Tuesday, April 30, 2024

Đờn ca tài tử, từ trong nước ra hải ngoại

Ngành Mai/Người Việt

Đờn ca tài tử, môn nhạc nhân gian đã tô điểm cho văn hóa nước nhà suốt nhiều thế hệ, nhưng từ sau năm 1975 bị lu mờ ở trong nước, không thấy một sự khuyến khích giúp đỡ nào đáng kể.

Các cơ quan văn hóa chỉ chú trọng đến cải lương, mỗi tỉnh đều có một, hai đoàn cải lương và chi tiền cho bộ môn nghệ thuật này rất nhiều. Thế nhưng, cải lương không phát triển mà ngày càng suy yếu, hai thập niên sau thì kiệt quệ, tê liệt.

Trong khi đó, đờn ca tài tử dù không được chi tiền giúp sức như cải lương (nếu có thì cũng không đáng kể), nhưng nghệ thuật xuất phát từ miền Nam Kỳ Lục Tỉnh này vẫn âm thầm hoạt động, vẫn sống tiềm tàng trong nhân gian.

Cho đến một ngày nọ cách đây hơn ba năm thì bất ngờ, các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí trong nước đồng loạt loan tin UNESCO công nhận đờn ca tài tử là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là một danh dự chung cho giới đờn ca tài tử, và cho dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai, những cơ quan có trách nhiệm, hay tổ chức nào mà từ lâu nay đã “xem thường” môn nhạc nghệ thuật nhân gian này.

Giờ đây thì đờn ca tài tử mới được cơ quan văn hóa nhà nước chú ý: Các khu du lịch ở miền Tây hầu như nơi nào cũng có đờn ca tài tử, và tại Sài Gòn thì quy tụ các nhóm đờn ca tài tử ở nhiều địa phương về họp mặt ca hát thi đua có giải thưởng (giải Sen Vàng). Đồng thời truyền hình, báo chí cũng hỗ trợ mạnh mẽ.

Còn ở hải ngoại thì sao, chúng ta đã làm gì để xứng đáng với danh hiệu cao trọng mà UNESCO đã dành cho?

Hơn sáu tháng trước, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại đã gặp ban giám đốc nhật báo Người Việt, để trình bày quan điểm của hội về vấn đề này. Theo như hội nhận xét thì có hai điểm chính yếu cần phải có, thì đờn ca tài tử hải ngoại sẽ hoạt động:

1-Ban tổ chức phải có người am hiểu tường tận về đờn ca tài tử, và phải nhiệt tình.

2-Phải có địa điểm sinh hoạt thích hợp, và truyền thông báo chí hỗ trợ.

Điểm thứ nhất chẳng khó gì, bởi vì Hội Cổ Nhạc đã có sẵn hết cả rồi, người trong ban tổ chức đã tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử từ thời thập niên 1950. Và điểm thứ hai thì nhật báo Người Việt đã hỗ trợ bằng cách dành hội trường chiều Thứ Năm cho đờn ca tài tử hoạt động. Cũng như dành cột báo để loan tin, và đó là hai yếu tố đưa đến sự hình thành đờn ca tài tử hải ngoại.

Và kể từ đó, cứ hai tuần thì đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt một lần. Đặc biệt, hiện nay đã tăng lên, mỗi tuần đều có sinh hoạt vào chiều Thứ Năm lúc 7 giờ tối. Hiện tại, Hội Cổ Nhạc đang tiến hành phát giải Phụng Hoàng đờn ca tài tử.

Nếu như sinh hoạt tốt đẹp này được duy trì, thì người ta có quyền tin tưởng rằng đờn ca tài tử hải ngoại sẽ lớn mạnh, vững bước, văn hóa dân tộc được giữ gìn cho các thế hệ sau nối gót theo.

Mà nếu như thời gian sắp tới cơ quan văn hóa quốc tế UNESCO có lưu ý vấn đề đối với người Việt hải ngoại thì chúng ta cũng có ít nhiều thành quả để hãnh diện.


Thông báo họp mặt sinh hoạt đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử sẽ bắt đầu sinh hoạt lúc 7 giờ tối Thứ Năm, 20 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức mời tất cả giai nhân tài tử, nhạc sĩ đến sinh hoạt như thường lệ. Nếu là nhạc sĩ đờn tranh, đờn cò hay bất cứ loại đờn cổ nhạc nào, hoặc đờn thùng xin mang đến để cùng chung vui.

Theo truyền thống xưa nay, khán giả vào xem đờn ca tài tử hoàn toàn miễn phí. Số điện thoại liên lạc ban tổ chức (714) 454-7851.


Mời độc giả xem bình luận “Tình nghĩa thời nay”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT