Saturday, April 20, 2024

Nước Mỹ và bóng ma ‘chủ nghĩa xã hội’

Hiếu Chân/Người Việt

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, cụm từ “chủ nghĩa xã hội” (socialism), “xã hội chủ nghĩa” (socialist) xuất hiện thường xuyên trong các mẩu quảng cáo truyền hình, trong các cuộc vận động tranh cử và cả trong các cuộc tranh luận công khai giữa các ứng cử viên. Đúng ra, cái nhãn “xã hội chủ nghĩa” được Tổng Thống Donald Trump và một số chính trị gia Cộng Hòa cố ý gán cho ông Joe Biden, bà Kamala Harris, ông Bernie Sanders và đảng Dân Chủ nói chung nhằm làm cho cử tri Mỹ lo sợ mà không bỏ phiếu cho họ.

Năm 2010, Tổng Thống Barack Obama cũng bị người biểu tình gán cái nhãn “xã hội chủ nghĩa” chỉ vì ông là người thuộc đảng Dân Chủ. (Hình minh họa: Astrid Riecken/Getty Images)

Cái mũ “chủ nghĩa xã hội”

“Joe Biden chỉ là con ngựa thành Troy của chủ nghĩa xã hội,” ông Trump nói trong cuộc vận động tại Wisconsin hôm 17 Tháng Tám. “Ông ta [ông Biden] đã trao quyền kiểm soát cho những người xã hội chủ nghĩa, những người Marxist và những kẻ hữu khuynh cực đoan như ứng cử viên phó tổng thống của ông ta [chỉ bà Harris],” ông Trump nói tại cuộc vận động tối 13 Tháng Mười… Trong diễn văn với các câu lạc bộ kinh tế tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc hôm 14 Tháng Mười, ông Trump nói cuộc bầu cử là “sự lựa chọn giữa ác mộng xã hội chủ nghĩa và giấc mơ Mỹ.”

Trước đó, trên diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 23 Tháng Chín, 2020, ông Trump gọi chủ nghĩa xã hội là “một trong những thách thức trầm trọng nhất mà thế giới phải đương đầu.”“Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng Sản không phải là về công bằng… mà về quyền lực cho giai cấp thống trị… Nước Mỹ sẽ không bao giờ là nước xã hội chủ nghĩa,” CBS News tường thuật.

Trang web tranh cử của ông Trump miêu tả sự chọn lựa của cử tri Mỹ giữa ông Trump và ông Biden là chọn lựa giữa “Người Mỹ và người Xã Hội Chủ Nghĩa” (American vs. Socialist). Phó Tổng Thống Mike Pence nói bầu cho ông Biden “sẽ đưa nước Mỹ vào con đường chủ nghĩa xã hội và suy thoái.”

Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Nhỏ và Doanh Nhân Thượng Viện, cũng có nhận xét tương tự: “Không phải tất cả những người Dân Chủ là xã hội chủ nghĩa, nhưng tất cả những người xã hội chủ nghĩa là người Dân Chủ,” ông nói với đám đông ủng hộ viên tụ tập chờ ông Trump phát biểu tại phi trường Miami-Opa Locka hôm 1 Tháng Mười Một, chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử.

Có thật các ông bà Joe Biden, Bernie Sanders, Kamala Harris và đảng Dân Chủ Mỹ nói chung là những người xã hội chủ nghĩa? Có phải họ có ý đồ đưa nước Mỹ “tiến lên” chủ nghĩa xã hội (và chủ nghĩa Cộng Sản) thay cho chế độ dân chủ tự do hiện hành, như những cáo buộc nói trên?

Chủ nghĩa xã hội là gì?

Trước tiên nên tìm hiểu chủ nghĩa xã hội là gì, có đặc điểm gì phân biệt với chủ nghĩa tư bản đang tồn tại ở Mỹ và nhiều nước khác; sau đó mới có thể xem xét có phải đảng Dân Chủ đang đi theo chủ nghĩa xã hội hay không.

Theo sách vở, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu, là thời kỳ chuyển tiếp tới một hình thái kinh tế xã hội cao hơn là chủ nghĩa Cộng Sản. Học thuyết Cộng Sản chia xã hội thành hai giai cấp chính: tư sản và vô sản; tư sản là những người có của cải, có phương tiện sản xuất, là những ông chủ, ngược lại vô sản là những người tay trắng, không có phương tiện sản xuất và phải làm công cho các ông chủ. Cộng Sản cho rằng đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản là động lực phát triển của lịch sử và cuối cùng giai cấp vô sản sẽ lật đổ ách cai trị của giai cấp tư sản để thiết lập xã hội Cộng Sản.

Theo chủ nghĩa Cộng Sản, giai cấp có nguồn gốc từ quyền sở hữu tài sản, công bằng hay bất công của xã hội, đau khổ hay sung sướng của kiếp người đều do cái quyền tư hữu này gây ra. Xã hội Cộng Sản sẽ là xã hội không có giai cấp bởi vì quyền sở hữu tài sản bị thủ tiêu, toàn bộ của cải, phương tiện sản xuất và tiêu dùng đều là “của công,” mọi người “làm việc theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu,” muốn gì có nấy (???).

Tuy nhiên, đường đến “thiên đường Cộng Sản” rất dài, nên trước đó xã hội phải qua “thời kỳ quá độ” hay giai đoạn chuyển tiếp là chủ nghĩa xã hội, ở đó quyền tư hữu bị xóa bỏ và thay bằng “sở hữu tập thể”: ruộng đất thuộc về hợp tác xã, nhà máy thuộc về nhà nước và tổ hợp tác… Trong chủ nghĩa xã hội, tài sản tư nhân không được thừa nhận mà sẽ bị nhà nước chiếm dụng, bằng biện pháp “quốc hữu hóa,” “cải cách ruộng đất,” “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” hoặc chỉ đơn giản là tịch thu tùy tiện bằng họng súng…

Quyền sở hữu tài sản chuyển vào tay nhà nước là nền tảng để các đảng Cộng Sản thiết lập chế độ độc tài toàn trị: nhờ nắm được cái bao tử của người dân, chính quyền Cộng Sản thực hiện kiểm soát mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh doanh tới ngôn luận,“đem bục công an đặt giữa trái tim người/ bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước” như nhà thơ Trần Dần đã viết thời Nhân Văn Giai Phẩm 1956-58.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước là “ông chủ” duy nhất, mọi quyết định sản xuất và phân phối hàng hóa dịch vụ, ấn định giá cả… đều do các viên chức hành chính của chế độ đưa ra một cách tùy tiện mà không chịu sự chi phối của quy luật cung cầu hoặc vận hành của thị trường. Về mặt chính trị, mất quyền tư hữu thì người dân không còn là công dân, một “nhân vị” độc đáo, mà chỉ là một đơn vị sức lao động trong guồng máy “kinh tế kế hoạch hóa tập trung,” các quyền tự do căn bản của một con người như bầu cử, ứng cử vào cơ quan đại diện mình để quản lý xã hội, quyền tự do biểu đạt, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng… đều bị tước bỏ hoặc hạn chế.

Tài sản xã hội tập trung vào tay nhà nước là nguồn gốc của tham nhũng, chế độ toàn trị đặt toàn dân dưới ách cai trị của công an, rình rập, theo dõi, đấu tố, bắt bớ, tra tấn là chuyện thường ngày và không loại trừ ai trong xã hội toàn trị mang tên chủ nghĩa xã hội. Hoàn toàn có thể kiểm chứng hiện tượng này ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay, hoặc ở các nước xã hội chủ nghĩa tương tự như Bắc Hàn, Cuba, Trung Quốc…

