Thursday, April 25, 2024

Diễn tiến cuộc gặp bà dân biểu Đài Loan Su Chih Fen tại Hà Tĩnh

Thế là bất đắc dĩ tất cả chúng tôi phải ngồi ngay tại sảnh để trao đổi, cách không xa vị trí của lễ tân và bảo vệ khách sạn. Lần lượt từng người chúng tôi ngồi vào ghế nóng để phái đoàn vừa quay phim vừa đặt hàng loạt câu hỏi.

Chị Hương kể về khoảng thời gian 7 năm làm việc cùng chồng trông coi các container của Formosa. Họ sống trong một lán trại dựng tạm cạnh khu container, hàng ngày ăn uống tắm giặt bằng nước mưa hứng qua rãnh trên nóc của container. Nay thì hai vợ chồng phát hiện ung thư gần như cùng lúc. Chị ung thư vú, đang xạ trị. Chồng ung thư vòm họng, di căn giai đoạn cuối, nằm chờ chết. Cả hai nay đã nghỉ việc, sống vất vưởng qua ngày, trong khi Formosa không một lời hỏi thăm, không một đồng hỗ trợ. Khi được hỏi mong muốn gì nhất lúc này, chị Hương thẳng thắn: “Chỉ mong Formosa đi khỏi, đời mình đã xong, chỉ lo cho con cháu bệnh tật sau này.”

Lộc mới 26 tuổi nhưng khiến cả phái đoàn bất ngờ vì đã có 13 năm đi biển. Từ ngày cá chết, ghe tàu nhà anh, xóm anh, làng anh nhất loạt nằm bờ. Mười lăm ký gạo là khoản hỗ trợ duy nhất anh nhận từ chính phủ. Anh diễn giải cặn kẽ cho phái đoàn hiểu thế nào là gần bờ, xa bờ và nhận định về sự nguy hiểm nếu dùng tàu gần bờ đi đánh xa bờ. Các lời hứa hẹn chuyển đổi sinh kế, theo anh, mới chỉ nằm trên giấy và không khả thi chút nào. Khi được phái đoàn hỏi: “Anh nói ngoài đi biển, anh biết chút ít tin học văn phòng, thế thì nếu giờ Formosa tuyển anh vào làm việc, anh có làm không?”

“Không,” Lộc đáp gọn lỏn, “Formosa làm hại cuộc sống nhà tôi, làng tôi, cộng đồng đất nước tôi, sao tôi làm cho nó được?”

Có chút gì đó khó gọi được tên trào lên trong tôi khi nghe đến đó.

Là người lên tiếng sau cùng, tôi trao thư của gia đình anh Ngày cho phái đoàn, kể lại diễn biến cái chết của anh và nỗi tuyệt vọng của gia đình anh sau khi nhận được kết quả khám nghiệm tử thi chậm trễ và thiếu thuyết phục của nhà chức trách, cũng như sự thiếu trách nhiệm của Formosa khi không có lấy một lời với gia đình anh. Cuối cùng, tôi chia sẻ về hướng hoạt động của các nhóm xã hội dân sự Việt Nam trong việc giúp đỡ các nạn nhân theo yêu cầu của phái đoàn để họ có cái nhìn toàn diện về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Buổi gặp của chúng tôi thỉnh thoảng lại gián đoạn đôi chút bởi tiếng bước chân lào xào xung quanh. Hóa ra khi nghe chúng tôi có nhắc đến Formosa, cô lễ tân và anh bảo vệ đã kịp báo cho một số người mặc áo lót pull trắng, quần xà lỏn (có lẽ là nằm ngủ trước đó trong khách sạn) đi quanh chụp ảnh chúng tôi.

Thế rồi mốc 6h đã đến, chúng tôi rảo bước lên phòng khách sạn, nơi bà dân biểu sẽ mở lời với những thông tin quan trọng. Việc bị phát hiện khi đó không còn mấy quan trọng với chúng tôi nữa, khi mà cảm giác được lắng nghe đứng ở vị trí ưu tiên hơn. Tôi không thấy bất kỳ nỗi sợ nào trong mắt chị Hương và Lộc.

Bà dân biểu đã nói gì

Trong phòng khách sạn, không còn cảm giác bị giám sát nữa, chúng tôi ai cũng thấy thoải mái hơn.

Bà dân biểu vào thẳng vấn đề bằng câu hỏi không thể rõ ràng hơn: “Mỗi bạn hãy cho tôi biết quan điểm của mình về việc ra đi hay ở lại của Formosa? Các bạn có tin vào lời hứa sẽ khắc phục của họ hay không?”

Lộc nói rõ, Formosa vốn đã không được người dân địa phương như anh hoan nghênh ngay từ khi mới đến Hà Tĩnh, chứ không phải chỉ mới gần đây, bởi tất cả những hệ quả về kinh tế, chính trị, văn hóa mà nó gây ra. Chị Hương vẫn giữ những trăn trở về sức khỏe, bệnh tật. Còn tôi nhắc lại những “tiền án” của Formosa khắp những nơi nó đi qua để khẳng định rằng tôi không bao giờ tin vào lời hứa sẽ khắc phục môi sinh, môi trường cho Việt Nam.

Mỗi người một góc nhìn, song thống nhất với nhau ở câu trả lời: Chúng tôi không muốn thấy Formosa ở lại, nhất lại là 60-70 năm nữa.

Tiếp đó, bà dân biểu đã chia sẻ một thông tin mà tầm quan trọng của nó khiến tôi khá băn khoăn khi dẫn lại ở đây.

Bà nói chuyện Formosa ra đi hay ở lại thì không chắc. Nhưng theo thông tin bà có được thì ngay cả khi ở lại, Formosa sẽ dừng lại ở giai đoạn 1, chứ không tiến hành giai đoạn 2 nữa.

Hẳn mọi người cũng biết, giai đoạn 1 là 7 triệu tấn thép/năm, còn giai đoạn 2 là 22.5 triệu tấn/năm. Hơn 3 lần công suất là hơn 3 lần mức độ ô nhiễm, nhìn theo hướng đó thì phần nào đây cũng là thông tin tích cực.

Bà chia sẻ thêm từ kinh nghiệm cá nhân với Formosa, bà thấy trong 3 nước Formosa từng đầu tư, họ tỏ ra thân thiện với môi trường nhất ở Mỹ, trong khi đó ở Đài Loan và Việt Nam có lẽ chúng ta cần phải mất nhiều thời gian hơn để có thể đưa được họ vào khuôn khổ.

Cuối cùng, bà nói tương đối bất ngờ trước sự kiên trì đấu tranh của người dân địa phương, điều mà phần nào đó bà nghĩ là Việt Nam đã làm tốt hơn Đài Loan.

Thời gian chẳng còn mấy, chúng tôi đứng lên từ biệt bà, không quên nói lời cảm ơn. Vẻ uy nghiêm, quyết liệt của nữ chính khách này ngay lúc đó khiến tôi nhớ đến dáng dấp Tổng Thống đương nhiệm Đài Loan, đồng thời cũng là đồng nghiệp của bà Su trong đảng Dân Tiến cầm quyền – bà Thái Anh Văn – khi tôi có dịp chứng kiến buổi lễ tuyên bố chiến thắng của đảng này vào Tháng Giêng vừa rồi.

“Tôi đã từng rất xúc động khi trực tiếp tham dự buổi lễ tuyên bố chiến thắng của bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến. Nay thêm một lần xúc động nữa khi thấy bà lặn lội đường xa đến đây, vừa thị sát Formosa, vừa gặp gỡ người dân địa phương,” tôi nói vài lời cuối trước khi rời đi.

Bước qua sảnh khách sạn ra nơi đỗ xe, không khó để nhận ra có những người bước theo. Tài xế xe chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra một chiếc xe khác bám theo nên chủ động dừng lại để họ đi qua. Xe họ sau đó rẽ vào đường nhánh, đợi chúng tôi đi qua thì lùi lại để bám theo. Do đó dự định vẫy xe khách ngay trong sáng đó để rời khỏi Vũng Áng của tôi không thực hiện được. Tôi về nhà thờ để tối rời đi sau.

Khuya hôm đó, nằm trong chiếc xe khách Bắc-Nam rời khỏi Hà Tĩnh, tôi vẩn vơ nghĩ điều gì đã khiến tôi bất chấp những lời can ngăn của người thân, bạn bè để ra Vũng Áng một lần nữa. Tôi nhận ra đơn giản đó chính là niềm tin rằng, sinh mạng của anh thợ lặn Lê Văn Ngày, sinh mạng một con người bằng xương bằng thịt, không thể, và không bao giờ, chỉ như một cái móng tay.

Đừng quên anh Ngày, làm ơn, mọi người!

PS: Cảm ơn rất nhiều người mà tôi không tiện nhắc tên ở đây đã giúp đỡ để buổi gặp cuối cùng vẫn có thể diễn ra. Cũng xin được cảm ơn mọi người đã theo dõi câu chuyện này của tôi.

MỚI CẬP NHẬT