Thursday, April 25, 2024

Lương Trường Thọ, người họa sĩ vượt qua những rào cản của quy luật

Du Tử Lê/Người Việt

Sau ngày khai mạc phòng tranh đánh dấu nửa thế kỷ ăn ở với sắc màu của họa sĩ Lương Trường Thọ (1), ký giả Dân Huỳnh của nhật báo Người Việt có bài tường thuật đầy thiện cảm. Trong bài, có đoạn: “…Năm mươi bức tranh đại diện cho 50 năm cầm cọ của họa sĩ Lương Trường Thọ cùng với khung cảnh trang trọng và ánh sáng tự nhiên với kiến trúc mái vòm của HPT Gallery đem đến nhiều ngạc nhiên cho giới nghệ sĩ và cả người thưởng ngoạn…”

Với đa số tranh khổ lớn, nên diện tích kiến trúc “mái vòm” của HPT Gallery đã được khai thác, tận dụng tối đa. Tôi thấy, không chỉ bốn bức tường mà ngay mái vòm của phòng triển lãm tuồng cũng được “chạm trổ” bằng những bức tranh màu nóng, nguyên chất, gần với khuynh hướng hay trường phái “Dã Thú” (2). Hắt xuống khán phòng (rất nhiều khách ngoại quốc) những mảng màu dữ dội, mạnh mẽ, với nhiều đường hướng khác nhau, gồm cả ấn tượng, trừu tượng, lập thể…

Một trong những người khách thuộc giới hội họa là họa sĩ Trương Đình Uyên, khi được hỏi, đã cho biết, đại ý: “Nhìn chung phòng triển lãm mừng 50 năm hội họa Lương Trường Thọ (1967-2017) có phần nghiêng nhiều về trường phái Fauvism với những tảng màu nóng, tươi, nhưng tôi cũng thấy khá nhiều những bức tranh khác của ông, có hình tượng, nên, chúng ta cũng có thể nói, họa sĩ Lương Trường Thọ không nhất thiết theo đuổi duy nhất một trường phái mà, ông để cảm hứng trong ông, dẫn dắt ông tới những khuynh hướng hay xu hướng nghệ thuật, ứng hợp nhất với rung động của ông trong giây phút trước khung vải.”

Riêng nữ họa sĩ Ái Lan, người bạn đời của Trương Đình Uyên, cho biết những năm tháng ở Sài Gòn, trước Tháng Tư, 1975, Ái Lan đã từng có thời gian cùng với Lương Trường Thọ là thành viên của câu lạc bộ Mekong Art Club.

Theo họa sĩ Ái Lan, thì Lương Trường Thọ là một họa sĩ miệt mài với nghiệp cầm cọ. Người ta không thấy ông ngưng nghỉ sáng tác, dù ở thời điểm nào của cuộc sống.

Mặt khác, điều đáng nói, theo cá nhân tôi: Lương Trường Thọ là một trong số rất ít họa sĩ Việt Nam, hằng năm vẫn có những cuộc triển lãm quốc tế, dù ông rất ít phô trương.

Nếu chỉ tính những cuộc triển lãm chính, quan trọng của Lương Trường Thọ, thì từ 1973 tới 1974, ông có cuộc triển lãm tại Thái Lan và Singapore. Năm 2001, triển lãm ở Hamburg, Germany. Năm 2004 triển lãm ở Iowa, Hoa Kỳ. Năm 2006, triển lãm ở Seoul, Nam Hàn và California, Hoa Kỳ. Năm 2009, ông được mời tham dự cuộc triển lãm vòng quanh nước Mỹ, tên là “All American Tour: Santa Fee, New Mexico, New York, Boston, Laguna Beach, Cali…”

Năm 2010, ông là họa sĩ Việt Nam được mời tham dự cuộc triển lãm chung với các họa sĩ của 31 quốc gia. Cuộc triển lãm này diễn ra tại Las Vegas, tiểu bang Navada. Năm 2011 viện bảo tàng nghệ thuật Bowers Art Museum triển lãm tranh của ông tại Santa Ana, California.

Sau đấy, nhiều thành phố cũng như quốc gia đã chọn tranh của Lương Trường Thọ, để triển lãm, như Úc, Nam Hàn…

Lương Trường Thọ cũng được trao bằng “Danh Dự Triển Lãm Quốc tế Hamburg” Germany, năm 2001. Giải “Ngôi Sao Quốc Tế BID” Tây Ban Nha năm 2003…

Ông cũng là thành viên của một số Hội Mỹ Thuật quốc tế như Exotic Art Club Hamburg, Germany; World Art Foundation (WAF); California Art Club, USA…

Ông cho biết, để được công nhận là hội viên của những Hội Mỹ Thuật có tiếng, không đơn giản! Tùy theo luật lệ của mỗi hội. Nhưng đại để thì, việc đầu tiên, người họa sĩ đó phải gửi thông tin cá nhân của mình đến hội. Sau đó, hội sẽ trả lời và yêu cầu họa sĩ gửi tác phẩm qua Internet (khoảng 10 bức tranh)… Khi đồng ý, họ sẽ gửi mẫu đơn để họa sĩ điền đơn gia nhập. Khi đã trở thành hội viên của hội, họa sĩ sẽ được mời tham dự những cuộc triển lãm thực tế với các họa sĩ thành viên khác của hội…

Về cái đẹp trong hội họa, theo quan điểm cá nhân, ông cho biết: “Cái đẹp theo tôi phải là cái làm cho người ta thích thú, cảm thụ được, mang đến cảm xúc mới mẻ và gần gũi với ta. Đó chính là cái hồn, là sự hòa trộn của màu sắc và rung động nghệ thuật.”

“Tranh của tôi là một thế giới riêng của sự hồi-nhớ, của suy tưởng và cả những cảm nhận rất gần, mang tính cách tân qua một tâm hồn Việt – nón lá, áo dài, bóng dáng sương khói của người thiếu nữ, biển cả, núi sông đều trong trẻo, an lành.”

“Hội họa là người bạn đồng hành trong cõi riêng đầy màu sắc và tâm linh của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nó. Tôi thích sự thơ ngây, hồn nhiên, thích khám phá những bí ẩn trong tâm hồn và sự vật chung quanh trên tấm vải màu trắng bằng những hòa sắc của riêng mình.”

Cũng thế, khi phải trả lời về đâu là khuynh hướng chính trên lộ trình hội họa của mình, Lương Trường Thọ thẳng thắn cho biết, với 50 năm cầm cọ, ông trải qua nhiều phong cách và rất phóng túng trong việc sử dụng những hòa sắc, đường nét… nên có những tác phẩm nghiêng về Dã Thú (Fauvism). Nhưng: “Cũng có khi tranh của tôi lại mang tính biểu hiện, ấn tượng… Tuy nhiên, mảng tranh mà tôi yêu thích nhất là trừu tượng, pha lẫn ngẫu nhiên của một chủ đề nào đó trong tâm tưởng. Từ đó, nó tạo nên một lối đi riêng cho mình.”

“Ông Jojo Marengo, hội trưởng WAF (Tổ Chức Mỹ Thuật Thế Giới), nhận xét: ‘Lương Trường Thọ là một họa sĩ đã tự vượt qua những rào cản của quy luật, để mở ra một hướng đi rất riêng cho mình và, chính nó đã mang lại một chỗ đứng vững vàng trên nền nghệ thuật. Ông (Lương Trường Thọ) sẽ còn tiến xa hơn nữa…’”

(Calif., Tháng Năm 2017)


Chú thích:

(1) Triển lãm 50 năm hội họa Lương Trường Thọ khai mạc lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Năm, 2017, tại HPT Gallery, thuộc thành phố Westminster, miền Nam California.

(2) “Chủ nghĩa (trường phái) Dã Thú (Fauvism) là một trào lưu nghệ thuật tiên phong xuất hiện ở Pháp và chỉ tồn tại vào những năm đầu của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phái Dã Thú đối với sự phát triển hội họa hiện đại nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung là rất lớn. Những tìm tòi của các họa sĩ phái Dã Thú chính là tiền đề cho sự ra đời của nghệ thuật lập thể và trừu tượng sau này.”

“Các tác phẩm Dã Thú xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong triển lãm ‘Salon Mùa Thu’ tại Paris, Pháp, năm 1905. Những tác phẩm này được sáng tác bởi nhóm họa sĩ trẻ, có cá tính mạnh với quan điểm nghệ thuật táo bạo, mới mẻ chống lại đường lối nghệ thuật kiểu học việc khô cứng. Một số nhà phê bình cho rằng, triển lãm của Van Gogh tại Paris năm 1903 chính là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi của nhóm họa sĩ trẻ này. Cách biểu hiện dữ dội và có phần thô ráp cùng những tông màu mạnh trong tranh của Van Gogh đã hé lộ con đường sáng tạo cho họ.”

“Ngoài ra còn một danh họa có ảnh hưởng rõ nét đến nhiều họa sĩ phái Dã Thú, đó là Paul Gauguin. Ông từng phát biểu: ‘Tôi tiến đến một phong cách kết hợp giữa trực cảm và chối bỏ hoàn toàn sự trung thành với tự nhiên bằng việc sử dụng những màu phi biểu tả’ (Trích ‘Những Cuộc Cách Mạng Của Hội Họa Thế Kỷ XX, Veronique Prat, tuyển tập các bài viết trên Le Figaro’). Quan điểm đó của Paul Gauguin đã tác động mạnh mẽ đến những sáng tác của các họa sĩ phái Dã Thú sau này.”

“Đặc trưng hội họa phái Dã Thú là ở cách sử dụng màu sắc mạnh bạo và cách tạo hình thoát ly khỏi tư tưởng kinh viện. Về màu sắc, đó là sự nổi loạn với những sắc đỏ, xanh cobalt, xanh lá cây, vàng nguyên chất rực rỡ. Chủ nghĩa Dã Thú đẩy mạnh vai trò của màu sắc, dùng màu với cường độ cao nhất để tạo ra sức mạnh biểu cảm.”

“Về tạo hình, hội họa Dã Thú không còn lệ thuộc triệt để vào nguyên tắc giải phẫu, vào phối cảnh, vào tỉ lệ thực và tả chân, thậm chí đôi khi cả sự hợp lý của ánh sáng mà chủ trương giải phóng hình thức bằng những nét bút mạnh mẽ, kích động và dữ dằn; đơn giản hóa đường nét để tìm kiếm cá tính, bộc lộ tối đa tình cảm của họa sĩ.”

“Những nhân vật chủ chốt của trường phái này bao gồm Henri Matisse (1869-1954), Maurice Vlaminck (1876-1958), André Deran (1880-1954), George Rouault (1871-1958), Albert Marquet (1875-1947), Kees van Dongen (1877-1968)… những người đã cùng nhau đột phá ở ‘Salon Mùa Thu’ cùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Van Gogh và Gauguin…” (Nguồn: Wikipedia-Mở).

23 triệu người Mỹ mất bảo hiểm với luật bảo hiểm y tế mới

MỚI CẬP NHẬT