Saturday, April 27, 2024

Chợ vui ngày Tết

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Hoàng Ngọc Thanh

Cánh hoa tươi thắm trên cành nhánh xù xì, dẫn lối cho mùa Tết rộn rã tràn về. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Trong cái lạnh se sắt buổi sớm mai, lòng ta bỗng xuyến xao khi bắt gặp dăm đóa hoa cựa mình khoe sắc. Cánh hoa tươi thắm trên cành nhánh xù xì, dẫn lối cho mùa Tết rộn rã tràn về.

Tết không hình không dạng, nhưng không khí Tết lại có mặt khắp đất cùng trời. Tết chạm vào từng nhành cây ngọn cỏ. Tết nhuốm lên màu của nắng, của gió gợi muôn vàng yêu thương. Tết rộn ràng từ làng quê đến phố thị, để không ai có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước hơi thở nồng nàn của Tết.

Tết hiện diện từ rất sớm nơi xóm chợ. Khi Chạp vừa ngập ngừng chạm ngõ, các hàng quán đã thay đổi diện mạo bằng một màu son lộng lẫy. Nào câu đối đỏ, nào đèn lồng xanh đỏ tím vàng, nào tranh Tết tươi vui, nào hình dán đôi tiên đồng ngọc nữ, nào bao lì xì lớn bé đủ màu, nào sợi dây may mắn đung đưa, sợi chỉ đỏ kết mấy đồng tiền óng ánh kèm những chữ cầu tài lộc, bình an trong năm mới… muôn hình muôn vẻ đủ sắc đủ màu khiến ta thấy Tết thật gần.

Hăm chín gói bánh tét. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Một điều thú vị là bắt đầu từ Tháng Chạp thì không hẹn mà mọi người cùng chuyển qua dùng lịch âm và bắt đầu đếm ngược từng ngày cho đến giao thừa, với biết bao công chuyện mỗi ngày. Mười lăm nhớ lặt lá cho mai nở đúng Mồng Một, hăm hai lau dọn bàn thờ chuẩn bị đưa ông Táo, hăm tám mua hoa trái đơm cúng bàn thờ, hăm chín gói bánh tét, ba mươi nấu mâm cơm đón giao thừa. Trong khi Tết Dương Lịch có màn đếm ngược thời gian tiễn biệt giây phút cuối cùng của năm cũ để đón chào năm mới thì Tết âm lịch được đếm ngược cả tháng trời, niềm hân hoan cũng kéo dài cả tháng dài ròng rã.

Ta nôn nao hương Tết khi ghé ngang một khu chợ nào đó. Mùi hành tỏi củ kiệu dưa muối ngang nhiên xộc vào mũi vào mắt làm ta thảng thốt nhớ mùi của Tết. Bây giờ, thời buổi mà món gì cũng có, mọi lúc mọi nơi, khiến ta không còn thèm thuồng trông đợi Tết để được ăn miếng dưa hấu ngọt lành, cắn mớ hạt dưa lách tách, hít hà mùi thịt kho tàu, chảy nước miếng nhìn miếng thịt ba rọi béo ngậy trong nồi măng hầm của má. Thì củ kiệu là món hiếm hoi chỉ xuất hiện vào mùa Xuân, gợi cho ta nỗi hoài Tết ở quê nhà.

Thật lạ, Tết ở quê thiếu nhiều thứ so với thị thành lại khiến ta thấy ấm áp tròn đầy hương vị ngày Xuân. Phải chăng vì đó là nơi ta chôn nhau cắt rốn, là nơi giữ dùm ta khoảng trời thơ ấu, là nơi có dáng hình của má ngóng đợi ta mỗi độ Tết về.

Cứ đầu Tháng Chạp má tôi sẽ đi chợ mua củ kiệu. Má kỹ tính trong từng cách ăn nếp ở, kiệu phải chọn đúng kiệu Huế, củ nhỏ mà chắc thơm má mới hài lòng, thành ra có mớ củ kiệu, có khi má tới lui mấy ngày mới lựa được. Trong Tháng Chạp, hầu như ngày nào má cũng đi chợ, khi thì mua búi hành dúm tỏi, khi mua bình bông mới thay cho cái bình sứt mẻ má tiếc xài cả năm, nay Tết đến mới chịu chia lìa, có khi chỉ đi chợ ngó ngó nghiêng nghiêng, coi có gì mua không.

Tết không hình không dạng, nhưng không khí Tết lại có mặt khắp đất cùng trời. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Hồi tôi còn bé cứ mong đến ngày đưa ông Táo về trời, vì từ ngày này Tết sẽ đường hoàng bước chân vào từng ngóc ngách trong nhà ngoài xóm, thổi bừng lên không khí rộn rã ngày Xuân. Những khu chợ thường ngày chỉ bán một buổi, sáng hoặc chiều thì từ ngày hăm ba bán cả ngày thậm chí cả đêm. Những khu đất trống được dùng làm gian hàng chứa bao nhiêu là món ngon của người nông dân chắc chiu để dành cho Tết. Trái mãng cầu xiêm no tròn, quầy dừa vừa cứng cạy, buồng chuối xiêm vàng óng, cùng bao nhiêu là thứ để đem sên lên với đường làm mứt, cho một mùa Tết ngọt lịm đầu môi, no đầy con mắt những đứa trẻ thơ, trong đó có tôi của những năm nao xa lắc.

Niềm vui to lớn của đứa trẻ – là tôi của ngày xưa là được theo má đi chợ trong những ngày này. Đôi mắt trẻ thơ đến mỏi vì mãi nhìn ngang ngó dọc ngắm mớ dưa hấu căng mọng đen bóng chất thành đống, chưa kịp dừng lại thì đã bị mấy chậu hoa vẫy gọi. Chợ quê chỉ có mào gà, vạn thọ, đại đóa, mâm xôi, sau này có thêm vài chậu mai được chăm chút kỹ lưỡng, ken đặc những nụ hoa bé xinh, đợi ngày đầu năm bung mình tỏa hương khoe sắc, vậy mà quyến rũ tôi nhìn đến quên thôi.

Tôi còn thòm thèm trước gian hàng đồ chơi hấp dẫn, những món đồ chơi chỉ cần bấm nút là biết hát biết cười, là niềm mơ ước của tôi lúc bấy giờ, nhà thiếu thốn chỉ có thể ngắm cho vơi niềm khao khát. Má nói, tiền để dành mua sắm Tết, không dư dả cho mấy món xa xỉ đó. Bù lại, má mua cho tôi cây mứt chùm ruột ngào đường đỏ thẫm, ngậm vào nghe niềm vui chảy tràn trong lồng ngực.

Người trong xóm thứ gì bán được là đem ra chợ bán, (Hinh: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Đi chợ Tết thể nào má cũng mua cho hai anh em tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới để mặc ba ngày Tết. Đồ lúc nào cũng trừ hao, rộng thùng thình, dài phủ phượt đặng mặc được đến năm sau rồi năm sau nữa, thành ra cứ như mặc khính. Vậy mà anh em tôi sung sướng ôm bộ đồ ngắm mãi, mong sớm đến ngày đầu năm xúng xính diện vào để nhận bao lì xì.

Càng gần đến ba mươi chợ càng nhộn nhịp, hàng thịt hàng gạo hàng bông hàng trái. Người trong xóm thứ gì bán được là đem ra chợ bán, mong kiếm chút tiền mua những thứ khác cho lũ trẻ ở nhà. Người mua kẻ bán quen biết lẫn nhau, rôm rả chào hỏi, mua bán vài món thăm hỏi vài câu, vui vẻ chúc nhau năm mới tốt lành. Không khí rộn ràng không chỉ bán mua mà còn trao cho nhau niềm mong ước một mùa Xuân tươi vui hạnh phúc.

Giờ đây xa nhà, cứ cúng ông Táo xong lòng tôi lại nôn nao, đôi chân ngấp nghé muốn mau mau trở về quê để dạo qua chợ Tết, để hòa mình vào bầu không khí mua bán thâm tình, để thấy ấm lòng với lời han hỏi của những gương mặt thân quen, để cảm nhận một cái Tết vui tươi rộn ràng trong những phiên chợ…

Hoàng Ngọc Thanh

 

MỚI CẬP NHẬT