Dặm trường lưu lạc

Bùi Bích Hà

Vượt thoát ách Cộng Sản bằng nhiều cách và định cư ở nhiều quốc gia ngoài lãnh thổ, khối người tỵ nạn lưu vong vừa hoàn hồn thì đã bắt đầu thao thức, lo âu, về việc làm sao bảo toàn nguồn gốc và bản sắc dân tộc trên hành trình hội nhập hướng về tương lai?

Khá sớm sủa, sau khi việc mưu sinh tạm ổn định ở quê hương mới, các nhà giáo Việt Nam lập tức như chim gọi bầy, bớt chút thời giờ eo hẹp của mỗi người, cùng nhau thành lập hội ái hữu cựu giáo chức để bàn tính công việc tìm kế hoạch duy trì và bảo tồn tiếng Việt, được xem là căn cước của cộng đồng tỵ nạn trên bước đường di tản để không thất lạc nhau.

Trải qua hơn ba thập niên, với con tim đau đáu tình yêu nước, với ý chí kiên cường quyết tạo lập và gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt cho một phần nước Việt ngoài biên cương đất tổ, các nhà giáo lưu vong cũ/mới, già/trẻ từ nơi trú ngụ của mỗi vị ở khắp các địa phương có sự hiện diện của người Việt, tại Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã cùng nhau liên kết trong một nỗ lực chung nhằm bảo tồn và phát huy tiếng Việt.

Công việc trước tác, dịch thuật nở rộ trong lãnh vực biên khảo và văn học, thổi bùng hoạt động in ấn, phát hành sách báo đủ loại.trong suốt những thập niên cuối thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, âm thầm và bền bỉ hơn, phong trào thành lập các trung tâm dạy và học tiếng Việt lan tỏa cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng do các thầy cô giáo chuyên nghiệp và chưa chuyên nghiệp tình nguyện đảm trách, hoạt động cuối tuần tại trường lớp mượn của học khu địa phương hoặc của các cơ sở tôn giáo trong vùng.

Tổ chức có tính cách tự nguyện lúc ban đầu, với thời gian, đã dần dần đi vào hệ thống qua nỗ lực không ngừng của các nhà giáo yêu nước và sự hưởng ứng nồng nhiệt của phụ huynh.

Đầu thập niên 1980, các trung tâm Việt ngữ lần lượt ra đời, sinh hoạt ngày càng quy củ hơn, thực hiện thế đòn bẩy qua nhiều cuộc thi có thưởng hàng năm để, thông qua các bậc cha mẹ, khuyến khích con em yêu và học tiếng mẹ đẻ. Đáng khích lệ hơn cả là những khóa tu nghiệp sư phạm cũng đồng thời được Hội Giáo Chức tổ chức hàng năm tại California, nơi có đông người Việt di tản nhất. Các thầy cô giáo trẻ từ khắp các tiểu bang nước Mỹ, bằng phương tiện riêng, đã nhiệt tình rủ nhau về Cali tham dự, con số có năm lên tới cả trăm người. Họ được các nhà giáo chuyên nghiệp trao truyền kỹ năng sư phạm trong giảng dạy tất cả các bộ môn khoa học và văn sử, bao gồm việc soạn giáo trình, nghệ thuật đứng lớp, khả năng chuyển lửa để hâm nóng một môn học ít nhiều bị nguội lạnh nơi xứ người…

Phải khách quan nhìn nhận đây là một công trình to lớn của tập thể người Việt tỵ nạn trong tình cảnh nước mất nhà tan, dầu sôi lửa bỏng, nhờ công đầu của một số nhân vật nổi bật trong và ngoài hàng ngũ giáo chức cũ và mới mà tôi còn nhớ tên (vô vàn tạ lỗi về mọi sự sai sót do ký ức khiếm khuyết) gồm các nhà giáo Lưu Trung Khảo, Dương Ngọc Sum, Phạm Văn Quảng, Phạm Quốc Bảo, Phạm Quân Hồng, Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Song Thuận, Cao Minh Châu, Phạm Thị Nga, Nghiêm Thị Hiếu, Vũ Ngọc Mai, luật sư và bà Nguyễn Quang Trung…

Tôi đặc biệt ca ngợi cô Chiêu Loan trong vai trò ủy viên liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh trường Trung Học Westminster đầu thập niên 1990, ông Hùng, chủ tịch Hội Phụ Huynh tại đây, bà Lành (phụ huynh nay đã qua đời). Cả ba vị trong thế chân vạc đã huy động mọi khả năng có được trong ba năm để tranh đấu đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy chính thức, có tính điểm, của trường Westminster thời gian đó.

Mặc dầu kế hoạch đạt thành tựu khiêm nhượng lúc bắt đầu vì dự án thiếu giáo viên song ngữ được đào tạo chính thống nên không thu hút được học sinh, cô Chiêu Loan phải rời bỏ nhiệm sở vì áp lực nhưng thành quả cô để lại vẫn tiếp tục và hoàn thiện, mở đường cho các trường lân cận. Đã lâu lắm tôi không gặp lại cô để thăm hỏi, chỉ biết cô về trường La Quinta là cơ sở thứ hai có chương trình dạy tiếng Việt sau Westminster High.

Hồi đó, nhóm tranh đấu của cô Chiêu Loan đã nhìn xa, thấy rộng, phối hợp với Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh trong kế hoạch đào tạo giáo viên song ngữ tại Đại Học Long Beach, tiếc rằng tiến độ của hai chương trình thiếu nhịp nhàng nên gây trở ngại ở khâu giảng dạy. Sau đó, Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh lập gia đình rồi dời cư qua tiểu bang Virginia. Quận Cam mất một thành viên quan trọng trong chiến dịch đem tiếng Việt vào nhà trường Mỹ.

Song song với các dự án quy mô như nói ở trên, thế hệ thứ nhất nhập cư già đi, trở thành ông bà nội/ngoại và cộng đồng có được một lực lượng thầy cô giáo không qua huấn luyện trường lớp song đầy đủ phẩm chất để dạy các cháu tiếng Việt bằng vốn liếng phong phú từ ca dao, đồng dao, thơ, bài hát, truyện cổ tích lấy từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư và trí nhớ của ông bà.

Thế hệ một rưỡi sau thời gian hòa tan vào cái “melting pot” khổng lồ của nước Mỹ, thấy ra họ không thể đánh mất chính mình trong ảo tưởng trở thành một người khác hay hơn, đẹp hơn, đáng sống hơn nên lại hối hả quay về nguồn, tập nói lại cái ngôn ngữ vốn là mối giây duy nhất cột buộc họ với thâm tình máu mủ, với một tổ quốc, dẫu sao, vẫn cho họ niềm tự hào. Hóa ra định luật tự điều chỉnh trong vũ trụ như cái đồng hồ đã lên giây thiều, tự nó sẽ vận động quay hết những vòng quay của nó.

Đã qua rồi sự hốt hoảng ban đầu, lo sợ con em chúng ta sẽ không còn đọc được, nghe được, viết được tiếng Việt nữa và rồi chúng sẽ quên hết nguồn cội và tâm tình của người Việt, nay tới giai đoạn phải trả lời một câu hỏi khác, quan trọng hơn: Con em các thế hệ sau sẽ đọc gì?

Kỹ nghệ tin học phát triển liên lục địa. Kỹ nghệ du lịch mở cửa đến những chân trời xa xôi nhất. Thời đại trao cho con người khả năng tiếp cận, thẩm thấu, thậm chí sở hữu cả thành quả trí tuệ của nhân loại trên khắp địa cầu. Văn chương. Nghệ thuật. Khoa học. Khảo cứu. Cả cái gia tài nhân văn khổng lồ của loài người thu gọn trong mấy cái mặt phẳng điện tử lớn bé trong mỗi ngôi nhà, tha hồ đọc, tha hồ thưởng thức, tha hồ thu hoạch vượt thời gian và không gian. Thế nhưng có một thời khoảng lịch sử của đất nước tôi, dân tộc tôi, vừa bi tráng, vừa đau thương, khiến ít nhất năm triệu người Việt phải liều chết bỏ xứ ra đi mà cho tới nay, sau gần nửa thế kỷ soi bóng bên này mấy đại dương, vẫn chỉ thấy mây che trên đầu và khói sóng phủ mờ đường về. Đó đây có những công trình thu góp những mảnh đời luân lạc dưới hình thức tài liệu lịch sử truyền khẩu, của nhóm VAHF với bà Nancy Bùi, của Thư khố Đông Nam Á Đại Học UCI với nhóm giáo chức trẻ, bà Thúy Võ Đặng, bà Linda Võ… nhưng toàn bộ lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30 Tháng Tư, 1975, được viết trung thực bởi một sử gia chuyên nghiệp người Việt để “giải oan cho cuộc bể dâu” này thì đến nay chưa thấy xuất hiện.

Nhìn chung, trong cuộc sống mang ý nghĩa “sống còn” hiện nay đang bị thời gian xoi mòn, tâm thức lưu vong trong chúng ta mờ nhạt dần để chỉ còn lại hai chữ tha hương với ít nhiều ngậm ngùi cam chịu. Trong chiến dịch tranh cử năm 2018 đang diễn ra quanh đây, một ứng cử viên tranh ghế nghị viên thành phố Westminster đã ghi nhận qua một cuộc phỏng vấn truyền hình, hai điều:

-Chúng ta cần người Mỹ hiểu mình.

-Con em chúng ta không biết gì về cuộc chiến tranh Việt Nam và những nỗi khổ của cha mẹ.

-Có lẽ người Nhật thời hậu chiến tranh có cách biểu lộ khác chúng ta để cả thế giới hiểu họ, không riêng người Mỹ. Họ thể hiện tinh thần yêu nước và cái đẹp trong nỗ lực quyết tâm tái tạo một nước Nhật bị chiến tranh tàn phá, họ thành công đem dân tộc họ đi lên từ tro tàn để được cộng đồng hoàn vũ kính nể. Họ thật lòng. Chúng ta đã làm gì để người Mỹ hiểu? Tôi ao ước người Mỹ đừng hiểu gì cả khi nhìn vào cái cách chúng ta thể hiện cuộc sống của chúng ta trên đất nước họ tuy từ đáy lòng, tôi vẫn có sự vui mừng và biết ơn những cá nhân người Việt đã sáng chói riêng mình, giúp người Mỹ hiểu đúng những gì cần hiểu về dân tộc tôi.

-Nếu phải giải thích sự thật trong câu: “Con em chúng ta không biết gì về cuộc chiến tranh Việt Nam và những nỗi khổ của cha mẹ,” phụ huynh trong mỗi gia đình Việt Nam sẽ có suy nghĩ nào và sẽ nói gì? Chúng ta quá bận rộn về sinh kế nên không có thời giờ trò chuyện với con? Thay vì nói về nguyên nhân cuộc trốn chạy, lý tưởng chúng ta mang theo khi tới đây, là bài học lịch sử vỡ lòng và sống động để khơi gợi cho con tình yêu nguồn cội và lòng tự hào dân tộc, chúng ta kể lể quá nhiều về những hy sinh và sự lam lũ của cha mẹ như một ơn huệ các con phải ghi lòng tạc dạ, khiến chúng không muốn nghe? Hay là chúng ta sẵn ghét hơn thương nên mải cấu xé nhau, hận thù và muốn loại trừ nhau vì tư kiến bất đồng, quyền lợi cá nhân mâu thuẫn, chẳng khác gì tự chặt bỏ tay chân mình, đả phá nhiều hơn xây dựng? Hỏi tức là trả lời.

Cũng trong cùng cuộc phỏng vấn, một nhà giáo dục phát biểu: “Dự luật này (SB 895) sẽ tạo cơ hội để viết lại lịch sử?” Giả dụ mọi việc trên đời đều do nhân duyên mà thành thì nhân duyên trong trường hợp này là gì? Một ngân khoản để bắt đầu? Một tiếng cồng chiêng để khua động hoàng hôn? Một tâm thái chuyển dịch, thôi chờ mong phương nọ, ngóng phương này?

Động lực chính cao nhất sẽ không là gì khác hơn tấm lòng yêu nước luôn sôi sục ở các sử gia còn nhiều tâm huyết để tự mình ngồi thẳng lưng, bấm một ô đầu tiên trên bàn phím, từ đấy sẽ mở ra con đường đưa tới hình thành một cuốn Sử Việt Nam trung thực, viết bởi những tấm lòng Việt Nam yêu nước chân chính.

Và, con em chúng ta nhiều thế hệ sau sẽ đọc, sẽ hiểu những điều bây giờ chúng chưa hiểu. Đấy chẳng phải là mục tiêu nhắm tới của mọi nỗ lực bảo tồn tiếng Việt như một phần câu nói của học giả Phạm Quỳnh: “Tiếng Việt còn, nước Việt còn,” hay sao? (Bùi Bích Hà)

Mỹ lại cáo buộc hacker Bắc Hàn tấn công mạng