Friday, April 19, 2024

Câu chuyện ông Boris Johnson

Lê Phan

Tên thật là Alexander Boris de Pfeffel Johnson, tân thủ tướng Anh đã chọn cái tên Boris làm tên của mình sau khi bà mẹ bị bệnh tâm thần phải vào bệnh viện và ba đứa con được gửi đi học ở các trường tư nội trú. Điều đáng ngạc nhiên về ông Johnson là như tờ Guardian trích lời một bản nhạc nói “Ai cũng biết con tàu đang lủng. Ai cũng biết thuyền trưởng nói láo,” nhưng ông không lừa dối ai cả. Đúng, ông đã nói đủ thứ không đúng sự thật nhưng điều quan trọng là ông không đánh lừa ai cả. Ai cũng biết ông nói láo.

Sự việc ông đã trở thành thủ tướng Anh là đỉnh cao của một sự nghiệp vốn nổi tiếng thất bại cũng nhiều bằng thành công. Bị đuổi việc từ tờ Times của Luân Đôn năm 1988 vì đã bịa đặt ra một câu dẫn lời nói của một người khác, ông trở thành ngôi sao ở báo Telegraph, đối thủ của tờ Times; những tường thuật của ông về Âu Châu trên báo này có tính giúp vui hơn là chính xác. Ở Brussels ông đã viết về những điều như “Liên Hiệp Âu Châu cấm potato chips có mùi prawn cocktail.” Không ai sửa ông cả vì ai cũng biết là có thể ra siêu thị mua loại chips đó bình thường vì nó là một trong những loại mà dân Anh thích ăn. Điều có thể là “thần tài” của ông vì nếu Liên Hiệp Âu Châu có ngỡ ngàng cải chính “Chúng tôi nào có cấm loại prawn cocktail chips” thì mọi người sẽ la lên “Có chứ, các ông cấm thật mà!”

Khi bước vào chính trị, ông Johnson đã bị cách chức phát ngôn nhân của đảng Bảo Thủ vì nói dối về một mối tình, rồi hai lần được bầu làm đô trưởng Luân Đôn chỉ vì dân chúng Luân Đôn quá chán với người tiền nhiệm và đảng Lao Động đối lập không đưa ra được một ứng viên nào xứng đáng. Đây cũng là lần đầu tiên ông giữ một chức vụ quan trọng. Trong suốt hai nhiệm kỳ đô trưởng tuy vậy ông chả làm gì bao nhiêu, nhận vơ một số sáng kiến của người tiền nhiệm, còn thì mặc các phụ tá và các công chức muốn làm gì thì làm.

Trong chức vụ duy nhất ở cấp quốc gia, ông được Thủ Tướng Theresa May đưa lên làm ngoại trưởng nhưng sự vụng về của ông về ngoại giao cộng với việc ông không được giao cho chủ trì việc điều đình với Âu Châu khiến ông từ chức. Một thứ trưởng lúc đó làm việc dưới quyền hồi đó nay đã từ chối không tham gia chính phủ Johnson vì “Tôi mệt quá cứ phải lo sửa những lỗi ông ta đã làm.”

Điều kỳ lạ của ông Johnson là khả năng ông tạo cho mình thành một nhân vật nổi tiếng. Ông giỏi bịa đặt chuyện vì chính ông cũng là một sự giả tạo. Bà Sonia Purnell, người đã viết cuốn tiểu sử về ông mang cái tên Just Boris, kể rằng ngay cả mái tóc của ông cũng không phải là thật. Bà viết: “Cái bộ dạng đầu bù tóc rối của ông là thực; tuy nhiên đó là kết quả sau khi ông dùng ngón tay xếp lại mái tóc (ngay trước khi camera bắt đầu quay) chứ không phải là tự nhiên tóc bù xù.”

Nay ông Johnson đang viết một vở kịch cho nước Anh. Ông nói hãy hoàn thành việc này. Với một chút ý chí như Churchill, cuộc chiến sẽ kết thúc trước Giáng Sinh. Vâng ông đang đòi dân Anh hồi sinh tinh thần của nước Anh thời Thế chiến. Anh Quốc có thể tơi tả nhưng chưa bao giờ bại trận. Một khi tân thủ tướng đã cắt đứt được gông xiềng của Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 31 Tháng Mười, dân chúng sẽ đoàn kết lại ôm nhau ăn mừng. Gọi nó là “Chiến thắng ở Âu Châu.” Ngày VE Day. Ông Johnson muốn nó sẽ diễn ra như vậy.

Vương Quốc Thống Nhất Anh đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu đậm nhất mà quốc gia phải đối đầu trong thời bình hiện đại. Chính trị lung tung, xã hội chia rẽ trầm trọng, và nền kinh tế ngày suy yếu. Chính Liên Hiệp Vương Quốc Thống Nhất đang lâm nguy. Câu trả lời của đảng Bảo Thủ là đưa một nhân vật như ông Johnson vào số 10 Đường Downing. Ông Johnson bất chấp sự thật và không biết gì đến đạo đức. Sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý, ông nghĩ rằng ông có quyền cai trị không cần biết ông có khả năng hay không.

