Tuesday, April 23, 2024

Nguyễn Xuân Phúc chính thức thay Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng

HÀ NỘI (NV) Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức lên thay Nguyễn Tấn Dũng ở ghế thủ tướng hôm 7 tháng 4, theo một thủ tục “bỏ phiếu kín” ở Quốc Hội CSVN.


Ðưa Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng, như vậy, nhà cầm quyền CSVN hoàn tất “quy trình” thay đổi 4 chức vụ chóp bu của đảng và chính phủ mà phe cánh Nguyễn Phú Trọng đã dàn dựng thành công sau khi đẩy được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi hệ thống quyền lực vào dịp đại hội đảng tháng 1 vừa qua.








Nguyễn Xuân Phúc khi còn là phó thủ tướng sau khi đọc báo cáo ở Quốc Hội ngày 21 tháng 3, 2016. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Nhà báo tự do và blogger Phạm Thành viết trên blog “Bà Ðầm Xòe” rằng Hiến Pháp CSVN “điều 74 mục 6 cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ở Mục Ðề Nghị Quốc Hội, miễn nhiệm bãi nhiệm chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội… Ðây chỉ là cái điều kiện ‘cần.’ Cái lắt léo ở đây là thiếu điều kiện ‘đủ’. chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước có vi phạm phạm pháp hay hết nhiệm kỳ hay không?” Như thế, Quốc Hội khóa 13 “miễn nhiệm bãi nhiệm người ta khi chưa hết nhiệm kỳ? Câu trả lời là không, vậy việc miễn nhiệm bãi nhiệm kia hoàn toàn vi hiến.”


Theo ông Phạm Thành thì “Ðiều 4 Hiến Pháp 2013 mục 3. (Các tổ chức của đảng và đảng viên Ðảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật.) Vậy đảng không thể đứng trên Quốc Hội để làm nhân sự Quốc Hội được. Ðó là vi hiến.”


Cả tân Chủ Tịch Nước Trần Ðại Quang và tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có các tai tiếng tham nhũng. Trần Ðại Quang còn khai gian 6 tuổi để được ngồi vào ghế chủ tịch nước thay vì đã quá tuổi nghỉ hưu.


Nguyễn Xuân Phúc bị giới phân tích thời sự quốc tế coi là không đủ uy tín và tầm vóc để tự đưa ra các quyết định mạnh mẽ. Do vậy, ngoài tài ăn hối lộ, ông ta sẽ chỉ múa may trong khuôn khổ làm theo lệnh của Bộ Chính Trị.


Nhiệm kỳ 5 năm thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc rơi vào khoảng thời gian Việt Nam khó khăn kinh tế bên trong, ngân sách thu không đủ bù chi nên nợ công ngày mỗi gia tăng, bên ngoài thì Trung Quốc ngày càng lấn tới. Chủ quyền lãnh thổ đối diện với các thách thức từ chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh, mỗi ngày một khó đối phó hơn.


Nhất là vào lúc này, nông dân Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đang chịu đựng những khó khăn kinh hoàng vì hạn hán và nước biển tràn sâu vào nội đồng. Cái đói nhìn thấy trước mặt cho hàng triệu người.








Vợ chồng phó thủ tướng “chống tham nhũng” Nguyễn Xuân Phúc luôn có mặt trong những dịp trọng đại của đại gia Hoa kiều Ðặng Văn Thành. (Hình: Chân Dung Quyền Lực)


Cuối tháng 12, 2014 sang tháng 1 đầu năm 2015, trang mạng Chân Dung Quyền Lực (CDQL) đưa ra nhiều tài liệu để chứng minh ông Nguyễn Xuân Phúc là một ông “vua tham nhũng” đã từ lâu lắm. Mạng CDQL chỉ nêu ra một vài điểm nổi bật. Cái khôn ngoan của những “ngôi sao tham nhũng” tại Việt Nam là giấu đút khéo léo các tài sản có được nhờ ăn bẩn.


Theo trang mạng này: “Cuối năm 2010 sang đầu năm 2011, trước khi rời ghế ‘bộ trưởng chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ” leo lên ghế phó thủ tướng, trong vòng 5 tháng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký tới tấp khoảng 100 cái lệnh thăng chức và bổ nhiệm. Trong đó, ít nhất là 15 ghế vụ trưởng, 35 vụ phó và gần 50 trưởng và phó phòng.”


“Cái giá để mua ghế cấp vụ là 300 ngàn đô la nhưng khi ông Nguyễn Xuân Phúc vào được Bộ Chính Trị rồi thì lên tới 500 ngàn đô,” mạng Chân Dung Quyền Lực cáo buộc.


Mạng Chân Dung Quyền Lực nêu ra tài sản khổng lồ của vợ chồng con gái ông Phúc là Nguyễn Thị Xuân Trang/Vũ Chí Hùng “hàng ngàn tỉ đồng” với các nghi vấn ông bố ăn hối lộ rồi tuồn cho con giữ. Bên cạnh đó, Chân Dung Quyền Lực nói ông Phúc có những quan hệ chặt chẽ với một người gốc Hoa tên Ðặng Văn Thành, nguyên là một chủ nhân của ngân hàng Sacombank từng bị bắt giam về tội cố ý làm trái.


Chân Dung Quyền Lực trưng ra một số tài liệu chứng minh rằng một số cổ phần của Sacombank đã được chuyển giao cho Vũ Chí Hùng. Còn vợ ông Nguyễn Xuân Phúc (Trần Nguyệt Thu) được trao cho rất nhiều cổ phần trong công ty Sacomreal (đầu tư địa ốc) sau đổi tên là Thành Thành Công.


“Cũng nhờ mối quan hệ với gia đình Ðặng Văn Thành, các người nhà của bà Trần Nguyệt Thu (Trần Công Tấn, Trần Công Tuấn) được cho các cổ phần đáng kể tại công ty mía đường Bourbon Tây Ninh (cũng thuộc tập đoàn Thành Thành Công).”


Vẫn theo trang mạng này, “những tài liệu, hợp đồng về các vụ chuyển nhượng bất động sản, và các tài sản khác được chuyển lòng vòng trước khi tới tay con rể ông Nguyễn Xuân Phúc cho thấy có các khuất tất nhưng được che đậy dưới vỏ hợp pháp. Không ai có thể mở cuộc điều tra để kiểm chứng các tài liệu này tại Việt Nam nếu không có các cơ quan điều tra độc lập.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT