Tuesday, April 16, 2024

Chất vấn về Trịnh Xuân Thanh không có hồi đáp

HÀ NỘI (NV) – Cho dù nhiều đại biểu của Quốc Hội Việt Nam thay mặt cử tri nêu ra hàng loạt thắc mắc yêu cầu trả lời về vụ Trịnh Xuân Thanh nhưng bộ trưởng Nội Vụ… cương quyết không hồi đáp.

Ông Thanh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học Kiến Trúc năm 1990 thì sang Đông Âu “làm ăn.” Năm 1995 quay về Việt Nam và từ đó liên tục được bổ nhiệm làm lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp nhà nước. Năm 2007, ông Thanh trở thành lãnh đạo tổng công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC).

Trong hai năm 2009 và 2010, PVC liên tục được tặng Huân chương lao động. Năm 2011 được tặng thêm danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.” Giữa năm 2013, người ta phát giác PVC thua lỗ 3,200 tỷ đồng! Ông Thanh lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVC đột nhiên được rút khỏi PVC để về làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung. Vài tháng sau, vào đầu năm 2014, thủ tướng Việt Nam chỉ đạo điều tra – xử lý các sai phạm khiến PVC thua lỗ nghiêm trọng, nhiều thuộc cấp của ông Thanh bị tống giam, còn ông Thanh thì từ miền Trung quay về Hà Nội làm… chánh văn phòng Ban Cán Sự Đảng của Bộ Công Thương.

Năm 2015, ông Thanh được “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang. “Luân chuyển” là bước khởi đầu của tiến trình chuẩn bị cho việc bổ nhiệm các viên chức đã được lựa chọn trước để đảm nhận những chức vụ cao hơn. Trong tuần Tháng Sáu vừa qua, từ việc ông Thanh đi xe riêng nhưng lại mang biển số dành cho công xa, tổng bí thư Đảng CSVN yêu cầu phải điều tra về những vấn đề có liên quan đến ông Thanh.

Ủy Ban Kiểm Tra của BCH Trung Ương Đảng CSVN, thừa nhận, ông Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính về việc PVC thua lỗ và trong khi nhiều thuộc cấp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Thanh được thuyên chuyển, được qui hoạch vào các chức vụ cao hơn là “vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”

Sau khi ông Thanh bị tước bỏ tư cách đại biểu Quốc Hội Việt Nam, bị miễn nhiệm vai trò phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị xác định là đối tượng cần phải xử lý nhằm chứng minh nỗ lực cải tổ bộ máy công quyền của chính quyền Việt Nam, ông Thanh đột nhiên biến mất.

Cuối tuần vừa qua, các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam đã yêu cầu ông Lê Vĩnh Tân, bộ trưởng Nội Vụ của chính phủ Việt Nam, trả lời, tại sao PVC có hàng loạt sai phạm nhưng vẫn liên tục được tặng danh hiệu huân chương lao động và “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” (?) góp phần giúp ông Thanh “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch để có thể “luồn sâu, leo cao” hơn? Bộ Nội Vụ Việt Nam đã điều tra như thế nào và có kỷ luật ai góp phần tạo ra scandal này hay không? Bộ Công An loan báo đã phát lệnh truy nã ông Thanh, kết quả ra sao?

Rồi từ chuyện ông Thanh, các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam nêu ra hàng loạt thắc mắc khác về việc giám sát việc tuyển chọn, bổ nhiệm thế nào mà người của một gia đình, gia tộc chia nhau lãnh đạo một huyện, một tỉnh (?). Hay có những sở chỉ có 2/46 công chức là chuyên viên, 44/46 viên chức còn lại mang hàm lãnh đạo (?).

Các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam hỏi thêm rằng, Bộ trưởng Nội Vụ cảm thấy thế nào về trách nhiệm cá nhân khi hệ thống công quyền có rất nhiều công chức kém năng lực, thiếu cả trách nhiệm lẫn kỷ luật?

Bộ trưởng Nội Vụ của chính phủ Việt Nam không thèm trả lời bất kỳ thắc mắc nào trong số những thắc mắc vừa kể. Ông ta chỉ bảo với các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam rằng, Bộ Nội Vụ đã trình thủ tướng ban hành nhiều chỉ thị và nhiều chương trình hành động liên quan đến kỷ luật trong hoạt động công vụ, nhằm bảo vệ trật tự, kỷ cương. Bộ này cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra về đào tạo, bổ nhiệm công chức.

Cuối cùng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam thông báo hết giờ dành cho việc chất vấn và yêu cầu Bộ Nội Vụ, Bộ Công An gửi văn bản trả lời cho các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam đã nêu thắc mắc. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT