Thursday, March 28, 2024

Tết Ta, Tết Tây

Tạp ghi Huy Phương

Năm nào cứ vào cuối Tháng Mười Hai, Việt Nam lại rộ lên tin tức bàn cãi có nên dẹp bỏ Tết Ta và chỉ dành lại Tết Tây thôi! Chúng ta gọi ngày lễ Tết này là Tết Ta cũng không sai vì người Việt cử hành ngày Tết này đã lâu đời, tuy nhiên ngày Tết này thường được thế giới gọi là Tết Tàu (Chinese New Year) hay là Tết Tuần Trăng (Lunar New Year.) Ngày Tết này còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền.

Ngoài vui chơi và ăn uống, Tết còn là dịp người dân Việt Nam hướng về ông bà tổ tiên. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Theo văn hóa Đông Á, thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau này được biết gọi là Tết Nguyên Đán.

Ý kiến nổi nhất là người ta muốn bỏ Tết Âm Lịch mà chỉ dùng Tết Dương Lịch mà thôi. Lý luận cho rằng hầu hết những nước thay đổi từ ăn Tết Ta (Âm lịch) sang ăn Tết Tây (Dương Lịch) đều rất phát triển mạnh về kinh tế, xã hội, và những bản sắc dân tộc của họ vẫn không hề thay đổi. Nhật Bản đã chuyển sang dùng Tết Dương Lịch từ năm 1873. Singapore mặc dù có 76.2% người Tàu sinh sống  theo phong tục Trung Quốc nhưng vẫn cử hành Tết Dương Lịch là chủ yếu. Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi cũng đều đón Tết Dương Lịch.

Ý kiến của Giáo Sư Võ Tòng Xuân không yêu cầu phải bỏ hoàn toàn Tết Âm Lịch, mà chỉ “ăn” 3 ngày, như vậy sự thay đổi này chưa tích cực mà vẫn còn dằng dai.

Hiện nay không chỉ người Việt ở hải ngoại tạm gọi là sung túc, mà người trong nước đang còn khó khăn vẫn dùng quá nhiều ngày lễ vào những ngày cuối năm. Từ Giáng Sinh trở đi, người ta đã trang hoàng nhà cửa, sắm sửa, tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt tưng bừng. Lễ Giáng sinh thường kéo dài những ngày nghỉ đến Tết Dương lịch, một này lễ không thể bỏ qua, với party, ăn nhậu, countdown. Sau Tết Dương Lịch hơn tháng đến Tết Ta, một ngày lễ mà mọi nhà, mọi người đều chờ đợi, tham gia trích cực, mua sắm, biếu xén, chơi hoa (đào, quất, hồng, mai…) ăn nhậu cờ bạc, đi chơi xa.

Ngày xưa, ban AVT đã than: “Tết nhất làm chi, ai bày Tết nhất làm chi, may quần may áo, lo đi chạy tiền!”

Nhà giàu ăn Tết theo nhà giàu, nhà nghèo cũng phải tính toán vất vả để cho có được một cái Tết tươm tất, không trà rượu, đào quất, thì cũng có con gà, miếng thịt heo, nồi xôi và bộ quần áo mới cho con nhỏ. Chừng đó thôi, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Dân lao động lề đường, không có tiền thưởng, không có đồng lương cố định, lấy đâu ra tiền “ăn” Tết, có khi phải vay mượn, tiêu pha để được cái “no ba ngày Tết,” cả năm đói nghèo, nhịn miếng ăn thì được, nhưng ba ngày Tết không có nhánh bông, nải chuối, miếng thịt sao đành!

Đối với người Việt chúng ta, ai “chẳng giàu thì nghèo, ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà.”

Người Việt trong nước, từ khi mở cửa, có khấm khá lên chút đỉnh, thì muốn tỏ ra mình là người cấp tiến, rộng rãi, sang trọng, nhất là muốn “trả thù dĩ vãng.” Những ngày lễ của một thứ văn hóa xa lạ của các nước khác, du nhập rất dễ dàng vào Việt Nam, thậm chí còn tiêu xài, tổ chức rềnh rang hơn cả những nước có ngày lễ này như Hoa Kỳ qua nhiều thế kỷ. Tuổi trẻ Việt Nam tưng bừng với lễ hội Valentine, Halloween… và đã tiêu pha không ít về những dịp lễ này. Rồi Giáng Sinh đến, tiếp theo là Tết Dương Lịch, theo phong tục Âu Châu và nổ bùng trong ngày “Tết Ta.”

Người Việt ta thường tiêu xài ba ngày Tết mà phải trả nợ một năm. Trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của ba ngày Tết, không ai có thể ngồi yên, mà không bị lôi cuốn vào cơn lũ Tết, phải nói là chạy theo ngày Tết mới đúng. Ít người trong năm, dành dụm tiền để “ăn” Tết, mà trông đợi vào “lương tháng 13,” “tiền thưởng Tết!” Không có thì vay mượn, hay cướp giật, trộm cắp để có tiền xài Tết.

Bằng chứng là Công An Việt Nam đã đồng loạt ra quân mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm trong dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Theo quy luật hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, hoạt động của các loại tội phạm sẽ gia tăng nên lực lượng công an Sài Gòn đã mở đợt cao điếm tấn công trấn áp tội phạm từ nay đến hết ngày 14 Tháng Hai, 2020.

Người Việt Nam có cách nói là “Ăn Tết!” Có ăn thì có nhậu. Tệ trạng nay gây bao nhiêu cảnh thảm khốc trên đường phố vì tai nạn giao thông do rượu bia gây ra. Tin trong ba ngày nghỉ Tết Dương Lịch vừa qua, toàn quốc xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông làm chết 40 người, 37 người bị thương. Mạng người sao quá rẻ.

Nói là “ba ngày Tết” nhưng trong nước hiện nay, dù chỉ là Tây (Dương Lịch) ai cũng được nghỉ ba ngày (qua mặt Âu Mỹ!) Năm ngoái, cán bộ, công chức và dân lao động làm tại các cơ quan nhà nước được nghỉ Tết Nguyên đán  liền 7 ngày, học sinh được nghỉ Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 16 ngày, … “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà, nhưng nghỉ nhiều thì tệ nạn nhiều!

Người Việt ở đâu cũng có phong tục nghìn đời là “Về quê ăn Tết!” Phi trường, nhà ga, bến xe nghẹt cứng người đi lại, chờ chực, vật vờ chờ một chuyến xe hay tàu về quê, với hành lý lích kích vì quà cáp biếu xén, qua những ngày sắm Tết tốn kém.
Người Việt Nam không ai còn lạ gì với thủ tục biếu xén (hay lo lót) trong xã hội Việt Nam, không thể quên hay thiếu sót trong ba ngày Tết.
Đây là một dịp để nhân viên nhắc nhở thủ trưởng chớ quên mình và thủ trưởng cũng nhân dịp này, đánh giá lòng trung thành của thuộc hạ. Thủ trưởng lại còn phải lo biếu xén cấp trên nữa, nên phải thông cảm.

Nếu so sánh nhịp sống của người Việt hải ngoại với đồng bào trong nước, thì người hải ngoại cũng có vui với những ngày lễ từ Tháng Mười với Halloween với kẹo cho trick & treat, y phục hóa trang, đến Thanskgiving (chủ yếu là sum họp gia đình,) Lễ Giáng Sinh, sau đó là New Year rồi đến Tết Âm Lịch. Tuy là ngày lễ lớn, nhưng vì sống ở xứ người, phải theo giờ giấc, công ăn việc làm mưu sinh, nên ngày mồng Một cũng như bao nhiêu ngày khác, nếu không rơi nhằm ngày Chủ Nhật hay Thứ Bảy, nên chỉ có chợ hoa, bánh mứt, Hội Chợ hay diễn hành Tết để bà con có nơi lui tới cho đỡ nhớ quê hương.

Tình trạng “ăn Tết” từ bao năm nay đã diễn ra như vậy, liệu những lời đề nghị gộp hai Tết làm một (?) hay bỏ Tết Âm Lịch chỉ dùng Tết Dương Lịch như Nhật Bản, liệu có ai hưởng ứng? Khổ có rồi, bo bo nhai trẹo cả xương hàm, xếp hàng cả ngày mua được lạng thịt, bây giờ là lúc xả cảng!

Nếu Việt Nam có những quy định và luật lệ được thi hành cứng rắn, khắt khe như việc dùng rượu bia, lái xe, hay ngày lễ lớn như New Year, chỉ có một ngày (trừ long weekend) thì đã không xảy ra những tệ nạn như ở Việt Nam.

Cũng không có thứ luật lệ nào, cấm đoán về phong tục, như cấm “ăn Tết” ta, thì rồi ra đâu cũng vào đấy, khi dân trí mình còn thấp, sống thiếu thực tế, chạy theo phong trào, chuộng bề ngoài.

Để khỏi bị chê là không theo truyền thống dân tộc, chạy theo Tây phương, ý kiến “ba phải” của người viết bài này, là cứ cho “ trăm hoa đua nở,” gọi là “phát huy dân tộc tính,” “ăn chơi tùy năng lực, lao động tùy ý thích,” con đường dẫn đến đâu là chuyện sống chết của chế độ. Chỉ mong nhà cầm quyền có những luật nghiêm ngặt về việc uống rượu, lái xe lâu nay làm tổn hại cho bao nhiêu mạng con người, và bớt lại những ngày nghỉ quá hào phóng, để tránh cảnh “nhàn cư vi bất thiện,” và dẹp được nạn tham nhũng, biếu xén đút lót thì thằng dân may ra mới ngẩng đầu lên nỗi!

Trị dân từ gốc, không phải cứ gộp hai ngày Tết Ta, Tết Tây làm một, hay bỏ ăn Tết Ta thì mới theo kịp văn minh, tiến bộ, mới hết nghèo. Mà ông Giáo Sư Võ Tòng Xuân cũng đừng sợ dân mình “ăn” hai cái Tết vừa Ta, vừa Tây nên không giàu nỗi. Rõ ràng là người Việt không nghèo chút nào khi người ta có thể mua một cây Giáng Sinh 100 triệu đồng (gần $5,000) hay chơi một chậu hoa mai Tết “khủng” giá 1.5 tỷ ($60,000), hay $1,000 một cặp quýt lục bình. Năm 2018, công ty nhựa Hải Dương bỏ ra gần $1.3 triệu để mua 45 xe hơi và xe máy để tặng Tết cho nhân viên!

MỚI CẬP NHẬT