Tuesday, April 23, 2024

Sức sống của văn nghệ miền Nam Việt Nam

Hiếu Chân/Người Việt

Sau khi xóa sổ Việt Nam Cộng Hòa trên bản đồ thế giới từ ngày 30 Tháng Tư, 1975, “bên thắng cuộc” đã sử dụng mọi thủ đoạn giam cầm và đàn áp tầng lớp tinh hoa của chế độ, tiêu diệt nền văn hóa giáo dục nhân bản mà miền Nam Việt Nam tạo dựng trong 21 năm độc lập tự chủ (1954-1975). Nhưng mưu đồ tàn bạo đó không thành công. Gần nửa thế kỷ trôi qua, văn hóa nghệ thuật với tinh thần dân chủ tự do của người miền Nam vẫn có sức hấp dẫn và vẫn khiến nhà cầm quyền cộng sản lo sợ.

“Vòng Tay Học Trò,” tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, một nhà văn nữ miền Nam Việt Nam trước năm 1975, được công ty Nhã Nam ở Hà Nội tái bản năm 2021. (Hình minh họa: Phạm Hoa/Thanh Niên)

Trước đây, nói tới miền Nam Việt Nam, hay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), người ta thường chỉ nói tới một bên trong cuộc nội chiến khốc liệt, nhưng bây giờ giới sử học bắt đầu nhìn nhận VNCH là một nỗ lực kiến tạo thể chế chính trị dân chủ tự do, tuy còn nhiều giới hạn do hoàn cảnh chiến tranh tự vệ, nhưng đã đạt nhiều thành quả sáng chói.

Nỗ lực kiến tạo dân chủ tự do đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nền giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng, sự phát triển của nền văn chương nghệ thuật rực rỡ, “chói sáng” và “huy hoàng” như nhận xét mới đây của ông Hoàng Hưng, một thi sĩ miền Bắc hiện sống ở trong nước, với đài Á Châu Tự Do. Đổi lại, nền văn hóa giáo dục VNCH nuôi dưỡng khát vọng dân chủ, tinh thần dân tộc và nhân bản, làm nên hồn cốt của người dân miền Nam trong giai đoạn tang thương nhất của lịch sử, tạo ra một lối sống văn minh mà nhà văn Dương Thu Hương, trong đội quân thắng trận tràn vào Sài Gòn, đã phải khóc nức nở khi nhận ra “Thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử.” Không riêng bà Hương mà hầu hết văn nghệ sĩ miền Bắc đều cảm nhận như vậy sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, đều nhận ra mình bị lừa gạt thế nào, nhưng họ không có đủ dũng cảm để phát biểu một cách quyết liệt như bà.

Lịch sử không phải luôn lầm lẫn, có lúc nền văn minh chiến thắng chế độ man rợ. Bây giờ, sau 48 năm không còn lãnh thổ quốc gia, VNCH dường như vẫn còn đó, ít nhất về phương diện văn hóa. Không chỉ hiện hữu trong các cộng đồng người gốc Việt rải rác khắp thế giới. Văn hóa nghệ thuật VNCH vẫn tiếp tục hấp dẫn các tầng lớp dân chúng trong nước và kích thích tinh thần dân chủ chống độc tài, bất chấp vô số “chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy” mà nhà cầm quyền cộng sản thực hiện liên tục từ năm 1975 đến nay.

“Văn hóa đồi trụy” là cái mũ mà nhà cầm quyền chụp lên toàn bộ tác phẩm thuộc mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh… được lưu hành và sử dụng tại VNCH trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào, trừ tiếng Nga và tiếng Hoa.

Nhưng bây giờ, các tác phẩm “văn hóa đồi trụy” đó – thực chất là thành quả của một nền văn hóa nghệ thuật tự do và nhân bản, ưu tư về thân phận con người – đã hồi sinh và được công chúng đón nhận. Những nhà sách lớn giờ đây đã bày bán một số tác phẩm xuất bản trước năm 1975 in lại dù phải qua lưỡi kéo kiểm duyệt. Có thể dễ dàng mua các tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng… trong các tiệm sách trong nước hoặc trên các mạng thương mại. “Nhạc vàng” không còn được hát và nghe lén lút, người hát không còn phải đối mặt với tù tội như ở miền Bắc ngày trước mà được “tôn vinh” trên sóng truyền hình và phát thanh, trong các cuộc thi hát  “bolero đi cùng năm tháng” có đông thí sinh từ cả ba miền Bắc – Trung – Nam tranh tài, có các giám khảo là ca sĩ nổi tiếng trong nước hoặc hải ngoại chấm điểm. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, không ít người ngạc nhiên một cách thú vị khi phát hiện toàn bộ nhạc mừng Xuân hát sang sảng trên các sân khấu, và đến tận các ngõ xóm đều là sáng tác của miền Nam trước năm 1975 và một số bản nhạc tiền chiến có trước ngày chia đôi đất nước. Đố ai tìm được một bản nhạc Xuân được sáng tác mới đây mà có sức lay động lòng người trong thời khắc giao mùa của trời đất. Ánh sáng của văn minh cuối cùng đã chiến thắng bóng tối của tuyên truyền thù hận.

