Tổng thống và các ông tướng

Lê Phan

Tổng Thống Donald Trump thích các ông tướng, điều đó ai cũng biết. Ông thích mọi sự liên quan đến quân đội nhưng đặc biệt ông thích các ông tướng.

Khi ông bắt đầu mời các ông tướng vào các chức vụ quan trọng bên ngoài lãnh vực quân sự, một số các nhà chính trị học đã bày tỏ lo ngại sợ là sẽ có những phản ứng không thích hợp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, trước sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao và cai trị của tổng thống, một số các nhà bình luận lại quay sang đặt niềm tin vào các ông tướng, hy vọng các ông sẽ giúp điều chỉnh những điều không thích ứng trong phản ứng của chính phủ Trump.

Nhưng Tiến Sĩ Jonathan Stevenson, một chuyên gia ở viện nghiên cứu International Institute for Strategic Studies ở Anh Quốc, và cựu viên chức cao cấp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ thì khẳng định, “Các ông tướng không thể cứu nổi tình hình.”

Tại diễn đàn Shangri-La ở Singapore năm nay, khi một người hỏi Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis là liệu, với sự việc là Tổng Thống Trump đã rút khỏi Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp Ước Paris về khí hậu, phải chăng chúng ta đang “chứng kiến sự phá hủy” của trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo trong thời hậu chiến chăng. Nhái một lời nhận xét vốn thường được nói là của cố Thủ Tướng Winston Churchill, vị cựu tướng trả lời: “Hãy nhẫn nại với chúng tôi. Một khi chúng tôi đã thử hết mọi lựa chọn khác, người Mỹ sẽ làm điều đúng.”

Lời nói đó tiêu biểu cho ông Mattis: duyên dáng, đầy học thức và tin tưởng vào tương lai của đất nước mình. Nhưng nó cũng đồng thời rất nản chí, bởi nó cho thấy ông không đồng ý với Tổng Thống Trump, nhưng không làm gì được cả.

Mà thực sự, theo ông Stevenson, chúng ta cũng nên hơi buồn trong những ngày này. Vào lúc khởi đầu của nhiệm kỳ tổng thống, hầu hết những người bên ngoài, kể cả một số các vị dân cử Cộng Hòa, đã hy vọng là một nhóm các ông tướng và cựu tướng – như ông Mattis ở Bộ Quốc Phòng, ông John Kelly ở Bộ Nội An, Trung Tướng H.R. McMaster ở Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia – sẽ kiểm soát bớt những bản năng tệ hại nhất của tổng thống. Hơn thế, tổng thống đã đưa ông Kelly sang thay thế ông Reince Priebus làm đổng lý văn phòng, khẳng định là một quân nhân sẽ có thể mang lại trật tự cho một tòa Bạch Ốc quá rối loạn.

Nhưng sáu tháng rồi, có vẻ những hy vọng đó vẫn chưa được đáp ứng. Các ông tướng đã không làm gì bao nhiêu để thay đổi tổng thống, chứ đừng nói định hình cho một chính sách ngoại giao mà cho đến nay rối bời.

Cứ tính thử vấn đề Bắc Hàn: Khi Bình Nhưỡng công khai lờ đi những lời tuyên bố nảy lửa của tổng thống, ông đưa ra chỉ dấu là Hoa Kỳ có thể tin cậy được là Trung Cộng sẽ mang áp lực tài chánh; ca ngợi sự khôn ngoan của ông Kim Jong Un của Bắc Hàn, và đề nghị điều đình với ông Kim. Vài tháng sau, tổng thống có vẻ đã thấy sự tin cậy vào Bắc Kinh là không đúng chỗ, khép cửa lại với Trung Cộng và nay trở lại đe dọa quân sự.

Trong khi đó ở Trung Ðông, tổng thống đã gieo rối loạn về chính sách của Hoa Kỳ với Syria (liệu chúng ta hợp tác với Nga và ông Assad hay là ủng hộ phe nổi dậy); khuyến khích sự cô lập Qatar trong vùng, mặc dầu Qatar là quốc gia đã cho Hoa Kỳ lập căn cứ quân sự lớn nhất vùng; và khuyến khích sự đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran. Hơn thế qua việc nhất định cô lập Iran, tổng thống đang đẩy chính phủ ôn hòa của Iran vào một cái thế ngày càng phải theo phe bảo thủ quá khích.

Rồi chuyến viếng thăm vụng về của tổng thống đến Âu Châu, nơi ông từ chối xác nhận sự khẳng định của Hoa Kỳ cho Ðiều 5 của Hiệp Ước Washington thành lập nên Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương, nền tảng của an ninh tập thể của Âu Châu. Ông còn mắng mỏ các thành viên Âu Châu của NATO và bảo họ phải chi thêm cho quốc phòng của mình. Tuy sau đó ông đã rút lại và đã khẳng định sự ủng hộ cho Ðiều 5 nhưng liên hệ xuyên Ðại Tây Dương nay vẫn còn lung lay.

Gần đây nhất, tổng thống đột ngột tuyên bố là những người Mỹ đổi giới tính sẽ bị cấm không cho nhập ngũ. Lời tuyên bố trên Twitter đó là để chiều lòng những người ủng hộ nòng cốt của tổng thống, mà ông coi trọng hơn là chính sách quốc gia. Quân đội hổng cẳng, và tiến trình cứu xét lâu dài để đi đến một giải pháp tốt đẹp đã bị sụp đổ. Sau mỗi một vụ như vậy, những tin tức lộ ra cho thấy các ông tướng hoặc là bị đại bại trước các cố vấn như ông Steve Bannon hay, thường hơn, chả được để ý đến.

Ở bên lề, các ông tướng có thể tìm cách giảm bớt sự bộp chộp của ông boss, và đôi khi chứng tỏ độc lập một chút. Như khi ông Mattis từ chối ca tụng và thề trung thành với tổng thống trên truyền hình trong cuộc họp nội các hôm Tháng Sáu, hay mới đây, tuyên bố là cho đến khi có đủ thủ tục giấy tờ, quân đội vẫn coi mọi người Mỹ bình đẳng trong việc nhập ngũ. Và một đôi khi cũng có một số chiến thắng nhỏ.

Ông Ezra Cohen-Watnick, một nhân vật được Tướng Michael Flynn đưa vào, vốn dính líu đến một bản nghiên cứu nói là tổng thống đang bị tấn công bởi những kẻ chủ trương toàn cầu hóa và Hồi Giáo quá khích đang tìm cách phá hủy Hoa Kỳ, đã bị đuổi việc. Tuần rồi, Tướng McMaster cũng cách chức ông Derek Harvey. Hai ông này, vốn là đồng minh trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, thường xuyên thúc đẩy phải có hành động mạnh hơn đối với Iran.

Nhưng khó có thể có chuyện là các ông tướng chế ngự được tổng thống ở mức chiến thuật. Tướng Joseph Dunford Jr., tham mưu trưởng liên quân, và ít nhất trên giấy tờ là người trung gian và cố vấn của tổng thống về quân đội, rất hiếm có được một cuộc gặp gỡ tay đôi với tổng thống.

Dựa trên các ông tướng thực ra là một điều không đúng, và nhiều người đã bám vào trước sự thiếu kinh nghiệm nhưng lại tự kiêu của tổng thống. Các ông tướng Hoa Kỳ theo truyền thống không có nhiệm vụ phải làm chính sách, chứ đừng nói đến liên hệ đến chính trị.

Hồi thập niên 1950, nhà chính trị học Samuel Huntington đã nhận xét là các sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ đã qua thời gian trở thành một nhóm các chuyên gia có kỷ luật nhưng phi chính trị. Ông đã đưa ra một sự phân quyền như sau: Quân đội tuân thủ các lãnh tụ dân sự trong các lãnh vực chiến thuật và chính trị và các lãnh tụ dân sự tôn trọng quân đội trong việc thi hành chính sách.

Ðó là tiêu chuẩn cho đến sau chiến tranh Việt Nam, khi nhiều học giả đã tổ chức giảo nghiệm cuộc chiến – cũng như Tướng McMaster trong cuốn sách “Derelection of Duty (Lơ Là Trách Nhiệm)”- kết luận là các vị chỉ huy quân sự phải thách thức các lãnh tụ dân sự nhiều hơn. Và rồi qua thời gian chuyện đó xảy ra. Khi Ngũ Giác Ðài giành được một uy quyền lớn hơn hậu 9/11, lan sang các lãnh vực của cảnh sát và ngoại giao, lằn ranh giữa dân sự và quân sự bị lu mờ. Sự khẳng định quyền của các tư lệnh lên đến tột đỉnh khi Tổng Thống George W. Bush, đang bị lâm nguy, đã phải trông cậy vào Tướng David Petreaus để gỡ Hoa Kỳ ra khỏi vũng lầy ở Iraq trong cuộc “tăng quân” năm 2007.

Tổng Thống Barack Obama tái khẳng định kiểm soát dân sự khi ông cách chức Tướng Stanley McChrystal hồi năm 2010, và rút quân khỏi Iraq năm 2012.

Sự kiểm soát dân sự của quân đội đã trở về như cũ, nhưng sự lãnh đạo dân sự đã thay đổi. Khác với ông Obama, nhận trách nhiệm cho các hành động quân sự của chính phủ mình, ông Trump đã công khai đổ lỗi cho quân đội cho những vụ có thiệt hại chính trị, chẳng hạn như cuộc đột kích ở Yemen khiến một quân nhân SEAL và đến 30 thường dân thiệt mạng. Ông cũng công khai bất đồng với ông Mattis về tra tấn, cắt giảm ngân sách ở Bộ Ngoại Giao và biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, vẫn có một sự chờ đợi là tổng thống vốn mê mọi sự dính đến quân đội thì các ông tướng dần sẽ nắm được một phần nào kiểm soát chính sách ngoại giao, đặc biệt là Tướng McMaster thay thế Tướng Flynn ở Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia.

Chuyện đó đã không xảy ra. Thay vì vậy tổng thống đã lờ đi hội đồng và vai trò điều phối chính sách ngoại giao, biến hội đồng thành một cơ quan ứng biến để biện minh cho hành động của tổng thống. Các ông tướng vẫn ở bên ngoài nhóm thân cận. Tướng McMaster công nhận là khi tổng thống gặp riêng ông Vladimir Putin ở Hội Nghị G20 là không có nghị trình – và dĩ nhiên không có ông McMaster.

Các ông tướng đã thất bại vì họ không phải là chính trị gia. Ðại đa số các ông tướng, thêm vào đó, rất tôn trọng trật tự quân giai và không thích trực tiếp thách thức tổng tư lệnh. Chính điều này cho thấy lời nhận xét của ông Mattis ở Singapore là đáng ngạc nhiên. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ rất ít khi nghe được điều đó.

Vậy ai sẽ giúp chống đỡ cho sự thiếu kinh nghiệm của tổng thống về vấn đề ngoại giao nếu chúng ta không thể trông cậy vào các ông tướng.

Rất từ từ nhưng những sự chống đỡ đó đang hiện hình. Quốc Hội đang sử dụng quyền giữ tiền để bác bỏ cắt giảm quá mức ngân sách viện trợ và chống lại việc tổng thống tính cắt giảm tối đa ngân sách Bộ Ngoại Giao. Hơn thế, đáng kể hơn và bất bình thường hơn là Quốc Hội đang buộc tổng thống theo một số chính sách ngoại giao mà ông không muốn như là trừng phạt Nga.

Nhưng Quốc Hội là một định chế không thể nào phản ứng nhanh như tổng thống và một hội đồng an ninh quốc gia. Và đó là điều khiến chúng ta nên lo ngại nếu ngày mai một vấn đề ngoại giao bùng nổ.

Chính phủ Trump cứng rắn khi cấp chiếu khán nhập cảnh