Người giàu càng giàu thêm

Ngô Nhân Dụng

Trước khi ký ban hành luật thuế mới, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố luật thuế này sẽ “làm tôi mất rất nhiều tiền (nguyên văn: một cơ nghiệp, a fortune). Không tốt cho tôi chút nào cả… các chuyên viên kế toán (khai thuế) của tôi đang điên lên!” Sự thật là các nhà đầu tư bất động sản, như ông Trump và các con ông, được luật thuế mới ưu đãi. Họ có thể đóng thuế ít hơn các cá nhân cũng như các công ty. Bởi vì họ có thể dùng rất nhiều lỗ hổng được mở ra trong luật thuế mới.

Khi soạn luật thuế mới, Quốc Hội tuyên bố mục đích của họ là “giản dị hóa” thuế khóa đến mức người dân có thể “khai thuế trên một tấm bưu ảnh!” Những lỗ hổng đó phải được giảm đi. Ngược lại. Luật thuế mới phức tạp không khác gì luật hiện hành, mà còn đặt ra các điều mới cho phép các nhà đầu tư thay đổi hình thức kinh doanh của họ để đóng thuế nhẹ hơn. Ai có tiền thuê các luật sư và chuyên viên thuế vụ giỏi sẽ tìm ra cách tốt nhất để đóng ít thuế.

Tổng Thống Trump cũng báo trước rằng những người giàu nhất nước sẽ không được hưởng lợi chút nào nhờ đạo luật thuế mới.

Thực ra 1% những người giàu nhất nước Mỹ sẽ hưởng lợi rất nhiều nhờ đạo luật này. Những người thuộc 20% giàu nhất nước sẽ hưởng hai phần ba số tiền thuế cắt giảm cho cả nước. Dân Biểu Paul Ryan nói rằng những gia đình trung lưu, với lợi tức $73,000 sẽ được bớt $2,059 thuế. Nhưng điều này chỉ đúng trong năm đầu tiên. Số thuế được cắt bớt sẽ giảm dần dần, năm 2025 thì chấm hết. Đến năm 2027 sẽ có 53% dân Mỹ bị tăng thuế.

Dân sống ở một số tiểu bang sẽ bị đánh thuế nhiều hơn, vì luật mới xóa bỏ những khoản miễn trừ mà họ đang được hưởng. Thí dụ, trước đây thuế đóng cho chính quyền tiểu bang được trừ vào lợi tức khi đóng thuế liên bang, tiền lãi trả cho ngân hàng khi mua nhà cũng được trừ. Luật thuế mới xóa bỏ hoặc hạn chế những món “tha thuế” này.

Hậu quả là dân chúng ở những tiểu bang giá nhà cao và đánh thuế cao như California, New York, sẽ phải đóng thuế cho liên bang nhiều hơn. Tình cờ, đó cũng là những tiểu bang thường ủng hộ đảng Dân Chủ. Giá nhà ở các tiểu bang đó sẽ xuống vì người mua phải trả thuế cao hơn. Sau đó, các tiểu bang này sẽ thiếu tiền, các dự án giáo dục, y tế, xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ phải giảm. Dân trung lưu sẽ phải đóng thuế liên bang nhiều hơn trong khi các dịch vụ do tiểu bang cung cấp sẽ bớt đi.

Luật thuế mới sẽ gây xáo trộn trong thị trường bảo hiểm y tế, vì thay đổi luât y tế hiện hành, gọi là Obama-Care. Luật Obama buộc mọi công dân Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt tiền, điều này, giờ được xóa bỏ. Những người tự cho là mình khỏe mạnh, không lo bệnh tật hay bị tai nạn, sẽ được tự do rút ra khỏi thị trường bảo hiểm y tế. Khi những người mua giá bảo hiểm y tế chỉ thuộc loại hay mắc bệnh thì giá mua sẽ tăng lên. Thử tưởng tượng nếu luật pháp cho phép một số người không phải mua bảo hiểm xe nữa, vì họ tự coi là mình lái cẩn thận và ít khi dùng xe. Giá bảo hiểm cho các người lái xe khác sẽ tăng lên bao nhiêu?

Giá bảo hiểm y tế tăng lên chính là một thứ “thuế ẩn tàng” mà hàng triệu người sẽ phải trả thêm, khi  luật thuế mới được áp dụng. Nhiều người không đủ tiền sẽ phải ngừng không mua bảo hiểm nữa. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội dự đoán, với luật thuế mới, tới năm 2027 số người không có bảo hiểm y tế sẽ tăng thêm 13 triệu, hoặc vì tự ý rút ra hoặc vì nghèo quá không mua được.

Một điều được những người chủ trương đạo luật thuế mới nêu lên để biện minh việc cắt thuế cho những người giàu nhất nước, họ nói rằng cắt thuế cho các công ty và những người giàu sẽ khuyến khích họ đầu tư, do đó, sẽ tạo thêm công việc làm cho những người khác.

Lý luận này đã bị nhiều người giàu nhất nước bác bỏ. Gần đây, một chủ biên nhật báo The Wall Street Journal thừ yêu cầu một số quản đốc xí nghiệp lớn ở Mỹ hãy giơ tay lên nếu họ sẽ quyết định đầu tư thêm sau khi được Quốc Hội cắt giảm thuế cho các công ty. Số người đưa tay lên rất ít. Ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Tổng Thống Trump, ngồi trong phòng họp ngạc nhiên, hỏi họ tại sao nhiều người không đưa tay lên? Ông Michael R. Bloomberg, một tỷ phú có câu trả lời: “Chúng tôi không cần tiền nhờ cắt thuế.”

Hiện nay các công ty lớn của nước Mỹ đang có dư khoảng $2,300 tỷ tiền mặt không dùng tới. Tại sao tổng giám đốc các công ty này không đem tiền đầu tư, mà tích lũy nhiều tiền mặt; số lượng lớn gấp đôi so với năm 2001? Các công ty có cần chính phủ bớt thuế để có tiền đầu tư hay không?

Trong thực tế, quyết định đầu tư của các xí nghiệp phần lớn dựa trên khả năng sinh lời, bất kể đóng thuế cao hay thấp. Tỷ phú Warren Buffett, người giàu thứ ba ở Mỹ, đã nhiều lần xác quyết như vậy, ông luôn luôn chống hành động cắt giảm thuế cho nhà giàu và cắt luôn các chương trình xã hội giúp người nghèo. Ông nói, “Tôi đang đóng đủ các thứ thuế ở nước Mỹ, nhưng dù chính phủ có tăng thuế cũng không làm cho tôi bỏ được cái ý thích kiếm thêm tiền!”

Trong tháng trước, hơn 400 người là triệu phú và tỷ phú đã ký một kiến nghị yêu cầu Quốc Hội đừng cắt thuế cho họ. Lý do họ nêu lên, dựa trên kinh nghiệm thực tế của chính họ, là cắt thuế không ảnh hưởng tới quyết định đầu tư, như các nhà chính trị tưởng. Lợi tức của các công ty Mỹ đang gia tăng từ suốt tám năm qua; và những người giàu nhất nước không cần có thêm tiền thì họ mới tiếp tục làm giàu! Hơn nữa, giảm thuế cho người giàu sẽ chỉ làm mức chênh lệch giàu nghèo đã tăng cao trong mấy chục năm qua sẽ tăng thêm, càng đào sâu hố ngăn cách.

Năm 1992, tài sản của 1% những người giàu nhất lớn bằng 27% tài sản của cả nước. Năm 2013, họ chiếm 32%. Nhưng trong số 1% này, gồm những người có lợi tức từ $500,000 một năm trở lên, một số người làm việc để lãnh lương. Còn một số khác không cần làm việc, lợi tức của họ do đầu tư, làm chủ các cơ sở kinh doanh, hoặc hưởng gia tài cha ông dể lại. Những người làm việc để lãnh lương sẽ phải đóng thuế tới 37%. Còn những người khác không làm việc, họ kiếm lời nhờ làm chủ cổ phần các công ty, hoặc chủ nhân kinh doanh dưới nhiều hình thức tổ hợp. Các người đầu tư xưa nay vẫn đóng thuế lợi tức thấp, từ 30% xuống chỉ còn 15%. Các công ty trước đóng 35%, nay mai sẽ chỉ phải đóng 21%. Những tổ hợp kinh doanh, trong đó có những nhà đầu tư địa ốc như gia đình Tổng Thống Trump, còn có thể hưởng suất thuế thấp hơn nữa. Luật thuế thiên vị rõ ràng, lợi tức của giới chủ nhân bị đánh thuế nhẹ hơn những người làm việc cho họ.

Tỷ phú Warren Buffett từng nêu lên tình trạng bất công này: “Tất cả các nhân viên làm việc cho tôi đóng thuế cao hơn tôi!” Buffett  nói về cô Debbie, thư ký của ông, “Cô ấy làm việc khó nhọc không khác gì tôi, nhưng suất thuế  cô phải đóng cao gấp đôi suất tôi đóng!”

Luật thuế khóa lúc nào cũng là một phương tiện “tái phân bố lợi tức quốc gia.” Nó quyết định người nào được hưởng bao nhiêu phần trong tổng số lợi tức và tài sản do cả nước tạo nên. Không ai tự một mình tạo ra lợi tức. Các đại công ty đều do hàng trăm ngàn người góp công tạo thành. Đạo luật thuế mới chuyển rất nhiều lợi nhuận quốc gia cho những người giàu nhất nước.

Một hậu quả của đạo luật này là số khiếm hụt ngân sách sẽ tăng thêm khoảng $6,000 tỷ trong mười năm tới. Chính phủ Mỹ sẽ phải đi vay bên ngoài, số nợ quốc gia sẽ càng lên cao. Nhưng khi ngân sách cạn dần thì các chương trình bị cắt giảm đầu tiên sẽ là an sinh xã hội, trong đó có những chương trình y tế cho người nghèo, hưu bổng cho người già. Hậu quả là những người nghèo nhất nước sẽ thiệt thòi.

Chúng ta không ngạc nhiên khi các cuộc nghiên cứu cho thấy hai phần ba dân Mỹ không ủng hộ đạo luật thuế mới. Số người ủng hộ chỉ chiếm 24%

Còn thành phần 24% này họ nghĩ thế nào mà không chống?

Một cuộc phỏng vấn dân chúng Mỹ gần đây có thể giúp chúng ta hiểu tại sao có nhiều người hài lòng với luật thuế mới. Một câu hỏi được đưa ra là: “Bạn có nghĩ mình thuộc thành phần 1% giàu nhất nước Mỹ hay không?” Kết quả cho biết có tới 40% người Mỹ nói rằng họ tin mình thuộc thành phần 1% giàu nhất đó! (Ngô Nhân Dụng)