Tân thủ tướng Anh đôi khi đã làm bộ mình là cấp tiến và quốc tế. Nhưng thực sự trong thâm tâm ông là một người không những chỉ là bảo thủ mà còn phải nói là phản động nữa. Với một nhân sinh quan dựa trên thiên kiến của thế hệ thời thi sĩ Rudyard Kipling thế kỷ 19 vẫn ca tụng Ăng lê là khác hẳn mọi nước, Johnson đau lòng vì đế quốc đã bị mất, đã ồn ào chỉ trích “nhà nước chị giữ em” đòi kiểm soát mọi sự, và ông nghĩ là người Pháp phải vĩnh viễn biết ơn Anh vì đã hai lần cứu họ trong hai thế chiến.

Và do đó ông tiến đến chủ trương Brexit, rút nước Anh ra khỏi Châu Âu. Chiến dịch vận động của ông Johnson để tiến đến vị thế ngày nay đầy những chuyện bịa đặt và chuyện cổ tích. Có lẽ điều dối trá hiển nhiên nhất là ông hứa hẹn Brexit sẽ là một chiến thắng vĩ đại. Một điều bịa đặt nữa là ông có thể ra lệnh cho Liên Hiệp Âu Châu tuân theo các điều kiện ra đi của ông. Và điều nực cười thứ ba là luận điệu “hòa hợp và đoàn kết” trong một quốc gia mà gần một nửa dân chúng bỏ phiếu muốn ở lại với Âu Châu.

Hẳn là ông Johnson đang tạo bộ dạng cho giống Cố Thủ Tướng Churchill, (quý vị có thấy ông hơi gù lưng trong giai đoạn gần đây không?) thực sự ông đang lâm cùng đường. Ông sẽ khuấy động những cơn bão tố quen thuộc. Nhưng rồi cũng có lúc các trò ảo thuật đó không còn che mắt được thiên hạ.

Có ba điều chắc chắn mà ta có thể cá độ về giai đoạn ông Johnson làm thủ tướng. Đầu tiên là mặc dù ông hứa hẹn, Brexit sẽ không giúp ổn định mọi sự. Có hay không có thỏa thuận với Âu Châu, Anh Quốc sẽ chìm trong tình trạng bất định trong nhiều năm. Thứ nhì, tình trạng mất đoàn kết quốc gia đang dẫn Anh đến con đường chấm dứt cuộc liên minh của bốn quốc gia tạo thành Vương Quốc Thống Nhất; vì Tô Cách Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan, vốn bỏ phiếu ở lại với Âu Châu, sẽ muốn ly khai. Chắc lần này nhờ ơn ông Johnson và các nhà Brexit cực đoan của đảng Bảo Thủ, nước Ái Nhĩ Lan sẽ thống nhất. Và điều cuối cùng là trừ phi ông có phép lạ, triển vọng cho nhiệm kỳ thủ tướng của ông thật không mấy sáng sủa.

Ý tưởng ly dị không cần có thỏa thuận với Âu Châu sẽ “giải quyết vấn đề,” chấm dứt bất định, là một điều vô lý. Ngay cả hai vợ chồng ly dị cũng còn có những dây mơ rễ má huống gì một liên hệ đã ràng buộc hai định chế chính trị trong hơn bốn thập niên nay. Dĩ nhiên một cuộc ly dị không có thỏa thuận sẽ chấm dứt ngay tức thời mọi liên hệ định chế, chính trị và kinh tế giữa Anh và Khối Âu Châu 27 quốc gia. Nhưng sau đó nếu Anh còn muốn buôn bán làm ăn với Âu Châu thì sẽ cần nhiều năm điều đình gay go để thiết lập một liên hệ bền vững và chính phủ Anh sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào Brussels về điều kiện thương thảo và tầm mức của thỏa thuận.

Trong khi đó trong nước, lời hứa hẹn của thủ tướng về một tình đoàn kết sau khi Anh rút khỏi Âu Châu, Brexit, đã không che giấu nổi thái độ khinh bỉ của ông đối với gần nửa dân số Anh đã bỏ phiếu ở lại trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông đã bác bỏ họ với những lời miệt thị “Remoaners-những kẻ than vãn ở lại” tìm cách lật ngược ý kiến của nhân dân. Tuy 48.1% là một thiểu số thật nhưng cộng với những người chủ trương Brexit “mềm” tức là duy trì liên hệ kinh tế chặt chẽ với Âu Châu, ho sẽ là khối đa số.

Điều mỉa mai nhất là ông Johnson nói ông có thể tái lập niềm tin của dân chúng vào chính trị. Sự việc ông lên làm thủ tướng đã cho thấy tình trạng tệ hại mà Anh Quốc đang lâm vào. Có lẽ cả một đời toàn chuyện bịa đặt nay ông Johnson sẽ phải đối diện với thực tế cũng là luật nhân quả. Chỉ tội nghiệp Anh Quốc có thể sẽ phải trả một giá rất mắc cho một lãnh tụ không do họ bầu lên. (Lê Phan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT