Thursday, April 25, 2024

Dự án Metro ở Sài Gòn lại loay hoay vốn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Từ Tháng Chín, 2016, đến nay, bộ phận điều hành các dự án metro tại Sài Gòn chưa nhận được tiền để thanh toán cho nhà thầu và chính quyền Việt Nam có thể bị kiện, đòi bồi thường.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải, chính quyền Việt Nam có kế hoạch xây dựng tám tuyến metro tại Sài Gòn (Tuyến số 1 dài 20 km, từ Bến Thành đến Suối Tiên. Tuyến số 2 dài khoảng 48 km từ Thủ Thiêm đến Củ Chi. Tuyến số 3a dài khoảng 20 km từ Bến Thành đến Bình Chánh. Tuyến số 3b dài khoảng 12 km từ ngã 6 Cộng Hòa đến ngã tư Bình Phước. Tuyến số 4 dài khoảng 36 km từ quận 12 đến quận 7. Tuyến số 4b dài khoảng 5 km từ Gò Vấp đến phi trường Tân Sơn Nhất. Tuyến số 5 dài khoảng 26 km từ Bình Chánh đến Bình Thạnh. Tuyến số 6 dài khoảng 6 km, từ Tân Bình đến quận 6).

Cho đến lúc này tại Sài Gòn, chỉ mới có 1/8 tuyến metro chính thức khởi công là tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên).

Chính quyền thành phố Sài Gòn cho biết, khối lượng công việc mà nhà thầu tuyến số 1 đã hoàn thành tương ứng 2,000 tỷ đồng nhưng nguồn vốn mà thành phố này mới nhận được để thanh toán cho nhà thầu chỉ chừng 600 tỷ đồng. Cũng vì vậy, thành phố phải tự trích 600 tỷ đồng từ nguồn tiền riêng để “tạm ứng” cho nhà thầu. Giờ thì thành phố đã hết khả năng.

Năm nay, nếu nhà thầu thi công đúng mức, khối lượng công việc sẽ hoàn thành tương đương 5,320 tỷ đồng nhưng Bộ Giao Thông Vận Tải chưa có kế hoạch cấp vốn. Chính quyền thành phố cho rằng, điều này có thể dẫn tới tuyến số 1 không hoàn tất đúng thời hạn, sai với cam kết đã có đối với Nhật là phía cho vay, chi phí đầu tư gia tăng vì bị nhà thầu kiện đòi bồi thường.

Liên quan đến việc xây dựng các tuyến metro tại Sài Gòn, tờ Đầu Tư cho biết, đến nay, bộ phận điều hành các dự án metro ở Sài Gòn vẫn còn đang loay hoay với việc thực hiện phần đầu của tuyến số 2 (từ Thủ Thiêm đến cầu Tham Lương). Chi phí đầu tư cho phần đầu của tuyến số 2 – tuyến được xem là quan trọng nhất trong tám tuyến – hiện đang được đề nghị nâng lên thành $2.1 tỷ (tương đương 47,605 tỷ đồng), so với dự trù ban đầu hồi 2010 thì tăng khoảng… 57%.

Các dự án metro ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội đều giống nhau ở chỗ: Chậm trễ, vốn đầu tư tăng thêm ở mức hàng tỷ đô la khiến nợ nần của Việt Nam thêm nặng nề.

Hồi Tháng Mười, 2014, ông Đinh La Thăng, lúc đó là bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, từng thú nhận sở dĩ có tình trạng vừa kể là vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án metro và chưa có nhân sự đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo.

Lúc đó, ông Trần Đức Toàn, vụ phó Vụ Kết Cấu Hạ Tầng và Đô Thị của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, cũng bảo rằng hiểu biết của Việt Nam về metro rất kém, việc lập các dự án, giám sát, thi công… đều dựa vào quốc gia cho vay tiền thực hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia không tán thành những ý kiến đó. Ông Phan Văn Trường, một kỹ sư từng là phó chủ tịch Alsthom Transports của Pháp, cho biết khi thực hiện các dự án metro, người ta có rất nhiều lý do để điều chỉnh tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Lý do khiến vốn đầu tư các dự án metro tăng vọt còn nằm ở chỗ thay đổi công nghệ. Nếu chủ đầu tư không “cứng” thì vốn đầu tư dễ tăng lên nhiều lần.

Cũng vì vậy, ông khuyến cáo Việt Nam không thể nhún nhường và để phụ thuộc hoàn toàn vào phía cho vay vốn thực hiện các dự án metro. Phía cho vay đã hưởng lợi qua việc doanh nghiệp của họ được ưu tiên thực hiện toàn bộ dự án. Thành ra, Việt Nam phải có sự ràng buộc chặt chẽ cả về chuyển giao công nghệ, lẫn giá cả.

Theo ông, nếu chủ đầu tư có hiểu biết và có bản lĩnh thì tổng vốn đầu tư của một dự án metro không bao giờ tăng quá 10% một năm. Ông nhấn mạnh, nếu dự án tăng quá 10% mỗi năm thì điều đó đồng nghĩa với việc “chủ đầu tư quá dễ dãi và chắc chắn có tham nhũng.”

Trên thực tế, tổng vốn đầu tư của các dự án metro tại Việt Nam không chỉ tăng hơn 10% mà là tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi.

Tin mới nhất liên quan đến các dự án metro tại Sài Gòn là sáng Chủ Nhật, 9 Tháng Tư, ông Đinh La Thăng, nay là bí thư Thành Ủy Sài Gòn, và ông Lê Thanh Liêm, một phó chủ tịch của thành phố này, đã đến Nhật, gặp gỡ giới lãnh đạo tập đoàn Nippon Koei, đang đảm nhận vai trò tư vấn – giám sát thiết kế đối với tuyến số 1. Theo tờ Tuổi Trẻ thì trong cuộc gặp, đại diện tập đoàn Nippon Koei đã đề nghị phải “rót vốn đúng tiến độ.”

Năm ngoái, nhà thầu thực hiện tuyến số 1 từng đòi bộ phận điều hành các dự án metro ở Sài Gòn bồi thường 2.5 tỷ đồng/ngày vì chậm bàn giao mặt bằng. Đến nay, thông tin chi tiết liên quan đến vụ đòi bồi thường đó không được tiết lộ nhưng ai cũng tin là có và bồi thường ở mức nào thì phía phải gánh thêm vẫn là dân chúng Việt Nam. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT