Thursday, April 18, 2024

‘Không tặc cấp nhà nước’ và những vụ bắt cóc

Hiếu Chân/Người Việt

Một sự kiện chưa từng có tiền lệ vừa xảy ra trên bầu trời Đông Âu gây ngạc nhiên cho cả thế giới: Tổng thống nước Belarus phái chiến đấu cơ lên chặn một phản lực cơ dân sự đang bay ngang không phận, buộc nó phải chuyển hướng và đáp xuống phi trường thủ đô Minsk chỉ để bắt một ký giả bất đồng chính kiến.

Người Belarus sống ở Ba Lan và người Ba Lan cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình trước Văn Phòng Ủy Ban Châu Âu ở Warsaw, Ba Lan, hôm 24 Tháng Năm, đòi tự do cho nhà báo Roman Protasevich bị tổng thống nước Belarus phái chiến đấu cơ cướp máy bay để bắt người. (Hình: Wojtek Radwanski/AFP via Getty Images)

Hành động bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế này đã khiến các chính phủ phương Tây phẫn nộ, lên án và áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus. Nhưng xem ra, không phải chỉ có chính quyền Belarus mới coi thường công pháp quốc tế mà hầu như các nước độc tài Cộng Sản và cựu Cộng Sản như Việt Nam cũng có những lối hành xử tùy tiện, vô pháp, miễn là đạt được mục đích của nhà cai trị. Đáng nói là cho đến nay lối hành xử đó vẫn chưa bị trừng phạt tương xứng, và do đó có thể tiếp tục tái diễn trong tương lai.

Chuyện là hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Năm, chiếc Boeing 737-8AS của hãng hàng không Ryanair mang quốc tịch Ba Lan chở theo 126 hành khách đang trên đường từ thủ đô Athens của Hy Lạp bay tới thủ đô Vilnius của Cộng Hòa Lithuania, một nước vùng Baltic, khi sắp rời không phận Belarus thì đột ngột bị một chiến đấu cơ Mig-29 của không quân Belarus áp sát, phi hành đoàn nhận được lệnh từ cơ quan kiểm soát không lưu Belarus yêu cầu quay lại vì có thể có chất nổ trên phi cơ. Dù lúc đó chiếc phi cơ đã ở gần Vilnius hơn, nhưng chiếc Boeing bị buộc phải chuyển hướng và đáp xuống phi trường Minsk.

Nhiều nhân viên an ninh lên phi cơ, đuổi hành khách xuống, kiểm tra mọi ngóc ngách và sau nhiều giờ tìm kiếm không thấy dấu vết của chất nổ, chiếc phi cơ được tiếp tục cuộc hành trình tới Vilnius. Có năm hành khách bị chính quyền Belarus giữ lại Minsk, trong đó có ký giả trẻ tuổi Roman Protasevich, một nhà báo đối lập, cùng với bạn gái của anh là nữ sinh viên Sofia Sapega; ba người kia được cho là nhân viên mật vụ của Belarus đã theo sát gót anh Protasevich từ khi còn ở Hy Lạp.

Hóa ra, câu chuyện phi cơ bị đặt bom chỉ là tin giả mà nhà cầm quyền Belarus tung ra để che giấu mục đích thật của sự việc là bắt giữ anh Protasevich theo lệnh của Tổng Thống Belarus Alexander Lukashenko – người cai trị Belarus từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1994 đến nay.

Roman Protasevich là ai mà nhà cầm quyền Belarus phải “nhọc lòng” như vậy? Protasevich thật ra chỉ là một ký giả Belarus 26 tuổi, đang tị nạn chính trị tại Lithuania. Ký giả Protasevich là một trong những nhà tranh đấu chống chế độ độc tài của Tổng Thống Alexander Lukashenko được Tổng Thống Vladimir Putin của nước Nga bảo trợ.

Hiện ông Protasevich phụ trách đài NEXTA – một mạng truyền thông xã hội nổi tiếng trên Telegram, Twitter và YouTube, có gần hai triệu người theo dõi, chuyên vạch trần sự tàn bạo của nhà cầm quyền Belarus trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm ngoái. Hồi Tháng Mười Một, 2020, tên của Protasevich bị đưa vào danh sách các cá nhân tham gia các hoạt động khủng bố và từ đó anh ta đã sống lưu vong ở Vilnius.

Nước Belarus – còn gọi là Bạch Nga [trong tiếng Nga, bela là màu trắng] vì 9.5 triệu người dân nước này có quan hệ chủng tộc gần gũi với người Nga – là một quốc gia thành viên trong Liên Bang Xô Viết cũ. Khi Liên Xô sụp đổ và chính thể Cộng Sản cáo chung đầu thập niên 1990, Belarus rơi vào chế độ độc tài.

Ông Lukashenko lên cầm quyền từ năm 1994 và sử dụng nhiều thủ đoạn chính trị, đàn áp dã man các tiếng nói đối lập, để duy trì quyền lực suốt 27 năm qua. Trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi Tháng Tám năm ngoái, ông Lukashenko thua phiếu bà Svetlana Tikhanovskaya, một nữ giáo viên bình thường có chồng bị bắt giam sau khi ghi danh ứng cử tổng thống.

Nhưng ông Lukashenko không chấp nhận kết quả bầu cử, kiểm phiếu gian lận để chiếm 80% số phiếu bầu và tiếp tục cầm quyền một cách bất hợp pháp. Một phong trào biểu tình phản kháng của người dân Belarus đã nổ ra khắp cả nước, kéo dài nhiều tháng.

Theo truyền thông quốc tế, đã có hơn 32,000 người biểu tình bị bắt, bốn người bị giết, hàng trăm người bị tra tấn trong tù. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 2,700 người bị bắt; các nhà đấu tranh đối lập hoặc đã bị bắt hoặc đã phải lưu vong ra nước ngoài.

Ký giả trẻ tuổi Roman Protasevich là một trong những người khuấy động và dẫn dắt phong trào phản kháng đó thông qua mạng xã hội, và vì thế anh trở thành kẻ thù không đội trời chung của Lukashenko.

***

Vụ bắt cóc chiếc phi cơ của hãng Ryanair để bắt giữ ký giả đối lập ngay lập tức bị phản đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu và tổ chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, viết trên Twitter hôm Chủ Nhật rằng những người chịu trách nhiệm về “vụ không tặc phải bị trừng phạt.” Bà der Leyen nói các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ thảo luận về “các hành động cần thực hiện” để trừng phạt Belarus.

Và trong cuộc họp hôm Thứ Hai, 24 Tháng Năm, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã yêu cầu các hãng hàng không EU không bay qua Belarus, đồng thời hứa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, như cấm hãng hàng không quốc gia Belair của Belarus bay vào không phận Châu Âu, cấm xe vận tải vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa Belarus và các nước EU như Ba Lan, Lithuania và Latvia, đồng thời xem xét ngừng khoản đầu tư 3 tỷ euro mà EU đã ký kết với Belarus. “Chúng tôi sẽ gây sức ép đối với chính quyền Belarus cho tới khi họ rốt cuộc phải tôn trọng tự do truyền thông, tự do báo chí và tự do bày tỏ ý kiến,” bà der Leyen nói.

Ngay sau khi vụ không tặc xảy ra, bà Julie Fisher, đại sứ Hoa Kỳ tại Belarus, cho biết: “Chế độ của ông Lukashenko ngày nay tỏ ra khinh thường cộng đồng quốc tế và công dân của họ.” “Việc giả mạo đe dọa đánh bom và cử MiG-29 đến Minsk để buộc @Ryanair tới Minsk nhằm bắt giữ một nhà báo @nexta với cáo buộc có động cơ chính trị là điều nguy hiểm và ghê tởm,” bà Fisher viết trên Twitter.

Từ Washington, Tổng Thống Joe Biden nhận xét vụ “không tặc cấp nhà nước” này là một hành động “thái quá” của chính quyền Belarus, đó là “một cuộc tấn công đáng xấu hổ với cả giới bất đồng chính kiến lẫn quyền tự do báo chí.”

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, thời điểm đó đang công du Bắc Âu, ra tuyên bố cho biết: “Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ hành động trơ trẽn và không thể chấp nhận của chế độ Lukashenko dùng máy bay quân sự ép đổi hướng một chuyến bay dân sự và bắt giữ một nhà báo. Chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế và đang phối hợp với các quốc gia thân hữu đưa ra hành động đáp ứng tiếp theo.”

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 24 Tháng Năm cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế minh bạch và độc lập về vụ cướp phi cơ này.

Chỉ có chính quyền Nga hoàn toàn giữ im lặng sau khi sự việc xảy ra. Sau đó Nga lên án những ai gán ghép vai trò của Nga trong hành động của nhà chức trách Belarus là hành động “Russophobia” (bài Nga).

***

Một ngày sau khi ký giả Roman Protasevich bị mật vụ Belarus lôi xuống khỏi phi cơ và bắt giam, truyền hình nhà nước Belarus chiếu cảnh anh Protasevich ngồi trước máy quay phim, thú nhận mình đã kích động những cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm ngoái! Đoạn phim được dàn dựng kéo dài nửa phút này là một “biện pháp nghiệp vụ” mà bộ máy mật vụ và bộ máy tuyên truyền của các chế độ độc tài Cộng Sản thường dùng để biện minh cho hành động phi pháp của nhà cầm quyền và vô hiệu hóa những người đấu tranh chống lại chúng.

Vụ cướp máy bay để bắt người của Tổng Thống Alexander Lukashenko, buộc nạn nhân “thú tội” trên truyền hình ở Belarus hôm nay gợi chúng ta nhớ lại trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức Việt Nam, bị ông đảng trưởng đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sai mật vụ sang Đức bắt cóc đưa về nước xử tội. Tại Hà Nội, ông Thanh cũng lên truyền hình thú tội, xin lỗi ông Trọng và xin được khoan hồng.

Chỗ khác nhau giữa hai trường hợp nằm ở chỗ Trịnh Xuân Thanh là một tên tội phạm tham nhũng trốn tránh sự trừng phạt, trong khi ký giả Roman Protasevich là một nhà đấu tranh chống độc tài. Không thể đánh đồng hai nhân vật có phẩm giá và lý tưởng trái ngược nhau.

Nhưng hành động cướp máy bay để bắt người của nhà cầm quyền Belarus, của Tổng Thống Lukashenko không khác nhiều so với hành động bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh rồi “mượn” chuyên cơ của nước Cộng Hòa Czech để đưa ông ta về nước của ông tổng Trọng và nhà cầm quyền Việt Nam. Cả hai hành động “bắt cóc cấp nhà nước” đều xuất phát từ ý muốn độc đoán của người cai trị cấp cao nhất, đều do guồng máy an ninh mật vụ thực hiện và đều chà đạp lên công pháp quốc tế lẫn quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.

Ông Lukashenko muốn bịt miệng một tiếng nói đối lập, còn ông Trọng muốn trừng trị một kẻ “phản phúc” tay chân của một kẻ cựu thù và dám bêu riếu ông trước dư luận. Trong chế độ độc tài của các xứ Việt Nam và Belarus, ý muốn của nhà cai trị là “mệnh lệnh tối cao” mà guồng máy an ninh mật vụ phải ra sức thực hiện bằng được.

Mật vụ Belarus bịa ra chuyện phi cơ bị đặt bom để “không tặc,” còn mật vụ Việt Nam bí mật xâm nhập vào Berlin, lợi dụng “tình hữu nghị” để “mượn” chuyên cơ của Czech đưa kẻ bị bắt cóc qua khỏi các cửa kiểm soát biên giới của các nước trót lọt.

Sau đó cả hai đều dàn dựng những màn thú tội trên truyền hình, trong đó những người bị bắt cóc đều xuất hiện với thân thể bầm dập và thần thái hoảng hốt. Trong cả hai trường hợp, quyền lợi của đất nước bị hy sinh cho ý muốn ngông cuồng của nhà cai trị.

Một chính quyền cũng thường xuyên sử dụng thủ đoạn bắt cóc như vậy là Trung Quốc. Theo dõi thời sự quốc tế, không ít lần chúng ta nghe chuyện một người nào đó, có thể là người Trung Quốc, cũng có thể là người Hoa mang quốc tịch nước ngoài, đột ngột mất tích ở đâu đó, rồi xuất hiện trên truyền hình nhà nước Trung Quốc để “thú tội” – những tội lỗi mà ai cũng biết là họ bị ép phải nhận dưới những đòn tra tấn và nhục hình.

Trường hợp năm người làm việc cho nhà xuất bản Mighty Current (Cự Lưu) ở Hồng Kông – trong đó có ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai) mang quốc tịch Thụy Điển – bị bắt cóc ở Hồng Kông và Thái Lan hồi Tháng Mười, 2015, là một ví dụ. “Tội lỗi” của họ là đã chọc giận chính quyền Trung Quốc qua ý định xuất bản một cuốn sách tiết lộ chuyện tình ái của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong nhiều trường hợp khác, nếu không bắt cóc được người mà chính quyền độc tài muốn truy tìm thì họ sẵn sàng hạ độc để tiêu diệt. Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un nổi tiếng là những “tay tổ” trong thủ đoạn ám sát đối thủ ở ngoài biên giới quyền lực của họ.

***

Xem ra, với các chính thể độc tài, người dân khó mà thoát khỏi sự kìm kẹp, dù ở trong nước, đã thoát ra nước ngoài hay chỉ bay ngang qua vùng trời của đất nước.

Nhưng phản ứng của thế giới bên ngoài đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền của các nhà cai trị độc tài, cho đến nay, hầu như không tương xứng với tội lỗi của họ. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có gây ồn ào một thời gian, có làm sứt mẻ chút ít quan hệ giữa Việt Nam và Đức nhưng rồi mọi việc đã trở lại bình thường một phần do nạn nhân Trịnh Xuân Thanh chỉ là một quan chức Cộng Sản tham nhũng tài sản quốc gia, không đáng để được thế giới ủng hộ.

Lần này, vụ “không tặc cấp nhà nước” của nhà cầm quyền Belarus trầm trọng hơn rất nhiều. Nó không chỉ liên quan tới số phận của một nhà đấu tranh dân chủ mà còn đe dọa những nguyên tắc nền tảng của hoạt động vận tải hàng không thế giới và liên quan tới vấn đề tôn trọng chủ quyền của nhiều quốc gia như Ba Lan, Ireland, Hy Lạp và Lithuania. Chính vì thế, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước dân chủ đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố lên án hành động ngông cuồng của nhà cầm quyền Belarus. Vì hành động đàn áp người biểu tình, ông Lukashenko và bộ sậu đã bị phương Tây cấm vận, đã bị nhiều nước cấm nhập cảnh và cấm sử dụng dịch vụ ngân hàng quốc tế. Nhưng do ông ta được chính quyền Nga của ông Putin đỡ đầu, những biện pháp cấm vận đó gần như không có mấy hiệu quả.

Chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền ông Joe Biden, với đường lối ngoại giao dựa trên dân chủ và nhân quyền, trên một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, sẽ phải cùng các đồng minh Châu Âu tìm ra biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, hữu hiệu hơn đối với chính thể độc tài của Lukashenko; từ đó buộc các nhà cai trị độc tài khác phải suy nghĩ kỹ về cái giá mà họ phải trả trước khi phóng tay thực hiện những thủ đoạn thách thức thế giới văn minh. [qd]

MỚI CẬP NHẬT