Friday, March 29, 2024

Bắc Kinh: Mỹ tham vọng bá chủ Biển Đông

HẢI NAM (NV) – Với chính quyền mới của ông Trump, Mỹ vẫn tiếp tục chính sách tham vọng bá chủ Biển Đông chứ không phải sẽ bỏ chạy khỏi khu vực này.

Một bản phúc trình của cơ quan nghiên cứu Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa công bố hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một, 2016 kết luận như thế và kêu gọi Trung Quốc thiết lập “khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở khu vục biển đảo ăn cướp của Việt Nam.

Bản phúc trình của Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) Quốc Gia (NISCSS), có trụ sở tại đảo Hải Nam, cơ quan thực hiện bản phúc trình, gồm 5 chương, dài hơn 30,000 từ, tập trung mô tả hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện “tái cân bằng” năm 2010, chính sách Biển Đông của Hoa Thịnh Đốn, và các hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Bản phúc trình công bố ở Bắc Kinh, với sự tham dự của nhiều cơ quan thông tấn và báo chí quốc tế, kể rằng trong năm 2015 : Hoa Kỳ đã thực hiện hơn 700 cuộc tuần tra “bảo vệ an toàn hàng hải” trên Biển Đông, đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.

Các cuộc “tuần tra tự do hải hành” của Mỹ biến Trung Quốc thành “mục tiêu theo dõi số một của Mỹ.” Phúc trình nói hành động quân sự của Mỹ tại các vùng biển giáp với Biển Đông chưa bao giờ lại mạnh mẽ như vậy.

Lấn đầu tiên, người ta thấy có một bản phúc trình kiểu này được Bắc Kinh đưa ra cáo buộc rằng Mỹ theo đuổi chủ trương “kiểm soát tuyệt đối” khu vực Biển Đông dù là chính quyền Mỹ thay đổi sau cuộc bầu cử hồi đầu Tháng Mười Một dẫn đến kết quả đưa ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ và dự trù sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng năm 2017.

“Sẽ không có thay đổi đảo ngược gì trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.” Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Biển Đông, một cơ quan nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng trong chính sách của Bắc Kinh đặt tại Hải Nam, viết trong bản phúc trình.

Khi vận động tranh cử, ông Trump hiếm khi nhắc nhở đến Biển Đông mà chỉ tập trung vào mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông đe dọa sẽ cáo buộc Bắc Kinh có chính sách lũng đoạn tiền tệ và sẽ đánh thuế quan (nặng) với hàng hóa Trung Quốc xuất cảng sang Mỹ.

Theo Ngô Sĩ Tồn viết trong bản tường trình, những cam kết của Mỹ với các đồng minh sẽ không thay đổi cũng như sẽ không thay đổi chủ trương thực hiện các cuộc tự do hải hành trên Biển Đông. Vì vậy, ông ta cho rằng những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông nhiều phần sẽ còn gia tăng theo đà phát triển quân sự của Trung Quốc.

Xua quân chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 rồi mãi đến năm 1988 mới cướp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chiếm hơn 80% Biển Đông. Nhiều khu vực của cái vạch chủ quyền tưởng tượng “Lưỡi Bò” lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam , Philippines như quy định trong Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà chính Bắc Kinh đặt bút ký cam kết tôn trọng.

Khu vực quần đảo Trường Sa còn có sự tranh chấp một phần chủ quyền của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Hơn một năm qua Bắc Kinh đã ráo riết biến sáu bãi đá ngầm ở Trường Sa thành sáu đảo nhân tạo khổng lồ và xây dựng các căn cứ quân sự quy mô cho cả không quân và hải quân trên đó. Các nhà phân tích thời sự đều tin rằng Bắc Kinh nhắm khống chế toàn bộ Biển Đông khi các chương trình xây dựng, trang bị của họ hoàn tất.

Mời độc giả xem video: Nhiều vụ nổ ở Afhanistan, 5 người chết, 27 người bị thương

Chứng tỏ cho Bắc Kinh biết là họ làm trái với các cam kết quốc tế “giữ nguyên trạng” các khu vực tranh chấp, Mỹ thực hiện các cuộc “tuần tra tự do hải hành” trên Biển Đông. Một đôi lần vào trong phạm vi 12 hải lý của các đảo và đảo nhân tạo Bắc Kinh đang chiếm giữ bất hợp pháp, Bắc Kinh gọi là bị “khiêu khích” và đe dọa sẽ có phản ứng thích hợp.

“Từ quan điểm của Mỹ, các hành động xây dựng quy mô của Trung Quốc trên Biển Đông xác nhận sự nghi ngờ của Mỹ là Trung Quốc có ý định thực hiện chiến lược chống tiếp cận khu vực,” bản phúc trình nói trên viết.

Lên tiếng trong buổi công bố phúc trình, Chu Phương, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Đông tại đại học Nam Ninh cho rằng chiến lược quân sự của ông tổng thống mới của Mỹ “sẽ tiếp tục hơn là thay đổi. Ông ta cho rằng ông Trump có thể không dùng từ “tái căn bằng” lực lượng Mỹ ở khu vực nhưng nhiều phần sẽ duy trì phần lớn những chính sách của người tổng thống tiền nhiệm.

Cả Ngô Sĩ Tồn và Chu Phương đều cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ gia tăng chi tiêu quân sự tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương dưới thời ông Trump.

Khi đưa ra bản phúc trình trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhận chức, có vẻ như Bắc Kinh chuẩn bị dư luận, biện minh cho hành động tiến hành nhanh chóng xây dựng các cơ sở và trang bị quân sự tối tân trên các đảo mà Trung Quốc cướp của Việt Nam trên Biển Đông mưu đồ khống chế toàn bộ khu vực.

Tháng Bảy năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhưng những gì diễn ra trên thực tế hoàn toàn chứng minh ngược lại. Nhiều hơn một lần, Bắc Kinh bắn tiếng đe dọa lập ADIZ trên Biển Đông trong khi các cuộc tập trận quy mô bắn đạn thật diễn ra nhiều lần mỗi năm. (TN)

MỚI CẬP NHẬT