Thursday, April 25, 2024

Đá Ba Đầu – kịch bản Scarborough tái diễn?

Hiếu Chân/Người Việt

Vài ngày gần đây, một rạn san hô nhỏ lúc chìm lúc nổi giữa Biển Đông có tên là đá Ba Đầu nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa bỗng nổi lên thành một sự kiện quốc tế, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới như là một dấu hiệu leo thang căng thẳng giữa các nước liên quan như Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, thậm chí là một phép thử với chính phủ còn non trẻ của Tổng Thống Joe Biden của Hoa Kỳ.

Đá Ba Đầu, tên quốc tế là Whitsun Reef. (Hình: en.wikipedia.org)

Đá Ba Đầu, theo cách gọi của người Việt, tên quốc tế là Whitson Reef hoặc Whitsum Reef, người Philippines gọi là Julian Felipe, còn người Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu (牛轭礁;). Đây là một rạn san hô hình chữ V, tổng diện tích khoảng 10 cây số vuông, ở vị trí 9.6 độ vĩ Bắc, 114 độ kinh Đông, không có người ở, không nổi hẳn trên mặt biển và do đó không thuộc chủ quyền của nước nào.

Nhưng về vị trí địa lý nó có thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines, cũng có thể thuộc về cụm đảo Sinh Tồn mà Việt Nam hiện kiểm soát đảo lớn nhất. Do đá Ba Đầu có vị trí chiến lược trên con đường vận tải từ bắc xuống nam quần đảo Trường Sa, sớm hay muộn cũng sẽ có một nước xâm chiếm nó dù Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (Code of Conduct – gọi tắt là COC) quy định không nước nào được chiếm hữu các đảo, đá, bãi cạn không có người ở trong quần đảo Trường Sa.

Thời điểm xâm chiếm đó có thể đã bắt đầu từ năm ngoái khi một số tàu đánh cá của Trung Quốc liên tục xuất hiện và neo đậu tại rạn san hô này. Tuần trước phi cơ tuần tiễu của Phi phát hiện hơn 220 tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu thành một nhóm trong vùng nước của đá Ba Đầu. Các đội tàu này trông bề ngoài có vẻ giống tàu đánh cá thông thường nhưng chúng “không thực sự đánh cá” mà tập trung dàn đội hình san sát nhau theo chiều ngang và bật đèn màu trắng suốt đêm khi trời tối, theo báo cáo của tuần duyên Philippines.

Hôm 21 Tháng Ba vừa qua, ông Delfin Lorenzana, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ra tuyên bố khẳng định đây là tàu dân quân biển của Trung Quốc, hành động có tính chất khiêu khích trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi, yêu cầu Bắc Kinh rút hết tàu ngay lập tức và cảnh cáo Philippines sẽ có hành động thích hợp. “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc xâm nhập và rút ngay lập tức các tàu đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Philippines,” Bộ Trưởng Lorenzana tuyên bố, theo Reuters. Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng đã gửi công hàm ngoại giao phản đối tới Trung Quốc. Về phần mình, chính phủ Bắc Kinh nói rằng, đây là tàu đánh cá của ngư dân, không phải là tàu dân quân biển, neo đậu để tránh biển động nhưng đến nay vẫn chưa chịu rút tàu đi.

Cần lưu ý rằng, để xâm chiếm Biển Đông mà không gây phản ứng mạnh của quốc tế, Trung Quốc sử dụng thủ đoạn gọi là “vùng xám” hay “chiến thuật bắp cải,” trong đó ngư dân được trang bị vũ khí nhẹ và thiết bị viễn thông kết nối với mạng định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc, được chính quyền tài trợ chi phí xăng dầu, lương thực được coi là đội ngũ “tiền quân,” có nhiệm vụ vừa đánh bắt cá, vừa theo dõi tình hình các vùng biển, báo cáo thông tin cho quân đội Trung Quốc trên đất liền và chèn ép, đe dọa ngư dân các nước láng giềng trên Biển Đông.

Hậu thuẫn cho đội tàu dân quân biển đông hàng ngàn chiếc này có lực lượng “trung tuyến” là các hạm đội cảnh sát biển (Hải Cảnh), kiểm ngư được trang bị mạnh hơn nhiều nhưng vẫn được coi là lực lượng thực thi pháp luật dân sự. Đằng sau hai lực lượng “tiền quân” và “trung tuyến” này có Hải Quân Trung Quốc với đội tàu mặt nước và tàu ngầm hùng hậu mà Hải Quân các nước ven Biển Đông không phải là đối thủ. Thông thường, trong các vụ chèn ép và lấn chiếm lãnh thổ các nước khác, chỉ cần đội dân quân biển và Hải Cảnh Trung Quốc ra tay, dù đó là khi xua đuổi tàu đánh cá, tàu thăm dò dầu khí hay hộ tống các tàu thăm dò và giàn khoan biển sâu của Trung Quốc; Hải Quân hầu như chỉ bí mật hậu thuẫn mà không xuất đầu lộ diện.

Thủ đoạn sử dụng tàu đánh cá và tàu dân quân biển để chiếm đảo của Trung Quốc đã có từ lâu mà vụ xung đột Scarborough năm 2012 là một ví dụ. Bãi Scarborough mà Philippines gọi là Panatag Shoal, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo, còn Việt Nam gọi là bãi Cỏ Rong, là một rạn san hô hình tam giác khép kín bao bọc một vùng nước bên trong, nằm gần đảo lớn Luzon và là một phần của tỉnh Zambales của Philippines. Trung Quốc đòi chủ quyền rạn san hô này vì cho rằng nó nằm trong phạm vi đường lưỡi bò chín đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Ngày 8 Tháng Tư, 2012, phi cơ tuần thám của Hải Quân Philippines phát hiện tám tàu đánh cá Trung Quốc đậu trong vùng nước của bãi Scarborough; tàu tuần dương BRP Gregorio del Pilar của Hải Quân Phi được cử tới khu vực. Ngày 10 Tháng Tư, tàu BRP Gregorio del Pilar kiểm tra các tàu đánh cá Trung Quốc và phát hiện nhiều san hô, con ba ba, cả cá mập sống trên các tàu này; Hải Quân Phi cố bắt giữ ngư dân Trung Quốc vi phạm đánh cá bất hợp pháp nhưng bị hai tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu 75 và 84 tới ngăn trở.

Bãi Cỏ Rong, Scarborough. (Hình: en.wikipedia.org)

Vụ đụng độ ở rạn san hô Scarborough nhanh chóng biến thành xung đột giữa hai nước, người dân mỗi nước đều tổ chức biểu tình trước cơ quan đại diện ngoại giao của đối thủ, các nhóm tin tặc (hackers) tấn công mạng điện toán của chính phủ đối phương, kéo dài nhiều tháng. Trung Quốc tỏ ra có lợi thế hơn hẳn khi Bắc Kinh liên tục tung ra những cú đấm kinh tế như đơn phương cấm nhập cảng trái cây (chuối, thơm) của Philippines, đình chỉ các tour du lịch tới các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Phi…

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải và một thỏa thuận ba bên được ký kết, theo đó Trung Quốc và Philippines cùng rút lực lượng ra khỏi khu vực và đàm phán về vấn đề chủ quyền của Scarborough. Chính phủ Manila thời Tổng Thống Benigno Aquino III rút quân theo thỏa thuận nhưng Trung Quốc chẳng những không rút đi mà tăng cường thêm nhiều tàu dân quân biển, cùng với tàu Hải Cảnh, thực tế đã chiếm đóng bãi Scarborough và cấm không cho ngư dân Phi lai vãng. Tổng Thống Aquino tuyệt vọng so sánh hành động của Trung Quốc với việc Đức Quốc Xã xâm lược và chiếm đóng Tiệp Khắc trước thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Sự bất lực của Hoa Kỳ thời Tổng Thống Barack Obama trước hành động xâm lược của Trung Quốc tại bãi Scarborough là yếu tố dẫn tới tâm lý thất vọng và chống Mỹ ở Philippines, làm nền tảng cho sự nổi lên của Tổng Thống Rodrigo Duterte sau này.

Tuy nhiên, vụ Scarborough cũng là yếu tố chính thúc đẩy chính phủ Philippines nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển (The International Tribunal for the Law of the Sea, ITLOS) vào Tháng Sáu, 2013, lần đầu tiên buộc Trung Quốc phải đối mặt trực tiếp với công pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Sang năm 2014, Bắc Kinh đề nghị rút lực lượng khỏi bãi Scarborough nếu Philippines rút đơn kiện ở ITLOS, nhưng Manila trả lời “như thế là không đủ.” Sau ba năm điều tra xét xử, ngày 12 Tháng Bảy, 2016, Tòa ITLOS ra phán quyết công nhận các yêu cầu của Philippines, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc cũng như các đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của tòa, thậm chí gọi văn bản phán quyết là “tờ giấy lộn!”

Lần này ngựa quen đường cũ, Bắc Kinh lại giở thủ đoạn đưa tàu đánh cá tới trấn đóng khu vực đá Ba Đầu, chờ Philippines đưa tàu Hải Quân tới để thổi bùng xung đột lên một bước mới. Không khó để nhận ra ý đồ của Bắc Kinh là chiếm đóng rạn san hô này như đã từng chiếm đóng bãi Scarborough; đi xa hơn họ có thể bồi đắp và biến bãi cạn này thành một hòn đảo nhân tạo rồi xây dựng căn cứ quân sự như đã làm với bảy đá và bãi cạn đã chiếm được từ tay Việt Nam năm 1988. Một căn cứ quân sự nữa của Bắc Kinh mọc lên ở vị trí đá Ba Đầu sẽ là một đòn hiểm đe dọa lãnh thổ cả Philippines và Việt Nam.

Trước mắt, bằng hành động neo đậu số lượng đông đảo tàu đánh cá tại một khu vực tranh chấp, Bắc Kinh đang gây sức ép rất lớn về tâm lý và ngoại giao lên các nước liên quan. Hôm 28 Tháng Ba, 2021, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết tweet khẳng định: “Hoa Kỳ đứng cùng với đồng minh Philippines của mình đối mặt với việc tập trung dân quân biển của Trung Quốc tại WhitsunReef. Chúng tôi sẽ luôn luôn đứng cùng với các đồng minh của mình, đấu tranh cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.”

Tuy nhiên, sự lên tiếng của Hoa Kỳ là không đủ nếu không kèm theo các hành động cụ thể, dù Washington hầu như không có lựa chọn tối ưu nào trong việc ngăn chặn hành động của Bắc Kinh leo thang căng thẳng ở Biển Đông mà không có nguy cơ gây ra xung đột vũ trang giữa hai lực lượng Hải Quân lớn nhất thế giới.

Giáo Sư Carl Thayer, là giáo sư danh dự và là thành viên thỉnh giảng của Trường Nhân Văn và Khoa Học Xã Hội, Đại Học New South Wales tại Học Viện Quốc Phòng Úc ở Canberra, cho rằng Trung Quốc muốn chứng minh cho ông Duterte rằng Mỹ không thể có hành động thực tế trong việc đẩy các con tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển tranh chấp và vì vậy ông Duterte chỉ nên công nhận sức mạnh của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh thành công trong việc ngăn cản Mỹ và Philippines xích lại gần nhau trong chiến lược củng cố đồng minh mà Tổng Thống Joe Biden đề ra thì điều đó sẽ tạo một trở ngại không nhỏ cho các nước đồng minh Châu Á đang cần Mỹ chống lưng để đối phó với thế lực bành trướng của Trung Quốc. [qd]

MỚI CẬP NHẬT