Cảnh sát có thể ‘dễ thương’

Ngô Nhân Dụng

Cuối tuần rồi, Tổng Thống Donald Trump nói chuyện với các cảnh sát viên, ông khuyên họ khi bắt các người tình nghi phạm tội “Ðừng tử tế với họ!” Ông dùng chữ “nice,” tôi dịch là tử tế cũng chưa đủ nghĩa. Người “nice” là người vui vẻ, hòa nhã, thân mật trong cách đối xử với mọi người. Nghe ông tổng thống khuyên các vị cảnh sát “chớ có nice” tôi chợt nhớ đến chị Cheri Maples. Chị là một cảnh sát viên, làm việc hơn 20 năm lên tại thành phố Madison, Wisconsin, lên tới cấp đại úy. Và phải nói, chị rất nice!

Năm ngoái, chị Maples mới kể một câu chuyện làm nghề cảnh sát của chị. Một buổi tối, năm 2003, có người đàn bà bị chồng đánh, kêu cứu. Theo thủ tục làm việc của sở cảnh sát, bất cứ ai hăm dọa bạo hành người khác là phải còng tay cái đã. Chị Maples vừa tới cửa thì người đàn bà chạy ra kêu cứu. Chị ủy lạo, rồi đưa bà ta ra ngồi trong xe, đậu ở cuối đường. Chị tới gõ cửa. Một người đàn ông cao một mét 90 (1.90m) bước ra (chị cao 1.60m). Bước vào nhà, chị thấy một bé gái ngồi ở góc phòng. Chị đã biết chuyện, hai vợ chồng này li dị, hôm nay đáng lẽ phải trả con cho vợ thì anh chồng không chịu, rồi cãi lộn, rồi dọa đánh vợ. Chị Maples tới bên đứa bé, rồi quay lại nói với người đàn ông: “Tôi biết ông thương cháu lắm Tội nghiệp, để tôi đưa cháu ra với mẹ nó, rồi tôi sẽ vào nói chuyện với ông nhé?” Người đàn ông chấp nhận.

Mặc cái áo giáp chống đạn, đeo khẩu súng kè kè bên mình, chị Maples ngồi xuống bên người đàn ông đánh vợ, bắt đầu hỏi chuyện. Chị nói: Trông anh ta rõ ràng là đang đau khổ lắm! Kể đến đây, chị thú nhận, chị đã vi phạm các thủ tục làm việc ghi trong sách vở. Ðáng lẽ chị phải còng tay “hung thủ” trước khi “hỏi cung!”

Nhưng chỉ một lúc sau thì người đàn ông òa khóc. Ðến lượt đại úy cảnh sát phải an ủi, dỗ dành.

Ba ngày sau, chị kể, chị đang đi trên đường gần nhà thì một người từ phía sau tiến tới, bất ngờ nhấc bổng chị lên. Anh ta tâm sự: “Chị! Chính chị đã cứu cả cuộc đời tôi!” Trời đất! Chị phải dạy anh ta một điều: Ðừng bao giờ từ phía sau mà tiến đến một cảnh sát viên như vậy nghe!

Cheryll Ann Maples, thường gọi là Cheri, sinh năm 1952 ở Oklahoma, lớn lên tại Wisconsin, đậu cử nhân về kinh tế, rồi đậu cao học về công tác xã hội tại Ðại Học Wisconsin ở Madison, kèm theo một văn bằng JD về luật. Trước khi gia nhập Sở Cảnh Sát Madison, chị đã làm cán sự xã hội. Chị tranh đấu bảo vệ những người đàn bà bị chồng đánh đập. Sở Cảnh Sát Madison có 32% nhân viên là phụ nữ, một tỷ lệ khá cao. Phần lớn cảnh sát viên tốt nghiệp bốn năm đại học. Vì vậy, chị thăng tiến rất nhanh trong nghề; từng làm giám đốc tuyển mộ và huấn luyện.

Năm 2001, chị Maples làm cả sở bất bình khi đứng ra chính thức xin lỗi một nạn nhân bị cảnh sát ép phải phản cung.

Người đàn bà tên là Patty, đã tố cáo một người đàn ông cưỡng hiếp cô. Mấy nhân viên cảnh sát nghi ngờ cô ta bày đặt vu oan. Họ dùng mánh khóe tạo áp lực khiến cho cô phải rút lại lời tố cáo của mình. Lúc đầu, chị Maples đứng về phía sở, bênh vực các đồng nghiệp. Nhưng sau đó, thử nghiệm DNA đã chứng minh lời tố giác của Patty là đúng, hung thủ bị đưa ra tòa. Sở cảnh sát không lên tiếng nhận lỗi. Các sở cảnh sát ít khi nhận họ có lỗi. Chỉ mình chị Maples viết lá thư cho cô Patty xin lỗi cô về những hành động của các đồng nghiệp.

Một lần khác người ta lại thấy đức can đảm của chị Cheri Maples. Năm 2012, một cảnh sát viên bắn chết một người rượu chè be bét. Công chúng phẫn nộ vì nạn nhân không đe dọa hoặc làm hại ai, không có lý do nào phải chết. Cả Sở Cảnh Sát Madison tìm cách che chở cho nhân viên của họ, nhưng chị Maples là người duy nhất đứng về phía công chúng. Chị nói: Nếu không cần phải làm như vậy (bắn) thì không được làm!

Nhưng Cheri Maples rất thông cảm với các đồng nghiệp của mình. Chị giải thích, người cảnh sát sống trong tình trạng căng thẳng. Hết ngày này sang ngày khác. Một nhà tâm lý mô tả: Người cảnh sát nhìn cuộc đời như một vụ trọng tội đang diễn tiến! Sống như thế thật khó sống! Vì vậy, trong nước Mỹ mỗi năm có 300 cảnh sát viên tự tử, cao gấp ba lần số cảnh sát chết khi đang thi hành công vụ. Theo cuộc nghiên cứu năm 1999 của FBI. Tỷ lệ tự sát của cảnh sát (22 trong số 100,000 người) cao gấp đôi tỷ lệ trong dân chúng Mỹ.

Vì ý thức được tâm lý luôn luôn đối đầu với tội ác khiến người cảnh sát bị căng thẳng, năm 1990, Cheri Maples đã thử tới dự một khóa thiền tập do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Chị tìm ra phương pháp tự đối trị với những khó khăn của nghề cảnh sát: sống tỉnh thức. Năm 2002, chị thọ giới gia nhập dòng Tiếp Hiện, một dòng tu chấp nhận cả các người tại gia.

Năm sau, chị tổ chức một khóa tu tập cho những nhân viên cảnh sát và nhiều ngành khác ở Green Lake, Wisconsin. Khóa tu không để hình ảnh nào của Phật Giáo, không thắp nhang, không ai tụng niệm kinh kệ. Sở cảnh sát không giúp đỡ, mỗi cảnh sát viên phải đóng 600 đô la để được tham dự. Có 55 cảnh sát viên, trong số 500 người đến dự cuộc nói chuyện của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư nói: “Không cần phải làm một Phật tử mới có thể áp dụng những lời giáo huấn của đức Phật để được lợi lạc. Cũng như không cần phải làm người Trung Hoa mới ăn cơm Tàu!” Chị Maples lập ra Trung Tâm Sống Tỉnh Thức và Công Lý (Center for Mindfulness & Justice). Sau khi rời ngành cảnh sát, chị được mời đi giảng tại rất nhiều nơi. Năm 2008, chị trở thành một giáo thọ của pháp môn Làng Mai.

Chị Maples thích mô tả công việc của cảnh sát là “những cán sự xã hội có mang súng!” (social workers with guns). Mỗi ngày các cảnh sát viên phải đối phó với bao vấn đề trong xã hội: bạo lực, gia đình cãi nhau, bệnh nhân tâm thần, tai nạn, trẻ em, vân vân, tất cả đòi hỏi người cảnh sát phải kiên nhẫn và tế nhị. Chỉ khác là người cảnh sát viên có quyền dùng súng.

Chị Cheri Maples qua đời ngày Thứ Năm tuần trước, 27 Tháng Bảy, năm 2017 sau 10 tháng trị bệnh vì một tai nạn xảy ra từ năm ngoái. Trước khi chết ở tuổi 64, chị đã tâm sự với người chung quanh, “Tôi sống một cuộc đời đáng sống!” (I have lived such a good life). Có lần chị nói, khi nhà báo hỏi chuyện, “Nguyện vọng của tôi là sống tỉnh thức, sống trong hòa bình và công lý… sống như thế mình sẽ yêu thương mọi người hơn, kiên nhẫn hơn, rộng lượng hơn.”

Ước chi các cảnh sát viên, ở bất cứ nơi nào, ở quốc gia nào, cũng nghĩ như vậy!

Theo bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, thì bữa rồi Tổng Thống Trump chỉ nói đùa với các vị cảnh sát mà thôi. Thế thì may lắm.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 1 tháng 8 năm 2017/div>