Tuesday, April 30, 2024

Thời gian qua mau

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy?”

Mới đây, tôi đi ăn trưa ở một nhà hàng nọ, thấy bảng đề: “Bớt 20% cho người cao niên”. Tôi bèn hỏi thử: “Cao niên là bao nhiêu tuổi?” Câu trả lời khiến tôi không biết vui hay buồn. Nên vui vì mình được bớt 20% hay buồn chút chút vì: “Úi trời đất ơi!”

Không ít khi, nhìn lại cuộc đời, thời gian vùn vụt trôi đi, trôi thật nhanh đến độ “mười ngón tay không kịp đếm tuổi mình.” Khi ta còn trẻ thời gian dường như vô tận với những mùa hè dài ơi là dài. Nhưng đến tuổi thành niên, thời gian trôi đi một cách kinh hoàng. Hết lễ này đến lễ nọ, hết sanh nhật này đến kỷ niệm ngày cưới kia. Hết năm rồi tháng, hết ngày lại đêm. Năm hết, Tết đến, cứ thế mà xoay.

Có thể nói, thời gian vẫn là thời gian với những đơn vị phút giây không khác biệt. Có khác biệt hay không là những cảm nhận của chúng ta, có khi nhanh ở vài thời điểm và có khi chậm ở những giai đoạn khác.

Có nhiều giả thuyết giải thích tại sao sự cảm nhận về thời gian thay đổi khi chúng ta ngày càng lớn tuổi. Dĩ nhiên, ở đây tôi sẽ không đề cập đến lý thuyết đàn hồi về không gian và thời gian của Einstein.

Lý thuyết thứ nhất cho rằng, thời gian đàn hồi theo sự trải nghiệm trong cuộc đời. Ví dụ, một giờ ở tuổi lên 5 dường như dài hơn là một giờ ở tuổi 55. Khi 5 tuổi, một năm “dài” đến 20% cuộc đời, nhưng ở tuổi 55, một năm chỉ là một khoảnh khắc so với những trải nghiệm đã xảy ra suốt 55 năm trước. Nói tóm gọn, chúng ta cảm nhận thời gian một cách tương đối so với những trải nghiệm đã xảy ra trong cuộc đời.

Từ khóa ở đây là các chữ “cảm nhận” và “trải nghiệm”. Càng nhiều sự kiện mới, cảm nhận mới, suy tư mới thì thời gian càng dài ra. Khi ta còn trẻ, có rất nhiều trải nghiệm xảy ra lần đầu tiên trong cuộc đời. Ví dụ như, ngày đầu đi học, lần đầu được hôn môi, mua nhà lần đầu, có con đầu lòng… Những trải nghiệm nầy sẽ tạo nên những háo hức rồi trở thành những ấn tượng trong ký ức. Một khi có sự kiện để nhớ, tạo thành những cột mốc thời gian thì chính thời gian sẽ dài hơn. Ngược lại, càng sống lâu, nhiều sự kiện xảy ra có tính cách lập đi lập lại, “một ngày như mọi ngày”, thời gian cứ tiếp nối qua mau, để rồi, năm tháng dường như sụp đổ tận cùng vào một hố chôn sâu thẳm.

(Hình minh họa: Ed Jones/AFP/Getty Images)

Một lý thuyết khác cho rằng, stress, áp lực trong cuộc sống sẽ tác động lên sự đàn hồi của thời gian. Nói dễ hiểu, khi chúng ta bận rộn, có nhiều chuyện phải làm thì thời gian sẽ đi qua rất nhanh.

Tuy nhiên, khi ngồi không, và không có chuyện gì để nhớ, để quên thì thời gian cũng bay đi ào ào như cơn lốc. Chỉ khi nào chúng ta biết trải nghiệm tận hưởng những giây phút quý báu ấy thì thời gian, may ra sẽ chậm lại.

Một số phương cách để làm cho thời gian chậm lại:

1. Sống trong hiện tại

Sống trong hiện tại có nghĩa là sống với cảm nhận của tất cả giác quan để trải nghiệm sự kiện thay vì phán xét một sự kiện đúng hay sai, hay hay dở. Hãy sống và nhìn đời qua lăng kính của trẻ thơ.

Ví dụ, khi tắm buổi sáng thì tránh lo nghĩ những chuyện phải phải làm trong ngày, mà chỉ nên đơn giản chú tâm vào giây phút đang có: những cảm giác mát mẻ, sạch sẽ, sảng khoái đến từ những giọt nước đang đùa giỡn trên da thịt.

Hoặc, cuối ngày, nên để chút thì giờ đi bộ, thay vì phải suy nghĩ chuyện đã xảy ra trong công việc, nên để ý nhìn trời nhìn đất, nhìn hoa lá, cây cỏ, thiên nhiên.

Và, khi ăn tối thì tránh xem ti vi, nên tận hưởng thức ăn, mùi vị của thức ăn trên đầu lưỡi.

2. Tạo ra cảm nhận và chia sẻ trải nghiệm

Đi du lịch, tham quan những nơi chưa hề đến, nhất là đi chơi với người thân yêu, bạn bè. Nên để dành thì giờ cho người thân, hay giao tiếp với bạn bè.

Ví dụ, khi khám bệnh nhân, thay vì chỉ hỏi về triệu chứng bệnh, tôi thường dành chút thì giờ, để hỏi thăm về những trải nghiệm mà họ đã từng trải qua, gọi nôm na là “tán dóc”.

Bằng cách thu thập những kinh nghiệm của người đối thoại sẽ tạo ra những trải nghiệm với cho chính mình. Hãy thử mời một vài người bạn đi ăn trưa, hay ăn tối với mình, để “tán dóc”, để trải nghiệm với nhau, trước khi thời gian qua mau, và mình sẽ không còn dịp để gặp lại.

3. Để dành thì giờ để hồi tưởng

Hồi tưởng đây không có nghĩa là sống trong qua khứ mà để cảm nhận lại những sự kiện, trải nghiệm thú vị đã xảy ra trong ngày, trong tuần. Nếu cần thì ghi xuống những ân cần đã xảy ra. Thí dụ, ngày hôm nay được đi ăn trưa với một người bạn thân học chung tư tiểu học, v.v…

“Thời gian tựa cánh chim bay
Qua dần những tháng cùng ngày”

Nhạc sĩ Cung Tiến viết bài hát “Hoài Cảm” khi ông còn là học sinh trung học, tuổi 14 hay 15 thì phải. Theo một bài phỏng vấn của cô Ngọc Lan, báo Người Việt, thì Cung Tiến chỉ tưởng tượng ra cảm nhận có vẻ người lớn về thời gian. Một sự tưởng tượng chịu ảnh hưởng từ thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam. Không biết bây giờ, Cung Tiến cảm nhận thế nào về thời gian ở tuổi của ông bây giờ? (BS. Hồ Ngọc Minh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT