Friday, April 26, 2024

Thuế thu nhập cá nhân làm nhiều người nghẹn ngào

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mỗi năm, vào dịp Tết, ngoài lương, những người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam còn được nhận tiền thưởng. Thuế thu nhập cá nhân nuốt phần lớn khoản tiền thưởng này.

Một phóng sự trên tờ Thanh Niên dẫn ý kiến của hàng chục người thuộc nhiều giới về chuyện bất cận nhân tình của thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.

Chẳng hạn một phụ nữ ở Sài Gòn được thưởng 30 triệu đồng nhưng bị trừ 15 triệu để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Khi bà thắc mắc, bộ phận kế toán nơi phụ nữ này làm việc giải thích, do thu nhập của bà nằm trong khoảng từ 10 triệu đến 18 triệu đồng/tháng nên mỗi tháng bà phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 10%. Trong năm vừa qua, họ khấu trừ chưa đủ mức đó nên khi có tiền thưởng Tết phải giữ lại để bù vào khoản còn thiếu.

Tương tự, một phụ nữ khác cư ngụ ở Hà Nội có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng. Với mức thuế thu nhập cá nhân mới, bà phải đóng khoảng 25 triệu đồng thuế/tháng. Vì nơi bà làm việc chỉ giữ lại khoảng 15 triệu đồng/tháng để nộp thuế nên đến cuối năm, bà còn thiếu hàng trăm triệu tiền thuế. Cũng vì vậy, khoản thưởng Tết tuy nhiều, nhưng bà chỉ được phát tượng trưng vì bộ phấn kế toán giữ lại gần hết để nộp cho ngành thuế.

Theo một số chuyên gia kinh tế thì thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam quá cao, không hợp lý và đang là một gánh quá nặng đối với tất cả các cá nhân làm công ăn lương.

Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc được hưởng hàng loạt ưu đãi về thuế như miễn nộp trong một số năm sau khi bắt đầu hoạt động, kế đó được giảm thêm một số năm, còn đối với các doanh nghiệp trong nước, từ 2009 đến 2016, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 32% xuống còn 20% thì từ khi được ban hành (2009) đến nay, thuế thu nhập cá nhân tăng liên tục. Sắc thuế này hiện có bảy mức, thu nhập ở mức 5 triệu đồng/tháng đã phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Nếu thu nhập trên 80 triệu/tháng, phải nộp thuế thu nhập cá nhân tới 35%.

Ông Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế, cảnh cáo, nếu cứ tận thu như hiện nay thì dân chúng sẽ kiệt sức.

Ông Trần Quốc Hùng, một giảng viên của đại học Hùng Vương, nhấn mạnh, cách tính thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam không khuyến khích những người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi nỗ lực làm việc.

Khoảng 74% số người phải nộp thuế thu nhập cá nhân chỉ nộp thuế ở mức 5% (vì thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng) và 74% này chỉ đóng góp 10% tổng số tiền mà ngành thuế thu được từ sắc thuế thu nhập cá nhân. Tuy chỉ có .18% số người phải đóng thuế ở mức 35% nhưng số tiền mà họ phải nộp đã chiếm đến 17% tổng số tiền mà ngành thuế thu được từ sắc thuế thu nhập cá nhân. Nếu buộc nộp thuế thu nhập cá nhân quá cao, Việt Nam khó mà có thể thu hút các chuyên gia, những người có tay nghề cao đến Việt Nam làm việc.

Một chuyên gia kinh tế khác tên là Nguyễn Minh Phong nhận định, ngành thuế Việt Nam bỏ sót nhiều tập đoàn ngoại quốc vì những tập đoàn này thuộc loại khó “nuốt” mà chỉ nhắm vào dân để tận thu. Ông Phong cho rằng cần phải làm rõ, mâu thuẫn đó là do kém năng lực hay chính quyền Việt Nam có chủ trương “bỏ chỗ khó, chọn chỗ dễ?”

Cũng theo lời ông Phong, sự bất bình đẳng trong thu thuế thu nhập cá nhân còn thể hiện ở cách thu. Từ các chuyên gia, chuyên viên đến công nhân đều bị kiểm soát thu nhập rất chặt nhưng nhiều giới khác, chẳng hạn các ngôi sao giải trí hạng A, mỗi đêm kiếm hàng trăm triệu đồng thì lại không nộp đồng nào, hoặc nộp cho có. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT