Thursday, March 28, 2024

G7 và NATO trước thách thức từ Trung Quốc

Hiếu Chân/Người Việt

Hội nghị thượng đỉnh bảy nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc ở Đức thì hội nghị 30 nước thành viên Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khai mạc ở Madrid, Tây Ban Nha.

Tổng Thống Joe Biden (giữa) và các lãnh đạo Đức, Pháp, Canada, Ý, Ủy Ban Châu Âu (EC), Nhật và Anh tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 diễn ra tại Bavaria, Đức, hôm 28 Tháng Sáu. (Hình minh họa: Brendan Smialowski/Pool/AFP via Getty Images)

Tuy thành phần tham dự và nội dung khác nhau nhưng hai hội nghị quan trọng này có điểm chung là đều nhắm ứng phó mối đe dọa của liên minh chuyên chế Nga-Trung Quốc, duy trì cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có nguy cơ bị lật nhào do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và âm mưu bành trướng lãnh thổ ở châu Á của Trung Quốc.

Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và bộ sậu an ninh quốc gia của ông tham dự cả hai hội nghị.

G7 và chiến lược đầu tư hạ tầng toàn cầu

Ngoài những cam kết viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho cuộc kháng chiến của Ukraine “đến chừng nào nước này còn cần,” gia tăng các biện pháp cấm vận kinh tế Nga về dầu khí và vàng để làm cạn kiệt ngân sách nuôi dưỡng chiến tranh của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, hội nghị thượng đỉnh G7 còn có một nội dung quan trọng là mở chương trình đầu tư lớn cho các nước đang phát triển, nhắm cạnh tranh với thế lực của Trung Quốc.

Mở màn ngày đầu tiên của hội nghị G7 tại lâu đài Elmau, vùng Bavaria của Đức, đích thân Tổng Thống Joe Biden thông báo đề nghị của Hoa Kỳ huy động $600 tỷ trong năm năm cho dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn trên toàn cầu, có tên Đối Tác Đầu Tư và Hạ Tầng Toàn Cầu (PGII). Dự án sẽ huy động các nguồn vốn chính phủ và tư nhân của các nước công nghiệp để phát triển đường sá, cầu cống, giáo dục và y tế – tập trung vào việc phát triển nguồn năng lượng sạch ở các nước nghèo Châu Á và Châu Phi. Trong số vốn $600 tỷ này, Hoa Kỳ cam kết đóng góp $200 tỷ, Liên Minh Châu Âu (EU) $300 tỷ, Nhật $65 tỷ và Canada góp phần còn lại.

Nhưng chiến lược PGII có một mục đích chính trị: cạnh tranh với đại dự án “Con Đường Tơ Lụa Mới” mà Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào trong nhiều năm qua. Các dự án của Trung Quốc cũng tập trung xây dựng đường sá, cầu cống, hải cảng ở các nước nghèo, sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc. Một số dự án hạ tầng như vậy có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các nước này, nhưng phần lớn các dự án vay vốn Trung Quốc càng ngày càng lộ rõ là những chiếc “bẫy nợ,” cột chặt các nước này vào guồng máy chính trị của Trung Quốc. Số phận của Sri Lanka – phải để cho Trung Quốc kiểm soát hải cảng Hannatoba lớn nhất nước trong 99 năm do không trả được nợ – hoặc của Lào, một nước sắp bị vỡ nợ sau khi vay hàng tỷ đô la xây đường sắt cao tốc Côn Minh-Viêng Chăn… là những ví dụ.

Tại Elmau, một giới chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ nhận định, nhiều nước vay tiền của Trung Quốc “hiện đã nhận ra rằng họ mắc nợ nhiều hơn, sản lượng kinh tế của họ không tăng đáng kể và những khoản được gọi là đầu tư này đã không giúp được người dân.”

Và ông tin rằng, chiến lược PGII sẽ có tác động tốt trong việc chiếm lĩnh trái tim và khối óc của người dân các nước nghèo, giúp khối dân chủ chiến thắng khối chuyên chế Nga-Trung trong cuộc cạnh tranh ý thức hệ. Những giá trị mà dân chủ mang lại là sự minh bạch, tôn trọng các chuẩn mực xã hội và môi trường – những điều mà các nước tố cáo bị Bắc Kinh làm ngơ.

Thật ra, chiến lược PGII không phải là sáng kiến từ trên trời rơi xuống hoặc sản phẩm ngẫu hứng của các chính trị gia ở Washington mà có nguồn gốc từ quan hệ Xây Dựng Lại Thế Giới Tốt Đẹp Hơn (Build Back Better World) đã được đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Carbis Bay, Anh, có mục đích huy động một lượng lớn vốn tư nhân từ các nền dân chủ công nghiệp hóa để phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo dựa trên các giá trị dân chủ về tính minh bạch, tính toàn diện và tính bền vững.

Đối với Châu Á, ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, nhấn mạnh rằng sự phát triển cơ sở hạ tầng có phẩm chất cao là rất quan trọng đối với việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở – mục tiêu mà các nước G7 hướng tới. Ông cam kết đóng góp $65 tỷ trong năm năm tới cho các chương trình PGII.

Việt Nam có cơ hội nhưng tận dụng được không

Loạt dự án đầu tiên của chương trình PGII sẽ tập trung hỗ trợ bốn nước Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam loại bỏ dần các nguồn năng lượng ô nhiễm, hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo được. Hình mẫu cho các dự án này là Nam Phi, được các nước G7 và EU cam kết hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, sử dụng các công nghệ sạch hơn, với nguồn vốn đầu tư $8.5 tỷ thỏa thuận tại hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP26 vào năm ngoái.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, Ấn Độ xếp thứ ba và Indonesia xếp thứ bảy trong danh sách các nước phát ra nhiều khí thải gây ô nhiễm không khí làm trái đất nóng lên nhất dù tỷ lệ khí thải tính theo đầu người của các nước này vẫn thấp hơn các nước công nghiệp phát triển.

Con số $600 tỷ mà G7 cam kết cho chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng thực ra chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của các nước nghèo. Ngân hàng Phát Triển Châu Á cho biết, chỉ riêng Châu Á mỗi năm đã cần đến $1,700 tỷ để duy trì tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhưng ít còn hơn không. Trở ngại nằm ở chỗ khác: Đa số các nước đang phát triển đều có thể chế chính trị kém minh bạch và tham nhũng tràn lan. Việc đưa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “minh bạch, toàn diện và bền vững” như yêu cầu của các nước G7 sẽ khó được các chính phủ địa phương ủng hộ và thực hiện, cho dù dự án là thiết thực đối với đất nước họ.

Một ví dụ là ở Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện đốt than đá gây ô nhiễm, sử dụng công nghệ lỗi thời của Trung Quốc vẫn được xây khắp các vùng biển, từ Rạch Giá, Bình Thuận đến Hà Tĩnh trong khi các dự án điện mặt trời, điện gió thì sống dở chết dở vì không nối được vào hệ thống lưới điện quốc gia do Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) quản lý. Vấn đề chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam chậm chạp không phải do thiếu vốn đầu tư mà do thể chế chính trị và tham nhũng. Cũng có thể nói tới tình hình tương tự ở Ấn Độ, Indonesia… là những nước được nhóm G7 chọn để bắt đầu các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng PGII nói trên.

Bóng ma NATO Châu Á

Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa khai mạc và sẽ kéo dài tới hết ngày 30 Tháng Sáu nên chưa có nhiều thông tin. Điều đáng chú ý là hội nghị năm nay không chỉ có nguyên thủ 30 nước thành viên ở ven bờ Đại Tây Dương (gồm EU và Bắc Mỹ) như tên gọi và tôn chỉ của tổ chức NATO mà lần đầu tiên có sự tham dự của một số nước Châu Á: Nhật, Nam Hàn, Úc và New Zealand. Sự hiện diện của bốn nhà lãnh đạo Châu Á tại Madrid đã khiến Bắc Kinh nổi giận và phản ứng mạnh.

Theo những thông tin ít ỏi trong ngày đầu hội nghị, trong hướng dẫn chính sách mới của NATO cho thập niên sắp tới, liên minh này sẽ coi Trung Quốc là một “thách thức mang tính hệ thống,” phản ảnh những thay đổi về địa chính trị khi ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, bắt tay với ông Putin để chống lại các nền dân chủ trên thế giới.

Cho đến nay Trung Quốc vẫn không lên án cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine mà đổ lỗi cho NATO mở rộng về hướng Đông đe dọa an ninh của Nga, đồng thời tố cáo Mỹ đang tìm cách thiết lập một liên minh “NATO Châu Á” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tuần trước có sự tham dự của ông Putin, ông Tập lên án Mỹ đang tìm cách mở rộng liên minh quân sự và chia rẽ nền kinh tế thế giới thành các vùng đặc quyền khép kín. Ông cảnh báo “những người bị vị thế của sức mạnh ám ảnh” sẽ “chỉ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.”

Sau khi hội nghị NATO khai mạc hôm Thứ Ba, 28 Tháng Sáu, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói NATO đã trở thành một “công cụ để một số quốc gia duy trì quyền bá chủ. Sau khi phá vỡ Châu Âu, NATO không nên cố gắng gây bất ổn cho Châu Á và toàn thế giới.”

Trong khi đó, các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ ở Châu Á không tin sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã gia tăng hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan và hung hăng hơn ở các vùng lãnh thổ tranh chấp ngoài bờ biển của họ từ Nhật đến Indonesia. Trung Quốc đã quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa, bí mật thúc đẩy hợp tác an ninh với các đảo quốc Thái Bình Dương gần nước Úc, mở căn cứ hải quân ở Cambodia và châm ngòi cuộc chiến biên giới đẫm máu với Ấn Độ.

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo Châu Á tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO cũng như Hoa Kỳ và Châu Âu, đều không có ý định thành lập một liên minh “NATO Châu Á” như cáo buộc của Trung Quốc.

Trái bóng ở trong chân Bắc Kinh

Thực tế, chính quyền Biden đã củng cố quan hệ với các đối tác trong khu vực để chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, trừng phạt các quan chức vi phạm nhân quyền ở những nơi như Tân Cương và Hồng Kông. Washington cũng đẩy mạnh hợp tác với nhóm Bộ Tứ (QUAD – gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc), nhóm AUKUS (Mỹ, Úc và Anh) nhưng những diễn đàn đối thoại này không phải là liên minh phòng thủ đa phương kiểu NATO.

Mấy chục năm trước, trong thời Chiến Tranh Việt Nam, Hoa Kỳ và một số cường quốc đã thành lập khối Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization – SEATO) tương tự như NATO ở khu vực để ngăn cản làn sóng đỏ của chủ nghĩa Cộng Sản Xô-Trung tràn xuống Đông Nam Á; nhưng tổ chức này gặp nhiều vấn đề và đã tan rã năm 1977. Kể từ đó không ai có ý định tái lập một liên minh quân sự đa phương như vậy nữa.

Tất cả các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ ở Châu Á – với Nhật, Nam Hàn, Philippines và Úc – đều là hiệp ước song phương và đã có từ nhiều thập niên; gần đây được củng cố do mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhật là nơi có lực lượng lớn quân đội Mỹ đồn trú. Các hành động của Trung Quốc tranh chấp quần đảo Senkaku – mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư – đã thúc đẩy thủ tướng nhật nâng cấp quân đội, tăng cường chi tiêu quốc phòng vượt quá giới hạn 1% tổng sản phẩm quốc nội áp dụng nhiều năm nay.

Nam Hàn cũng ở vị trí tương tự. Ông Yoon Suk Yeol, tổng thống, một người bảo thủ mới đắc cử, đã tìm cách gắn kết đất nước của mình chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu, để “bảo vệ lợi ích của Nam Hàn trước sức ép của Bắc Kinh trong trường hợp ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương suy giảm trong dài hạn,” ông Cheon Seong-whun, cựu thư ký chiến lược an ninh của văn phòng tổng thống Nam Hàn cho biết.

Tại Úc, ông Anthony Albanese, thủ tướng vừa nhậm chức vào tháng trước, đã cảnh báo Trung Quốc phải rút ra bài học từ “thất bại chiến lược” của Nga ở Ukraine để cân nhắc khi hành động ở Châu Á.

Nếu như ở Châu Âu, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã khiến NATO đoàn kết và mạnh lên thì ở Châu Á chưa có dấu hiệu các nước sẽ tham gia vào một hiệp ước phòng thủ tập thể như vậy chừng nào Trung Quốc chưa động binh gây chiến ở Đài Loan và một số nơi khác. Ngoài các nước đồng minh lâu đời của Mỹ như Nhật, Nam Hàn, Úc và Philippines, các nước Đông Nam Á như Việt Nam không muốn chọn bên trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc.

Có hay không có một “NATO Châu Á” – điều đó tùy thuộc vào cách ứng xử của chính Trung Quốc. [qd]

MỚI CẬP NHẬT