Friday, April 19, 2024

Thảm họa ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ của kinh tế Việt Nam

Hiếu Chân/Người Việt

Tháng Giêng, tháng ăn chơi, chưa qua hết mà người dân đã nhận được nhiều tin choáng váng về thành tích làm ăn của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, mà nếu tình hình cứ tiếp tục kéo dài thì không biết đất nước sẽ rơi xuống vực thẳm nào.

Một mỏ than đang được khai thác ở Quảng Ninh. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) – công ty độc quyền về sản xuất, truyền tải và phân phối điện trên cả nước – ước tính sẽ bị lỗ hơn 64,940 tỷ đồng (khoảng $2.75 tỷ) trong năm nay nếu giá bán điện không thay đổi. Khoản lỗ đó, cộng với khoản lỗ 31,000 tỷ đồng năm ngoái khiến cho mức lỗ gộp hai năm 2022-2023 của EVN sẽ vào khoảng 93,000 tỷ đồng (khoảng $3.94 tỷ).

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam – bộ “chủ quản” của ngành điện lực, hôm 15 Tháng Hai cho biết EVN đang đối mặt với khó khăn chưa từng có do giá nhiên liệu tăng cao, có khả năng mất cân đối tài chính, nói trắng ra là sập tiệm. Còn EVN nói sẽ không còn tiền trong tài khoản vào cuối Tháng Năm và thiếu tiền từ Tháng Sáu. EVN sẽ thiếu 3,730 tỷ đồng ($160 triệu) trong Tháng Sáu, đến cuối năm sẽ thiếu 28,206 tỷ đồng ($1.2 tỷ). Làm ăn mà thiếu tiền trả nợ, tiền mua nguyên liệu, trả lương cho người lao động thì được coi là vỡ nợ, phá sản.

Một công ty nhỏ mà vỡ nợ thì chẳng ai quan tâm nhiều, nhưng EVN là tập đoàn khổng lồ mà sản phẩm của nó – điện năng – là hết sức thiết yếu cho toàn xã hội. EVN phá sản, ngừng hoạt động có nghĩa là toàn bộ cỗ xe kinh tế sẽ “đứng bánh” và cuộc sống của mọi gia đình sẽ rơi vào cảnh đèn dầu hiu hắt.

Thông tin EVN “lỗ khủng khiếp” có thể là thật, cũng có thể là thủ đoạn để ép chính phủ phải đồng ý cho tập đoàn này tăng giá bán điện sau khi đã tăng 13.69% mới đầu tháng này.

Không chịu thua kém ông điện lực, hôm 14 Tháng Hai, Tập Đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) báo cáo họ đang gánh khoản nợ hơn 74,000 tỷ đồng (khoảng $3.1 tỷ), gấp 1.6 lần vốn chủ sở hữu (45,000 tỷ đồng). Trong số nợ này có hơn 44,400 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, thời gian vay ngắn, phân lời cao. Tính bình quân mỗi ngày, tập đoàn này phải trả 6.5 tỷ đồng ($276,000) tiền lời!

Nhìn những con số nợ thảm hại như vậy, ai cũng phải thắc mắc, than đá, khoáng sản là thứ tài nguyên có sẵn trong lòng đất, từ đời tổ tiên truyền lại, chỉ có đào lên bán mà cũng lỗ vốn, phải vay nợ khủng khiếp như vậy là vì sao?

Một ông lớn khác của kinh tế nhà nước là Tập Đoàn Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA). Tuy không còn vị thế độc quyền “một mình một chợ” như trước, VNA vẫn được nhà nước dành nhiều ưu đãi hơn các hãng hàng không tư nhân. Ấy thế nhưng trong lúc các hãng khác báo lãi thì VNA lại lỗ chổng gọng. Theo công bố của VNA trên thị trường chứng khoán Sài Gòn, năm 2022 vừa qua, công ty lỗ 10,463 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 12,907 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 10,927 tỷ đồng – cộng gộp ba năm qua lỗ 34,297 tỷ đồng, tương đương khoảng $1.5 tỷ! Với số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu hơn 10,000 tỷ đồng, VNA đang đối mặt với khả năng cổ phiếu mã HVN của hãng hàng không quốc gia có thể bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trên đây chỉ là ba trong số nhiều “ông lớn” kinh tế của Việt Nam do nhà nước sở hữu làm ăn bết bát.

Do số liệu không đầy đủ nên chưa thể xác định tổng số nợ nần mà khối doanh nghiệp nhà nước gây ra. Một báo cáo của chính phủ gửi Quốc Hội Việt Nam cuối năm ngoái cho biết, nhà nước Việt Nam nắm 100% vốn của 673 doanh nghiệp và nắm cổ phần chi phối 153 doanh nghiệp, trong đó có 75 tập đoàn, tổng công ty có vị thế độc quyền, thường được ví von là những “quả đấm thép!” Nhiều tập đoàn, tổng công ty khác cũng thua lỗ triền miên, tuy ít được dư luận chú ý như các ông lớn kể trên. Ví dụ, đến cuối năm 2022, Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) lỗ khoảng 3,038 tỷ đồng. Tổng Công Ty Đường Sắt lỗ 1,976 tỷ đồng, Tổng Công Ty Cà Phê lỗ 453 tỷ đồng v.v…

***

Một điểm dễ nhận thấy là trong khi các công ty quốc doanh liên tục báo lỗ thì các quan chức lãnh đạo của họ vẫn giàu nứt đố đổ vách và sống rất vương giả. Trong dư luận từ lâu đã truyền tụng một xác tín là ở các doanh nghiệp nhà nước, tiền lãi thì chia chác cho nhau và cúng cho cấp trên, còn lỗ lã thì đã có ngân sách – tức là tiền thuế của người dân, tiền vay của ngoại quốc – gánh chịu.

Mỗi doanh nghiệp nhà nước móc nối với hàng chục, thậm chí hàng trăm “sân sau” – là những “công ty con,” “công ty liên kết,” do các quan chức lãnh đạo đảng và chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn hoặc vợ con họ lập ra – để rút ruột tài sản quốc gia. Các công ty con này cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho tập đoàn nhà nước với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường, hoặc được chỉ định thực hiện những gói thầu béo bở. Phương thức biến của công thành của tư đó có ở mọi công ty nhà nước và kéo dài nhiều năm, biến các doanh nghiệp nhà nước thành những ổ tham nhũng có tổ chức của đảng và chính quyền.

Đôi khi do ăn chia không đều, làm phật lòng cấp trên hoặc do nội bộ đấu đá nhau tiết lộ thông tin ra bên ngoài, một số doanh nghiệp bị thanh tra, lãnh đạo bị khiển trách, cảnh cáo, nặng hơn thì bị khởi tố, vô tù nhưng rồi đâu lại vào đó. Quan chức bị lộ có “vô lò” thì số tài sản mà chúng tham nhũng được đủ cho cả gia đình sống ung dung rất nhiều đời nên chẳng phải hối tiếc.

Vụ mới đây Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN quyết định cảnh cáo các ông Lê Minh Chuẩn (bí thư Đảng Ủy, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên TKV), ông Đặng Thanh Hải (phó bí thư Đảng Ủy, thành viên Hội Đồng Thành Viên, tổng giám đốc TKV), và ông Nguyễn Ngọc Cơ (phó tổng giám đốc, nguyên đảng ủy viên tập đoàn) là một ví dụ. “Đốt lò” không làm cho tập đoàn TKV làm ăn hiệu quả hơn, không bớt lỗ được vì tham nhũng đã thành bản chất.

Đảng CSVN cầm quyền có biết tệ nạn tham nhũng ở các công ty kinh tài của họ hay không? Biết và biết rất rõ rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến cho đảng CSVN không thể mạnh tay bài trừ nạn tham nhũng trong các công ty nhà nước. Lý do căn bản nhất là do đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng CSVN.

Giữa những năm 1980, không thể tiếp tục đường lối kinh tế tập trung đã đẩy đất nước tới bờ vực đói khát, đảng CSVN buộc phải “mở cửa,” “đổi mới.” Thế nhưng, do lo sợ kinh tế thị trường tự do làm mất cái bản chất “xã hội chủ nghĩa” – mà đặc trưng là chế độ công hữu – đảng phải thòng thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Đảng thừa nhận nhiều thành phần kinh tế (tập thể, tư nhân, nước ngoài) nhưng quy định “kinh tế nhà nước” phải giữ vai trò chủ đạo, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân!

Kinh tế nhà nước – mà đại diện là các các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh, nắm giữ lượng tài nguyên và vốn liếng khổng lồ, được ưu đãi tối đa về chính sách và tài chính, nhưng không phải tuân theo các nguyên tắc thị trường tự do, bộ máy lãnh đạo do thủ tướng bổ nhiệm – đã nhanh chóng biến thái thành những ổ tham nhũng. Thay vì chắp cánh cho đất nước đi lên như các “chaebol” Samsung, Hyundai của Nam Hàn, các tập đoàn quốc doanh Việt Nam thực sự là những “quả đấm thép” đấm nát mặt nhân dân. Chuyện đó có từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, kéo dài tới bây giờ.

Đảng CSVN đã thanh lọc hàng ngũ các quan chức chính trị, nhưng không thể cải cách các tập đoàn kinh tế một phần vì đường lối định hướng xã hội chủ nghĩa nêu trên, phần khác vì chính mô hình kinh doanh này nuôi sống guồng máy lãnh đạo chính trị thông qua các hình thức hối lộ, chạy chính sách và chia chác quyền lợi. Sự gắn bó lợi ích luôn cản trở việc thực hiện một cuộc cải cách doanh nghiệp theo hướng minh bạch, công bằng, và hiệu quả hơn.

Và do vậy, các tập đoàn cứ liên tục báo lỗ, tài sản quốc gia cứ chảy về nhà riêng của các quan chức, buộc Việt Nam phải liên tục tăng thuế, tăng giá và vay nợ để bù vào. Đến bây giờ bình quân mỗi người Việt Nam, từ đứa bé còn ẵm ngửa đến ông già gần xuống huyệt, phải gánh hơn 40 triệu đồng nợ nước ngoài – số tiền mà nhiều người trong số họ còn không biết viết thế nào cho đúng! Bà Margaret Thatcher, cố thủ tướng Anh, có câu nói để đời:“Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là tới một lúc nào đó nó sẽ tiêu hết tiền của người khác.” [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT