là những đoạn thơ người viết bài này sao lục từ những thi tập cũ, những tờ báo xưa, nhằm tìm ra các khoảnh khắc và những cảnh tình khác nhau của người thơ quân nhân, nhân lời kêu gọi tham dự “Tuần Lễ 50 Năm Chiến Tranh Việt Nam” từ khi có quân Đồng Minh tham dự (1966-2016).

Trong những bài thơ về chiến tranh Việt Nam, bài thơ của Song Hồ trầm tĩnh và bình thản, nghe như dửng dưng, song không phải thế. Quen biết nhau vài chục năm, làm việc trong bộ biên tập một đài phát thanh liên tiếp gần ba năm cho đến khi chúng tôi bất ngờ phải chia tay, vì không được hoãn dịch như đã tưởng. Anh tránh việc nhập ngũ bằng cách qua làm việc bên Tòa Đại Sứ (hay Lãnh Sự) Việt Nam tại Cao Miên, sau đó mất liên lạc khá lâu, và chỉ gặp lại nhau yại Hoa Kỳ. Con người Song Hồ lúc nào cũng trềm tĩnh, thanh thản. Ngay cả thơ anh cũng thế: không sôi nổi không vồ vập dù là thơ tình. Nhiều khi khô như đá.

Song Hồ là bút hiệu ký dưới những bài thơ từ 1952 tới khi ông lìa đời ở Austin,Texas, cách đây 7, 8 năm. Tôi thấy anh từ 1953 trước tòa soạn báo Hồ Gươm ở Hà Nội, có hai năm cùng làm việt với anh tại Đài Tự Do ở Sài gòn. Ngoài ra, anh còn có một số bút hiệu khác như Chính Sử là bút hiệu viết xã luận và nhận định thời cuộc và chủ trương Ban Đọc Truyện Trầm Hương trên Đài phát thanh Sai gon từ 1965 đến 1975. Ông củng là một nhà báo, nhà giáo. Bài thơ đầu tiên ông viết là bài Thư Gửi Người Em Hà Nội vào cuối năm 1949 tại núi rừng Việt Bắc. Năm 1952, ông hồi cư về Hà Nội, cộng tác với các báo Tia Sáng, Giang Sơn. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, ông di cư vào Nam, làm việc cho Văn Hóa Vụ sau ông sang làm việc bên Thông Tin thời luật sư Trần Chánh Thành. Tác phẩm chính là Hai Cánh Hoa Tim (1960) và Đá và Hoa 1992.

Hỏi núi

Lưng trời mây tựa núi cao
Khi nào tóc trắng khi nào triết nhân?
Vượt trên những đám phù vân
Đâu phần trầm lặng đâu phần thăng hoa?
Núi ơn! Hãy trả lời ta
Sao mà chót vót sao mà thẳm sau?
Núi cùng ta biết với nhau
Dưới kia song vỗ bạc đầu biển xanh.
(Đá và Hoa, 1990)

MỚI CẬP NHẬT