Wednesday, April 24, 2024

Quê Hương qua báo Người Việt

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Thang Chu

Đoàn người qua lại đường Woodward, Royal Oak city, Michigan chật cứng trong ngày lễ hội Classic Autos hàng năm được tổ chức và bảo trợ tài chính bởi Big Three. Dọc đường dân Mỹ ùa ra ngồi trên các ghế đẩu dọc đường suốt một dặm. Toàn da trắng. Thỉnh thoảng vài da đen. Tôi hòa vào đám đông ngồi đó thấy mình vẫn không lạc lõng nhờ tờ báo Người Việt trên tay.

Cả một cuộc đổi đời khi bạn phải sống nơi một xứ lạ từ địa dư, thức ăn nước uống, văn hoá, và nhất là ngôn ngữ, mà cả triệu người Việt phải chịu nếu may mắn thoát được lao tù cộng sản hoặc những cuộc vượt biên thập tử nhất sinh.

Tôi may mắn thoát Cộng Sản sau cuộc vượt biển ba lần gặp hải tặc Thái tưởng đã chết, đến Mỹ năm 1978 nhưng lại không may mắn được sống với cộng đồng Việt tỵ nạn tại thủ đô tỵ nạn Little Saigon California.

Những năm tháng đầu thật cô đơn với nỗi phận tha hương nhớ cả nước mắm, rau dưa. Lại thêm cái xứ gì đâu hết tám tháng lạnh giá làm tăng thêm nỗi nhớ nhà.

Nhưng nhớ nhất vẫn là ngôn ngữ Việt đến độ tôi thèm nghe tiếng Việt, đọc tiếng Việt, và nói tiếng Việt. Tiếng mẹ đẻ mà.

Thời ấy không có internet. Cũng chẳng có chợ búa người Việt hoặc quán xá Việt nào quanh đây. Gặp được đồng hương là tay bắt mặt mừng để được nghe và nói tiếng Việt.

Cuộc đời cô đơn xứ lạnh ở xứ lạ cứ trôi theo mùa đông lạnh lẽo cho đến năm sau tôi cưới được một cô đồng hương xứ Việt ở cách xa tôi đến bốn tiếng đồng hồ lái xe trong một buổi hội ngộ tình cờ, thì nỗi buồn viễn xứ cũng nguôi ngoai nhờ nói tiếng Việt mỗi ngày.

Tiếng Việt ám ảnh tôi thế đó cho nên sau khi hai đứa con lần lượt ra đời cách nhau hai năm, tôi nhất định phải dạy chúng học tiếng Việt quê hương mình.

Nhưng sách vở Việt đâu mà dạy!

Tôi định order sách báo từ Việt Nam nhưng ngẫm nghĩ lại không sợ mắc tiền gửi mà chỉ sợ lời văn và lối hành văn toàn của Việt Cộng, cái thứ từ ngữ xa lạ với tôi ghê lắm! Nào là “tiếp thu,” “phanh không xơi,” “giải phóng,” “bản tự kiểm.” Ôi chao! Chưa kể trang nào cũng có bác và đảng!

Lại thêm vết thẹo dài ống quyển chân trái tôi còn đó như in dấu tích Việt Cộng bắt mọi gia đình khu vực tôi ở trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa Sài Gòn đốt toàn bộ sách vở chế độ cũ. Vết sẹo do cây gậy bới sách đốt trong thùng phi gãy ngang đập vào chân tôi. Lúc trước bố tôi mê sách đến độ có cả một phòng thư viện mini trong nhà nên tôi tuy chưa đến mười tuổi mà phải lao vào đốt sách phụ bố mẹ.

Thế nhưng tôi vẫn giấu được chục cuốn sách hay và thề không bao giờ đọc sách Việt Cộng ngoại trừ mấy sách giáo khoa mà tôi bị ép phải đọc khi đến trường.

“Where there’s a will, there’s a way,” là câu tục ngữ Mỹ rất phổ thông.

Năm năm trôi qua vật lộn với cuộc đời mới không một lần đọc được tiếng Việt qua báo chí hoặc sách vở nào vẫn không làm ngơi đi lòng khao khát đọc sách tiếng Việt của tôi.

Một ngày kia không xa khi con lớn tôi bốn tuổi, tôi nhận được món quà nhỏ gửi từ người bạn ở Cali. Hộp thư được mở, rồi một lớp giấy gói; rồi một lớp giấy gói cuối cùng nữa, là lớp làm tôi sững người: báo Người Việt. Tôi xúc động đến quên cả món quà sau lớp báo ấy.

Năm 1984 thì Nhật Báo Người Việt cũng vẫn là tuần báo thôi, nhưng như vậy cũng quá quý hóa cho những người tha hương như tôi biết được tin tức cộng đồng Việt và quê nhà; nhất là được thấy và đọc tiếng mẹ đẻ mình.

Tôi lập tức liên lạc với văn phòng báo Người Việt để order báo gửi qua cho tôi hàng tuần, rồi hàng ngày sau khi có nhật báo, dù tin tức có chậm đi ba ngày đường bưu điện.

Thế là có thêm sinh hoạt gắn bó chặt thêm gia đình tôi bốn người mỗi ngày một tiếng ngoại trừ ba đêm weekend: Học tiếng Việt qua báo Người Việt. Đây là cơ hội để gia đình tôi tâm tình và nhất là các cháu không quên nguồn cội mình. Riêng hai vợ chồng tôi được khuây khỏa nhiều nỗi nhớ quê hương.

Không những thế, báo người Việt còn có mục rao vặt mà các con tôi rất thích vì lời văn súc tích, chỉ vài hàng mà đưa lượng thông tin lớn nên thích hợp với lối văn Mỹ dạy học sinh viết văn ngắn gọn nhưng đủ ý. Nếu bạn mà nghe chúng nói chuyện thì cứ y như đang nghe quảng cáo hàng thật là vui!

Sau gần bốn mươi năm, truyền thống gia đình tôi vẫn là gặp nhau nói tiếng Việt đến cả đời cháu nội ngoại ngay trên đất Mỹ này cũng nhờ Nhật Báo Người Việt. Ngày nay với báo Người Việt online thì các cháu tôi rất hứng thú học tiếng Việt. Chúng như đua nhau mà học vậy.

Thật cám ơn Nhật Báo Người Việt.

Cũng nhờ báo Người Việt mà chúng tôi không những vẫn mang tính Việt rất chay mà mấy đứa con lẫn cháu tôi học được tiếng Việt để giữ tâm tình dân tộc cho đến cả thế hệ thứ hai ở Mỹ. Và chắc chắn cả đến nhiều thế hệ sau nữa nhờ Nhật Báo Người Việt. (Thang Chu)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT