Thursday, March 28, 2024

Báo Người Việt và gia đình tôi

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Kathy Phạm

Trong số các nhật báo, tuần báo tiếng Việt có mặt tại nước Mỹ thì nhật báo Người Việt là tờ báo có thời gian hoạt động lâu năm nhất tại khu phố Little Saigon. Cho đến ngày hôm nay, nhật báo Người Việt đã tròn 40 tuổi. Gia đình chúng tôi đã được làm quen và đọc báo Người Việt từ năm 1990 cho đến nay, cũng đã hơn 28 năm qua.

Tháng Ba năm 1990, gia đình tôi gồm ba, má và 5 anh chị em đã qua Mỹ theo diện HO-1, và may mắn được cư ngụ cách khu trung tâm Little Saigon chỉ khoảng 8 miles.

Bước chân xuống sân bay JohnWayne, sau khi ba má tôi đã thanh toán mọi khoản nợ nần tại Việt Nam trước ngày đi Mỹ, thì “Gia Tài Của Mẹ” cho anh chị em tôi là mỗi người được cho một cái túi xách nhựa đen đeo trên vai đựng vài bộ quần áo và số tiền mặt $40 trong bóp để bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ mà nhiều người gọi là với hai bàn tay trắng.

Nhớ lại sau 1975, cuộc sống gia đình tôi hàng ngày gặp rất nhiều khó khăn, bữa cơm, bữa cháo, thiếu trước hụt sau. Sau khi phải bỏ chạy từ vùng “Kinh Tế Mới” trở về lại Sài Gòn, ba tôi thì đi làm công cho tiệm điện và tiệm cơ khí, công việc lúc có lúc không. Má và chị tôi phải bươn chải ra chợ bán rau cải, bánh chuối chiên và khoai chiên để phụ nuôi sống cả gia đình cho đến khi đi định cư tại Mỹ. Vì đã quen chịu cực khổ và khó khăn, nên khi đến Mỹ anh chị em tôi mỗi người đều hết sức cố gắng để hòa nhập vào cuộc sống mới. Những xa lạ và bỡ ngỡ của những ngày đầu mới sống ở đất Mỹ đã đi qua thật nhanh, qua vài tuần lễ đầu tiên, anh chị em tôi đã tranh thủ học lái xe, đi xe bus để tìm việc làm ban ngày và ghi danh học các lớp ESL miễn phí ban đêm.

Vì gần khu Little Saigon, cho nên mỗi Thứ Bảy cuối tuần gia đình tôi có thể dễ dàng đi các chợ Việt Nam trên đường Bolsa để mua sắm các loại đồ dùng và thức ăn để nấu cơm cho cả tuần lễ. Mỗi lần Thứ Bảy đi chợ như thế, tôi thường lái chiếc xe Toyota nhỏ và cũ kỹ, mua lại của người quen với giá chỉ $400, chở ba má đi vòng vòng các chợ trong khu phố Bolsa. Có chợ thì má tôi mua thịt heo, bò, gà; có chợ thì mua rau và trái cây; có chợ thì mua cá và các loại đồ khô, đồ hộp… Cho nên ba thường nói đùa với má tôi là “Cứ mỗi cuối tuần là con bé Út nó chở bà đi chơi vòng vòng để viếng 3 cảnh chợ, 4 cảnh chùa tại khu Little Saigon.”

Những dịp đi chợ cuối tuần như vậy, cũng là dịp ba tôi đi thu thập các tờ báo tiếng Việt tại các văn phòng bác sĩ, dịch vụ, tiệm thuốc tây, tiệm ăn, tiệm tạp hóa… Đa số là các tờ báo đã phát hành từ vài ngày trước hay tuần trước, nhưng ông cũng vẫn lấy về để đọc cho biết tình hình thời sự. Tôi còn nhớ tên vài tờ báo mà ba tôi đã thu thập được hàng tuần như là Việt Nam Tự Do, Đồng Nai, Thời Luận, Người Việt,… tuần báo như Tiểu Thuyết, Mới, SaiGon Post, Diễn Đàn,…

