Thursday, March 28, 2024

Tìm bạn tuổi thơ qua báo Người Việt

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Đỗ Anh

Kỷ niệm về ngày khai trường năm đầu tiên thời trung học của tôi thật khác người không dễ gì quên.

Hôm ấy chiếc xe to tướng chở gia đình tôi từ Vũng Tàu dọn nhà về Gia Định vừa dừng lại tôi bị lôi ngay vào nhà bắt thay chiếc áo dài trắng rồi tống lên chiếc xích lô cùng mẹ đến trường ngay vì là ngày khai trường. Trên xe mẹ đưa tôi tờ giấy nhỏ ghi tên lớp, mặt kia là địa chỉ nhà mới nhưng mẹ nói sẽ đến đón vì tôi chưa biết đường để tự đi về. Trường của tôi mới xây xong năm ngoái nên còn rất mới và đẹp hôm nay đông vui nhộn nhịp quá, các bạn tụ năm túm ba nói chuyện về những ngày hè đã qua, một mình tôi ôm cặp trước ngực đi loanh quanh tìm lớp. Vì đến trễ nên chỗ duy nhất còn trống là cuối lớp mặc dù tôi nhỏ tí ngồi ngay ngắn thì cái cằm vừa qua khỏi mặt bàn. Cô chủ nhiệm điểm danh nghe trả lời “có” nhưng nhón người nhìn mãi chả thấy ai cô đành đứng dậy đi đến cuối lớp để chiêm ngưỡng dung nhan tôi. Cô phì cười bảo tôi ôm cặp theo cô lên bàn nhất rồi cô sắp xếp lại chỗ ngồi theo chiều cao, lần đầu tiên tôi khoái chí tỷ với số thước tấc khiêm nhường chẳng ai muốn này. Bữa học đầu tiên kết thúc nhanh chóng sau màn đọc nội quy, phát phù hiệu và chép thời khóa biểu. Tan học sớm ai nấy vui mừng mặt mày hớn hở trừ hai người, là tôi đang lo âu vì mẹ dặn sẽ đón lúc 5 giờ, và cô bạn bị tôi chiếm chỗ mặt đỏ bừng vì giận và mắt long lanh muốn khóc khi tôi quay lại nhìn.

Tôi lí nhí nói lời xin lỗi rồi ra cổng trường đứng chờ mẹ, trời nắng nóng khát nước, mệt vì sáng dậy thật sớm và chặng đường dài từ Vũng Tàu về đây khiến tôi đờ người. Ngọc Mai, Xuân Huệ và Kiều My những cái tên tôi biết sau này, đi ngang qua mặt cố tình nói thật to:

-Mai đến sớm nhất lúc cổng trường còn chưa mở để giành chỗ tốt, nào ngờ bị kẻ xấu chiếm mất.

-Người ta đâu có chiếm, là cô giáo thấy bạn đó nhỏ con nên chuyển lên mà. Thật ra Mai cũng chỉ bị dời xuống một hàng đâu khác gì bao nhiêu, giận làm chi cho mệt.

-Một hàng không khác biệt nhiều nhưng công của Mai đi sớm để giành chỗ là nhiều.

-Thế sao nãy Mai không nói cho cô biết?

-Nói chưa chắc giữ được chỗ mà còn bị đì nguyên năm rồi tính sao?

Lửa giận đang dâng trào hừng hực nhưng khi ngang qua xe đậu đỏ bánh lọt, nước đá nhận ba cô nàng nuốt xuống cái ực cùng nhau xà vào. Mỗi nàng một ly Xuân Huệ, Kiều My nhẹ nhàng khuấy, riêng Ngọc Mai như đang dùng hết sức đè lên cái thìa để giết mấy hột đậu đỏ nằm dưới đáy ly. Trong lúc ăn uống no say ba nàng quên mất chuyện không vui trong lớp, nhưng khi đứng lên ra về cả ba chợt hướng mắt về chỗ tôi đứng, lúc này vắng hoe chỉ còn mình tôi vẻ mặt rất mệt và cứ dáo dác nhìn quanh Kiều My chạy lại hỏi:

-Sao bạn chưa về, đứng đây chi vậy?

-Mẹ tôi nói 5 giờ tới đón.

-Bây giờ mới 3 giờ còn lâu lắm đứng nổi không, tự về đi.

-Tôi không biết đường.

-Í trời từ hành tinh nào rớt xuống vậy? Học lớp 6 rồi mà không biết đường về nhà.

Tò mò Xuân Huệ và Ngọc Mai cũng đến gần để nghe chuyện.

-Gia đình tôi mới từ Vũng Tàu dọn về sáng nay, tôi chưa kịp nhìn xem nhà mình ở đâu đã phải đến trường ngay với mẹ. Nhưng mẹ có cho tôi địa chỉ nhà nè.

-Đâu đưa coi, ô may quá cùng đường đi theo tụi tui hông? Tui dắt bạn về ngay nhà luôn.

-Ê Kiều My ở đó làm người tốt đi, Mai về trước đây. Tưởng gì đồ nhà quê.

Tôi lặng người với ba chữ “đồ nhà quê” nên đứng như trời trồng không phản ứng. Kiều My nắm tay tôi kéo đi:

-Về theo tui, đứng tới 5 giờ thành con tôm khô đó.

Cãi lời cũng không được vì My cứ nắm chặt tay kéo tôi theo, Mai giận vùng vằng đi trước ba đứa chúng tôi lẽo đẽo theo sau, thì ra nhà chúng tôi cùng xóm qua lại với nhau chừng 15 phút. Trong suốt thời gian đầu chưa quen đường xá tôi hay đứng chờ ba bạn đi ngang nhà là tháp tùng nên chỉ một vài tuần Huệ và My thân với tôi lắm rồi nhưng Ngọc Mai thì giữ vững lập trường không nói chuyện mặc dù 4 đứa sáng chiều chung lối và đôi khi gặp bài toán khó chúng tôi cùng ở lại làm chung. Rồi khi giải được tự thưởng cho mình bằng những gói khoai lang chiên bán ngay cổng trường mua một gói 4 bàn tay chọc vào bốc hoặc cái bánh tráng mè đen nướng giòn tan bẻ ra làm bốn. Cuối năm học gia đình tôi trở lại Vũng Tàu để làm thủ tục bán nhà, xe dư chỗ bố mẹ tôi qua từng nhà xin cho các bạn cùng đi coi như phần thưởng cho nguyên năm học chúng tôi đã rất cố gắng.

Lần đầu được đi xa các bạn thích quá, tôi thì như cá về biển và cảm giác đã gì đâu khi thấy dân thành thị ngồi tròn to con mắt nghe dân nhà quê giảng giải. Ngày đầu tiên bố chở chúng tôi dạo quanh khắp thị xã những ngày kế đó thì 4 đứa tự đi bộ, xe lam, xe ngựa. Sáng sớm thì ra biển xem mặt trời mọc rồi xem cả mấy chục thuyền đánh cá đổ về. Vợ con đổ ra phụ gỡ cá rồi xếp lưới tiếng cười dòn khi thu hoạch khá, các bạn hàng đến mua tiếng kì kèo trả giá râm ran dọc suốt bờ biển nghe rất vui. Sau đó chúng tôi đi bộ ra chợ ăn sáng rồi lên xe lam đi Thích Ca Phật Đài. Trước cổng chính dọc theo các bậc thang đầy những người bán nhang, vàng mã, trà đá, chuối luộc, khoai lang, khoai mì. Đặc biệt chuối luộc ở đây ngon lắm, mỗi túm có 4 trái mua một túm chia nhau không thừa không thiếu. Rồi mua bánh tằm dừa mỗi đứa bốc 1 cọng rồi xoay tua như thế không sợ kẻ nhiều người ít, ấy thế mà cũng cãi nhau ầm lên vì cọng ngắn cọng dài. Ăn đến hết còn thò ngón tay trỏ quẹt những vụn dừa và muối mè rớt dưới miếng lá chuối.

Vì là ngày trong tuần cũng không phải rằm hay lễ lớn nên vắng hoe, chỉ có chúng tôi và vài gia đình đi lễ tạ, đoán là thế vì họ tay xách nách mang rất nhiều trái cây nhang đèn cúng Phật. Chúng tôi cũng bắt chước vái lạy, quỳ đến hơn 15 phút thấy các bác lẩm nhẩm khấn vái không biết khấn gì cả bọn chỉ lập bập môi trên môi dưới cho đụng nhau mà mắt thì đắm đuối chiêm ngưỡng những đĩa xôi oản và trái cây trên bàn thờ. Giờ cơm trưa chúng tôi trải miếng nilon nhỏ dưới tàn cây lớn bày bánh mì, Patê và muối tiêu ra. Đang loay hoay xẻ bánh mì một sư cô đi ngang qua:

-Mô Phật, trong khuôn viên chùa xin các thí chủ đừng ăn mặn.