Xóa bỏ quyền sở hữu tài sản, kiểm soát mọi mặt đời sống xã hội dưới guồng máy công an trị chính là điểm cốt lõi phân biệt chủ nghĩa xã hội với các hình thái tổ chức xã hội khác từ xưa tới nay. Chủ nghĩa xã hội đã từng phát triển ở Liên Xô, các nước Đông Âu trước năm 1990, và hiện còn tồn tại với một số biến tướng ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba, Cambodia và Lào. Một số quốc gia Nam Mỹ như Venezuela tuy không do đảng Cộng Sản lãnh đạo nhưng cựu Tổng Thống Hugo Chavez và người kế nhiệm ông là Tổng Thống Nicolas Maduro đi theo sự dẫn dắt của Cuba, đã quốc hữu hóa các cơ sở kinh tế và truất quyền tư hữu của dân chúng nên thực chất Venezuela là một nước xã hội chủ nghĩa.

Vì sao đảng Dân Chủ Mỹ bị gọi là xã hội chủ nghĩa?

Chưa có bằng chứng khả tín nào khẳng định đảng Dân Chủ Mỹ và các chính trị gia hàng đầu của đảng này có chủ trương thủ tiêu quyền tư hữu tài sản của người dân Mỹ hoặc thiết lập chế độ độc tài toàn trị tước bỏ quyền tự do dân chủ của công dân để đi theo chủ nghĩa xã hội như những cáo buộc nêu trên. Trong các cuộc vận động tranh cử, những phát biểu tại diễn đàn Quốc Hội và nhiều nơi khác, không một chính trị gia Dân Chủ nào dám đụng vào quyền tư hữu thiêng liêng của người dân Mỹ, nói gì tới ý định tước đoạt hoặc hủy bỏ nó. Có thể khẳng định, bây giờ và mãi về sau, sẽ không bao giờ có một chính đảng của Mỹ đặt vấn đề thủ tiêu quyền tư hữu và thiết lập chế độ toàn trị theo mô hình Cộng Sản.

Vậy có dấu hiệu nào cho biết đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa? Những nhà quan sát chính trị thường chú ý vào một số chương trình hành động gây tranh cãi của đảng này như là dấu hiệu đảng Dân Chủ đang đi gần với chủ nghĩa xã hội. Đảng Dân Chủ chủ trương thực hiện bảo hiểm y tế cho toàn dân do nhà nước chi trả (Medicare for All), tăng thuế lợi tức lên những thành phần có thu nhập cao, miễn học phí cho sinh viên các trường đại học công lập, tăng mức lương căn bản, bảo vệ môi sinh bằng cách tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (New Green Deal)…

Các chương trình này không hoàn toàn mới mà nằm trong đường lối căn bản của đảng Dân Chủ là kiến tạo xã hội công bằng hơn bằng phân phối lại thu nhập, đề cao vai trò điều phối của nhà nước. Nhưng chúng trái ngược với đường lối xưa nay của đảng Cộng Hòa vốn chủ trương giảm thuế, đề cao thị trường tự do. Sự khác biệt, thậm chí đối lập, giữa đường lối của Cộng Hòa và Dân Chủ đã có từ xa xưa, là chuyện tất nhiên và lành mạnh trong một thể chế đa nguyên, đa đảng; cử tri có toàn quyền tìm hiểu, ủng hộ hay phản đối các đường lối đó thông qua lá phiếu của mình.

Nền dân chủ Mỹ hùng mạnh và bền vững là nhờ một phần ở sự đa dạng của đường lối chính trị giữa Cộng Hòa và Dân Chủ, giữa bảo thủ và cấp tiến, nhưng luôn bảo đảm quyền chọn lựa công bằng và minh bạch của cử tri. Sự khác biệt đó không phải là căn cứ để cáo buộc đảng Dân Chủ là “xã hội chủ nghĩa” hay “Cộng Sản.”

Nhìn rộng ra, các chương trình mà đảng Dân Chủ muốn thực thi tại Mỹ đã và đang được thực hiện với những mức độ thành công khác nhau ở Tây Âu và nhiều nước tư bản phát triển khác như Úc, Nhật Bản, đặc biệt thành công ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch. Ở các nước này, cuộc sống của người dân được bảo đảm, giáo dục và chăm sóc y tế được miễn phí (thực ra đã được tính vào phần thuế mà người dân phải đóng) mà không ai gọi những quốc gia này là Cộng Sản hay xã hội chủ nghĩa, bởi vì ở đó quyền tư hữu được bảo đảm, tự do của công dân được tôn trọng không kém ở Mỹ hay Anh.

Vì thế, sẽ không hợp lý nếu dựa vào các chương trình nâng cao phúc lợi xã hội của đảng Dân Chủ để nói rằng đảng này chủ trương “xã hội chủ nghĩa,” “sẽ đưa nước Mỹ vào con đường chủ nghĩa xã hội và suy thoái” như nhận định của Phó Tổng Thống Mike Pence.

Trong cuộc vận động ở Florida, chính ông Biden cũng đã khẳng định: “Tôi chưa từng nói một từ nào có thể khiến các bạn tin rằng tôi là một người xã hội chủ nghĩa hoặc Cộng Sản.” Giới phân tích chính trị nói chung đều cho rằng trong đảng Dân Chủ, ông Joe Biden được coi là một chính trị gia “trung dung” và “ôn hòa,” không giống bà Elizabeth Warren và ông Bernie Sanders (ứng cử viên độc lập) chủ trương tả khuynh và càng khác với nhóm các chính trị gia trẻ tuổi và cấp tiến như Dân Biểu Alexandria Ocasio-Cortez (New York) và Rashida Tlaib (Michigan).

Người Mỹ ủng hộ bình đẳng xã hội

Trở lại cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một. Sự kiện đảng Cộng Hòa sử dụng cái mũ “chủ nghĩa xã hội” để chụp lên những ứng cử viên Dân Chủ là một chiến thuật đã có từ lâu, được ông Donald Trump làm sống lại và phát triển, rồi được truyền thông cánh hữu như Fox News quảng bá sâu rộng. Chiến thuật này có chỗ thành công, nhưng phần lớn là thất bại; nó đã không thuyết phục được đa số cử tri Mỹ tin rằng nếu đảng Dân Chủ chiến thắng thì tương lai nước Mỹ sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa, trong đó chính phủ sẽ kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh và hạn chế quyền tự do cá nhân.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri ủng hộ các chương trình xã hội của đảng Dân Chủ. Thăm dò của hãng nghiên cứu trực tuyến SurveyMonkey được báo The New York Times tường thuật cho thấy ba phần năm số người được hỏi ý kiến ủng hộ “Medicare for All, một kế hoạch y tế quốc gia trong đó người dân Mỹ được bảo hiểm y tế từ chính phủ;” bảy trong mười người được hỏi ủng hộ chính phủ cung cấp giáo dục miễn phí cho sinh viên các đại học hai năm và bốn năm…

Tỉ lệ ủng hộ các chương trình xã hội của đảng Dân Chủ tăng lên do ngày càng có nhiều cử tri mong muốn chính phủ Mỹ phải hành động tích cực hơn trong việc thu hẹp bất bình đẳng về kinh tế trong xã hội Mỹ thay vì để mặc cho thị trường tự điều tiết. Ba phần năm số người được hỏi muốn chính phủ rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo, hơn một nửa số người được hỏi yêu cầu giảm cách biệt thu nhập giữa người Mỹ da trắng và người da màu. Đặc biệt hai phần ba số người được hỏi ý kiến, trong đó có nhiều người Cộng Hòa, ủng hộ đề nghị tăng thuế lợi tức thêm 2% lên những người có thu nhập trên $50 triệu hằng năm, tính cả thu nhập từ tiền lời cổ phiếu và bất động sản.

Nhưng thủ đoạn chụp mũ “xã hội chủ nghĩa” của ông Trump và đảng Cộng Hòa có những thành công. Trong số 72 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Trump có không ít người vì lo sợ bóng ma chủ nghĩa xã hội và tin vào quyết tâm chống Cộng Sản của ông. Ông Trump đặc biệt thành công ở các cộng đồng người Nam Mỹ (Hispanic) ở Florida – những người đã liều chết vượt thoát các chế độ độc tài Cộng Sản ở Cuba, Nicaragua hoặc Venezuela.

Ông Trump thắng ở tiểu bang Florida, giành hơn 370,000 phiếu phổ thông so với ông Biden, trong đó có nhiều phiếu của các cộng đồng Hispanic. “Tôi bỏ phiếu cho Trump để tránh cho Mỹ khỏi giống các nước Cuba, Nicaragua và Venezuela. Chúng tôi muốn nước Mỹ tiếp tục tự do và dân chủ thật sự. Chúng tôi ngạc nhiên thấy nhiều người Mỹ không hiểu những mối đe dọa mà chủ nghĩa xã hội đặt ra. Chúng tôi đã mất tự do ở nước mình và chuyện tương tự cũng có thể xảy ra ở đây,” ông Jose Edgardo Gomez, công dân Mỹ gốc Venezuela, nói với nhà báo sau khi bỏ phiếu cho ông Trump, theo báo Miami Herald.

Cũng theo báo này, tại Miami-Dade County có phần lớn dân cư là người gốc Nam Mỹ, tỉ lệ bỏ phiếu cho ông Biden năm nay chỉ còn 7% so với 30% bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton bốn năm trước, trong khi số phiếu bầu cho ông Trump lên tới 66%. Nỗi kinh hoàng mà chủ nghĩa xã hội để lại trong tâm trí người Cuba, Venezuela, Nicaragua là lý do dẫn tới thắng lợi của ông Trump ở Miami-Dade County, tờ báo nhận định.

Bóng ma “chủ nghĩa xã hội” cũng giúp ông Trump thu hút phiếu của cử tri người Mỹ gốc Việt, nhất là trong nhóm cử tri có độ tuổi trên 55, đến Mỹ tị nạn chính trị sau khi đã chứng kiến hoặc trải qua những nỗi đau đớn thống khổ tận cùng dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam sau ngày miền Nam thất thủ 30 Tháng Tư, 1975. Nhóm người Việt trẻ sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở Mỹ nói chung có sự lựa chọn không giống với cha anh họ và đó là nguyên nhân nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột về quan điểm chính trị ở các gia đình Việt trong mùa bầu cử năm nay.

***

Ông Trump đã thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một; nước Mỹ sắp có một chính phủ do ông Joe Biden lãnh đạo và sắp tới có thể sẽ có nhiều sự thay đổi trong chính sách thuế khóa, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường… theo hướng gần gũi hơn với đường lối của đảng Dân Chủ. Nhưng có điều chắc chắn, “Nước Mỹ sẽ không bao giờ là nước xã hội chủ nghĩa” như khẳng định của ông Trump và như những dữ kiện đã phân tích ở trên.

Có điều, với 72 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Trump, bóng ma của “chủ nghĩa xã hội” vẫn tiếp tục ám ảnh và có thể được khơi dậy như một chiến thuật chính trị nhằm phản bác những chính sách đụng chạm đến quyền lợi của tầng lớp tinh hoa giàu có nhân danh thị trường tự do và quyền của cá nhân.

Ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ đang có cuộc xung đột quan điểm giữa nhóm chính trị gia ôn hòa như ông Joe Biden và nhóm cấp tiến của các dân biểu trẻ trong Hạ Viện, mong muốn đi theo con đường xã hội phúc lợi của các nước Bắc Âu. Nếu chính phủ mới của ông Joe Biden không vượt qua được cuộc xung đột mà đi vào hướng cực đoan, cấp tiến thì bóng ma chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục chia rẽ nước Mỹ, cản trở con đường đi tới một xã hội thịnh vượng, công bằng, hàn gắn những đổ vỡ và nghi kỵ tích tụ suốt mấy năm qua. [qd]

MỚI CẬP NHẬT