Trước khi bọn Việt Cộng chiếm miền Nam 30 Tháng Tư, 1975, ba tôi thường hay đọc các tờ báo như Tin Sáng, Tiền Tuyến, Đuốc Nhà Nam, Thời Luận… Tuy nhiên khi còn ở Việt Nam, sau 1975, tôi không bao giờ thấy ông đọc bất cứ một tờ báo nào của bọn Việt Cộng phát hành, vì ông nói rằng: “Các báo Việt Cộng chỉ dùng để làm giấy gói đồ đạc hay xài cho việc vệ sinh mà thôi. Việt Cộng là bóng tối nên người ta thường gọi Việt Cộng là bọn nằm vùng, bọn liều mạng chứ không phải là cách mạng, nên Việt Cộng sẽ đem lại đau khổ triền miên cho người dân Việt Nam.” Thay vào đó, ông chỉ nghe tin tức các đài BBC và VOA từ cái radio cũ kỹ vào mỗi buổi sáng hay chiều tối, với âm thanh vặn thật nhỏ để tránh bị bọn công an khu vực dòm ngó và gây khó dễ. Rồi khi đến Mỹ, ba tôi rất mong chờ được đi chợ cuối tuần với má và tôi để thu thập các tờ báo tiếng Việt về đọc trong tuần.

Còn lớp trẻ như các anh chị em tôi, trong những lúc rảnh rỗi, không phải đi làm hay đi học thì chúng tôi thường xuyên dành thời gian xem tin tức trên các đài TV Mỹ để học thêm cách đọc và phát âm cho đúng tiếng Mỹ, và cũng biết thêm tình hình thời sự đang diễn ra hàng ngày. Riêng về các tờ báo tiếng Việt, mỗi khi có thời gian, tôi cũng đọc để biết thêm về thời sự và sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam, và điều đó đã trở thành một nhu cầu quen thuộc. Cho đến khi ba tôi mất đi thì không còn ai đi thu thập các loại báo để đọc hàng tuần như trước đây nữa. Tuy nhiên, khi có dịp đi ăn tại các nhà hàng, tiệm ăn hay đi chợ cuối tuần, tôi đều mua một vài tờ báo tiếng Việt, trong đó có tờ Người Việt.

Khi đọc báo Người Việt, ngoài những tin tức thời sự hàng ngày tại nước Mỹ, Việt Nam, và khắp nơi trên thế giới, còn có những mục hay chủ đề khác có nội dung rất hữu ích cho việc bổ sung kiến thức trong cuộc sống. Có nhiều mục như tìm hiểu về các luật lệ mới ban hành, những điều cần biết về y tế, sức khỏe, giáo dục, gia đình, nhà đất, tài chính, thương mại, an sinh xã hội…

Thỉnh thoảng cũng có mục hướng dẫn nấu các món ăn ngon thuần túy của Việt Nam như: Phở bò, gà, bún vịt sáo măng, bún bò Huế, bún thịt nướng, bún riêu, bún mắm, chả giò, nem nướng, bánh xèo, bánh bèo, bánh canh, xôi lạp xưởng, chè khoai môn, chè ba màu… với hình ảnh và công thức nấu ăn đầy đủ.

Ngoài ra còn có các tiết mục về văn hóa và nghệ thuật, có những bài viết rất hay và có ý nghĩa kể lại chuyện đời xa xưa cho đến chuyện ngày nay. Trong đó có các bài viết về “Góc Chiến Trường Xưa,” với gia đình tôi thuộc thành phần gia đình có sĩ quan “ngụy” bị đi tù “mút chỉ” với không bản án tù, mà bọn Việt Cộng rất ma giáo hay gọi cho thơm lỗ tai là “học tập cải tạo 10 ngày,” thì các bài viết nầy đã kể lại cho chúng ta nhớ những chiến tích oai hùng cũng như những kỷ niệm đau buồn của Quân Lực VNCH trước năm 1975.

Nhật báo Người Việt còn thường xuyên phổ biến thông tin và hình ảnh về các hoạt động văn hóa, văn nghệ và xã hội của người Việt tại khu Little Saigon và khắp nơi trên thế giới để cho thấy sự sống động và mong muốn của người Việt trong việc duy trì nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.

Tiết mục thể thao cũng là đề tài hấp dẫn mỗi khi có các giải đá banh World Cup hay giải Âu Châu. Tòa soạn nhật báo Người Việt là nơi tổ chức xem trực tiếp các trận đấu đang diễn ra ngay trên sân cỏ, và nay đã trở thành thông lệ và là niềm vui cho dân ghiền xem đá banh. Điều làm cho mọi người thích thú hơn nữa là khi xem các trận đấu lại được các cơ sở thuơng mại bảo trợ phục vụ miễn phí phần nước trà, cà phê, và luôn cả thức ăn các loại để bà con được ấm bụng ngồi xem đá banh. Ngoài ra, cho thêm phần vui vẻ còn có những phần quà giá trị để trao tặng cho những người đã may mắn đoán trúng kết quả của các trận đấu.

Riêng về các mục quảng cáo, rao vặt trên báo Người Việt là rất cần thiết khi có nhu cầu như: thuê mướn, mua bán nhà ở và cơ sở thuơng mại, mua bán xe, các loại sửa chữa, tuyển nhân viên, mướn người làm việc, dịch vụ linh tinh khác… cần thiết cho phục vụ đời sống hàng ngày.  Thỉnh thoảng, gia đình tôi cần một vài dịch vụ như sửa nhà, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh, ống nước bị nghẹt, mua bán xe… thì chỉ cần tìm xem mục rao vặt của nhật báo Người Việt trên báo giấy hoặc trên online là có thể đáp ứng được các nhu cầu nầy khá nhanh chóng.

Hơn 40 năm, kể từ biến cố 30 Tháng Tư, 1975, hàng hàng lớp lớp người Việt đi định cư và sinh sống ở nước ngoài ngày càng đông đảo, thì nhu cầu về giữ gìn văn hóa và tiếng nói Việt Nam cũng được mọi người thiết tha chú ý hơn. Để giữ lại văn hóa Việt Nam, ở những nơi có đông đảo người Việt sinh sống như khu Little Saigon thì mọi người trong cộng đồng đều cố gắng xây dựng và phát triển hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình, các tờ báo ngày, báo tuần, báo tháng, các đặc san, báo Xuân… Đồng thời cùng phối hợp với hoạt động của các hội đoàn văn hóa, các hội đồng hương, ái hữu, tôn giáo, các lớp học Việt ngữ, luôn cả các hội chợ Tết, diễn hành Tết… Đây chính là những chất keo quý báu để duy trì ngôn ngữ, tiếng nói, giữ lại ngọn cờ vàng ba sọc đỏ, bản quốc ca, thực phẩm và văn hóa Việt Nam cho các cộng đồng Việt Nam sinh sống khắp mọi nơi trên thế giới. Và cũng là các phương tiện thật sự hữu hiệu để tạo ra gạch nối gắn bó giữa thế hệ cha ông với thế hệ trẻ, và tạo ra sự thông cảm giữa những người đã đến trước với người vừa mới đến định cư.

Dù xa xôi ngàn dặm, nhưng tâm tư của người Việt hải ngoại chúng ta vẫn luôn hướng về và đau buồn cho quê hương Việt Nam mà mọi cơ cấu xã hội, văn hóa, kinh tế, giáo dục, lễ nghĩa bị xáo trộn, tàn phá bởi chế độ độc tài của bọn Việt cộng vong bản, gian xảo và tàn ác đã dùng súng đạn và bạo lực để cai trị sắt máu lên nhân dân Việt Nam hơn 40 năm qua. Mọi người dân yêu nước đều có chung một ước muốn rằng lịch sử của đất nước sẽ sang trang, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước Việt Nam. Trong đó, nhật báo Người Việt và các báo, các đài truyền thanh, truyền hình là những phương tiện đại diện cho “Tứ Quyền” cùng hợp sức tích cực tham gia xây dựng sức mạnh của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại và cùng đồng lòng ủng hộ tinh thần đấu tranh của người dân trong nước, đang liều thân đứng lên, hy sinh mạng sống để cố gắng bảo vệ quê hương. Đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng nhau góp sức nhanh chóng xóa bỏ chế độ Cộng Sản độc tài đảng trị, và trong một ngày không xa, VNCH với ngọn Cờ Vàng chính nghĩa sẽ hội tụ về quê hương cùng xây dựng đất nước Việt Nam thật sự có Dân Chủ, Thịnh Vượng, Văn Minh, Pháp Quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải. (Kathy Phạm)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT