Wednesday, April 24, 2024

Không nên đùa về bom nguyên tử

Ngô Nhân Dụng

Ngày Thứ Sáu, chính quyền Nam Bắc Hàn đã đồng ý sẽ gặp nhau trong tuần tới, sau khi ông Kim Jong Un chấp nhận sẽ gửi một đoàn lực sĩ tham dự Thế Vận Hội mùa Đông ở Pyeongchang thuộc miền Nam trong tháng tới.

Các quyết định trên diễn ra sau khi Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in điện đàm với Tổng Thống Mỹ Donald Trump ngày Thứ Năm, đồng ý quân đội hai nước ngưng tập trận ngoài khơi Hàn Quốc trong thời gian Thế Vận Hội. Mấy năm qua, ông Kim Jong Un vẫn tố cáo các cuộc thao diễn quân sự này là để chuẩn bị tấn công Bắc Hàn.

Ông Kim Jong Un đã ngỏ ý nối lại cuộc đối thoại Nam Bắc trong bài diễn văn ngày đầu năm Dương Lịch. Hai ngày sau, Bắc Hàn chịu tái lập đường “điện thoại nóng” giữa hai nước Cộng Sản và quốc gia tại vùng Phi Quân Sự, sau khi đã bị cắt gần hai năm. Trong hai năm đó, ông Kim Jong Un đã nhiều lần thí nghiệm bom nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa, đe dọa tấn công miền Nam và dọa phóng bom sang Mỹ. Tổng Thống Moon Jae-in luôn tỏ ra bình tĩnh, ôn hòa, chừng mực, trước thái độ và ngôn ngữ hung hăng của bạo chúa miền Bắc.

Tổng Thống Donald Trump ngay lập tức đã thông báo cho công chúng Mỹ biết công trạng của ông giúp đưa tới biến cố hòa hoãn ở Hàn Quốc. Ông “tuýt” rằng: “… Có ai nghĩ rằng các cuộc đối thoại giữa Nam và Bắc Hàn có thể xảy ra nếu tôi không tỏ ra mạnh mẽ và sẵn sàng sử dụng tất cả sức mạnh của chúng ta chống lại miền Bắc?” Ông viết thêm: “Ngốc, nhưng nói chuyện vẫn tốt hơn!”

Tháng Mười năm ngoái, khi Ngoại Trưởng Rex Tillerson tỏ ý sẵn sàng nói chuyện với ông Kim Jong Un, Tổng Thống Trump đã “tuýt” khuyên ông Tillerson đừng phí thời giờ nói chuyện với “Thằng bé Hỏa Tiễn,” một biệt hiệu ông đặt cho ông Kim Jong Un.

Trong ngày Thứ Sáu, sau khi công bố cuộc đối thoại Nam Bắc sắp tái diễn, ông Moon Jae-in đã tiếp một phái đoàn Hội Cao Niên, trấn an rằng chính phủ ông sẽ tăng cường khả năng quân sự để bảo vệ thể chế tự do dân chủ của dân chúng Đại Hàn Dân Quốc: “Tôi sẽ thúc đẩy đối thoại để gìn giữ hòa bình trên căn bản một khả năng quốc phòng hùng mạnh.”

Trong ngày lễ khai mạc lực sĩ hai miền có thể sẽ diễn hành chung, khai mạc ngày 7 Tháng Hai, 2018, dưới bảng hiệu một Hàn Quốc thống nhất.

Trong bài diễn văn đầu năm vừa qua, ông Kim Jong Un khoe đang có một “nút bấm nguyên tử” để phóng hỏa tiễn sang lục địa Mỹ Châu. Ngày hôm sau Tổng Thống Trump đã “tuýt” ngay câu trả lời: “Lãnh tụ Bắc Hàn mới khoe rằng ‘Nút nhấn nguyên tử lúc nào cũng sẵn sàng trên bàn giấy’ của hắn ta. Có ai trong cái chế độ đói khát thiếu thức ăn của hắn hãy báo cho hắn biết rằng tôi cũng có cái nút nhấn nguyên tử, nhưng nó to hơn và mạnh hơn cái của hắn, và nút nhấn của tôi chạy được!”

Câu “tuýt” có tính chất chế nhạo, khôi hài này có vẻ không cần thiết. Vì từ nửa thế kỷ nay thế giới đều biết sức mạnh kho vũ khí hạch tâm của nước Mỹ, kể cả nhà độc tài mập mạp của một nước nguyên tử tí hon. Ông Trump đã quen “tuýt như vậy” từ khi nhậm chức tổng thống. Mặc dù lối nói hài hước này không thích hợp khi nhắc đến thứ vũ khí có thể giết hàng triệu người trong chốc lát và sẽ gieo họa cho cả nhân loại trong nhiều thế hệ với các chất phóng xạ lưu cữu trong bầu khí quyển.

Nhà bình luận Peggy Noonan, trên nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo luôn luôn nghiêng về phía đảng Cộng Hòa, đã cảnh cáo rằng những điều Tổng Thống Trump “tuýt” vừa rồi rất nguy hiểm và có hại.

Thứ nhất, khi nêu ra khả năng một cuộc đánh và trả đũa bằng bom hạch tâm trên mạng xã hội, ông tổng thống làm cho người ta không còn thấy chiến tranh nguyên tử là một điều cấm kỵ cần tránh xa. Thứ nhì, nói đùa cợt về chiến tranh nguyên tử khiến người ta thấy chuyện đó có thể xảy ra và được chấp nhận dễ dàng hơn, một điều mà các vị tổng thống Mỹ trong nửa thế kỷ qua đều đồng ý phải tuyệt đối tránh.

Peggy Noonan nhận xét rằng, khoe khoang về sức mạnh như thế làm cho người ta nghĩ vũ khí hạch tâm cũng không khác gì các thứ vũ khí bình thường; trong khi bản chất chúng khác hẳn.

Bà Peggy Noonan nhắc đến hai vị tổng thống Mỹ, John F. Kennedy và Ronald Reagan khi nói đến vũ khí hạch tâm.

Ngày 13 Tháng Mười, 1986, sau khi ký thỏa ước giảm bớt vũ khí nguyên tử với nhà lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev tại Reykjavik, thủ đô Iceland, ông Ronald Reagan tuyên bố: “Tôi đến Reykjavik với quyết tâm thương lượng tất cả các điều kiện, trừ hai điều: quyền tự do và tương lai của chúng tôi. Tôi tin rằng điều này có thể tìm được con đường thương thuyết. Cửa đã mở, mối đe dọa của vũ khí hạch tâm có thể được giải trừ.”

Ngày 22 Tháng Mười, 1962, Tổng Thống John F. Kennedy lên ti vi báo cho dân chúng biết Nga Xô đã đưa hỏa tiễn tới Cuba, có thể đe dọa nước Mỹ, ông nói: “Chúng ta sẽ không liều lĩnh chấp nhận cái giá của một cuộc chiến tranh nguyên tử hoàn toàn vô ích, biết rằng sau cuộc chiến đó ngay những thành quả chiến thắng cũng tan thành tro bụi.”

Tháng Sáu, 1963, ông Kennedy nói với sinh viên Đại Học American University: “Chúng ta đi tìm một nền hòa bình như thế nào? Không phải là một thứ Hòa Bình Mỹ Quốc (Pax Americana) được áp đặt trên thế giới bằng vũ khí. Không phải là một nền hòa bình trên những nấm mồ và an ổn cho những nô lệ. Tôi muốn nói một nền hòa bình chân thực, thứ hòa bình khiến trái đất này là nơi đáng sống, nó giúp các dân tộc phát triển và mọi người nuôi hy vọng xây dựng tương lai cho con cháu sống cuộc đời tốt đẹp hơn. Không phải chỉ cho người Mỹ nhưng cho tất cả mọi người trên thế giới …”

Năm 1987, Tổng Thống Reagan cũng nói với ông Gorbachev, sau khi ký hiệp ước tài giảm vũ khí hạch tâm, rằng: “Tôi vẫn lắng nghe một câu tục ngữ cổ của người Nga. Tôi chắc ông tổng bí thư cũng nghe quen câu đó, tôi xin lập lại nhưng chỉ sợ tôi phát âm không đúng. Câu châm ngôn khôn ngoan nói rằng, ‘Dovorey no provorey’ – tin, nhưng phải kiểm chứng!”

Ông Gorbachev đáp: “Phiên họp nào ông cũng nhắc lại câu đó!” Reagan cười: “Bởi vì tôi thích câu đó.” Hai người cùng cười.

Bà Peggy Noonan thuật lại những câu chuyện trên và kết luận: “Đó là cung cách của các vị tổng thống Mỹ khi nói chuyện bom hạch tâm: thẳng thắn, sát sự thật, và rõ ràng minh bạch. Chúng ta người Mỹ không bao giờ muốn thấy thứ vũ khí đó được dùng lại.”

Bà nhận thấy Tổng Thống Donald Trump không theo thái độ nghiêm trang đó và ông sử dụng một thứ ngôn ngữ nguy hiểm, có thể khiến mối nguy tính toán sai lầm gây chiến tranh nguyên tử dễ xảy ra hơn. “Tổng Thống Trump muốn chọc đúng tim đen một tên lãnh tụ bệnh hoạn. Nhưng có nên chọc đúng tim một tên bệnh hoạn khi biết hắn xưa nay chỉ thích phóng hỏa tiễn dọa người ta hay không?”

Chúng ta biết Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in là người tỉnh táo và nghiêm trang hơn. Ông đối xử với ông Kim Jong Un với cung cách chín chắn và kiên nhẫn của người lớn trước thái độ hung hăng vô ý thức của một đứa trẻ. Ông đủ cương quyết dù rất mềm mỏng. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh nếu Mỹ muốn đánh Bắc Hàn thì phải hỏi ý kiến chính phủ Nam Hàn trước. Và chính phủ Mỹ chưa bao giờ từ chối. Ông Moon Jae-in đúng là một người lớn. (Ngô Nhân Dụng)

MỚI CẬP NHẬT