Thursday, April 18, 2024

Việt Nam vỡ nợ vì ‘chương trình xây dựng nông thôn mới’

VIỆT NAM – Sau năm năm thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới,” ngoài chuyện đã ngốn hết 851,380 tỷ đồng, 53 trong số 63 tỉnh và thành phố tại Việt Nam còn tạo ra khoản nợ là 15,277 tỷ đồng.

Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam vừa thảo luận về kết quả thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới” từ năm 2010 đến năm 2015. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đã nêu ra một câu hỏi mà không viên chức nào trả lời được, đó là sẽ lấy tiền từ đâu để trả cho hết khoản nợ 15,277 tỷ đó.

Có một điểm đặc biệt phải lưu ý: Chủ của các khoản nợ lên tới 15,277 tỷ này là những doanh nghiệp đã được chính quyền của 3,637 xã thuê xây trụ sở, dựng cổng chào, làm đường,… hoặc hỏi mua chịu vật liệu nhằm xây dựng những công trình hạ tầng trong chương trình xây dựng “nông thôn mới.”

Nếu hệ thống chính quyền các cấp chậm trả nợ, sẽ có vài ngàn doanh nghiệp phá sản và những ngân hàng từng cho vài ngàn doanh nghiệp này vay vốn cũng vạ lây.

Kết quả cuộc khảo sát việc thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới” chỉ chi biết, trong 851,380 tỷ đồng đã chi, có 31.34% rút từ ngân sách (266,000 tỷ đồng), 51% là tiền vay các ngân hàng (435,000 tỷ đồng), 12.62% là buộc dân chúng đóng góp (107,447 tỷ đồng), 4.9% là buộc doanh nghiệp đóng góp (42,198 tỷ đồng).

Nhóm khảo sát việc thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới” do Quốc Hội Việt Nam chỉ đạo không phân tích 107,447 tỷ đồng buộc dân chúng đóng góp và 42,198 tỷ đồng buộc doanh nghiệp đóng góp đã tác động ra sao đến nông thôn và nông dân. Trong năm năm vừa qua, báo chí Việt Nam từng đăng hàng loạt phóng sự tường thuật nông thôn tan hoang, nông nghiệp suy kiệt, nông dân bỏ xứ tha phương, cầu thực vừa vì các loại thuế, phí, lệ phí vừa nhiều, vừa cao, vừa do không chịu nổi áp lực từ chính quyền địa phương (Bêu riếu những gia đình, cá nhân thiếu thuế, không nộp đủ phí, lệ phí trên hệ thống truyền thanh. Không cấp, không chứng các loại giấy tờ tùy thân. Đổ đến nhà tịch thu cả “chổi cùn, rế rách” để phát mãi bù vào các khoản thuế, phí, lệ phí đang thiếu).

Nhóm khảo sát việc thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới” cũng không so sánh, phân tích xem việc “thay đổi bộ mặt của nông thôn” đã ảnh hưởng như thế nào đến việc suy giảm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp – một trong những yếu tố giữ vai trò trụ cột của kinh tế Việt Nam.

Dù nhóm này chỉ chú ý về “nợ đọng” (nợ đã lớn thời gian thiếu nợ lại lâu, chưa có hướng thanh toán) nhưng các con số, các nhóm dữ liệu cũng đủ gây kinh hoàng. Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố và 53 trong số này có “nợ đọng” do thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới.” Nếu xét về mức nợ thì Bắc Ninh dẫn đầu (1,631 tỷ đồng), kế đó là Thanh Hóa (1,547 tỷ), Thái Bình (1,232 tỷ). Còn xét theo khu vực thì dẫn đầu là khu vực đồng bằng sông Hồng, kế đó là phía Bắc miền Trung, các tỉnh cao nguyên miền Bắc.

Nhóm khảo sát không cho biết nông nghiệp và nông dân đã thụ hưởng được những gì từ “chương trình xây dựng nông thôn mới.” Người ta chỉ biết rằng, khoảng 50% xã được công nhận là “đạt tiêu chuẩn nông thôn mới” có “nợ đọng.” Số “nợ đọng” của những xã “đạt tiêu chuẩn nông thôn mới” chiếm 62% tổng “nợ đọng” (15,277 tỷ đồng).

Bà Ngân nêu thắc mắc, phải làm gì khi “nợ đọng” trong xây dựng cơ bản (mua chịu vật liệu, thuê thực hiện các công trình hạ tầng rồi không trả tiền) giải quyết chưa xong, giờ phát sinh thêm “nợ đọng” vì “xây dựng nông thôn mới?” Không ai trả lời.

Ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Việt Nam, nhân vật từng là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, cảnh cáo, nếu không có giải pháp giải quyết “nợ đọng” sẽ vỡ nợ!

Giống như vô số “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” khác, ngoài chuyện không có câu trả lời, chắc chắn sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT