Wednesday, April 24, 2024

‘Nghĩa đời trong ba tiếng’ (*)

Tạp ghi Huy Phương

Nhân loại, ai khi mới sinh ra cũng cất tiếng khóc. Theo y học, sau khi ra đời, cuống nhau thai nhi cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng bị cắt bỏ, đứa bé buộc phải tự hô hấp. Tiếng khóc làm phổi mở rộng và đứa trẻ bắt đầu thở. Tiếng khóc của em bé giúp đẩy ra và hít không khí vào phổi liên tục với tốc độ nhanh, giúp phổi nhanh chóng thích ứng với việc hô hấp. Tiếng khóc còn giúp trẻ sơ sinh loại bỏ được những chất dịch còn đọng lại trong phổi, mũi hoặc miệng.

Em bé chào đời. (Hình: PHILIPPE HUGUEN/AFP via Getty Images)

Nghe tiếng khóc, bác sĩ còn có thể biết được tình trạng sức khoẻ của đứa trẻ.

Trẻ không khóc là không thở được, người ta sẽ dốc ngược thân em bé xuống và vỗ mạnh vào mông đứa trẻ.

Tiếng khóc đầu đời của một bé sơ sinh cũng là nỗi vui cả người cha đang ngồi ở phòng chờ và người mẹ vừa mới qua cơn sống chết để sinh con. Tiếng khóc cũng là âm thanh khởi đầu cho một đời người, mà theo triết lý bi quan, có buồn nhiều hơn vui, vì “đời là một thung lũng nước mắt,” hay “đời là bể khổ.”

Chính Nguyễn Công Trứ cũng đã có lần hỏi: “Trần có vui, sao chẳng cười khì?”

Dù thế nào đi nữa, tiếng khóc cũng là biểu hiện cho sự sống. Đó chính là niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Lớn lên, ai cũng phải vất vả mới có miếng ăn. Dù là “cổ xanh” hay “cổ trắng,” ai cũng phải chạy theo thời gian, dính líu đến chiếc đồng hồ chỉ giờ.

Ngày còn đi làm, tôi ghét nhất là cái đồng hồ báo thức, lúc sáng sớm, bỗng reo lên, phá tan cơn mộng mị và giấc ngủ đang ngon lành, vì cứ đi trễ vài lần là chắc chắn mất việc, mà mất việc sẽ dẫn đến chuyện mất nhà, và mất… vợ!

Qua thời gian đi làm việc mưu sinh trên xứ này, nếu có người hỏi tôi, cái gì làm cho tôi chịu đựng nhiều nhất, đó là gặp một ông boss khó tính hay bạn đồng nghiệp thiếu thân thiện, kỳ thị, thì tôi trả lời ngay đó là cái đồng hồ báo thức khi phát kêu lên những tiếng kêu khó thương mỗi buổi sáng, những buổi sáng mùa Đông lạnh lẽo, nhất là những ngày ở miền Đông, vén màn nhìn ra ngoài trời, thấy tuyết đang rơi mù mịt.

Dù là cái đồng hồ hay chiếc radio phát ra những nốt nhạc trầm bổng, hay tiếng kêu lích kích thì cũng chẳng ai ưa, nhưng nếu cái vật biết kêu này, một sáng nào đó, nhức đầu sổ mũi, ngủ quên, làm chính chủ nhân nó cũng ngủ quên theo, thì lại là một đại họa.

Đó là “nhân vật” gần gũi khó chịu nhất, mà tối trước khi đi ngủ, chúng ta phải sờ đến nó, trừ tối Thứ Bảy và những ngày nghỉ lớn trong năm. Có lẽ đến tuổi về hưu, chúng ta nên “làm lễ” tống khứ cái đồng hồ báo thức, hay lấy búa đập nó thành mớ sắt vụn, cho hả dạ.

Thời gian làm lụng vất vả, ai cũng mong cho đến một này “rửa tay, gác kiếm,” thong dong bước vào tuổi già, mắc võng giữa hai cây lớn, đầy bóng im trong vườn nhà, đong đưa cho quên hết việc đời. Nhưng khổ nỗi, chữ “hưu” gần với chữ “già,’ mà già, bệnh, và chết là ba giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Ít ai được chết như ngọn đèn hết dầu tắt phụt hay như chiếc xe hết nhiên liệu, đột ngột tắt máy, dừng lại giữa đường. Không ít thì nhiều, khi ta về già, ai cũng trải qua nhiều thứ bệnh tật, vào ra bệnh viện, trước khi xuôi tay.

Nhìn quanh bạn bè, chẳng ai khá hơn ai. Người thì bị troke bán thân bất toại, người thì suy thận, phải vào bệnh biện ba lần mỗi tuần để lọc thận, người phải mang bình tiểu quanh năm, người mắc bệnh ung thư, sau nhiều năm chữa bệnh, tóc rụng, thân gầy nằm chờ chết. Mà không ai biết ngày mai, mình sẽ ra sao? Không biết đêm nay có phải là một đêm yên lành, để sáng mai thức giấc, còn được nhìn thấy ánh mặt trời qua khung cửa hay không. Chuyện gì sẽ đến trong đêm hôm nay?

Nhiều đêm, chúng ta chợt thức giấc nửa khuya, nghe tiếng còi cấp cứu vang rền trong đêm vắng, để đưa một ai đó vào bệnh viện. Chúng ta đã có lúc, hay rồi ra sẽ có khi là nhân vật nằm trên chiếc cáng, trong chiếc xe màu trắng, loang loáng ánh đèn đỏ, chớp tắt liên hồi ấy, hối hả trên đường đến bệnh viện.

Tiếng còi xe cứu thương đã trở thành một âm thanh ghê sợ, hãi hùng, có khi đem một người đi mãi không về, nếu không thì cũng bệnh viện với màu trắng của giường nệm, y phục của những người y tá, dây nhợ chuyền thuốc men, nước biển… Những đoạn thời gian hôn mê trong phòng mổ, những cơn đau vật vã, những mũi thuốc vội vàng từ người y tá và một nỗi buồn tê dại mỗi chiều, mỗi đêm, cô quạnh với những giọt thuốc nhỏ giọt thấm vào cơ thể, tiếng nói cười của những người xa lạ, trần nhà trước mắt và những ánh đèn chong sáng suốt đêm.

Con đường từ nhà ra nghĩa địa hay lò thiêu mà không đi qua bệnh viện là con đường đẹp nhất! Phúc cho ai chưa bao giờ phải nằm trên chiếc cáng trong xe cứu thương hay chưa trải qua một ngày nào trong bệnh viện.

Đêm nay, một đêm cuối năm lạnh lẽo, trời trở gió, văng vẳng đâu đây một tiếng còi xe cấp cứu, nghe khi gần khi xa.

Xin cầu nguyện cho chúng ta được một đêm yên lành, và không bao giờ chiếc xe đó, dù chỉ một lần, trực chỉ đến địa chỉ căn nhà của chúng ta đang sống!

Phải chăng,“Nghĩa đời trong ba tiếng”: Tiếng khóc của trẻ thơ. Chuông buổi sáng báo giờ. Hồi còi xe cấp cứu! [kn]

(*) Nhan đề một bài thơ của Tố Hữu.

MỚI CẬP NHẬT