Friday, April 19, 2024

Có thể đây là một chuyện đùa của mùa Xuân

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Độc giả viết’ nhằm mời gọi quý độc giả ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, biết đâu, đây là cơ hội cho chúng ta, những độc giả, trở thành tác giả. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi cho Người Việt qua email: [email protected].(Bài trong mục này không có nhuận bút)

***

Con ma này chuyên môn dụ dỗ trai tơ.(Photo by Cindy Ord/Getty Images)

Nguyễn Đình Liên

 

Chuyện thứ nhất: Cô gái trong đêm giao thừa 

Chiều 30 Tết, Thượng Sĩ Xuân, Thường vụ phòng Truyền Tin đề nghị với Tân khi nghe tin Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 xả trại 25% trong 3 ngày Tết. Đây là cái Tết đầu tiên ở miền địa đầu giới tuyến này mang một chút hơi hướm hòa bình sau ngày bản hiệp định Paris vừa được ký kết.

-Trung Úy thông cảm, ngày Mồng Một Tết phải đưa mẹ nó với mấy đứa nhỏ về bên bà già vợ, bởi vậy, nhờ Trung Úy trực giùm tôi ngày Mồng Một Tết, đổi lại, đêm nay, Giao Thừa, tôi sẽ trực cho Trung Úy.

-Được rồi, như vậy sáng mồng một Tết tôi sẽ vào thay ông và cho ông nghỉ luôn đến 6 giờ sáng ngày Mồng Hai OK? Riêng tôi chỉ lo là không biết đi chơi đâu trong đêm Giao Thừa này.

-Trung Úy độc thân lo gì không có chỗ vui chơi? Lo là lo cái đám có gia đình như tụi tui, khổ nhất là 3 ngày Tết, nhiều khi bù đầu bù óc có biết Tết nhất con mẹ gì đâu?

Đúng rồi, độc thân như Tân thì lo gì? chỉ có hơi buồn trong 3 ngày Tết, người ta chở vợ con đi chơi, trong lúc chàng thì nằm chèo queo một mình, chẳng ai ngó ngàng gì đến. Tân nhìn đồng hồ, vừa thu dọn đống hồ sơ trên bàn làm việc vừa hỏi ông Thượng Sĩ già.

-Đêm nay ông trực một mình không sợ con ma Cây Bạch Đàn nó rủ ông đi chơi sao?

-Sợ là sợ cho ông đêm mai thôi, con ma này chuyên môn dụ dỗ trai tơ, chứ tui già rồi, vợ con đùm đề, nó đâu có thèm.

Chuyện về con ma cây Bạch Đàn vừa xảy ra là một chuyện có thật. Cách đây 2 tuần, binh nhất Phúc, mới 20 tuổi, độc thân chưa vợ thuộc đại đội Khai Thác Hành Quân tiểu đoàn 1 Truyền Tin, vừa xuống phiên gác xong, khoảng 11 giờ đêm là biến mất luôn. Đến mờ sáng hôm sau thì có người phát giác hắn đang ngồi trên ngọn cây bạch đàn, sát hàng rào doanh trại, gần dãy nhà xí của đơn vị. Không biết bằng cách nào mà hắn leo lên đó được và ngồi ngủ một cách an toàn giữa nhánh cây 3 chạc, suốt đêm trong mưa phùn lạnh buốt của Tháng Chạp. Cả doanh trại báo động và người ta phải vất vả lắm mới mang hắn xuống được. Xuống đến đất Phúc vẫn còn mê man, đặc biệt, trong miệng hắn người ta thấy toàn là giấy vệ sinh và giẻ rách. Trước khi xe cứu thương của tiểu đoàn Quân Y kịp đến, thì có người lính nào đó dùng nước tiểu vả vào mặt thì hắn mới ú ớ tỉnh dậy. Sau này, khi thật sự tỉnh táo, Phúc kể lại là trong đêm đó, khi rời vọng gác về phòng ngủ, thì có một người con gái rất đẹp không biết ở đâu đến, rủ hắn đi lên Huế chơi. Hai người đi ăn uống, thức ăn toàn là những thứ sơn hào hải vị ngon lành (trong miệng hắn bị nhét đầy giấy vệ sinh.) Xong xuôi hai người mới thuê một phòng trên lầu 3 khách sạn Hương Giang ngủ qua đêm (trên ngọn cây bạch đàn.)

Chuyện con ma cây bạch đàn ở Tiểu Đoàn 1 Truyền Tin gây xôn xao trong toàn đơn vị và kích thích trong trí tưởng tượng ở đám lính trẻ, thêu dệt thêm nhiều chuyện ghê gớm khiến nhiều anh độc thân ban đêm ngủ trong phòng một mình cũng không khỏi ớn lạnh.

Tân không tin có ma, mặc dầu chuyện anh binh nhất Phúc bị một em ma cho leo lên cây bạch đàn là chuyện thật xảy ra trước mắt chàng và không thể giải thích được. Lý do khiến chàng không tin, đơn giản là chàng chưa bao giờ gặp ma, hay nói chính xác là chàng chưa bao giờ là nạn nhân của bất cứ con ma nào.

Nhà bà chị Tân ở đường Hàng Bè, phía gần cầu Gia Hội, trông ra con sông đào Đông Ba. Nhà là một cửa tiệm chuyên bán các mặt hàng chài lưới đánh cá cho các ngư dân, và đủ loại đồ tạp nhạp như phần lớn những cửa tiệm khác cùng một dãy phố, nằm san sát kéo dài đến tận cây cầu sắt ở ngã 3 bến Tượng. Bà chị Tân là người thân độc nhất còn lại của chàng trong cái thành phố nhỏ bé này. Toàn bộ gia đình Tân đã đi vào Nam sinh sống từ khi chàng còn là một chú nhóc học Tiểu Học. Và đây là lần đầu tiên, chàng trở lại thành phố quê hương này sau khi vào quân ngũ và được thuyên chuyển về phục vụ trong đơn vị ngoài này. Ngoài bà chị suốt ngày lu bu việc buôn bán và ông anh rể là một nhà thầu khoán có tiếng tăm cũng ít khi ở nhà. Thật sự, chàng không còn một ai quen thân trong cái thành phố này, kể cả bạn bè. Tuổi thơ của chàng chỉ còn sót lại vài hình ảnh mù mờ trong quá khứ. Con đường Huỳnh Thúc Kháng, con đường Đào Duy Từ, cây cầu đen và ngôi trường chật hẹp với ông thầy Hiệu Trưởng mà bất cứ một đứa học trò nào từ lớp năm đến lớp nhất cũng phải sợ đến suốt đời, đó là ông Đốc Phất. Và đó là những gì mà chàng còn nhớ được, nhưng bây giờ khi chàng trở lại thì mọi thứ bỗng nhiên trở thành lạ lẫm, những đứa bạn cùng lứa học một trường ngày xưa, hình như cũng chẳng còn mấy ai, đứa vào lính đổi đi xa, trong số có đứa nghe nói đã chết. Những thằng còn ở lại, bây giờ cũng như chàng, đã lớn lên và già đi, không còn nhận ra. Chỉ có quang cảnh là không mấy thay đổi.

Chiều 30 Tết, từ đơn vị trở về nhà bà chị (chàng có một căn phòng dành riêng cho chàng ở đây.) Ngày cuối năm thành phố thưa thớt người qua lại, hầu hết các cửa tiệm đều đã đóng cửa, chỉ có vài tiếng pháo nổ lẹt đẹt vang vọng đâu đó và trên đường phố thỉnh thoảng còn vài chiếc xích lô đạp, vài chiếc Honda ôm lang thang kiếm mối chót cuối năm.

Ông anh rể nói với chàng:

– Chốc nữa, cả nhà sẽ qua bên nội mấy đứa nhỏ đón Giao Thừa. Cậu Tân có đi chơi đâu đêm nay không?

Chàng lưỡng lự một chút rồi trả lời.

-Cũng không biết nữa, ở nhà một mình thì buồn chết, chắc là phải kiếm một nơi nào đó.

-Vậy thì tôi có một cái thiệp mời ở tòa Đại Biểu Chính Phủ tối nay, cậu thích thì lấy mà đi, ở đó ông Tướng mở tiếp tân có dạ vũ đón Giao Thừa, vui lắm.

Chàng không biết có nên đi đến đó hay không, nhưng chàng vẫn cầm lấy cái thiệp mời.

Đêm se lạnh, mưa bụi lất phất, Tân mượn chiếc honda của chị chàng chạy lòng vòng trên mấy đường phố chính vắng vẻ và lạnh lẽo trong đêm Giao Thừa. Thèm một ly cà phê đen, chàng định ghé vào mấy tiệm cà phê ở trước chợ Đông Ba, nhưng ở đây tất cả đều đóng cửa, chàng sực nhớ là trong cái đêm thiêng liêng này, mọi người đều bận bịu chuẩn bị cúng giao thừa, hay ngồi quanh nồi bánh chưng, ấm cúng trong không khí sum họp gia đình đêm cuối năm, không có một quán xá hay một tiệm buôn bán nào mở cửa, và cũng không ai chạy rong như chàng hết. Cuối cùng Tân chạy xe qua cầu Tràng Tiền và lên Tòa Đại Biểu ở gần ga xe lửa, đầu đường Lê Lợi. Trong sân chàng nhìn thấy có rất nhiều xe jeep quân đội và xe du lịch đậu chật kín. Viên quân cảnh gác ở cổng nói với chàng: “Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn mở tiếp tân dạ vũ đón giao thừa, có mấy cô ca sĩ ở Sài Gòn ra hát giúp vui. Toàn là mấy xếp lớn không à.” Tân cảm thấy không có hứng thú gì khi bước vào chỗ sang trọng trong đó. Chỗ đó không phải là chỗ dành cho cái loại sĩ quan hạng bét và nhà quê như chàng. Tân quày xe lại định trở về nhà thì bỗng nghe viên quân cảnh nói: “Có mấy cái quán gần cầu ga nghe nói mở đến nửa đêm đón giao thừa, chắc cũng vui lắm. Trung Úy không thích vào đây thì đến đó mà chơi.”

Cái quán lẹp xẹp nằm đối diện với cư xá Giáo Sư Đại Học Huế, thường ngày rất vắng khách, nhưng đêm nay lại đông nghịt người, hầu hết là thanh niên nam nữ choai choai. Trong quán đèn xanh đèn đỏ mờ mờ, bàn ghế xếp thành hình vòng cung chỉ chừa ở giữa một khoảng trống làm sàn nhảy, không rộng lắm nhưng cũng vừa cho một chục cặp. Phía trên có một cái bục nhỏ làm sân khấu, trên đó, có một ban nhạc gồm 4 anh thanh niên đầu bù tóc rối đang loay hoay lên dây thử đờn. Chàng lách người giữa đám đông và cố gắng kiếm một chỗ ngồi, nhưng thất vọng, cuối cùng chàng vớ một cái ghế nhỏ xách theo đi lần về phía cuối góc, khuất sau một chậu hoa lớn và nhận ra ở đây còn một cái bàn chỉ có một người đang ngồi. Giữa ánh sáng mờ mờ, chàng ngạc nhiên khi thấy người ngồi một mình đó là một cô gái. Tân hơi bối rối, không lý cô gái đó đi một mình sao? Chàng cúi xuống lắp bắp, hỏi: “Xin lỗi, chỗ này còn có ai nữa không?” Chàng nghe cô gái trả lời: “Không có ai cả, anh cứ tự nhiên.” Tân ngồi xuống bên cạnh cô gái và cảm thấy không được tự nhiên cho lắm. Chàng mất bình tĩnh vì gặp phải một trường hợp hơi hiếm có. Trong đám trai trẻ ở đây, hầu hết đều có đôi có cặp, mà không thì ít ra cũng là vài ba cô đi với nhau, không ai đi một mình hết, dĩ nhiên ngoại trừ chàng ra. Chàng không tin trong cái thành phố cổ kính này lại có một cô gái bạo dạn như vậy. Tân vẫy tay ra hiệu cho một anh chạy bàn đến gần và quay qua, cố làm vẻ tự nhiên, hỏi cô gái: “Xin lỗi, cô kêu gì chưa?” Trước khi nghe cô gái trả lời chàng kịp nhận ra đôi mắt sáng long lanh của nàng đang nhìn chàng một cách thích thú: “Anh cứ tự nhiên” Lần này thì chàng… tự nhiên thật, Tân kêu một ly cà phê đá cho mình và một chai nước ngọt cho cô gái, và gợi chuyện làm quen

-Cô đi một mình sao?

-Thế còn anh?

Cả hai cùng cười, chàng nhìn nàng và cảm thấy hết sức xúc động vì cuộc gặp gỡ hết sức bất ngờ và thật là tuyệt vời này. Chàng cũng cảm thấy lạ lùng bởi cái dáng dấp kín đáo và vẻ dịu dàng của nàng có vẻ như không phù hợp trong cái khung cảnh màu mè và náo nhiệt ở đây. Chiếc áo dài màu xanh nhạt, bên ngoài là cái áo len mỏng manh màu đậm với mái tóc dài xõa ngang vai của nàng, chỉ thiếu đôi kính cận dày cộm nữa là đủ để nàng xứng đáng được đặt ngồi trong một thư viện, bên chồng sách vở chứ không phải là cái chỗ đầy hơi rượu và sặc sụa khói thuốc như ở đây. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt đen láy thấp thoáng những nét tinh nghịch kia, thì chàng nghĩ rằng mình thật vô lý khi so sánh như vậy. Thật ra những cô tiểu thư ở Huế trong thập niên 70 khác hẳn với những cô gái vào những thời thập niên 50-60. Trong bối cảnh một nền giáo dục cởi mở và một xã hội đang dần dần bị ảnh hưởng bởi nếp sống phương tây, những cô gái bây giờ bạo dạn và phóng khoáng hơn nhiều. Tân tự giới thiệu:

-Tôi tên là Tân, xin lỗi nếu tôi không lầm, thì cô đang… chờ ai?

Nàng nhìn chàng, cười và nói, lấp lửng

-Cứ gọi em là Thúy đi, đúng ra thì em không phải đi một mình, em đi với ông chú, ông đi dự tiệc bên tòa Đại Biểu, nhưng em không thích qua bên đó, ở đây vui hơn, em định ngồi một chốc thì về.

-Tôi cũng vậy, tôi cũng có một cái thiệp mời, nhưng cuối cùng thì đổi ý.

-Sao vậy? Anh là sĩ quan mà?

-Nhưng là sĩ quan hạng bét, ông thầy tướng số nói mạng tôi không hạp với mấy ông Tướng ông Tá…

Tân làm một hớp cà phê và cảm thấy chưa bao giờ mình được uống một ly cà phê ngon như vậy. Thúy ăn nói có duyên, pha chút dí dỏm. Nàng nói nàng đang học Đại Học Văn Khoa, nhà ở Vĩ Dạ. Nàng hỏi:

-Anh là người Huế?

-Răng cô hỏi vậy? bộ giọng nói của tôi không phải là giọng Huế răng?

-Cũng đúng, mà… không đúng lắm, giọng con trai Huế hơi bẹ bẹ chút, không phải như anh mô, hơn nữa, ngó anh răng mà thấy… ngơ ngơ!

Chàng kể cho nàng nghe tâm sự của mình, đứa con lưu lạc nay vừa trở lại Huế, không bạn bè cô đơn lạc lõng trên chính quê hương của mình, chàng thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm phần bi đát:

-Cô thử tưởng tượng trong đêm giao thừa mà thiếu một mái ấm gia đình thì hỏi có cái gì buồn hơn? Cũng may mà gặp… cô.

Nàng nhìn chàng, có vẻ cảm động, rồi nói:

-Em cũng vậy, không thấy em đi một mình sao? Chỗ của em ở cũng buồn lắm.

-Bộ cô cũng ở một mình sao?

Nàng cười, buồn.

-Đâu cứ phải ở một mình mới là buồn?

Tân cảm thấy người con gái ngồi bên cạnh chàng có một tâm sự thật buồn. Chàng không hiểu tâm sự đó là gì, nhưng chàng không dám hỏi.

Đến gần giờ Giao Thừa, Thúy nhìn đồng hồ rồi đứng dậy.

-Thôi cho em về, em không thể ở lâu được.

-Không chờ đến đón Giao Thừa luôn?

-Đón Giao thừa thì ở mô mà đón không không được? Hay là cho em quá giang về? mình đón giao thừa giữa đường, giữa trời đất, thuận khí âm dương, tốt lắm đó. Phải không anh?

Nàng vừa nói vừa cười, Tân cũng cười theo và dìu nàng lách qua đám đông trên sàn nhảy để bước ra cửa.

Ngoài trời, đêm rắc những hạt mưa bụi và gió heo may lạnh. Tân cởi chiếc áo Jacket của chàng khoát lên người nàng. Thúy hỏi:

-Anh không lạnh sao?

– Đi bên em là anh thấy… ấm rồi.

Tân chở nàng qua Đập Đá chạy về hướng Vĩ Dạ, con đường trôi êm dưới những hạt mưa lất phất, và giữa ánh đèn đường vàng lãng đãng một màn sương khói huyền ảo. Con đường cũng đưa chàng vào một nổi ngây ngất của một niềm hạnh phúc đột ngột.

Thúy bảo Tân dừng lại trước một cánh cổng sắt, chàng nhìn vào, thấy ngôi nhà chìm lẫn trong bóng tối giữa khu vườn mênh mông. Chàng hỏi:

-Nhà em ở đây à?

Nàng cười, mắt long lanh.

-Dạ… Thôi, cho em vào, cám ơn anh nhiều.

Đợi nàng khuất sau cánh cổng Tân mới cho xe quày trở lại.

Lúc chạy qua Đập Đá thì chàng mới sực nhớ là đã quên lấy lại cái áo Jacket.

Sáng mồng hai Tết, 6 giờ sáng, sau khi bàn giao ca trực với thượng sĩ Xuân xong, từ đơn vị Tân chạy xe về thẳng Đập Đá và ghé vào một quán cà phê bên chợ. Vừa nhâm nhi tách cà phê nóng, chàng vừa ngắm nhìn quang cảnh trước đường và thấp thỏm chờ đến 8 giờ. Sáng Mồng Hai Tết, trời nắng ấm, người đi đường qua lại đông đúc, bên vỉa hè loang lổ đầy xác pháo đỏ rực trông vui mắt. Nhưng chàng không để ý đến điều đó, ngày Tết, đối với chàng, hình như không còn ý nghĩa gì nữa. Giờ đây trong trái tim của chàng chỉ có một niềm vui lớn nhất: Hôm nay chàng sẽ đi… đòi lại cái áo Jacket. Không phải, nói cho đúng, đó là cái cớ để chàng đến tìm gặp Thúy. Trong đầu chàng vẽ lên một hình ảnh hết sức đẹp đẽ khi chàng bước vào trong ngôi nhà cổ kính nằm trong khu vườn rộng đó để xin gặp Thúy. Chàng sẽ đứng trước mặt ông bà thân sinh của Thúy và trịnh trọng xin phép được đưa nàng đi dạo chơi. Chàng tưởng tượng ông bố Thúy là một ông già tóc bạc phơ, cao lớn phương phi, mặc chiếc áo gấm màu xanh đang ngồi uống nước trà trên bộ bàn ghế khảm xà cừ, ngồi bên cạnh là mẹ nàng, một người đàn bà thật quý phái và hiền hậu đang ngồi… nhai trầu. Riêng nàng có lẽ cũng đang nóng ruột chờ chàng đến và nàng biết chắc là chàng sẽ đến.

Bước qua cánh cổng sắt, Tân dắt chiếc xe Hon da đi theo một lối nhỏ giữa hai hàng dâm bụt dẫn vào một cái sân nhỏ trước mái hiên của ngôi nhà. Chàng hơi ngạc nhiên khi nhận ra quang cảnh ở đây có vẻ tiêu điều khác hẳn với những gì chàng tưởng tượng trong đầu. Bức tường phía trước bạc phếch, có chỗ đã ngả sang màu rêu. Mái hiên xập xệ, phía dưới nền thì loang  lổ mấy mảng xi măng bị tróc và cỏ dại lúp xúp từ đó bò lan lên đến bậc thềm. Một người đàn bà có vẻ quê mùa từ trong nhà bước ra nhìn chàng một cách ngạc nhiên. Chàng hỏi người đàn bà:

-Thưa có phải đây là nhà cô Thúy?

-Cô Thúy nào?

Chàng giải thích cho người đàn bà ấy rõ, Thúy là cái cô mà chàng cho quá giang đêm hôm qua, xuống xe đi vào đây và có mượn chàng chiếc áo Jacket. Người đàn bà nói:

-Tôi là người giữ nhà cho người chủ mới của căn nhà này cả năm nay rồi và tôi biết rõ, ngoài tôi ra, chẳng có ai ở đây hết, gia đình ông chủ mới thì vẫn còn ở Đà Nẵng. Đợi đến khi nhà sửa chữ sơn quét lại thì mới dọn vào ở. Chắc cậu đi lầm nhà rồi.

Tân quả quyết.

-Lầm sao được, tôi vẫn còn nhớ cái bảng số nhà ngoài cánh cổng sắt.

Người đàn bà bỗng sực nhớ ra điều gì đó, bà ta nói.

-Vậy thì mời cậu vào, tôi biết có một cô, nhưng không biết có phải cô này hay không.

Tân theo người đàn bà đi vào trong. Phòng khách trống rỗng và bụi bặm, chỉ có một cái giường sắt đặt bên cạnh cửa sổ, phía góc bên kia có một cái tủ nhỏ. Người đàn bà đi đến bên tủ lục trong ngăn kéo lấy ra một tấm hình đưa cho Tân xem. Mặc dù tấm hình đã bị ố nhiều chỗ nhưng mới thoáng nhìn Tân đã nhận ra ngay, người trong hình chính là Thúy. Đúng là mái tóc xỏa đó, khuôn mặt trái xoan và đôi mắt thông minh đen láy kia, làm sao chàng có thể lầm được? Chàng nói với ngưòi đàn bà.

-Đúng là cô ấy.

Người đàn bà nhìn chàng, mặt tái nhợt.

-Cậu có trông lầm không? Cô này tên gì thì tôi không rõ, nhưng tôi biết đó là con của ông chủ nhà trước và ĐÃ CHẾT CÁCH ĐÂY 5 NĂM RỒI. Mộ cô ấy còn ở sau vườn. Không tin cậu ra mà xem.

Chàng lảo đảo đi theo người đàn bà ra phía sau vườn, đến một khoảng trống thì chàng thấy có một ngôi mộ nhỏ. Đột nhiên chàng đứng khựng lại, tóc gáy dựng hẳn cả lên, trong lúc người đàn bà buột miệng kêu.

-Này cậu xem cái chi đó?

Cái vật mà hai người nhìn thấy trên ngôi mộ, là chiếc áo Jacket của chàng.

Đưa chàng ra đến đường, người đàn bà tiếp tục kể.

-Tôi thì không biết rõ gia đình này, nhưng nghe người ta kể lại, cô gái ấy bị một chứng bệnh nan y và chết đúng vào đêm giao thừa, cách đây 5 năm. Một thời gian sau thì cha mẹ cô ấy rao bán nhà và đi vào Nam. Ông chủ nhà sau này đã liên lạc với gia đình cô ấy để về bốc mộ. Nghe đâu cũng trong tháng này.

Trên đường về nhà, Tân như kẻ mất hồn. Bước vào phòng chàng nằm vật xuống giường mê man như chết.

Câu chuyện này tưởng đâu đã chấm dứt. Nhưng không. Chừng 5 ngày sau, khi Tân vẫn chưa lấy lại hồn vía sau cái đêm giao thừa khủng khiếp kia, cái đêm mà chàng nghĩ rằng suốt đời không thể nào quên được, thì chàng nhận một lá thư. Ngoài phong bì là nét chữ người con gái. Chàng bóc phong bì ra, hồi hộp đọc lá thư:

Anh Tân mến

Trước hết cho em thành thật xin li anh.Câu chuyện trong đêm giao thừa hôm trước chỉ là một chuyện đùa nghịch của em, mặc dù thực tế, nó cũng là  một phần của sự thật. Sự thật cái nhà mà anh vào đúng là nhà của gia đình em, chỉ khác một cái là người nằm trong ngôi mộ đó là đứa em sinh đôi của em, tên là Thuý, còn em tên là Dung. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước. Bà giữ nhà cho chủ mới không hay biết việc này nên mới tạo cho anh sự ngộ nhận này, mà một phần em nghịch ngợm muốn đùa với anh. Đêm hôm đó, khi anh chở em về, em đi vào sau vườn, vất cái áo Jacket của anh lên mộ con Thúy vì biết chắc rằng, thế nào ngày mai anh cũng sẽ trở lại kiếm em, sau đó băng qua cánh cửa sau chạy qua nhà bên cạnh, nhà đó là nhà ông chú em, là nơi mà gia đình em ở tạm khi trong Nam ra bốc mộ cho em Thúy.

Em vn còn giữ cái áo Jacket của anh đây.

Xong việc bốc mộ, em sẽ đến gặp anh, trả lại anh cái áo và xin li anh.

Đừng giận em 

(Cũng may trong cái áo Jacket có miếng giấy nhỏ ghi địa chỉ nhà anh nên em mới gửi thư này được)

Dung

Bây giờ Tân mới sực nhớ cái áo Jacket của chàng nằm trên nấm mộ của Thúy, hôm đó chàng đã quên không đem về, mà thật ra thì chàng cũng… không dám đem về.

 

Chuyện thứ hai: Dung và Thuý 

Câu chuyện trên Tân kể lại cho hai vợ chồng ông anh rể và bà chị, cùng cho họ xem lá thư của Dung chàng vừa mới nhận được. Nhân chuyện này, ông anh rể chàng mới kể câu chuyện cũng tương tự như vậy, xảy ra cách đây khá lâu, tại một ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần chùa Áo Vàng cho Tân nghe. Câu chuyện này cả thành phố Huế hầu như người nào cũng biết.

Vào một đêm mưa phùn gió bấc có một chị bán hột vịt lộn đi trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngang qua một ngôi biệt thự thì nghe có tiếng người kêu mua trứng. Chị bán hột vịt lộn nhận ra tiếng kêu mua trứng là một người, đứng phía sau cánh cổng sắt của ngôi biệt thự đó. Đến gần duới ánh đèn gắn trên cổng, chị này nhìn thấy đó là một cô gái rất đẹp mặc áo mưa trắng. Cô gái hỏi mua một chục trứng, trả tiền xong thì quay đi vào. Sáng hôm sau khi kiểm lại tiền chị bán hột vịt kia mới tá hỏa là tiền của cô gái trả cho chục trứng toàn là giấy vàng mã. Chị lập tức quay trở lại ngôi biệt thự để hỏi cho ra lẽ thì người chủ nhà cho biết trong nhà không có ai là con gái như chị nói. Tuy nhiên ông chủ nhà cho biết trước kia ông có một đứa con gái nhưng cô ấy đã chết cách đây vài năm rồi, vì thương con ông ấy đem chôn cô sau vườn nhà. Chị bán hột vịt được ông chủ nhà đưa ra vườn xem ngôi mộ của cô con gái. Khi đến ngôi mộ thì cả hai thấy có một chục trứng hột vịt đặt ngay trước tấm bia. Chị bán hột vịt từ đó về sau không dám đi lại trên con đường này nữa.

Nghe xong, Tân nói với ông anh rể và bà chị.

-Có thể ai đó đã đùa với chị bán hột vịt này. Chứ trên đời làm gì có ma?!

Trên đời này làm gì có ma? Quả thật từ khi nhận được lá thư của Dung thì Tân đã lấy lại niềm tin của mình. Chàng tin rằng chẳng có ma cỏ gì trên cõi đời này. Tất cả chỉ là những trò đùa. Chàng yêu đời trở lại và đôi lúc cảm thấy xấu hổ vì bị một cô gái đùa nghịch. Và, chàng nhất định sẽ tìm gặp Dung cho bằng được.

Tân có ý định tìm đến nhà của ông chú Dung, nằm cạnh ngôi nhà cũ để gặp nàng, chàng tính trong thời gian này, việc bốc mộ Thúy chắc cũng vừa hoàn tất. Nhưng do bận công tác nên chàng chưa kịp thực hiện việc này.

Bỗng một đêm, trời mưa lâm râm, vào khoảng 8 giờ tối, lúc Tân vừa từ đơn vị trở về nhà, chưa kịp thay quần áo thì có tiêng chuông ở ngoài cửa. Trong nhà lúc này chỉ có một mình chàng, ông anh rể và bà chị đã đi vắng. Tân ra mở cửa thì kinh ngạc khi nhận đó là Dung. Nàng cầm trên tay cái áo Jacket của chàng, mái tóc dài xõa ngang vai lấm tấm những giọt nước mưa, mắt nàng sáng long lanh nhìn chàng.

-Chào cô, không biết Dung hay là… Thúy đây?

Nàng đỏ mặt khi nghe chàng nói đùa, nàng trả lời.

-Em đến xin lỗi anh vì chuyện hôm đó. Anh tha lỗi cho em nghe.

Tất nhiên là Tân không giận, ngược lại chàng cảm thấy một niềm hạnh phúc sung sướng đang len lỏi trong trái tim của chàng.

Tân mời nàng vào nhà nhưng Dung nói.

-Em đến rủ anh đến cái quán cà phê hôm giao thừa mình lần đầu gặp nhau, cho em được ngồi bên anh một lần, ngày mai em đi rồi.

Đến lúc này thì Tân sực nhớ ra là nàng theo gia đình ra Huế để bốc mộ cho Thúy. Công việc đã xong, giờ đây nàng sắp sửa phải xa chàng để quay vào Nam.

Trời vẫn lâm râm mưa, Tân lại khoát trên người nàng cái áo Jacket của chàng, và chàng chở nàng qua phía cầu ga, nơi có cái quán cà phê hai người gặp nhau lần đầu. Khi đến nơi, trong quán, chỉ có một ít khách, hai người chọn một cái bàn ở góc trong, cũng là cái bàn mà họ đã ngồi bên nhau trong đêm giao thừa. Trong ánh sáng mờ ảo, và giữa bản nhạc Tình Xa với tiếng hát Khánh Ly lãng đãng.

-Ngày mai em đi?

-Vâng, biết làm sao bây giờ?

-Em không thể ở lại được sao?

-Không thể được.

-Không thể được? Tại sao? Anh yêu em mà.

-Vâng, em biết, nhưng tất cả đều muộn.

-Không có gì gọi là muộn hết khi mình đã yêu nhau.

Nàng không trả lời và chàng nhìn thấy hai giọt nước mắt của nàng long lanh trên đôi má.

Tân lấy khăn chậm nước mắt cho nàng. (Photo by David Paul Morris/Getty Images)

Tân lấy khăn chậm nước mắt cho nàng. Và chàng cũng cảm thấy trái tim chàng đang ướt sủng những giọt nước mắt chia ly. Hai người im lặng nhìn nhau, tay trong tay và đau đớn biết rằng, ngày mai họ sẽ xa nhau, biết bao giờ mới gặp lại? Nàng khẻ nói với chàng.

-Cám ơn anh đã cho em những giây phút thật tuyệt vời.

-Vậy thì tại sao mình không thể giữ cho nhau những giây phút đó và làm cho nó trở thành mãi mãi?

Nàng nhìn chàng, nụ cười dịu dàng nhưng buồn rầu.

-Anh có thể làm điều đó được?

-Sao lại không?

Tân hăng hái nói và bỗng dưng như vừa ra khỏi một cơn mê. Mình thật lãng xẹt, đừng làm chuyện tình này trở thành tuồng cải lương. Tại sao mình lại đau đớn một cách yếu đuối như vậy?  Chàng nghĩ như thế và nói tiếp:

-Không có gì là khó hết. Cho anh địa chỉ của nhà em trong Sài Gòn. Gia đình anh cũng ở trong đó. Cuối tháng này anh đi phép và mình sẽ lại gặp nhau. Nếu có thể mình sẽ tính thêm một bước.

Nàng nhìn chàng, ngạc nhiên.

-Tính thêm một bước? Nghĩa là sao?

-Anh muốn nói, nếu từ đây đến ngày đó, em vẫn còn yêu anh, thì anh sẽ xin gia đình đến hỏi cưới em.

Sau khi cưới xong anh sẽ xin thuyên chuyển về Sài Gòn, giản dị là như vậy. Sài Gòn, Huế chỉ cách nhau vài chục phút đường hàng không, muốn gặp nhau khi nào mà không được?

Nàng cảm động nói.

-Anh yêu em đến như vậy sao?

Chàng cười.

-Thì em thấy đó. Có gì là muộn đâu?

Nàng im lặng không nói.

Khi nàng đứng dậy, Tân lấy cái Jacket khoát lên người nàng, nhưng trong lúc vô ý, chàng làm vướng vào tách cà phê đen đổ ra làm thành một vết dơ trên ống tay áo Jacket. Tân nghĩ thầm, không lý đây là điềm xui xẻo? Nhưng chàng đã vội quên ngay chuyện đó. Chàng lại chở nàng về nhà, vẫn dưới cơn mưa phùn trên con đường Vĩ Dạ lấp loáng những ánh đèn vàng mờ đục. Nàng nép đầu vào lưng chàng và chàng có cảm tưởng nghe được tiếng thổn thức đau đớn từ con tim nàng.

Lần này Tân dừng xe trước cổng nhà của chú nàng, bên cạnh căn nhà cũ. Dưới ngọn đèn ở cổng, chàng nhìn thấy khuôn mặt nàng nhợt nhạt và đầm đìa nước mắt. Đợi đến khi nàng bước vào và chìm hẳn vào trong bóng tối của khu vườn, Tân mới nổ máy xe chạy trở về. Cũng như lần trước, khi đi ngang qua Đập Đá, Tân mới sực nhớ là mình lại… quên cái áo Jacket.

Tân dừng xe trước cổng nhà của chú nàng, bên cạnh căn nhà cũ. (Photo by Linh Pham/Getty Images)

Sáng hôm sau, mới 7 giờ sáng Tân đã chạy xe đến nhà ông chú Dung, bên cạnh ngôi nhà cũ của gia đình nàng, chàng hy vọng gặp kịp nàng trước giờ ra sân bay, tất nhiên, không phải là để lấy lại cái áo, mà muốn nói với nàng trước mặt gia đình nàng, một lần nữa, điều mà chàng đã nói với nàng đêm hôm trước và chờ nàng có một câu trả lời dứt khoát. Nếu cần, chàng sẽ xin ông đơn vị trưởng nghỉ ít ngày và chàng sẽ bay theo nàng vào Sài Gòn. Chàng tưởng tượng đến cảnh cả gia đình nàng sửng sốt (và xúc động) khi nghe những lời chàng nói. Còn nàng, tất nhiên cũng sẽ khóc lên (vì sung sướng) và vì cái tình yêu quá vĩ đại của chàng.