Lịch sử đã có nhiều bằng chứng cho thấy, bạo quyền không thể tiêu diệt văn hóa nhân bản, dù có bao nhiêu “chiến dịch” đàn áp, “phần thư khanh nho” [đốt sách chôn học trò] như thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa. Trong cuộc ganh đua về văn hóa văn minh, nền văn minh nào phát triển hơn, cao cấp hơn sẽ thắng cho dù chủ thể của nó có thể bại trận trên chiến trường. Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục Trung Hoa rộng lớn, lập nên nhà Nguyên, nhưng dân tộc Mông Cổ vẫn bị Trung Hoa đồng hóa vì họ xuất phát từ một nền văn minh du mục thấp kém hơn. Thắng trận năm 1975, nhưng thứ tuyên truyền phi nhân, kích động hận thù, đấu tranh tiêu diệt giai cấp… của cộng sản nhanh chóng bị công chúng quay lưng, chẳng ai buồn nhắc tới. Gần nửa thế kỷ qua, ở miền Nam và rộng ra cả nước, đảng Cộng Sản Việt Nam đã thất bại thảm hại về văn hóa.

Sức sống của văn hóa nghệ thuật VNCH có phần được vun đắp bởi sự phát triển của mạng điện toán toàn cầu Internet. Internet là kho lưu trữ khổng lồ, có hàng trăm trạm (website) thư viện, thi viện, sách xưa, nhạc xưa, ảnh xưa… tập hợp gần như toàn bộ văn hóa phẩm của miền Nam trước năm 1975, dưới dạng kỹ thuật số, mà người đọc vào xem dễ dàng mọi lúc mọi nơi. Nhờ sự lan tràn của máy điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng có thể thưởng thức các tác phẩm văn nghệ của VNCH, chỉ cần vài thao tác đơn giản để vượt những bức tường lửa mà nhà cầm quyền cộng sản dựng nên. Chính sách ngu dân của đảng CSVN gần như mất hiệu lực trước sự tinh vi của công nghệ hiện đại.

Kho tàng Internet, được vô số những trí thức, học giả, nhà văn, nhà báo Việt Nam ở hải ngoại bồi bổ, giúp văn hóa nghệ thuật miền Nam hồi sinh và lan tỏa vào trong nước, đến với thế hệ trẻ. Có nhiều người đang âm thầm làm việc cho dự án lớn lao này. Một nhà thơ gầy còm, đau ốm thường xuyên nhưng vẫn lặn lội tới các thư viện Mỹ, tìm các sách vở, tạp chí đã bị cộng sản đốt trước đây, đem về chế bản, in ấn, nhân rộng ra cho mọi người cùng đọc hàng chục năm nay không ngừng nghỉ như ông Trần Hoài Thư ở New Jersey, Hoa Kỳ, là một trong những tấm gương kiên cường như vậy.

Chưa có những công trình khảo cứu nào cho thấy ảnh hưởng của văn hóa của VNCH đối với trí tuệ và tình cảm của lớp người trẻ trong nước sinh trưởng sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 hoặc với cư dân phía bắc vĩ tuyến 17 chịu sự nhồi sọ lâu dài của chế độ cộng sản, nhưng ảnh hưởng đó chắc chắn không nhỏ. Những thanh niên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, hát vang hành khúc “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang. Những sinh viên không còn ngộ nhận về Hồ Chí Minh và đảng CSVN, như trường hợp anh Nguyễn Lân Thắng – nhà hoạt động xã hội vừa bị tòa án bạo quyền kết án sáu năm tù hồi đầu Tháng Tư. Những cuộc tụ tập liên hoan của thanh niên mà người tham dự mặc quân phục các binh chủng VNCH, chạy xe jeep quân đội trên đường phố… đủ để khiến nhà cầm quyền ngủ không ngon, phải tìm mọi cách ngăn chặn.

Thiên tính của con người là hướng tới điều thiện, tình yêu, ánh sáng và tiến bộ mà những chế độ phi nhân, dù tàn bạo đến đâu, cũng không thể cản trở hay ngăn cấm. Hãy còn quá sớm để khẳng định, di sản văn hóa nghệ thuật VNCH đang góp phần hun đúc tinh thần yêu tự do, yêu dân chủ của các bạn trẻ và người dân trong trước, nhưng chắc chắn đó là hành trang không thiếu được trên con đường đấu tranh của họ tiến tới một xã hội tự do và nhân bản hơn.

Bây giờ, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trừ một thiểu số dân chúng bị nhồi sọ đến mụ mị, rất ít người Việt trong nước còn dùng chữ “ngụy” để chỉ quân đội và chế độ VNCH bởi vì thực tế gần nửa thế kỷ đã cho thấy ai là chân, ai là ngụy. Hiếm người còn gọi ngày thất thủ Sài Gòn là “ngày giải phóng” như ngôn ngữ của nhà cầm quyền mà chỉ đơn giản là ngày 30 Tháng Tư, cũng như lâu nay người ta vẫn gọi Sài Gòn thay cho cái tên dài dòng và phản cảm “Thành phố Hồ Chí Minh” dùng trong văn bản hành chính! [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT