Dân Mỹ còn kỳ thị hay không?

Ngô Nhân Dụng

Người Mỹ thường hay hãnh diện nghĩ rằng quốc gia họ được lập lên trên những căn bản đạo lý, có thể làm gương cho cả loài người. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đề cao quyền bình đẳng giữa con người, ai cũng phải được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Sau biến cố chết người tại Charlottesville, Virginia, các đại biểu Quốc Hội Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đã nói rõ không thể chấp nhận phong trào kỳ thị chủng tộc của một nhóm nhỏ người da trắng. Ngoại Trưởng Rex Tillerson cũng mới nói trên ti vi rằng những lời so sánh lúc đầu của Tổng Thống Donald Trump chỉ là “ý khiến riêng của ông.” Ông Tillerson nhấn mạnh: Kỳ thị chủng tộc không phải là điều dân tộc Mỹ coi là giá trị đáng nêu cao. Trong hai lần phát biểu, ông Trump có ý coi đám Tân Quốc Xã, Da Trắng Ưu Việt, và KKK ngang hàng với những người biểu tình phản đối họ. Giữa hai lần đó, Tổng Thống Trump có đọc một bản tuyên cáo lên án các nhóm kỳ thị này.

Nhưng một vị tổng thống Mỹ, ngoài trách nhiệm quản trị quốc gia, xã hội, có bổn phận phải nêu cao một lý tưởng nào cho dân chúng noi theo hay không?

Trong lịch sử Mỹ, các vị tổng thống đều tự nhận trách nhiệm đề cao các quy tắc đạo lý làm gương cho cả nước. Trước mặt thế giới, họ đóng vai đại biểu cho các giá trị dân Mỹ tôn thờ.

Tổng Thống Ronald Reagan nhiều lần dùng hình ảnh một “thị trấn sáng rực trên ngọn đồi” (shining city on a hill) để mô tả nước Mỹ trên trái đất. Trong một bài diễn văn năm 1989, ông Reagan xác định nước Mỹ “vẫn là ngọn hải đăng, là khối nam châm thu hút tất cả những người khao khát tự do…” Giống như năm 1965, Phạm Duy dám mơ ước: “Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế giới!”

Khi nước Mỹ tham dự các cuộc đại chiến thế giới trong thế kỷ 20, các tổng thống Wilson và Franklin D. Roosevelt đều nêu lý do nước Mỹ muốn bảo vệ các quyền tự do, bình đẳng và phẩm giá con người. Vì những lý tưởng đó mà quân Mỹ tham chiến, giải phóng các dân tộc mất tự do.

Abraham Lincoln được coi là một vị tổng thống bao dung. Sau cuộc nội chiến 1861-1865 với rất nhiều đau thương và thù hận, ông kêu gọi dân Mỹ hãy băng bó vết thương và “không thù ghét một ai; nhân từ với tất cả; và kiên quyết bảo vệ lẽ phải.”

Cuộc cách mạng tin học ngày nay khiến ai cũng có dịp tiếp cận với tất cả mọi người, biết mọi biến cố, mọi thông tin, mọi quan điểm từ khắp thế giới. Có lẽ dân chúng nước nào cũng thấy cần một vị tổng thống đứng ra làm “ngọn hải đăng” soi sáng các giá trị đạo đức thâm thiết của họ.

Gần đây nhất, Tổng Thống George W. Bush, nói chuyện ở Quốc Hội sau vụ tàn sát 11 Tháng Chín năm 2001, đã cẩn thận nhấn mạnh rằng chiến dịch của ông chống những nhóm khủng bố cực đoan theo đạo Hồi (Islam) không có nghĩa rằng chính phủ ông, và nước Mỹ, chống tôn giáo của họ. Ông Bush gửi một thông điệp chính thức, tới thế giới Hồi Giáo và dân chúng Mỹ: “Chúng tôi kính trọng niềm tin của quý vị. Đó là một tín ngưỡng được bao nhiêu triệu người Mỹ thực hành, cũng như trong bao nhiêu quốc gia là bạn của nước Mỹ. Niềm tin của quý vị dạy điều thiện và hòa bình; những kẻ nhân danh Thượng Đế Allah đi phạm điều ác, chính họ đang báng bổ Đấng Allah.”

Những vị tổng thống Mỹ, trước thời Tổng Thống Donald Trump, đều tìm cơ hội xiển dương đức bao dung trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, không kỳ thị chủng tộc, phải tôn trọng quyền bình đẳng giữa các mầu da, các giai cấp, giữa người nam và người nữ, vân vân.

Ông Donald Trump là vị tổng thống đầu tiên tỏ ra không quan tâm đến vai trò đó. Ông có vẻ chú tâm đến vận động tranh cử năm 2020 hơn là đóng vai trò lãnh đạo tinh thần cho dân chúng.

Khi biết những người biểu tình ở Charlottesville trưng cờ Quốc Xã, đả kích người Do Thái, mang súng và những biểu ngữ đề cao chủng tộc da trắng, ông Trump vẫn coi như họ ngang hàng với những người phản đối họ, không có lỗi nào nặng hơn. Ngay lập tức, thủ lãnh của các nhóm Da Trắng Độc Tôn và KKK đã thông báo cho đàn em biết: Ông Trump không chống chúng ta! Họ đã được khuyến khích, tiếp tục con đường họ đang theo. Trước khi đến Charlottesville, lãnh tụ đám Da Trắng Độc Tôn đã từng tuyên bố rằng họ đang làm theo ý muốn của Tổng Thống Trump. Ngày hôm sau, ông Trump đọc một bản tuyên bố chống các chủ trương da trắng độc tôn, nhưng sang một ngày sau đó, ông nhắc lại tất cả những điều ông nói lúc đầu! Ngoài các nhà chính trị, giới lãnh đạo kinh doanh, chỉ huy bốn binh chủng trong quân đội Mỹ đều tỏ thái độ không bằng lòng.

Nhưng còn dân chúng Mỹ thì sao? Họ có sống như các quy tắc bao dung các chủng tộc và tôn giáo như các vị tổng thống trước đây vẫn đề cao hay không?

So sánh các cuộc nghiên cứu dư luận 50 năm gần đây cho ta thấy rất đáng mừng: Dân Mỹ ngày càng tỏ ra có thái độ bao dung rộng lượng đối với những người khác mình, khác trên rất nhiều phương diện, không phải chỉ khác màu da.

Thí dụ, người ta hay đặt câu hỏi: ông/bà nghĩ sao về hôn nhân giữa những người khác chủng tộc? (Interracial marriage, người nghe nghĩ tới mầu da đen hoặc trắng). Trước đây gần 50 năm, cuộc nghiên cứu của viện Gallup cho thấy 73 phần trăm dân Mỹ không chấp nhận người da trắng và da đen lấy nhau, rất nhiều người da đen cũng trong số đó. Đó là năm 1968, chỉ có 20% dân Mỹ coi hôn nhân dị chủng là bình thường.

Nhưng tới năm 2013, tình trạng đã đảo ngược: 87% dân Mỹ coi hôn nhân dị chủng là bình thường, chỉ có 11% vẫn chống.

Theo viện nghiên cứu Pew Research Center thì hiện nay có 7% người Mỹ xác nhận họ lai nhiều chủng tộc khác nhau; tỷ lệ trong giới trẻ cao hơn. Phần lớn dân da mầu không cảm thấy màu da gây trở ngại khi cần thăng tiến trong xã hội. Ba phần tư cho biết mầu da không ảnh hưởng gì tới cuộc sống hàng ngày và công việc họ làm, trong khi 20% còn nghĩ đó là một lợi thế!

Bên cạnh vấn đề chủng tộc, số người Mỹ chấp nhận những cách sống khác mình cũng gia tăng, bao dung cả những hành vi trái ngược với đạo lý và niềm tin của mình. Thái độ của đa số dân Mỹ đã thay đổi nhiều trong các vấn đề như ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính theo chiều hướng ngày một rộng lượng hơn.

Những thái độ bao dung đó có khiến xã hội suy đồi hay không?

Song song với những quan niệm sống thay đổi, nước Mỹ cũng hiền hòa hơn.

Hiện nay, tỷ lệ tội phạm và vợ chồng ly dị trong nước Mỹ đã giảm xuống bằng những năm 1970, sau mấy thập niên gia tăng. Năm 2014, tỷ số phụ nữ phá thai đã xuống mức thấp nhất kể từ sau năm 1973, khi Tối Cao Pháp Viện, đi ngược với ý kiến những người Mỹ muốn bảo vệ niềm tin tôn giáo, đã phán rằng quyền phá thai không trái với Hiến Pháp Mỹ.

Trong hơn một thập niên đầu thế kỷ 21, người ta thấy nhiều hiện tượng xấu đã đi xuống: nước Mỹ giảm bớt bạo lực, người Mỹ bớt phá thai, bớt ly dị, và số con hoang, những trẻ sinh ngoài hôn nhân, cũng giảm bớt.

Xã hội Mỹ cải thiện về mặt đạo đức, thấy rõ trong các chỉ số đời sống văn hóa, trong Index of Leading Cultural Indicators được nêu trên đây. Qua các cuộc phỏng vấn, thấy đa số người Mỹ cũng bao dung, rộng lượng hơn đối với người khác.

Hai hiện tượng trên không thể nói cái nào là nhân, cái nào là quả. Cả hai có thể ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Cả hai đều là hậu quả của những làn sóng thông tin mở rộng, thông tin đa dạng phơi bầy nhiều sự kiện cũng như quan điểm đối nghịch. Mạng thông tin nối kết người với người. Thông tin cũng giúp nền giáo dục không ngừng cải thiện. Nhờ những tiến bộ đó, tiếng nói của Thiện đang thắng Ác; xóa bỏ dần những thói quen đố kỵ, thù hận, sân si.

Mời độc giả xem bình luận “Afghanistan, Mỹ, Nga, Iran”(Phần 1)