Chàng dắt xe bước qua cổng đi vào trước hiên nhà. Ánh nắng rực rỡ trong khu vườn của mùa Xuân, với những hạt sương mai lấp lánh trên thảm cỏ rộng đầy những cây ăn trái. Ngôi nhà khang trang và ấm cúng. Trước hiên nhà có chưng một cành mai đang nở nụ vàng tươi như chào đón chàng. Tân hồi hộp bấm chuông và nghe có tiếng mở cửa. Đứng trước mặt Tân là một người đàn ông tóc bạc với khuôn mặt hiền lành. Có lẽ đây là chú của nàng, chàng nghĩ như thế và nghe người đàn ông đó hỏi.

-Xin lỗi, cậu cần gì?

-Thưa có phải đây là nhà của Dung?

-Đúng, Dung là cháu tôi, nhưng cậu là ai?

-Thưa tôi là bạn của Dung.

Bỗng người đàn ông như sực nhớ ra, ông ta reo lên.

-Ô!!! có phải cậu là… là cái cậu. có cái áo Jacket đó phải không?

-Thưa phải.

Người đàn ông vui vẻ mời chàng vào nhà. Căn phòng khách rộng rãi với bộ Salon sang trọng đặt ngay giữa phòng. Ông nói.

-Gia đình chúng tôi rất áy náy về chuyện đó, cháu nó nghịch dại quá. Mời cậu ngồi. Tôi vào kêu cháu ra.

Tân sung sướng ngồi xuống trên bộ ghế nệm êm ái, sung sướng vì mọi việc ban đầu có vẻ thuận buồm xuôi gió. Ông chú nàng trông rất hiền lành như vậy thì ông bố nàng chắc còn… hiền hơn nữa.

Dung bước ra và chàng nhìn nàng kinh ngạc, kinh ngạc vì vẻ đẹp xinh tươi của nàng, khác hẳn với khuôn mặt buồn rầu đêm qua. Kinh ngạc hơn vì thấy nàng không có vẻ gì là đang chuẩn bị đi ra sân bay. Trên tay nàng là cái áo Jacket của chàng. Dung ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh, đặt cái áo trên bàn, nàng nói trong khi đôi mắt vẫn ánh lên vẻ tinh nghịch.

-Xin lỗi anh vì chuyện cái áo này và làm cho anh sợ.

Chàng ấp úng, và cảm thấy có điều gì đó không được ổn lắm, bao nhiêu lời nói mà chàng nghĩ sẵn trong đầu, từ lúc còn ở nhà, bỗng biến mất hết.

-Thế không phải sáng nay cô… cô vào lại Sài Gòn sao?

-Không gia đình em định đến đầu tháng sau mới đi.

Chàng sửng sốt.

-Cô không nói đùa chứ?

-Thật đó… Cả tuần nay lu bu chuyện bốc mộ cho em Thúy, em không rảnh được phút nào cả. Ngày hôm qua mới xong, nhưng phải mời Thầy trên chùa đến làm lễ cầu siêu. Nghe nói các cô gái trẻ chết oan phải làm lễ cầu siêu thì linh hồn mới siêu thoát được. Lễ đến chiều tối mới xong nên EM KHÔNG RẢNH ĐỂ ĐẾN GẶP ANH NHƯ ĐÃ HỨA TRONG THƯ.

Đột nhiên Tân cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy dọc theo cột xương sống, mặt chàng tái mét lên như trúng phải gió.

-Cô nói sao? NGÀY HÔM QUA CÔ KHÔNG ĐI ĐÂU HẾT?

-Từ sáng đến chiều phải quỳ trước bàn thờ làm lễ, mệt muốn chết, xong việc là em chạy vào ngủ một mạch, vừa mới dậy thì anh đến. Định sáng nay mới tìm nhà anh trả cái áo và xin lỗ i anh.Ủa anh làm sao thế???

Tân cố gắng chống tay trên thành ghế đứng dậy. Đột nhiên mắt chàng nhìn thấy một vết dơ màu sẩm trên ống tay cái áo Jacket của mình đặt trên bàn, vết dơ đó do tách cà phê của chàng làm đổ xuống đêm hôm qua.

Chàng chỉ vào cái vết dơ đó, hỏi.

-Thế còn cái… cái này?

-Xin lỗi anh, em cũng không biết, em nhớ là em đã giặt sạch rồi. và cất trong tủ áo. Đêm hôm qua không biết có ai lấy ra rồi vất nó dưới gầm bàn thờ.

Chàng lảo đảo bước nhanh ra cửa trước sự sửng sốt của cô gái.

Tân không bao giờ quên câu chuyện này, nhất cứ mỗi lần đến giao thừa mỗi năm. Chàng không bao giờ quên được khuôn mặt dịu dàng và buồn rầu của người con gái ngồi với chàng trong cái quán cà phê vắng vẻ ở bên cầu Ga. Đến bây giờ chàng vẫn không biết cô gái đó là Dung hay là Thúy? Vì từ đó về sau chàng không bao giờ gặp lại HỌ nữa.

Chàng cố không tin về bất cứ chuyện gì trước đó, xảy ra và đã làm cho chàng sợ hãi.

Chàng cố tin rằng, trên đời này làm gì có chuyện MA?

Và… Có thể đây cũng chỉ là một trò đùa.

Salt Lake City, Utah

 

MỚI CẬP NHẬT