Rất ngoan ngoãn tôi cất ngay gói muối tiêu vào giỏ trong lòng thầm nghĩ chắc sư cô thấy hũ muối to tướng tưởng chúng tôi sẽ ăn hết với 4 ổ bánh này nên nói thế và tiếp tục trét Patê, xếp dưa leo vào rồi chia nhau ăn ngon lành. Cũng nhờ không ăn mặn nên ít khát nước, chỉ mua một ly trà đá mỗi đứa một ngụm rồi đi xe lam về. Buổi trưa nắng gắt và nóng rát chân mọi người trốn trong nhà ngủ trưa chúng tôi vác rổ đi rung cây tầm ruột về ngâm mắm đường hoặc chui lỗ chó qua nhà bà cụ Cố hái trộm mận. Một lần bị bắt tại trận bà phạt mỗi đứa nhổ 20 cọng tóc ngứa, 4 đứa chúng tôi nhổ xong cái đầu bà trọc nhẵn.

Chiều mát Bố tôi chở lên núi ở Bãi Sau ngắm ngọn hải đăng và hái trái trứng cá. Hôm thì đi dọc theo vách đá cậy sò, bắt cua. Sau cơm chiều thì cả nhà đi bộ ra bãi trước xem du khách đi mua đồ lưu niệm. Tuần lễ qua mau tôi không để ý từ khi nào Ngọc Mai nói chuyện và thân thiết với tôi như hình với bóng. Mùa tựu trường năm đó giờ văn với đề tài “Tả về những ngày hè” 4 đứa chúng tôi lãnh con zero to tướng vì tội cóp bài của nhau. Thế là vác bài xuống phòng giám thị kiện đòi điểm với lời giải thích là 4 đứa cùng đi chung với nhau nghỉ hè nên viết giống nhau từng chi tiết nhỏ nhưng lời văn thì khác. Rốt cuộc khách mời thì được điểm cao còn tôi nhân vật chính, ban tổ chức kiêm hướng dẫn viên thì điểm tệ nhất với lời phê “viết văn mà cứ như giã gạo chẳng tí linh hoạt, uyển chuyển”.

Những hè kế tiếp không được đi xa thì chúng tôi chở nhau đi thăm bà ngoại Ngọc Mai. Thủ tục thăm hỏi vừa xong là đã thấy 4 đứa tòn ten trên cây xoài, cây ổi. Chiều về mỗi đứa vác theo cả giỏ rau càng cua, rau lang và trái bình bát. Các anh em họ của Mai khoái tôi nhất, họ bảo:

-Con bé xấu xí vậy nhưng khôn lanh nhất đám.

Có thế chứ ha ha ha. Rồi đi Bình Dương vào vườn chôm chôm ăn cho đã ra về hái một bọc to tướng lúc trả tiền mới biết chẳng đứa nào có tiền. Bốn cái ví đem theo làm kiểng chỉ có duy nhất cái thẻ học sinh, mặt đứa nào cũng tái xanh tưởng sẽ bị làm khó dễ. May thay bác chủ vườn cười dễ dãi bảo khi khác hay hè năm sau lên trả cũng được.

Sáu năm trời cùng ăn học, cùng cúp cua, cùng dối cha mẹ đi học thêm rồi trốn đi ciné, chúng tôi thân như chị em trong nhà không giấu giếm nhau điều gì. Ngay cả sau khi mất nước vẫn cùng nhau đi họp tổ thanh niên, cùng nhau xếp hàng mua gạo, cùng nhau đạp xe vào tận xóm gà chặt thân chuối về nuôi heo. Thế mà bỗng dưng gia đình Mai biến mất, dĩ nhiên ai cũng biết vậy là đi vượt biên, nhưng ba đứa chúng tôi hụt hẫng và giận Mai không giã từ. Rồi lần lượt ba đứa chúng tôi cũng ra đi mỗi người một nơi và mất hẳn tin tức nhau.

***

Đã 30 năm trôi qua bận rộn chuyện ổn định cuộc sống mới, chuyện gia đình chồng con chả ai nghĩ cách để tìm nhau. Mùa Hè 2010 hai vợ chồng tôi đi Cali, vào viếng thăm tòa soạn báo Người Việt được bác Huy Phương tặng cuốn sách bác viết và cả chồng báo. Thế là từ đấy trong lúc ngồi chờ tôi nấu nướng bữa cơm chiều, các con phải đọc báo cho Mẹ nghe. Những tin chó rượt gà, heo đớp muỗi tôi chỉ nghe cho biết rồi quên ngay nhưng hôm nay con trai tôi la lên:

-Ghê quá Mẹ ơi người ta quảng cáo bán tim người.

Vừa nói Toutou vừa cầm tờ báo đến bên cạnh dí tay vào mục “Tìm người” bên cạnh mục quảng cáo thương mại.

-Mẹ nhìn này, ghê quá.

Tôi phì cười giải thích con quên bỏ dấu huyền nên chữ tìm kiếm trở thành tệ hại như vậy đó. Thằng bé gãi đầu:

-Nhưng sao mục tìm người lại đăng bên cạnh mục quảng cáo mua bán dễ làm người ta hiểu lầm.

-Vậy chứ nếu đặt bên cạnh tin tức cướp giựt giết người thì hay hơn à. Lúc đó con sẽ nói là tìm người tội phạm đúng không? Mẹ phạt con đọc sai lỗi chính tả chiều nay rửa chén.

-Chỉ sai một dấu huyền mà phải rửa nhiêu đây chén hở mẹ?

-Sai là phạt, không cần biết nhiều ít.

-Biết thế con sai nguyên bài cho bõ công rửa chén.

Câu chuyện sai dấu làm tôi mắc cười gặp ai cũng kể, trước là mua vui sau là ngầm khoe khoang con tôi sanh bên Canada nhưng đọc, viết và nói tiếng Việt nhuần nhuyễn. Hê hê dĩ nhiên lâu lâu cũng trật đường rầy chút chút, chỉ riêng lần này hơi nặng đổ nguyên đoàn tàu. Á nhưng nhờ vậy tôi mới nghĩ ra chuyện nhờ báo đăng tìm các bạn.

Sáng hôm sau nhân ngày cuối tuần tôi tóm tắt câu chuyện kể cho Toutou nghe để nhờ viết dùm mẩu tin tìm bạn. Thằng bé chăm chú vừa nghe vừa viết, chả biết viết gì nhìn vào cứ như rổ cá lòng tong. Đến khi tôi tu hết bình nước hai lít thì câu chuyện chấm dứt.

-Con có hiểu hết câu chuyện không?

-Con hiểu, tóm lại tuổi thơ của mẹ là quậy phá xóm làng, viết văn như giã gạo và quan trọng nhất là nhan sắc rất xấu.

Tôi giận thằng con hai ngày cuối tuần không thèm nấu cơm, mấy cha con hâm đồ cũ ăn cầm hơi đến nỗi tủ lạnh trống hẳn và sạch bóng. Tối Thư Tư vừa leo lên giường định trùm mền ngủ sớm cho cả nhà biết ta đây còn giận thì chuông điện thoại reng.

-Alo tôi là Ngọc Mai xin nói chuyện với…

Tự nhiên tôi buột miệng:

-Với con nhà quê phải không? Nó đây.

-Ha ha ha, vậy là tìm đúng người rồi, đọc tin trên báo Mai hồi hộp lắm tưởng là ai chọc mình nhưng cũng xâm mình gọi đại.

-Ủa Mai đọc báo nào, đăng làm sao mà tưởng người ta chọc?

-Báo Người Việt, đăng tìm Ngọc Mai, Xuân Huệ, Kiều My người đã cùng con bé nhà quê nhổ trọc đầu cụ Cố, và nước miếng chảy ướt đẫm hai vạt áo vì nhìn xôi oản cúng Phật Tại Thích Ca Phật Đài.

-Úi giời thằng con tôi bêu xấu mẹ nó trên báo cho toàn thế giới biết. Xin lỗi Mai nha, thằng này phải phạt 1 tháng rửa chén mới biết tội.

-Ồ kiếm chuyện để làm biếng rửa chén, nó viết sự thật mà. Thằng bé tếu quá lần đầu tiên trong đời Mai đọc được mẩu nhắn tin dễ thương như vậy đó.

-Ừ thì sự thật nhưng ai lại đem lên báo bao giờ.

-Thôi dẹp cái vụ rửa chén đi cho dù viết thế nào thì cũng phải cám ơn thằng nhỏ đã viết và báo Người Việt đã đăng miễn phí nên mình mới tìm được nhau.

-Ừ thì cám ơn chứ nhưng cứ ức làm sao í.

-Bà còn nhớ hồi còn nhỏ mình hay nói ức thì ăn gì trừ không?

-Sao mà không nhớ, nhưng sao bao nhiêu năm qua rồi vẫn không bỏ cái lối nói chuyện đâm hơi vậy? Không biết tui kiếm bà làm chi cho thêm tức vậy nè trời! (Đỗ Anh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT