Wednesday, April 24, 2024

Mỹ sẽ làm gì khi quan hệ Nga-Trung đi vào ‘thời kỳ mới?’

Hiếu Chân/Người Việt

Cung Đa Diện (Faceted Chamber) là một địa điểm nghi lễ đậm tính lịch sử ở thủ đô Moscow của Nga. Được xây dựng vào thế kỷ 15 dưới thời Nga Hoàng Ivan Đệ Tam và do các kiến trúc sư Ý thời Phục Hưng thiết kế, cung điện nằm ở trung tâm Điện Kremlin này là nơi thiết triều của các hoàng đế Nga và nơi tiếp đón, chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia nước ngoài thân thiết nhất. Vào giữa thế kỷ trước, khi Chủ Tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc đến Moscow, nhà độc tài Josef Stalin đã tiếp ông tại đây. Tổng Thống Boris Yeltsin tiếp Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh cũng tại cung điện này ngay sau khi Liên Xô tan rã đầu thập niên 1990. Và tối Thứ Ba, 21 Tháng Ba, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga mở đại yến chiêu đãi ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc Tập, tại cung điện lịch sử này.

Chủ Tịch Tập Cận Bình (trái) cụng ly với Tổng Thống Vladimir Putin bên trong Điện Kremlin hôm 21 Tháng Ba. (Hình: Pavel Byrkin/Sputnik/AFP via Getty Images)

Đỉnh cao của lịch sử?

Buổi đại yến diễn ra chỉ bốn ngày sau khi ông Putin bị Tòa Hình Sự Quốc Tế phát lệnh truy nã và bắt giữ trên toàn cầu. Bất chấp điều đó, trong bữa tiệc xa hoa, hai nhà lãnh đạo đã chúc tụng nhau những lời hoa mỹ và khoe khoang một mối quan hệ Nga-Trung hết sức tốt đẹp. Nâng chén rượu “chúc mừng sức khỏe của ông bạn chúng ta, Chủ Tịch Tập Cận Bình kính mến,” ông Putin nói thời điểm này “là đỉnh cao của một sự phát triển lịch sử.” Đáp lay, ông Tập cụng ly và chúc mừng “kỷ nguyên mới” của mối quan hệ giữa hai nước và hai nhà lãnh đạo.

Không giống như dự đoán của giới quan sát, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin không bàn nhiều tới kế hoạch hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Ukraine mà chỉ coi đó là một “căn bản” để thảo luận sau này khi Kiev “đã sẵn sàng.” Trọng tâm cuộc hội đàm Putin-Tập trong ngày 21 Tháng Ba là phương cách chống lại chính sách cấm vận kinh tế khắc nghiệt của Hoa Kỳ và Phương Tây mà Nga đang chịu đựng và Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

Phương cách đó là kết hợp chặt chẽ hơn nữa nền kinh tế của hai nước, trong đó Trung Quốc thay thế Châu Âu trong vai trò khách hàng chính tiêu thụ dầu, khí đốt, và than đá của Nga, đồng thời các công ty Trung Quốc sẽ thay thế các công ty Phương Tây đã rời bỏ thị trường Nga vì cuộc xâm lăng Ukraine. Hiện Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo hợp đồng 30 năm trị giá $400 tỷ, nhưng ông Putin và ông Tập muốn xây thêm đường ống Sức Mạnh Siberia 2 dài 3,000 cây số để vận chuyển thêm 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, nâng khối lượng khí đốt mà Trung Quốc mua của Nga lên 98 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2030.

Ngoài khí đốt, hai nhà lãnh đạo còn chứng kiến việc ký kết 14 thỏa thuận các loại giữa các ngành kinh tế-văn hóa của hai nước, từ hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình cho đến nghiên cứu khoa học. Tất cả chỉ nhắm một mục đích, đó là chống lại ảnh hưởng của Phương Tây, cả về quân sự, kinh tế, văn hóa, và khoa học.

“Ngay lúc này đang diễn ra những sự thay đổi mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong 100 năm qua. Và chúng ta là những người cùng thúc đẩy sự thay đổi đó,” ông Tập nói lúc chia tay ông Putin cuối bữa tiệc chiêu đãi.

Hình thành một “liên minh chuyên chế”

Và đúng như vậy, có một sự thay đổi rất lớn. Sự kiện ông Tập Cận Bình được chiêu đãi trọng thể tại Moscow và bước phát triển mới của quan hệ Nga-Trung cho thấy đã hình thành một “liên minh” mới của các thể chế độc tài trong mục tiêu chống lại Hoa Kỳ – thế lực mà cả Moscow và Bắc Kinh đều lên án là bá quyền và đạo đức giả. Có thể gọi đây là một “liên minh chuyên chế” như cách nói của Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) khi vận động tranh cử tổng thống năm 2012.

Liên minh này còn quy tụ một vài nước nhỏ như Iran và Bắc Hàn. Và thế là xuất hiện một thế đối lập mang tính ý thức hệ giữa hai nhóm quốc gia, giống như sự đối lập cộng sản-tư bản thời Chiến Tranh Lạnh, hoặc giống như “Trục Ma Quý” (Axis of Evil) gồm Iran, Iraq và Bắc Hàn mà Tổng Thống George W. Bush đề cập năm 2002. Và cũng như thời Chiến Tranh Lạnh, các nước trong liên minh chẳng ưa gì nhau nhưng mỗi nước đều nuôi dưỡng một mối hận thù lớn hơn với Hoa Kỳ.

Mỹ đã và đang ngăn cản kế hoạch thâu tóm Ukraine, khôi phục đế chế Đại Nga của Putin, đang có những chính sách hết sức cứng rắn với Trung Quốc, từ kiểm soát xuất cảng công nghệ đến công khai hỗ trợ Đài Loan và các biện pháp cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ đối với Iran và Bắc Hàn ngày càng khắc nghiệt. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy bốn nước này bắt đầu hợp tác chặt chẽ với nhau để chống Hoa Kỳ. Iran và Bắc Hàn đã cung cấp khí giới, đạn dược cho Nga thực hiện cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Quốc cũng đang xem xét làm như thế, theo thông tin của tình báo Mỹ.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ các quốc gia chuyên chế hợp tác chặt chẽ với nhau một phần là do chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tận dụng ưu thế về quân sự và kinh tế để bao vây, chèn ép các nước không cùng quan điểm – một nhận định mà mới đây ông Tập đã công khai phê phán. Nghĩa là, thế giới chia hai cực xung đột với nhau hiện nay có phần lỗi của Washington! Nếu như vậy, lời giải cho cuộc xung đột hiện nay nằm ở chỗ Mỹ phải chủ động thay đổi đường lối, phải chuyển từ cứng rắn sang mềm dẻo, từ đối đầu sang hợp tác, từ phê phán sang vận động thuyết phục. Lập luận này bỏ qua một thực tế lịch sử là Hoa Kỳ và Phương Tây từng mềm dẻo với Trung Quốc và Nga nhiều thập niên, hỗ trợ các nước này phát triển và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu với niềm tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn tới một xã hội tự do hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm với thế giới hơn. Nhưng nỗ lực hòa đồng đó chứng tỏ đã thất bại.

Mỹ sẽ làm gì với “liên minh chuyên chế?”

Vấn đề là Hoa Kỳ có đủ sức đương đầu cùng lúc với liên minh bốn nước đang ngày càng tỏ ra thù địch ở khắp các lục địa, từ Châu Âu sang Đông Á và Trung Đông, hay không.

Một khía cạnh quan trọng của địa chính trị là thế giới không chia thành hai phe đen trắng rõ ràng. Rất nhiều quốc gia đã không đứng về phe nào, hoặc cùng lúc tham gia tất cả các phe. Ấn Độ chẳng hạn, chia sẻ các giá trị dân chủ tự do với Hoa Kỳ, phản đối tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng lại gắn bó với Nga về quân sự và kinh tế. Ấn Độ vừa là thành viên của QUAD (Bộ Tứ Kim Cương) do Hoa Kỳ dẫn đầu nhưng cũng là nước chủ chốt của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải cùng với Nga và Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ khác. Quốc gia này là thành viên NATO, ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến hiện nay, nhưng có quan hệ mật thiết với Nga và đang cố gắng sắm vai trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev. Cũng có thể kể ra những trường hợp tương tự của Nam Phi, Brazil, hoặc Indonesia. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt Nga vì xâm lăng Ukraine hầu như chỉ có từ Hoa Kỳ, Châu Âu, và các nền kinh tế mạnh như Nhật, phần lớn các nước còn lại vẫn chỉ giữ thái độ bàng quan, tọa sơn quan hổ đấu.

Chính vì thế, để đối phó với liên minh mới này, Washington cần thu hút được sự ủng hộ của các nước “thứ ba” – một việc không dễ dàng. “Danh tiếng” của Mỹ như là cường quốc hay thay đổi, có thói quen bỏ rơi đồng minh và chiến hữu, từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, chiến binh người Kurd ở Syria, và rút khỏi Afghanistan mới đây làm cho các nước nhỏ phải cân nhắc rất kỹ trước yêu cầu “theo ta hoặc chống ta” của Washington.

Theo một số nhà bình luận bảo thủ, Hoa Kỳ cũng có thể quay lại với đường lối chính trị thực dụng có từ thời ông George Kennan hoặc ông Henry Kissinger, theo đó Washington nên phân hóa hàng ngũ đối phương bằng cách đối xử có chọn lọc, hòa hoãn với Nga và Iran để bao vây Trung Quốc. Các bình luận gia này nhận định Nga không phải là đối thủ xứng tầm của Mỹ nên Washington cần mở cho ông Putin một cửa thoát hiểm, lặp lại chiến thuật mà ông Kissinger đã làm khi đạo diễn cuộc hội ngộ bất ngờ giữa ông Mao Trạch Đông và ông Richard Nixon năm 1972 để chia rẽ khối cộng sản.

Các chính trị gia Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ không muốn Mỹ tiếp tục viện trợ lớn cho Ukraine dường như là để tránh cho ông Putin một thất bại nhục nhã, không đẩy nhà độc tài Nga lún sâu thêm vào gọng kìm của Trung Quốc. “Kế sách Kinh Châu” kiểu Khổng Minh, hòa hoãn với Nga để chống Trung Quốc, từng được thử nghiệm khi Tổng Thống Joe Biden trực tiếp gặp ông Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sĩ, hồi Tháng Sáu 2021, chỉ vài tháng sau khi ông Biden nhậm chức tổng thống, nhưng không tiến triển được và đổ vỡ.

Cuối cùng, có thể tính tới khả năng Hoa Kỳ hòa hoãn với Trung Quốc như thời trước khi ông Tập nắm quyền, từ đó vô hiệu hóa cái “liên minh chuyên chế” chống Mỹ mà Bắc Kinh đang dẫn dắt. Nhiều nhà bình luận cho rằng, khôi phục và sửa chữa mối quan hệ Trung-Mỹ là lựa chọn khả thi nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh lưỡng đảng tại Hoa Kỳ đang đua nhau chống Trung Quốc thì đây là lựa chọn mà cả Tổng Thống Biden và các đối thủ đảng Cộng Hòa của ông ít có khả năng chấp nhận nhất. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT