Tuesday, March 19, 2024

Chờ ngày phán quyết

Lê Phan

Tòa Trọng Tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển tuyên bố hôm giữa tuần là họ sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 12 tháng 7 tới đây.

Trong suốt mấy tháng nay, Trung Cộng đã cố gắng hết sức để vận động, ép buộc và mua chuộc nếu cần các quốc gia, không những trong vùng mà bên ngoài vùng nữa, lên tiếng ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông. Lập trường này, như chúng ta biết, căn bản là không cần một cơ quan quốc tế nào can thiệp vào và mọi tranh chấp phải được giải quyết trên căn bản song phương, qua điều đình. Dĩ nhiên ai cũng biết điều đình song phương giữa ông khổng lồ Trung Cộng và các nước nhỏ láng giềng thì ai có ưu thế hơn.

Có điều Trung Cộng đã không mấy minh bạch khi thông báo ai ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông. Những gì Bắc Kinh công bố không mấy rõ rệt. Có khi họ chỉ phổ biến biên bản của một cuộc gặp gỡ ngoại giao trong đó có ghi nhận là các quốc gia họ bàn luận với đã lên tiếng ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông, nhưng không cho biết viên chức nào nói vậy. Điều còn khó hiểu hơn nữa là trong một cuộc họp báo, phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, khi được hỏi là có bao nhiêu quốc gia ủng hộ, đã dẫn ra con số 60 quốc gia hay lãnh địa, nhưng đó là con số mà một nhà báo đã đưa ra trước câu hỏi này. Trung Cộng đã đưa ra những con số tương tự trong quá khứ, nhưng có vẻ đến phát ngôn nhân bộ ngoại giao, vốn có nhiệm vụ đi thâu lượm ủng hộ, cũng không biết có bao nhiêu nước ủng hộ họ nữa!

Một nguồn đáng tin cậy hơn là từ Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS) vàng Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (Asia Maritime Transparency Initiative-AMTI). Theo CSIS thì có bốn cấp những quốc gia gọi là ủng hộ Trung Cộng: Đầu tiên là những quốc gia chính thức công bố ủng hộ; thứ nhì là những quốc gia mà Trung Cộng nói là ủng hộ họ nhưng chưa công khai xác nhận; thứ ba là những quốc gia đã công khai bác bỏ ủng hộ lập trường của Trung Cộng (và trong một vài trường hợp, sau khi Trung Cộng nói là họ ủng hộ; và sau cùng những quốc gia công khai nói là phán quyết của Tòa Trong tài có tính ép buộc của một phán quyết tư pháp quốc tế (như Hoa Kỳ chẳng hạn). Và quan trọng hơn cả, AMTI cho thấy rõ nguồn gốc của những tuyên bố ủng hộ hay không.

Danh sách quan trọng nhất, danh sách của các quốc gia công khai ủng hộ lập trường của họ, thực ra không to lớn gì lắm bởi tổng cộng chỉ có bảy quốc gia. Hai trong số này là những quốc gia hoàn toàn bị bao vây bởi đất liền, không có bờ biển, đó là Afghanistan và Lesotho. Những quốc gia khác trong danh sách có Gambia, Kenya, Niger, Sudan và Vanuatu. Phải nói ngoại trừ Vanuatu, còn nằm trong Thái Bình Dương, các quốc gia kia xa ngàn vạn dặm đối với Biển Đông và được hưởng nhiều hơn khi chiều lòng Trung Cộng trong vấn đề này thay vì lên án họ.

Sở dĩ chúng tôi kể chuyện này vì nó chứng tỏ là Trung Cộng muốn có một số các quốc gia ủng hộ lập trường của họ để tạo một thứ chính nghĩa nào đó một khi tòa có phán quyết.

Nhưng khi có phán quyết thì họ sẽ phản ứng ra sao?

Phán quyết này đang được nóng lòng chờ đợi ở trong vùng và ở ngoài vùng nữa, đặc biệt ở Washington, vốn hy vọng và chờ đợi để xem khẳng định chủ quyền của Trung Cộng bị tòa bác bỏ. Nhưng liệu phán quyết có ảnh hưởng gì không, ngay cả khi chúng ta giả định, như tất cả các chuyên gia, là nó sẽ bảo là Trung Cộng sai phạm. Bắc Kinh đã nhiều lần nói họ không công nhận quyền tài phán của Tòa, không tham dự vào các cuộc điều trần mặc dầu được mời, và cũng nhiều lần nói là họ sẽ bất chấp những phán quyết của Tòa.

Liệu một phán quyết không tốt cho Trung Cộng có làm hại gì họ không? Theo Giáo sư Hugh White của Viện Đại Học Quốc Gia Úc (Australian National University-ANU) thì Hoa Kỳ và các bạn bè và đồng minh nghĩ là một phán quyết chính thức của một tòa án được quốc tế công nhận sẽ gia tăng áp lực lên Trung Cộng ngưng việc thúc đẩy khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải một cách hung hăng như vậy. Washington có vẻ tin là đối diện với một phán quyết có hại cho mình, Bắc Kinh sẽ sau cùng quyết định là thiệt hại ngoại giao cho vị thế của họ ở Đông Nam Á và trên trường thế giới khiến cho họ phải rút lui.

Nhưng những bằng cớ mới nhất cho thấy khác. Cách đây vài tuần, Trung Cộng đã buộc các ngoại trưởng của khối Asean vào một vị thế hết sức khó chịu khi phải rút lại một bản tuyên bố chung mà lời lẽ rất gượng nhẹ về Biển Đông là “một vấn đề trong liên hệ và hợp tác giữa Asean và Trung Quốc.” Tuyên bố này, sau khi Lào và nghe nói Cambodia bị áp lực không chịu thông qua, đã phải bị vội vàng rút lại chỉ ba giờ sau. Điều đó cho thấy rõ ràng Bắc Kinh không muốn và không cảm thấy cần hạ nhiệt bầu không khí ngoại giao căng thẳng hiện nay.

Chưa hết, hôm tuần rồi, Trung Cộng cho phép căng thẳng leo thang với quốc gia quan trọng nhất của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN là Indonesia. Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối trước phản ứng cũng không kém phần cương quyết của Indonesia khi các tàu đánh cá của Trung Cộng đổ vào đánh cá ở vùng mà Indonesia nói là vùng đặc quyền khai thác kinh tế của đảo Natuna, nhưng lại nằm trong cái gọi là đường chín đoạn.

Phản ứng của Trung Cộng ngược lại đã gặp lại phản ứng đáng ngạc nhiên mà cũng vô cùng cương quyết từ phía Indonesia. Tổng Thống Joko Widodo ra lệnh cho quân đội Indonesia phải điều động thêm lực lượng đến vùng và tổ chức một chuyến đi thị sát ồn ào với các bộ trưởng cao cấp trong chính phủ để nhấn mạnh sự việc là Indonesia coi đó là một chuyện quan trọng.

Một lần nữa, không có chỉ dấu gì là các lãnh tụ Trung Cộng cảm thấy áp lực ngoại giao nào cả.

Và điều đó đã khiến ta phải đặt một câu hỏi hiển nhiên “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Cộng bất chấp phán quyết? Hơn thế, Washington sẽ làm gì? Rõ ràng Washington đang chuẩn bị cho khó khăn. Trong vòng vài tháng nay, Washington đã phản ứng với điều mà họ coi là việc quân sự hóa của Bắc kinh đang tạo bất ổn trong vùng bằng cách gửi đến một lực lượng mới đáng kể vào vùng. Và tột đỉnh của chiến dịch là khi hai hạm đội hàng không mẫu hạm tập trận ngoài khơi bờ biển Philippines mới đây.

Đây là cuộc diệu võ dương oai lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ ngày Tổng Thống Bill Clinton gửi hai hạm đội hàng không mẫu hạm đến để đối đầu với Trung Cộng trong cuộc Khủng hoảng Đài Loan năm 1996. Nó rõ ràng là để gửi một thông điệp không nhầm lẫn được về quyết tâm của Washington.

Nhưng quyết tâm làm gì?

Chúng ta có hai kịch bản. Một kịch bản là Bắc Kinh không làm gì để phản ứng với phán quyết ngoài việc đưa ra những lời bác bỏ hùng hồn. Họ không lùi lại trong những gì họ đã làm trước đây, nhưng không có một hành động tức thời nào hay cố gắng công khai mới để nới rộng ảnh hưởng hay tăng cường vị thế của họ trong các khu vực tranh chấp. Trong hoàn cảnh đó, không có hành vi khiêu khích của Trung Cộng, thật khó có thể thấy Hoa Kỳ làm gì được mặc dầu lực lượng sẵn sàng.

Trong kịch bản thứ nhì, Trung Cộng quyết định có một phản ứng mạnh mẽ hơn đối với phán quyết từ La Haye. Chẳng hạn như tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không trên toàn Biển Đông, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông hồi năm 2013. Hay họ có thể bắt đầu xây một đảo nhân tạo nữa và lập một căn cứ nữa trên Đá Scarborough, như họ đã làm trong hai năm nay. Trung Cộng chỉ mới chiếm được bãi cạn này, vốn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và còn có thể gọi là cận hải nữa, từ tay Philippines mới từ năm 2012.

Hoa Kỳ đã thẳng thắn khuyến cáo Trung Cộng đừng có những bước như vậy và việc điều động quân đội đến rõ ràng là để hỗ trợ cho những khuyến cáo đó. Nó có vẻ là một thông điệp nói là Hoa Kỳ sẵn sàng đối diện bằng vũ lực nếu Trung Cộng nới rộng kiểm soát ở Biển Đông. Lối “nói thẳng” đó đã thành công ở Đài Loan cách đây 20 năm. Nhưng lúc đó Trung Cộng không có cách gì để đánh chìm các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Mọi sự nay khác rồi: bất cứ một đụng độ quân sự nào với Trung Cộng cũng có nguy cơ bùng nổ và có thể gây thiệt hại lớn cho cả hai bên.

Có thể Tổng Thống Barack Obama, thận trọng và chủ hòa, sẽ không chấp nhận nguy cơ đó. Nhưng Hoa Kỳ sắp có một tân tổng thống vào tháng 11 tới đây và đến tháng Giêng năm 2017, người đó sẽ nhậm chức. Cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump đều có chủ trương hiếu chiến hơn ông Obama. Sự việc này sẽ làm cho tình hình khó tiên đoán hơn.

Nếu Trung Cộng coi việc triển khai lực lượng của Hoa Kỳ chỉ là một đòn tượng trưng thôi. Và câu hỏi là nếu Bắc Kinh nghĩ là Hoa Kỳ thực sự không dám đối đầu với họ, thì liệu họ có thúc đẩy những hành động vô cùng khiêu khích hay không?

Washington có thể phải đối diện với hai lựa chọn. Hoặc là đầu hàng, do đó công nhận ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong vùng của Trung Cộng và sự suy yếu trong vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với vùng, hay là họ tung lực lượng để đối đầu sẵn sàng ứng chiến nếu đụng độ, một cuộc đụng độ rất dễ leo thang thành chiến tranh.

Ngược lại liệu Bắc Kinh có dám coi Washington là cọp giấy không? Và chuyện đó chúng ta phải chờ sau ngày 12 tháng 7 tới đây.

MỚI CẬP NHẬT